01/09/2024 lúc 09:56 (GMT+7)
Breaking News

PGS.TS. Trương Cao Dũng: Duyên phận nghề giáo cao quý

Về thăm Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, được PGS.TS. Đặng Hoài Bắc – Giám đốc Học viện chia sẻ về nhà giáo, TS. Trương Cao Dũng – Giảng viên Bộ môn Điện tử và máy tính tại Khoa kỹ thuật Điện tử 1 vinh dự được Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh Phó Giáo sư năm 2023 ngành: Điện tử; Chuyên ngành: Kỹ thuật điện tử. Ông chia sẻ “Thầy Dũng là một một nhà giáo mẫn cán, làm việc bằng trách nhiệm, bằng chữ tâm và bằng tình yêu nghề nghiệp".

PGS. TS. Trương Cao Dũng – Giảng viên Bộ môn Điện tử và máy tính tại Khoa kỹ thuật Điện tử 1, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

Vừa nhận được thông báo Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh PGS, tôi có duyên gặp TS. Trương Cao Dũng. Nụ cười tươi cùng sự nhẹ nhàng của nghề giáo, thầy đã chia sẻ về ngành điện tử yêu thích từ thời còn học phổ thông.

Duyên nghề.

PGS.TS. Trương Cao Dũng sinh ngày 03 tháng 06 năm 1980trong một gia đình có bố mẹ làm ngành GTVT tại mảnh đất Thanh Hóa anh hùng, nổi tiếng hiếu học, nhưng quê nội anh lại ở xã Hòa Thạch - huyện Quốc Oai- thành phố Hà Nội. Nhâm nhi chén trà ấm ngày đầu Đông, anh tâm sự vui:“Mình trùng ngày sinh với tay vợt huyền thoại người Tây Ban Nha Rafael Nadal, người mệnh danh là “ông vua của mặt sân đất nện” mà anh rất hâm mộ vì phong cách chơi kiên trì, dẻo dai, lì lợm đại diện cho tinh thần không bao giờ bỏ cuộc trong mọi đường bóng”.

Và rồi tôi còn biết anh là người đồng hương, cùng trang lứa học trò phổ thông.Trương Cao Dũng nổi tiếng học giỏi từ nhỏ ở thị xã Bỉm Sơn - mảnh đất công nghiệp xi măng khi liên tục là học sinh giỏi Toán toàn tỉnh, hăng say giải các bài báo trên Tạp chí “Toán học và Tuổi trẻ” dành cho lứa tuổi học sinh và là “chân sút chủ lực” của đội “7 sắc cầu vồng” trường THPT Bỉm Sơn khi tham gia sân chơi này của VTV3.  Tốt nghiệp THPT anh đã thi đỗ trường Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 2003 tốt nghiệp ngành: Điện Tử, chuyên ngành: Điện tử - Viễn thông, anh đã Kỹ sư kỹ thuật, Phòng kỹ thuật tại Công ty Điện tử Tin học Hóa Chất (Elinco), Bộ Quốc Phòng. Năm 2004 anh chuyển sang Kỹ sư, Xưởng Bảo dưỡng và Sửa chữa Thiết bị viễn thông tại Trung tâm Viễn thông khu vực I-Công ty Viễn thông liên tỉnh (VTN), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Từ năm 2006 anh là Kỹ sư điều hành mạng lưới viễn thông, Đài Viễn thông Hà Nội- Trung tâm Viễn thông khu vực I tại Trung tâm Viễn thông khu vực I-Công ty Viễn thông liên tỉnh (VTN), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

Anh luôn làm tròn trọng trách công việc và với sự nỗ lực không ngừng của bản thân, năm 2007 anh nhận bằng Thạc sĩ ngành: Điện tử, chuyên ngành: Điện tử - Viễn thông, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Sau đó, anh tiếp tục làm nghiên cứu sinh tại đây, năm 2016 nhận Bằng Tiến sĩ ngành: Điện tử, chuyên ngành: Kỹ thuật Viễn thông. Năm 2016 anh là Kỹ sư vận hành mạng lưới viễn thông, Đài Viễn thông Hà Nội tại Trung tâm Hạ tầng mạng Miền Bắc-Tổng Công ty Hạ tầng mạng (VNPT-Net), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

“Trước đây, mình đặc biệt yêu thích, đam mê và thật sự có năng khiếu Toán học và cũng yêu thích các môn xã hội, đặc biệt là lịch sử. Những cuốn sách về lịch sử như: sử ký Tư Mã Thiên, các bộ tiểu thuyết Đông Chu liệt quốc, Tam quốc diễn nghĩa,… luôn là những cuốn sách gối đầu giường của mình. Hồi đó, các bạn bè và thầy cô ai cũng nghĩ mình sẽ học ngành toán của Đại học KHTN hay Đại học Sư phạm 1 nhưng rồi, năm 1998 đó là thời kỳ bùng nổ của ngành Viễn thông nên mình lại quyết định chọn ngành Điện tử-Viễn thông của ĐH Bách Khoa Hà Nội và mình chưa từng nghĩ sẽ trở thành một người theo nghiệp giáo dục”. Ấy rồi, duyên phận nghề Giáo đến với anh, năm 2016 đến nay, TS. Trương Cao Dũng chuyển về làm Giảng viên Bộ môn Điện tử và máy tính tại Khoa kỹ thuật Điện tử 1, Học viện Công nghệ  Bưu chính Viễn thông. “Đúng là nghề chọn người!”, anh tâm sự.

Cho đến nay, thầy Dũng đã công bố nhiều công trình khoa học, tham gia xuất bản các giáo trình, tài liệu theo các hướng: Mạch tích hợp quang điện tử (Optoelectronic integrated circuits); Các hệ thống thông tin quang tốc độ cao (High-speed optical communication system); Trí tuệ nhân tạo trong quang tử (Artifical intelligence in photonics) -Mạch quang kích thước nano (Nanoscale photonic circuits); Các hệ thống IoT dựa trên điện tử nhúng (Embedded electronics based-IoT systems);… Đồng nghiệp trân quý, sinh viên, học viên quý mến anh. Vậy nên, năm 2023, TS. Trương Cao Dũng vinh dự được công nhận chức danh Phó Giáo sư ngành: Điện tử.

Luôn hết mình với yêu thích khoa học và soi đường cho tuổi trẻ.

Đồng nghiệp, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh đã và đang làm việc với thầy, đều có chung cảm nhận: tân PGS. Trương Cao Dũng  là một nhà giáo mẫu mực, tâm huyết, yêu thương học trò và đầy trách nhiệm. Ở cương vị Kỹ sư hay Giảng viên Bộ môn Điện tử và Máy tính tại Khoa kỹ thuật Điện tử 1, Học viện Công nghệ  Bưu chính Viễn thông hôm nay, thầy luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất công việc của mình. Thầy Dũng thường xuyên đổi mới về phương pháp, cập nhật về nội dung giảng dạy và đặc biệt chú trọng phát triển khả năng  tư duy độc lập, cũng như rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm cho học trò.

Thầy Trương Cao Dũng đã hướng dẫn 04 NCS bảo vệ thành công luận án TS và đã nhận được học vị Tiến sĩ; Đã hướng dẫn nhiều HVCH bảo vệ thành công luận văn ThS; Đã công bố 69 bài báo khoa học, trong đó 24bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín ISI, nhiều bài trong số đó là các bài báo ISI-Q1 mà nổi bật nhất là 02 bài báo được công bố trên tạp chí Scientific Reports thuộc hệ thống xuất bản khoa học nổi tiếng Nature; Đã hoàn thành 01 đề tài NCKH Nafosted cấp Nhà nước; 01 đề tài cấp Bộ, 03 đề tài NCKH cấp Cơ sở;Nổi bật nhất trong đó là dự án nghiên cứu “Mạng quang tử trên chip điều khiển được thông qua trí tuệ nhân tạo” với giá trị 7,6 tỉ đồng được Quỹ đổi mới sáng tạo VINIF tài trợ trong đợt đầu tiên của năm 2019 và đã hoàn thành nghiệm thu sớm nhất. Đặc biệt, thầy và một người bạn thân PGS.TS. Nguyễn Tấn Hưng, Viện trưởng viện tiên tiến về Khoa học Công nghệ (AIST) của Đại học Đà Nẵng đã được cấp 01 bằng độc quyền sáng chế: “Optical receiver using a photonic integrated circuit with array of semiconductor optical amplifiers, US Patent 11,522,322” doCục Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USTPO) cấp năm 2022’ cũng như là đồng tác giả của một bằng độc quyền giải pháp hữu ích “hệ thống kênh dẫn sóng đa chức năng”, số 3119 do Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp năm 2023;01 giải Quốc tế “Best presentation award” cho bài báo“Four Mode Demultiplexer Based on Branched Silicon Waveguides for Photonics Interconnects” năm 2022.

Trong tâm niệm của mình, thầy Dũng luôn mong muốn truyền động lực cho sinh viên, học viên trong học tập và phát triển nghề nghiệp. Thầy cũng mong muốn các thế hệ sinh viên phát huy tinh thần của tuổi trẻ để đóng góp cho ngành, cho khoa học ngành: Điện tử; Chuyên ngành:Kỹ thuật điện tử, đặc biệt trong kỷ nguyên của công cuộc chuyển đổi số hiện nay. “Cho đến nay, mình tự hào đã phát hiện, bồi dưỡng được nhiều sinh viên xuất sắc, và điều hạnh phúc hơn là các bạn đó đã quyết tâm đi theo lời khuyên của mình trong sự nghiệp phát quang con đường khoa học. Chẳng hạn, một sinh viên nữ xuất sắc là Nguyễn Thị Hằng Duy hiện đã đi Nhật Bản làm nghiên cứu sinh sau khi nhận được học bổng của chính phủ Nhật Bản; hai bạn xuất sắc nữa là Đỗ Hoàng Khôi Nguyên và Trần Thị Thanh Thủy cũng đang theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu sinh Tiến sĩ”, thầy tâm sự. Bên cạnh đó, thầy cũng cho rằng để đạt được thành công, một người thầy không bao giờ được gọi là giỏi nếu không tìm kiếm, phát hiện, đào tạo được các học trò giỏi và không cần nhờ đến các học trò giỏi. “Để đạt được thành công như bây giờ, bên cạnh việc gửi lời cảm ơn đến các đồng nghiệp, bạn bè trong lĩnh vực nghiên cứu thì lời cảm ơn lớn nhất của mình phải là lời cảm ơn đến các học trò, sinh viên, nghiên cứu sinh xuất sắc của tôi”, thầy Dũng nhấn mạnh.

Những năm tháng gắn bó với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, thầy Dũng luôn nỗ lực đóng góp sức mình vào sự phát triển của Bộ môn Điện tử và máy tính tại Khoa kỹ thuật Điện tử 1 nói riêng, của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nói chung. Sinh viên và đồng nghiệp luôn nhận thấy sự khiếm tốn, tinh thần nỗ lực học hỏi để hoàn thiện kiến thức. Bản thân từ thầy Dũng, thầy nhận được sự quý mến từ đồng nghiệp, sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh và luôn tìm cách giúp đỡ để góp phần chắp cánh ước mơ cho họ. Thầy nói: “Những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nếu có đam mê nghiên cứu khoa học và yêu thích nghiệp nhà giáo, tôi luôn tìm cách khuyến khích các bạn ấy trở thành một giảng viên đại học. Đối với những bạn muốn trở thành những kỹ sư công tác cho các công ty công nghệ, tôi luôn hết lòng giới thiệu đến các công ty công nghệ để các bạn ấy có thể thi thố tài năng và cống hiến cho đất nước”.

Thầy giáo - PGS.TS. Trương Cao Dũng (thứ 7 từ trái qua) nhận hoa chúc mừng nhân dịp Kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2023.

Những dự định tương lai và ước mơ phát triển khởi nghiệp.

Theo tân PGS. TS. Trương Cao Dũng, hiện nay những lĩnh vực khoa học công nghệ trọng yếu của thế giới sẽ hội tụ trong các lĩnh vực: Thiết kế vi mạch, máy tính lượng tử và trí tuệ nhân tạo. Thiết kế vi mạch tích hợp cỡ lớn mà điển hình cao cấp nhất là thiết kế vi xử lý hiện nay đã là công nghiệp hàng ngàn tỉ đô la và đang tăng trưởng rất nhanh trong những năm tới. Một đất nước, muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thì nhất thiết phải là đất nước có nền kỹ nghệ phát triển, phải đi tiên phong trong việc làm chủ được công nghệ bán dẫn và thiết kế vi mạch, đặc biệt là các vi mạch xử lý trong miền tín hiệu quang có tốc độ siêu cao. Cũng vậy, tương lai của kỷ nguyên số mà sự thống trị thay cho thống trị về không gian địa lý trước đây sẽ được thay thế bởi sự thống trị trong không gian số. Do đó, phát triển các công cụ xử lý dữ liệu lớn thông qua tính toán lượng tử và thực thi các giải thuật và mô hình trí tuệ nhân tạo sẽ là bước tiến mạnh mẽ trong kỷ nguyên này. “Trước đây, lĩnh vực trọng yếu tôi tập trung nghiên cứu là các vi mạch tích hợp quang và các hệ thống thông tin quang. Tương lai tới đây, tôi muốn và đang ấp ủ cho hướng nghiên cứu hợp nhất giữa tính toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo trên tảng của vi mạch quang, đó sẽ là hướng nghiên cứu sẽ được phát triển mạnh mẽ và trở thành khuynh hướng chủ đạo của lĩnh vực công nghệ cao trong tương lai”, PGS.TS. Trương Cao Dũng chia sẻ thêm.

PGS.TS. Trương Cao Dũng vinh dự nhận Giải thưởng.

Bên cạnh đó, nói chuyện với tôi, thầy Dũng cũng chia sẻ về những khó khăn của công việc nghiên cứu khoa học và trăn trở về việc làm sao thúc đẩy nền khoa học công nghệ của nước nhà. Theo thầy Dũng, tại những nước phát triển, nhà nước chi ngân sách cho phát triển khoa học rất lớn bên cạnh nhiều quỹ tư nhân nữa. Trong sự phát triển khoa học, các trường đại học, viện nghiên cứu phải là đi tiên phong hàng đầu. Các tập đoàn, công ty công nghệ cũng cần phải đẩy mạnh phát triển và đổi mới sáng tạo về khoa học công nghệ. Bởi vì, thúc đẩy KHCN là cách thức để nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao năng lực tiến bộ và là nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng. Muốn vậy, mức chi ngân sách hàng năm cho các quỹ khoa học công nghệ phải đủ lớn, phải đạt 2% tổng chi ngân sách và các tập đoàn, tổng công ty phải chi 10% lợi nhuận trước thuế vào quỹ phát triển KHCN. Theo thầy Dũng, nhà nước và các Tập đoàn, công ty khi chi cho sự phát triển KHCN phải chấp nhận rủi ro bởi vì “phải chấp nhận rủi ro thì mới tạo ra sự sáng tạo và làm nên khác biệt, nếu cứ cầu toàn thì những dự án nghiên cứu đa phần không đi được xa, không có đột phá. Giống như trong kinh doanh, đôi khi rủi ro càng cao thì lợi nhuận thu được càng lớn”, thầy Dũng bộc bạch. Cũng theo thầy Dũng, Việt Nam cần lắm nhiều hơn nữa những quỹ như VINIF của tập đoàn Vingroup. “Trong sự nghiệp của tôi, thành tựu đáng kể gần đây của tôi là nhờ công sức rất lớn từ dự án do quỹ VINIF tài trợ. Quỹ VINIF cũng chỉ có năng lực hữu hạn. Tuy nhiên, nếu Việt Nam có vài quỹ như VINIF nữa thì tôi tin rằng nhất định nền kỹ nghệ ở Việt Nam sẽ khởi sắc và thay đổi diện mạo đáng kể. Một con én chưa làm nên mùa xuân nhưng có một đàn chim én thì nhất định mùa xuân sẽ tới”, thầy Dũng ví von như vậy.

Cuối cùng, theo thầy Dũng, muốn thúc đẩy sự phát triển khoa học và công nghệ và nâng cao sự phát triển quốc gia thì tinh thần thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo đóng một vai trò quan trọng. Một nghiên cứu khoa học nếu nhận được tài trợ xong dự án mà chỉ để “bỏ kho, đắp chiếu” thì sẽ là sự lãng phí, tổn thất và vô ích mà cần lắm việc ứng dụng các thành tựu đó vào thực tiễn thông qua khởi nghiệp sáng tạo. Câu chuyện về khởi nghiệp của Google khi hai đồng sáng lập là Larry Page và Sergei Brint khi họ sử dụng phát minh về giải thuật “Page rank” để xây dựng Google từ một garage để xe thành một hãng công nghệ thuộc dạng lớn nhất hiện nay là một nguồn cảm hứng lớn cho tân PGS Dũng. “Sau khi dự án nghiên cứu được Quỹ VINIF tài trợ kết thúc, tôi đã tích lũy được một số kỹ nghệ tiên tiến và đã đầu tư để khởi nghiệp. Tôi hy vọng sẽ đạt được thành công”, thầy Dũng đã “bật mí” ngắn gọn như vậy.

Lời kết 

Trò chuyện cùng thầy bên phòng làm việc, với nụ cười tươi, vui vẻ trong từng câu chuyện, hình ảnh tân PGS.TS. Trương Cao Dũng luôn hằn trong suy nghĩ của tôi về nỗ lực vì sinh viên, vì ngành, vì khoa học. Chúc thầy Dũng vững tin và thành công hơn nữa trên con đường đã chọn.

Việt Hùng