Quán triệt những chỉ dẫn và bài học quan trọng về vai trò của nhân dân trong công cuộc xây dựng đất nước, những năm qua, cả hệ thống chính trị tỉnh Đắk Nông đã nỗ lực đổi mới, sáng tạo xây dựng nhiều mô hình vì dân có hiệu quả thiết thực, được nhân dân đánh giá cao.
"Phải gần dân, lắng nghe dân, để hiểu dân".
Trao đổi với VNHN, ông Trương Thanh Tùng - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết: trong nhiều năm qua, các cấp ủy, chính quyền, các ngành, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tích cực, chủ động nghiên cứu xây dựng các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội mang lại hiệu quả thiết thực, tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong nhân dân.
Điển hình là mô hình “Gần dân, sát dân” của một số cấp ủy địa phương; khối cơ quan hành chính có mô hình “Chính quyền thân thiện của dân, do dân và vì dân”; trong khối doanh nghiệp có mô hình “Vì người lao động”, “Gần công nhân, sát công nhân, lắng nghe ý kiến công nhân”, trong khối lực lượng vũ trang có mô hình “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”, “Phát huy trách nhiệm, hiệu quả trong thực hiện công tác chính sách”, “Cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”... Mỗi một mô hình ở các lĩnh vực khác nhau nhưng tựu chung lại là đều hướng đến lợi ích của dân, vì dân phục vụ.
Ông Trương Thanh Tùng - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Là tỉnh vùng Tây Nguyên có điều kiện kinh tế đặc thù, là nơi cư trú của hơn 40 đồng bào dân tộc, tại chỗ và nhiều tỉnh di cư về sinh sống vì vậy gặp không ít khó khăn khi thực hiện mô hình “Gần dân, sát dân” có hiệu quả thì đòi hỏi sự nỗ lực của lãnh đạo địa phương, và sự quan tâm của Trung ương. Qua mô hình này, vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên tại cơ sở đã được phát huy hơn… để thực hiện hiệu quả mô hình “Gần dân, sát dân”, mỗi tháng các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã đều sắp xếp thời gian để đến gặp gỡ các hộ gia đình hộ nghèo, cận nghèo, chính sách, có công với cách mạng, cán bộ hưu trí, đảng viên trên 40 năm tuổi Đảng, các cụ lớn tuổi có uy tín trong cộng đồng dân cư,… nhằm tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động nhân dân tham gia các phong trào tại địa phương; đồng thời qua đó nắm tình hình tư tưởng, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Trong lúc gặp gỡ, ý kiến nào giải đáp được thì cán bộ trả lời, giải quyết tại chỗ, những ý kiến nào chưa trả lời được thì ghi nhận, ghi chép lại để báo cáo với Đảng ủy, chính quyền và các ngành liên quan để giải quyết cho dân.
Ông Trương Thanh Tùng - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh nói: “Việc cán bộ, lãnh đạo địa phương xuống cơ sở nắm bắt sát sao tình hình, nguyện vọng và giải quyết kịp thời những bức xúc, thắc mắc của người dân, bà con rất hoan nghênh và đồng tình”. Điều đặc biệt là, mỗi ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, cán bộ lãnh đạo khi đi cơ sở đều trang bị cho mình cuốn sổ ghi nhật ký. Khi tiếp xúc với người dân có ghi chép rõ ràng, đầy đủ các nội dung làm việc như: Thời gian, địa điểm, đối tượng, tên tuổi, tâm tư, nguyện vọng và những yêu cầu bức xúc của dân. Bên cạnh việc tìm hiểu đời sống, trả lời và tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của người dân, cán bộ còn phối hợp với chi bộ cơ sở đến hộ dân thực hiện tuyên truyền các nghị quyết của huyện, tỉnh và trung ương, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới.
Xây dựng kế hoạch, đề ra từng công việc cụ thể hằng tuần, hằng tháng; phân công nhiệm vụ cho từng tập thể, cá nhân, cán bộ, công chức; hướng dẫn cán bộ, công chức ký cam kết thực hiện, việc làm này đã giúp cán bộ và nhân dân gần nhau hơn. Người dân có thể dễ dàng trực tiếp bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, nêu những băn khoăn, vướng mắc với cán bộ. Cán bộ tiếp nhận thông tin, nếu nội dung nào có thể giải đáp thì trao đổi ngay để nhân dân rõ, đồng thuận. Với những hiệu quả đạt được, trong thời gian qua, mô hình đã được nhân rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh và trở thành phong trào có sức lan tỏa đến các địa phương khác.
Người dân có thể dễ dàng trực tiếp bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, nêu những băn khoăn, vướng mắc với cán bộ.
Theo đánh giá của ông Trương Thanh Tùng, việc thực hiện mô hình “Gần dân, sát dân” đã phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với dân, dân với Đảng, tạo ấn tượng tốt về hình ảnh người cán bộ, đảng viên trong lòng dân; qua đó, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương.
Phải gần dân, lắng nghe dân, đó là kinh nghiệm mà Đảng ủy tỉnh Đắk Nông đúc rút được sau khi được quán triệt công tác dân vận của Đảng. Những kết quả tỉnh nhà đạt được thời gian qua cho thấy, muốn nội dung của chỉ thị, nghị quyết đến được với đông đảo bà con nhân dân thì yếu tố đầu tiên là phải gần dân, lắng nghe dân, để hiểu dân cần gì, từ đó có những hỗ trợ hay kiến nghị kịp thời đến các cấp cao hơn giải quyết thỏa đáng cho bà con. “Cán bộ được dân bầu ra để nói lên tiếng nói của dân, phục vụ nhân dân. Muốn vậy, cán bộ phải xuống thực tiễn cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân. Có như vậy mới biết người dân khó ở đâu, cần hỗ trợ gì về chính sách, những gì giải quyết được thì sẽ giải quyết luôn, còn những nội dung gì chưa giải quyết được thì cần có kiến nghị cấp cao hơn giải quyết. Với cách làm đó mà nhiều địa phương đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong phát triển kinh tế -xã hội tại địa phương” - ông Trương Thanh Tùng nhấn mạnh.
Mô hình “nghe dân nói” là cách làm độc đáo về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, cứ đều đặn theo lịch hàng tháng sẽ có 1 ngày đối thoại với người dân, như đã hẹn hàng trăm người dân trong tỉnh đã có mặt đông đủ tại điểm tổ chức buổi đối thoại. Ngoài những điểm tiếp xúc cố định, còn có điểm tiếp xúc lưu động, cũng có thể được tổ chức tại nhà của một người dân để bà con thuận tiện đi lại. Hầu hết người dân xem mô hình này là hoạt động quen thuộc. Đây là hình thức sinh hoạt dân chủ thực sự, là diễn đàn để người dân trực tiếp nói lên tiếng nói của mình đối với cấp ủy, chính quyền địa phương. Sau khi chú ý lắng nghe đại diện các đơn vị báo cáo về hoạt động lãnh đạo, điều hành các mặt kinh tế, văn hóa, chính trị của địa phương thời gian qua, người dân thẳng thắn bày tỏ quan điểm cũng như những tâm tư, nguyện vọng của mình.
Việc thực hiện mô hình “Gần dân, sát dân” đã phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với dân, dân với Đảng.
Theo người dân cho rằng; vai trò của cấp ủy, chính quyền, MTTQ ngày càng được phát huy trong cộng đồng, trong các khu dân cư. Hoạt động này là cơ hội để các cấp lắng nghe, từ đó có điều chỉnh, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bất cập nảy sinh, đồng thời từ ý kiến của người dân kiến nghị lên cấp có thẩm quyền giải quyết. Ý kiến của người dân dù lớn, dù nhỏ đều được lắng nghe, ghi nhận và xử lý giải quyết theo thẩm quyền, với cách làm đó, người dân rất phấn khởi.
Các kiến nghị tập trung vào giải quyết các thủ tục hành chính một cửa, chính sách nhà nước đối với hộ nghèo, cận nghèo, lộ giao thông, thủy lợi nội đồng, hỗ trợ nhà tình nghĩa, tình thương, bảo hiểm y tế, vệ sinh môi trường ở nông thôn… Từ hiệu quả của mô hình rất nhiều vụ việc lớn nhỏ đã được giải quyết trực tiếp, những vấn đề không thuộc thẩm quyền cũng ghi nhận để đề xuất lên cấp trên, hạn chế tình trạng khiếu kiện kéo dài. “Cán bộ được Nhân dân đóng góp xây dựng lề lối làm việc phục vụ dân, hiện các hoạt động ngày càng được nhanh gọn, chuyển biến rõ nét, không gây phiền hà và thủ tục hành chính giải quyết trước thời gian quy định”.
Ông mong muốn UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ, nhắc nhở, chấn chỉnh những nội dung còn hạn chế, đồng thời phát huy trách nhiệm của người đứng đầu nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Các mô hình, cách làm hay về công tác cải cách hành chính được triển khai nhân rộng ở các cấp, tích cực đơn giản hóa thủ tục hành chính, lấy hiệu quả công tác và tỉ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp để làm căn cứ bình xét thi đua, phát triển…