VNHN - Chính phủ Pháp vừa công bố một loạt cải cách trong nhiều lĩnh vực. Đây được xem là biện pháp “mạnh tay” nhất kể từ khi Tổng thống Emmanuel Macron lên nắm quyền năm 2017 và là liệu pháp để Chính phủ Pháp lấy lại niềm tin của người dân.
Chính sách cải cách được hy vọng sẽ xoa dịu làn sóng biểu tình, đình công làm chao đảo nước Pháp.
Chính sách sửa đổi đáng chú ý nhất là gói hỗ trợ tài chính cho hệ thống bệnh viện công. Trong bài diễn văn được Thủ tướng Edouard Philippe phát biểu trên truyền hình tối 20-11, gói hỗ trợ bao gồm việc xóa 10 tỷ euro tiền nợ cho các bệnh viện công, bổ sung thêm 1,5 tỷ euro trong vòng 3 năm tới để đầu tư cho hệ thống cơ sở y tế nhà nước. Bên cạnh đó, 40.000 y tá và các điều dưỡng có thu nhập chưa tới 1.900 euro/tháng sẽ được hưởng khoản tiền thưởng là 800 euro/năm. Chính phủ Pháp hy vọng, gói hỗ trợ này sẽ phần nào xoa dịu cuộc khủng hoảng trong ngành Y tế, vốn châm ngòi cho làn sóng biểu tình của các bác sĩ và y tá kéo dài nhiều tháng qua.
Kể từ năm 2004, các bệnh viện công tại Pháp phải tự bỏ tiền để thanh toán chi phí hoạt động. Giới chức y tế cho rằng việc cắt giảm hàng tỷ euro trong ngành Y tế công đã khiến một hệ thống chăm sóc sức khỏe từng khiến thế giới phải ngưỡng mộ rơi vào tình trạng thiếu các nguồn đầu tư, nhân lực bị quá tải và điều kiện làm việc xuống cấp. Những tồn tại này đã được đề cập tới nhiều lần song không được giải quyết triệt để đã đẩy cuộc khủng hoảng lên tới đỉnh điểm trong những tháng gần đây. Theo kế hoạch, các nhân viên y tế sẽ biểu tình vào ngày 30-11, trong khi các bác sĩ thực tập dự định tổ chức đình công bắt đầu từ ngày 10/12/2019. Do vậy, gói hỗ trợ được xem là kế hoạch khẩn cấp của Chính phủ Pháp không chỉ nhằm xoa dịu “cơn thịnh nộ” của đội ngũ y, bác sĩ, mà còn cứu lĩnh vực y tế công trước nguy cơ sụp đổ.
Trên thực tế, đây là một phần trong chính sách toàn diện mà Tổng thống Emmanuel Macron triển khai với mong muốn cải thiện đời sống của người dân cũng như việc tiếp cận các dịch vụ công. Ông chủ Điện Elysee còn cam kết cải tổ hệ thống lương hưu để nâng cao mức sống của người về hưu áp dụng từ năm 2021, đồng thời xây dựng cơ chế trợ cấp lương thực đối với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Chính phủ sẽ không đóng cửa bất cứ bệnh viện hay trường học nào từ nay đến năm 2022 hay giảm số lượng học sinh trong các lớp học bậc tiểu học và mầm non. Theo Tổng thống Emmanuel Macron, cách tốt nhất để đối phó với những bất công là đặt con người vào vị trí trung tâm của phương hướng phát triển những năm tới.
Những động thái thay đổi được Chính phủ Pháp đưa ra trong lúc nền kinh tế nước này đang phát đi nhiều tín hiệu tiêu cực. Mới đây, Ngân hàng trung ương Pháp (BoF) dự báo, kinh tế đất nước hình lục lăng sẽ chỉ tăng trưởng 0,2% trong quý IV-2019 và 1,3% cả năm, thấp hơn so với con số 1,7% của năm 2018. Cùng chung xu thế tăng trưởng yếu của cả khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), hoạt động kinh doanh tại Pháp trong quý cuối năm cũng diễn ra trong tình trạng ảm đạm. Thâm hụt ngân sách năm 2020 sẽ giảm xuống còn 2,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), vẫn chưa đạt được mục tiêu 2% GDP đề ra trước đó, trong khi nợ công năm tới sẽ vào khoảng 98,7% GDP, vượt xa mức 60% GDP theo quy định của Liên minh châu Âu (EU).
Trong bối cảnh như vậy, những chính sách cải cách mới được xem là lộ trình hành động của Chính phủ nhằm lấy lại niềm tin của người dân và chuẩn bị cho cuộc bầu cử địa phương vào năm 2020, bầu cử tỉnh và vùng vào năm 2021, bầu cử Tổng thống vào năm 2022.