02/11/2024 lúc 16:30 (GMT+7)
Breaking News

Ông Trương Minh Trung – Phó TGĐ VRG: Sản xuất mủ Mixture và các giải pháp quản lý hàm lượng mủ cao su nhằm tăng giá trị thành phẩm

Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị thành viên, VRG đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai sản xuất sản phẩm cao su hỗn hợp (Mixture) và công tác quản lý hàm lượng mủ cao su; định hướng, giải pháp năm 2024 và các năm tiếp theo, vào ngày 26/4. Ông Trương Minh Trung – Phó TGĐ VRG đã có cuộc trao đổi với VNHN về vấn đề này.

PV: Được biết, Tập đoàn thực hiện định hướng, kế hoạch phát triển sản phẩm mới - dòng sản phẩm Cao su hỗn hợp (Mixture) mang thương hiệu VRG cụ thể như thế nào thưa ông?

Ông Trương Minh Trung: Sản xuất kinh doanh (SXKD) cao su là một trong những ngành chủ lực của Tập đoàn, với 57 đơn vị có sản phẩm cao su chế biến và gửi nguyên liệu gia công chế biến, với 25 dòng sản phẩm cao su được chế biến từ nguyên liệu khai thác và thu mua. SXKD cao su đã đóng góp một phần không nhỏ vào kết quả sản xuất chung của toàn Tập đoàn, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của Tập đoàn.

Ông Trương Minh Trung – Phó TGĐ VRG (thứ 4 từ trái sang) kiểm tra mẫu SVR 10 Mix sản xuất tại Nhà máy chế biến mủ Cao su Chư Mom Ray.

Từ nhu cầu đối với chế biến sản phẩm cao su hỗn hợp (Mixture) trên thị trường khá lớn, với điều kiện sẵn có tại các đơn vị có bề dày kinh nghiệm về chế biến và các đơn vị vừa được đầu tư nhà máy chế biến có những tiềm năng, lợi thế nhất định khi tiếp cận với công nghệ mới. Vì vậy, Tập đoàn đã bổ sung thêm sản phẩm cao su hỗn hợp cho nguồn sản phẩm cung ứng được nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất đa dạng chủng loại của Tập đoàn; sản phẩm cao su hỗn hợp đang được thị trường ưa chuộng, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, khu vực Trung Đông,…; tăng khả năng cạnh tranh, đem lại hiệu quả trong SXKD của đơn vị và tạo điều kiện cho đơn vị chủ động trong SXKD, có thị trường đa dạng và có nhiều sự lựa chọn đầu ra cho đơn vị.

Với sự chỉ đạo thống nhất, quyết liệt, sâu sát của lãnh đạo Tập đoàn, sự nỗ lực của các Ban chuyên môn Tập đoàn và sự chủ động đồng hành của các đơn vị thành viên, đã đóng góp xây dựng và triển khai các nội dung, nhiệm vụ được giao. Tập đoàn đã xây dựng và ban hành áp dụng 4 tiêu chuẩn TCCS về Quy định kỹ thuật chất lượng và Quy trình công nghệ chế biến cao su hỗn hợp, các tiêu chuẩn cơ sở TCCS làm nền tảng tiêu chuẩn để phát triển sản phẩm cao su hỗn hợp, bao gồm: TCCS 116:2022, TCCS 117:2022, TCCS 119:2023, TCCS 120:2023.

Trong năm 2023, Tập đoàn đã phân bổ kế hoạch sản xuất sản phẩm SVR 3L Mix và SVR 10 Mix cho các đơn vị thành viên. Sau gần 1 năm thực hiện chủ trương phát triển sản phẩm cao su SVR Mix, đến 31/12/2023, Tập đoàn đã có sản phẩm chế biến là 7.251,58 tấn (trong đó, SVR 3L Mix 1.002,92 tấn, SVR 10 Mix 6.248,65 tấn), doanh thu đạt 242,102 tỷ đồng. Sản phẩm cao su hỗn hợp của Tập đoàn được khách hàng trong, ngoài nước đón nhận và đánh giá cao. Với sản lượng chế biến đã đạt được, chưa đáp ứng đủ nguồn cung mà các khách hàng của Tập đoàn mong muốn. Sản lượng cao su hỗn hợp đã chế biến năm 2023 vẫn còn ở mức rất khiêm tốn so với năng lực của Tập đoàn và nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

PV: Để đảm bảo chất lượng sản phẩm cao su hỗn hợp (Mixture) sự chủ động ngay từ các đơn vị sản xuất như thế nào?

Ông Trương Minh Trung:  Trong công tác triển khai sản xuất sản phẩm cao su hỗn hợp trong năm 2023, lãnh đạo Tập đoàn ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động, tích cực và nỗ lực trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cao su hỗn hợp của các đơn vị thành viên khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là Cao su Chư Mom Ray, Kon Tum.

Năm 2024, Tập đoàn giao kế hoạch sản xuất sản phẩm cao su Mix cho các đơn vị là 7.500 tấn SVR 3L Mix và 29.000 tấn SVR 10 Mix. Các đơn vị cần chủ động rà soát và tính toán điều kiện thực tế có sẵn tại đơn vị mình, xây dựng kế hoạch năm 2024 để thực hiện chế biến sản phẩm cao su hỗn hợp Mix thực hiện đúng theo định hướng của Tập đoàn.

Hướng tới sản xuất chất lượng mủ hỗn hợp

Về mục tiêu và định hướng phát triển sản phẩm, Tập đoàn tiếp tục xây dựng, phát triển sản phẩm cao su hỗn hợp thống nhất trong các thành viên có chất lượng tiên tiến, vượt trội, ổn định so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Tiếp tục đầu tư thiết bị phục vụ sản xuất sản phẩm cao su hỗn hợp đáp ứng và đảm bảo với yêu cầu theo đúng tiến độ, trang bị máy móc thiết bị hiện đại, tiên tiến, đồng bộ, hướng đến mục tiêu phù hợp với công nghệ, sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn của Tập đoàn với giá thành cạnh tranh. Bổ sung bộ tiêu chí đánh giá năng lực, điều kiện, chất lượng sản phẩm cao su hỗn hợp. Tổ chức đánh giá định kỳ, đột xuất nhằm duy trì, đảm bảo thương hiệu chất lượng sản phẩm cao su hỗn hợp cung cấp ra thị trường. Tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo thực hiện đúng quy định và định hướng của Tập đoàn.

Bên cạnh đó, có giải pháp hiệu quả hơn nữa để đo lường đầy đủ hơn sự thỏa mãn của khách hàng và cập nhật thường xuyên các yêu cầu mới về chất lượng từ khách hàng. Kịp thời soát xét, điều chỉnh tiêu chuẩn TCCS của Tập đoàn về yêu cầu chất lượng sản phẩm cao su hỗn hợp, quy trình công nghệ chế biến và yêu cầu quản lý phù hợp. Tiếp tục đẩy mạnh quảng bá sản phẩm cao su hỗn hợp của Tập đoàn về chất lượng, sự đồng đều và tính ổn định của sản phẩm đến trên các phương tiện truyền thông, các hội chợ triển lãm sản phẩm. Tăng cường nhận diện thương hiệu một cách có hiệu quả, từ đó, giúp các đơn vị thành viên yên tâm sản xuất. Tối ưu hóa chuỗi cung ứng thông qua việc lựa chon các nhà cung cấp nguyên liệu cao su SBR 1502 có uy tín và đảm bảo chất lượng ổn định, thiết lập các thỏa thuận, hợp tác dài hạn với các nhà cung ứng tin cậy.

PV: Về giải pháp quản lý hàm lượng mủ cao su trong thời gian tới thưa ông?

Ông Trương Minh Trung: Công tác quản lý hàm lượng mủ cao su luôn được Tập đoàn quan tâm, chú trọng và tăng cường. Hệ thống các văn bản, quy định của Tập đoàn đầy đủ các cơ sở pháp lý để các đơn vị triển khai thực hiện công tác quản lý hàm lượng mủ cao su đảm bảo tin cậy, minh bạch, khách quan. Nhìn chung, các đơn vị cũng đã thực hiện khá tốt việc ban hành các quy định để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị, phân bổ tại nhiều khu vực trong Tập đoàn vẫn chưa làm tốt công tác quản lý hàm lượng mủ cao su, vẫn còn những trường hợp chưa nhất quán trong việc tổ chức thực hiện công tác quản lý hàm lượng mủ cao su và tuân thủ triệt để các quy định đơn vị đã ban hành,…

Tiêu chuẩn TCCS 111:2016 ban hành trong bối cảnh nguồn nguyên liệu chính của giai đoạn này chủ yếu là mủ nước, còn nguồn nguyên liệu mủ đông, mủ chén, tạp… được xem là nguồn nguyên liệu mủ phụ (khoảng 15%). Năm 2019, định hướng cơ cấu nguyên liệu của Tập đoàn có lộ trình điều chỉnh lớn, chuyển biến nhanh, mạnh. Tỉ lệ mủ nước giảm, tỉ lệ mủ đông tăng nhanh. Năm 2021, cơ cấu nguyên liệu mủ đông tăng lên 47%, định hướng tiếp tục tăng trên 50% đến năm 2035; số đơn vị thành viên mới có nguyên liệu đưa vào khai thác, đơn vị có NMCB mới đưa vào hoạt động, đơn vị thu hoạch 100% mủ đông chén tăng nhanh,… trong khi các quy định trong tiêu chuẩn TCCS 111:2016 chưa đủ căn cứ pháp lý, giải pháp để tổ chức thực hiện đạt mục tiêu. Do vậy, cần thiết phải soát xét, điều chỉnh tiêu chuẩn TCCS 111:2016 cho phù hợp với thực tế.

Phó Tổng giám đốc Trương Minh Trung (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra chất lượng mủ tại vườn cây cao su Hà Tĩnh

Ngày 8/8/2023, HĐQT VRG ban hành Quyết định số 228/QĐ-HĐQTCSVN về việc ban hành áp dụng tiêu chuẩn TCCS 111:2023 về Quy định quản lý thu gom, bảo quản, vận chuyển và nghiệm thu nguyên liệu mủ cao su thay thế tiêu chuẩn TCCS 111:2016. Quy định thống nhất các công đoạn quản lý, thu gom, bảo quản, vận chuyển và nghiệm thu nguyên liệu mủ cao su đầu vào từ nguồn nguyên liệu khai thác, thu mua để chế biến các chủng loại cao su có chất lượng vượt trội. Đồng thời, quy định quản lý nhập, xuất, tồn nguyên liệu khi chuyển công đoạn và quản lý sai lệch hàm lượng cao su khô nguyên liệu và thành phẩm sau chế biến.

Ngày 22/8/2023, Tập đoàn ban hành công văn số 2226/CSVN-CN về việc đôn đốc các đơn vị thành viên thực hiện Quyết định số 228/QĐ-HĐQTCSVN về Quy định quản lý thu gom, bảo quản, vận chuyển và nghiệm thu nguyên liệu mủ cao su theo tiêu chuẩn TCCS 111:2023. Nhìn chung, các điều chỉnh trong TCCS 111:2023, phù hợp với thực tiễn sản xuất, đủ cơ sở để các đơn vị thành viên Tập đoàn áp dụng để tổ chức thực hiện nhằm mục tiêu thống nhất một số quy định cơ bản cần tuân thủ để thực hiện công tác quản lý hàm lượng mủ cao su nguyên liệu khai thác – thu mua – gia công toàn Tập đoàn; đảm bảo tin cậy, công khai, khách quan, minh bạch, thuận tiện trong tổ chức thực hiện, phối hợp kiểm tra, giám sát; tăng cường thêm căn cứ pháp lý để giám sát tính tuân thủ và làm cơ sở để các đơn vị cao su thành viên Tập đoàn xây dựng quy định nội bộ phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế tại đơn vị, thuận lợi, hiệu quả trong tổ chức thực hiện.

Trong công tác quản lý hàm lượng mủ cao su lãnh đạo Tập đoàn ghi nhận sự tuân thủ, chấp hành của phần lớn các công ty cao su thành viên Tập đoàn. Đặc biệt đánh giá cao hệ thống quản lý, công tác tổ chức thực hiện quản lý tốt hàm lượng mủ cao su của những đơn vị khu vực Đông Nam bộ. Khu vực Đông Nam bộ mặc dù có rất nhiều dòng sản phẩm, công tác quản lý hàm lượng mủ cao su rất phức tạp nhưng khu vực này cũng có nhiều đơn vị điển hình trong công tác quản lý hàm lượng mủ cao su. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều tồn tại cần tiếp tục có giải pháp để thực hiện tốt hơn nữa các yêu cầu của Tập đoàn trong thời gian tới.

Tác giả thực tế vườn cây cao su Nghệ An

Đối với công tác quản lý hàm lượng mủ cao su, Tập đoàn tiếp tục soát xét, điều chỉnh, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chế, quy định nhằm bổ sung thêm các giải pháp quản lý, giải pháp kỹ thuật và tăng cường giám sát công tác quản lý hàm lượng mủ cao su  một cách chặt chẽ. Ban hành áp dụng hướng dẫn tổ chức thực hiện quản lý hàm lượng mủ cao su khai thác, thu mua, gia công.

Giao Ban Công nghiệp chủ trì phối hợp với các ban chuyên môn Tập đoàn tiếp tục theo dõi, đánh giá việc chấp hành các quy định của Tập đoàn trong công tác quản lý hàm lượng mủ cao su. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của Tập đoàn trong công tác quản lý hàm lượng mủ cao su tại các đơn vị thành viên. Theo dõi, đánh giá, tham mưu khen thưởng định kỳ, đột xuất cho các đơn vị thành viên thực hiện quản lý tốt công tác quản lý hàm lượng mủ cao su. Chủ động tham mưu, phối hợp nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy cán mẫu mủ đông phù hợp với tiêu chuẩn hiện hành, phù hợp điều kiện đặc thù các vùng khó khăn của Tập đoàn và triển khai áp dụng trong toàn Tập đoàn.

Tất cả các đơn vị cao su thành viên Tập đoàn có nguyên liệu cao su khai thác, thu mua, gia công, nghiêm túc thực hiện các quy định quản lý hàm lượng mủ cao su của Tập đoàn. Rà soát kiện toàn nhân sự chuyên trách thực hiện công tác QLCL; bố trí nhân sự có chuyên môn, phù hợp để thực hiện các công tác liên quan đến quản lý hàm lượng mủ cao su nguyên liệu, thành phẩm. Từng bước đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu công tác quản lý hàm lượng mủ cao su. Chú trọng trang bị đầy đủ dụng cụ, thiết bị nghiệm thu theo quy định. Rà soát, hoàn thiện hệ thống các quy định nội bộ liên quan đến quản lý hàm lượng mủ cao su, quản lý, xử lý sai lệch nguyên liệu, thành phẩm, tuân thủ các quy định của Tập đoàn. Tăng cường các giải pháp nhằm kiểm soát sai lệch, tăng độ tin cậy của kết quả; tổ chức thực hiện công khai, khách quan.

PV: Theo ông, định hướng SX sản phẩm Cao su hỗn hợp sẽ đưa lại hiệu quả cho tương lai tới là gì?

Ông Trương Minh Trung: SXKD cao su là lĩnh vực chủ lực của Tập đoàn, định hướng phát triển sản phẩm mới (sản phẩm Cao su hỗn hợp) của Tập đoàn là định hướng chiến lược quan trọng góp phần lớn khắc phục những tồn tại, khó khăn của ngành, đóng góp vào kết quả và hiệu quả SXKD của toàn Tập đoàn. Bên cạnh đó, công tác quản lý hàm lượng mủ cao su cũng là một trong những công tác quan trọng, xuyên suốt ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả SXKD cao su của Tập đoàn, thu nhập của người lao động và đặc biệt là niềm tin, sự ổn định trong tổ chức. Do đó, lãnh đạo Tập đoàn đề nghị các công ty cao su thành viên cần tập trung các giải pháp đẩy mạnh phát triển sản phẩm cao su hỗn hợp để khai thác các lợi thế của sản phẩm hiện có, gia tăng giá trị, tăng thêm cơ hội bán hàng và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Trong công tác quản lý hàm lượng mủ cao su, tập trung các giải pháp củng cố, tăng cường công tác quản lý hàm lượng mủ cao su khai thác, thu mua, gia công, đảm bảo tin cậy, khách quan, minh bạch, tạo niềm tin cho người lao động, khách hàng và đảm bảo hiệu quả SXKD. Qua đó, góp phần giúp VRG tiếp tục giữ vai trò nòng cốt, tiếp tục dẫn dắt ngành cao su Việt Nam phát triển.

Vâng! Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông với bạn đọc Việt Nam Hội nhập.

Thực hiện: Anh Bình - Minh Trí

...