VNHN - Mấy ngày gần đây, người dân Thủ đô hết sức hoang mang, lo lắng trước vụ việc nước sinh hoạt do Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) cấp cho hàng vạn hộ dân thuộc địa bàn phía Tây thành phố Hà Nội bị nhiễm dầu.
Ai cũng biết nước là nguồn gốc của sự sống, do vậy vấn đề đặt ra cấp bách hiện nay là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối nguồn nước sinh hoạt cho người dân trên mọi vùng, miền trong cả nước trước thực trạng tài nguyên nước của nước ta đã và đang bị ô nhiễm.
Ảnh minh họa - TL
Chính vì lẽ đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẩn cấp chỉ đạo UBND tỉnh Hòa Bình, thành phố Hà Nội phải có giải pháp kịp thời bổ sung, thay thế nguồn nước bị ô nhiễm, bảo đảm cung cấp đủ nước sạch, ổn định đời sống nhân dân ở khu vực phía Tây thành phố Hà Nội.
Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương kiểm tra tình hình hoạt động của các nhà máy nước sạch trong cả nước để bảo đảm nguồn nước sạch, an toàn phục vụ nhân dân. Bộ Công an khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà không bảo đảm chất lượng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Hiện chính quyền các cấp tỉnh Hòa Bình, thành phố Hà Nội, các bộ, ngành chức năng đã vào cuộc và đang điều tra làm rõ hành vi đổ trộm dầu thải tại xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình), kể cả hành vi thiếu trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà khi biết rõ có sự ô nhiễm từ nguồn dầu thải đã không ngăn chặn kịp thời, dẫn đến sự cố ô nhiễm hệ thống nước cung cấp cho người dân tại khu vực thành phố Hà Nội, để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật...
Vụ việc ô nhiễm từ nguồn dầu thải không được ngăn chặn kịp thời, dẫn đến sự cố ô nhiễm hệ thống nước cung cấp cho khu vực phía Tây thành phố Hà Nội cho thấy: Mặc dù từ Trung ương đến địa phương đều có các cơ quan chức năng quản lý, giám sát, song họ chưa làm hết chức trách của mình, chỉ khi “mất bò mới lo làm chuồng” và người dân lĩnh đủ hậu quả của sự cố.
Tại sao khi thẩm định các dự án về nước sạch cung cấp cho cộng đồng dân cư, cơ quan chủ quản không yêu cầu đơn vị đầu tư phải có hệ thống giám sát đầu nguồn nước cung cấp cho nhà máy, cũng như phương án khả thi có nguồn cấp nước khác khi nguồn chính bị sự cố (như ô nhiễm do thiên tai, nhân tai)?
Về phía đơn vị cung cấp nước sạch cho người dân, ngoài việc có đủ năng lực về tài chính, công nghệ… còn cần nêu cao đạo đức kinh doanh, không vì lợi nhuận mà gây hậu quả xấu về sức khỏe thậm chí cả sinh mạng cho cộng đồng.
Đặc biệt, chính người dân địa phương phát hiện một xe tải 2,5 tấn bơm dầu thải đổ trộm ra khe núi sát suối Trâm tại xã Phúc Minh và Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình), cách kênh dẫn nước của Nhà máy nước sạch sông Đà khoảng 800 m vào tối 8 rạng sáng 9/10. Và họ đã báo cho chính quyền địa phương biết. Điều đó minh chứng rằng nhân dân vẫn luôn là “tai, mắt” của chính quyền các cấp. Nhưng trong vụ việc này, thông tin do người dân cung cấp đã không được chính quyền xử lý kịp thời, dẫn đến hậu quả nêu trên.