29/11/2024 lúc 12:33 (GMT+7)
Breaking News

PGS.TS Trần Thị Như Mai: Bình dị, chân thành và giàu lòng nhân ái

PGS.TS. Trần Thị Như Mai là một nữ nhà giáo, nhà khoa học bình dị, trách nhiệm và giàu tâm huyết. Người phụ nữ giản dị, cởi mở và chân thành ấy luôn nỗ lực, hết mình với công việc và có những cống hiến ý nghĩa, thiết thực với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Bên cạnh công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, PGS. Mai thường xuyên tham gia các hoạt động khuyến học, khuyến tài tại khu dân cư và Phường Khương Thượng, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội.

PGS.TS Trần Thị Như Mai

Sinh ra trong gia đình nền nếp, trí thức tại Hà Nội, cô học trò Như Mai ngay từ nhỏ đã luôn là học sinh thông minh, học giỏi được thầy cô và bạn bè yêu mến. Tốt nghiệp THPT, bà ghi tên mình vào trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội), bắt đầu hành trình con đường của ước mơ, khát vọng của thanh xuân.

Sau khi tốt nghiệp khoa Hóa học, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội năm 1978, bà là một trong số sinh viên xuất sắc được nhà trường giữ lại làm giảng viên phụ trách công tác giảng dạy đào tạo và nghiên cứu khoa học. Từ đó đến khi nghỉ hưu, bà gắn bó với khoa Hóa học, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐH KHTN, ĐHQG Hà Nội) với biết bao kỷ niệm, những cống hiến thầm lặng. Năm 1993, bà bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Hóa học và đến năm 2002, bà vinh dự được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước phong tặng học hàm Phó Giáo sư. Trong thời gian làm việc, bà đã nhiều lần đi trao đổi khoa học tại các quốc gia có nền khoa học phát triển như Pháp, Đức, Nhật Bản,

Nhớ lại những ngày tháng vừa làm NCS vừa chăm con nhỏ mấy tháng tuổi khi chồng đi làm xa nhà tại công trường Thủy điện Sông Đà, PGS.TS Trần Thị Như Mai luôn xem đó là quãng thời gian vất vả, khó khăn nhưng cũng chính là động lực để bà mạnh mẽ vượt qua và trưởng thành hơn. Để rồi hôm nay, trong lĩnh vực NCKH, những đề tài của bà luôn được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực về xúc tác hấp phụ, nhiên liệu sinh học, dầu khí, hóa dược và môi trường với mục tiêu góp phần xây dựng, định hướng chiến lược để phát triển nền KHCN và năng lượng Việt Nam. Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Thị Như Mai tham gia tích cực trong các vấn đề nghiên cứu liên ngành trong lĩnh vực vật liệu tiên tiến, hóa dược, y sinh và khai thác và chế biến dầu khí. Bà đảm nhận vai trò Chủ tịch phản biện trong các Hội đồng tư vấn và phản biện để xây dựng các định hướng phát triển về các lĩnh vực mới như: Năng lượng mới, Khai thác và chế biến dầu khí, Chương trình Hóa dược Việt Nam, Vật liệu mới, nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng, xử lý môi trường… Đồng thời bà thường xuyên là thành viên trong các hội đồng tư vấn xây dựng các nhiệm vụ khoa học chiến lược cho các Bộ ngành như Bộ KH & CN, Bộ Công thương, Bộ GD & ĐT…

PGS.TS Trần Thị Như Mai và các nữ trí thức tiêu biểu tại Hội thảo của Câu lạc bộ các nhà khoa học nữ từng được trao tặng Giải thưởng Kovalevskaia. 

PGS.TS Trần Thị Như Mai đã chủ trì 11 đề tài các cấp, trong đó có 2 đề tài cấp Nhà nước, 4 đề tài cấp ĐHQG, 2 đề tài nghiên cứu cơ bản, 2 đề tài hợp tác với Tập đoàn Dầu khí và 1 đề tài cấp Trường. Bà đã tham gia 5 đề tài trong đó có 2 đề tài cấp Bộ và 3 đề tài cấp Nhà nước cũng như là tác giả của hơn 120 bài báo khoa học đã công bố trên các Tạp chí trong nước và Tạp chí uy tín trên thế giới. PGS.TS Trần Thị Như Mai đã tham gia nghiên cứu và chủ trì một số đề tài tiêu biểu như: Đề tài Nghiên cứu Khoa học Hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (2011 – 2012); Nghiên cứu phục hồi xúc tác FCC thải của nhà máy lọc dầu Dung Quất để tái sử dụng cho các quá trình cracking các chất thải hữu cơ và các quá trình lọc hóa dầu khác; Đề tài độc lập cấp Nhà nước – Bộ KHCN (2012 – 2014); Nghiên cứu đánh giá bản chất của các tạp chất kim loại Fe, Ni, Ca và Na lắng đọng trên xúc tác FCC cân bằng của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, từ đó đưa ra hướng xử lý các kim loại này trong giai đoạn khử muối nước của nguyên liệu dầu thô nhằm tăng hiệu quả hoạt động của phân xưởng FCC; Đề tài Nghiên cứu Khoa học Hợp tác với Tập đoàn Dầu khí (2015 – 2016). Các đề tài tham gia gồm: Nghiên cứu quy trình bán tổng hợp tetrahydro – curcumin từ curcumin trong củ nghệ, làm nguyên liệu cho dược mỹ phẩm; Đề tài cấp Nhà nước (2015 – 2017) thuộc chương trình nghiên cứu phát triển công nghệ Hóa dược đến năm 2020 tầm nhìn 2025; Nghiên cứu phát triển hệ chất hấp phụ xúc tác xử lí chất thải khí chứa nhân thơm từ công nghệ nhiệt phân cao su phế thải; Đề tài cấp Nhà nước (2020 – 2023) thuộc chương trình nghiên cứu phát triển nghiên cứu cơ bản trong công nghệ Hóa học 2020 – 2025… Bên cạnh đó, PGS. Mai đã xuất bản 2 cuốn sách: Hóa học và Công nghệ Hóa dầu và Xúc tác mao quản trong công tác giảng dạy chuyên ngành Hóa hữu cơ. Hiện nay, bà đang tập trung chấm nhiều luận án Tiến sĩ về các lĩnh vực quan trọng như: Hóa dược, Hóa sinh, Vật liệu, Hóa lý, Sinh học, Hóa hữu cơ, Chế biến dầu khí, Vật liệu mới, Hóa môi trường…; hướng dẫn nghiên cứu sinh, thạc sĩ về thuốc bảo vệ thực vật.

PGS.TS Trần Thị Như Mai tại buổi họp mặt thân mật cùng các thế hệ nữ sinh viên, học viên từng được bà hướng dẫn, đào tạo.

Trong công tác đào tạo, đến nay NGƯT.PGS.TS Trần Thị Như Mai đã tham gia đào tạo được 12 Tiến sĩ, 30 Thạc sĩ, đang hướng dẫn cho 2 thạc sĩ giáo dục phổ thông, đã hướng dẫn cho nhiều thế hệ sinh viên, học sinh; hướng dẫn cho học sinh giỏi quốc gia và thi Olympic hóa học quốc tế từ năm 1998. Hiện nay, bà đang tham gia viết sách giáo khoa môn Hóa học, hệ THPT theo chương trình đổi mới giáo dục. Một điều đặc biệt là trong rất nhiều thế hệ học trò mà PGS. Mai hướng dẫn, đào tạo thì đa số các em đều có xuất phát điểm hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Các em vừa học vừa tham gia lao động kiếm sống cùng bố mẹ. Tuy nhiên, “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, những học trò ấy đều không phụ công cô giáo, cùng với ý chí, bản lĩnh, khát vọng của tuổi trẻ, các em dần trưởng thành, vươn lên trong học tập, phát huy tài năng trong công việc, sự nghiệp. Nhiều suất học bổng từ những ngôi trường ĐH danh giá trên thế giới đã trao đến các em và hiện tại những học trò ấy đều có cuốc sống ổn định, tạo dựng vị trí quan trọng trong các cơ quan Nhà nước, Bộ ngành, Tập đoàn lớn và là những công dân có ích cho xã hội, cho đất nước. Chứng kiến từng bước đi vững chắc của học trò, PGS. Mai rất xúc động và hạnh phúc. Bà cảm thấy thấm thía gia vị của cuộc đời hơn, yêu mến học trò, sống nhân văn và thêm mạnh mẽ về ý chí, bản lĩnh.

Là cán bộ làm công tác khuyến học, khuyến tài trong khu dân cư và trong phường Khương Thượng, Q. Đống Đa, Tp. Hà Nội, PGS. Mai luôn dành sự quan tâm, sẻ chia với các cháu học sinh về tinh thần tự học. Tích cực tham gia xây dựng các phong trào hiếu học, phát hiện, động viên các cháu học sinh xuất sắc, học sinh giỏi, các cháu vươn lên trong học tập, xây dựng quỹ khuyến học; Phát triển hội viên đặc biệt là các cán bộ trẻ đang làm việc trong ngành giáo dục& đào tạo. Đồng thời, bà thường xuyên động viên các cháu nhất là các cháu cấp THPT có kế hoạch và phương pháp học tập cụ thể, khoa học nhằm đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động trong thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Với những dấu ấn cống hiến sâu đậm trong sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học, PGS.TS Trần Thị Như Mai đã vinh dự được trao tặng hiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như: Giải thưởng Kovalepskaia (cùng Tập thể nữ Bộ môn Hóa hữu cơ, Khoa Hóa học, trường ĐHKHTN – DDHQGHN, năm 1994); Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD & ĐT; Huân chương Vì sự nghiệp KH & CN; Chiến sĩ Thi đua cấp Bộ GD & ĐT năm 2007; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Giải thưởng Nghiên cứu KHCN lần thứ Nhất của ĐHQG Hà Nội; Bằng khen của Bộ GD & ĐT; Huân chương Lao động hạng Ba; Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú; Bằng khen Nữ Trí thức Việt Nam tiêu biểu năm 2011 – 2015; Nhiều Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD & ĐT về công tác tham gia tuyển chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế hệ THPT và huấn luyện đội tuyển thi Olympic hóa học quốc tế…cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen ý nghĩa khác. Đặc biệt, các năm 2021 – 2022, bà là một trong số ít nữ nhà giáo, nhà khoa học liên tiếp đón nhận Danh hiệu Tri thức, Nhà khoa học Sáng tạo và Cống hiến vì đã có cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong các lĩnh vực Văn hóa, Khoa học, Giáo dục và các hoạt động xã hội của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam.

Tiến Đức