03/01/2025 lúc 01:47 (GMT+7)
Breaking News

Ông Phạm Phú Ngọc Trai: Khởi nghiệp không thể đi ngược xu thế hội nhập

VNHNO - Ông Phạm Phú Ngọc Trai cho rằng, ở thời đại hiện nay khởi nghiệp phải đi nhanh, đột phá và khác biệt theo sự phát triển của thế giới.

VNHNO - Ông Phạm Phú Ngọc Trai cho rằng, ở thời đại hiện nay khởi nghiệp phải đi nhanh, đột phá và khác biệt theo sự phát triển của thế giới.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai đặt nhiều kỳ vọng vào định hướng "quốc gia khởi nghiệp" tại Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai - Nhà sáng lập và chủ tịch Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC) là chuyên gia trong hội đồng chuyên môn cuộc bình chọn Startup Việt 2018 do VnExpress tổ chức. Ông chia sẻ lời khuyên cho thế hệ khởi nghiệp mới ở Việt Nam và lý do lần thứ hai đồng hành cùng chương trình Startup Việt 2018.

Vì sao ông đồng ý làm giám khảo cuộc bình chọn Startup Việt của VnExpress?

Tôi nghĩ rằng đây là trách nhiệm của người tham gia với xã hội, đặc biệt trong cụm khởi nghiệp. Lần thứ hai tham gia, tôi nhận thấy chương trình có nhiều cải thiện, đưa tới những tiêu chí phù hợp với suy nghĩ của tôi trong định hướng phát triển về một tầm nhìn của startup cho Việt Nam. 

Có thể thấy rõ sự đa dạng ngành như thương mại, bất động sản, dịch vụ, giáo dục, y tế nhưng giống nhau là các dự án đều ứng dụng công nghệ tạo sự khác biệt. Những tiêu chí đó rất tốt, phù hợp với định hướng, tầm nhìn của một quốc gia nói chung và khởi nghiệp cho từng lĩnh vực nói riêng. Trong đó tôi tâm đắc ở chỗ có định hướng mang tính toàn cầu hóa, điều này đúng với sự mong đợi của tôi về một thế hệ startup của Việt Nam.

Thứ hai là quy trình sàng lọc kỹ với 400 dự án chỉ còn 25 vào vòng trong, đa số không chỉ là ý tưởng mà đã hình thành cụ thể bằng những trải nghiệm. Sau đó, các dự án được chia ra từng nhóm, có mentor, tiếp đến là hội đồng bình chọn với những người có uy tín... 

Thậm chí trong lúc đánh giá có phản biện để người tham gia tạo thị trường, mạng lưới. Tôi cho rằng điều này không chỉ có ý nghĩa với 25 startup hay người có giải mà còn tạo một phong trào sáng tạo, đổi mới hoặc tinh thần khởi nghiệp phải đi theo quy trình này. 

Thứ ba là dư âm cuộc bình chọn để lại ấn tượng lớn trong cộng đồng startup Việt Nam với trên dưới 3.000 công ty dù mỗi năm mất đi khoảng một nửa vì yếu tố không bền vững. Tôi hy vọng thông qua đây không chỉ các startup tham gia mà các dự án khởi phát sau này sẽ trưởng thành hơn.

Ông nhận thấy những vấn đề nào startup tại Việt Nam thường mắc phải?

Một trong những nguyên nhân đưa tới sự không bền vững và con số 90% thất bại là do startup thiếu kinh nghiệm về quản lý, quản trị. Tôi thấy các bạn làm ra sản phẩm nhiều nhưng lại chưa đặt ra câu hỏi tại sao và cũng không cộng tác với nơi nào giúp các bạn làm tốt việc quản trị. Tôi vẫn nhấn mạnh là sáng tạo không có tầm nhìn sẽ không bền vững, có nghĩa tại sao người ta phải sử dụng sản phẩm của bạn.

Tôi đi làm việc cho dù không phải là khởi nghiệp cũng bắt đầu bằng câu hỏi tại sao phải đi làm công, vì rõ ràng đó là cách để tôi tích lũy kiến thức tốt nhất. Với startup tôi luôn khuyên rằng hãy thực tế, đừng tưởng tượng bởi giấc mơ một hai năm sẽ mất, đừng để chết vì thiếu hiểu biết. 

Đâu đó trên thế giới, trong khu vực hoặc thậm chí ở Việt Nam có những sản phẩm tương tự mà mình chưa có kiến thức, chưa biết đến sự tồn tại, chỉ nhảy vào mà thiếu dữ kiện, kiến thức. Nhiều startup đang chạy theo chứ không phải là người dẫn đầu, trong khi đó bản chất startup phải làm được điều khác biệt, thực tế và đặc biệt phải hiểu được vì sao người ta chọn mình. 

Khi biết được hành vi của người tiêu dùng, khách hàng thì mới chiếm được thị trường mình mong muốn. Kiến thức là vô hạn nhưng giá trị tạo ra từ kiến thức là hữu hạn và chính giá trị này mới tạo ra sự thành công. Vì vậy, một mặt là tích lũy kiến thức nhưng để sử dụng kiến thức đó tạo giá trị thì cần cộng hưởng với định hướng, tầm nhìn, kỹ năng lãnh đạo, làm việc chung, kỹ năng gắn kết và suy nghĩ chiến lược mới tạo ra thành công.

Theo một khảo sát của Navigos Research, 64% bạn trẻ Việt Nam khi được hỏi chọn khởi nghiệp là điểm khởi đầu sự nghiệp hơn là "làm thuê", 2/3 bạn trẻ cho biết mong muốn khởi nghiệp trong ba năm tới. Động lực khởi nghiệp của thế hệ Y là mong muốn được trở nên giàu có, muốn làm chủ và khẳng định thương hiệu cá nhân. 

Kết quả này phần nào giải thích được việc các doanh nghiệp startup chỉ dừng ở ý tưởng hay và sáng tạo, tuy nhiên khả năng hiện thực hóa vẫn rất thấp do các nhà sáng lập thường thiếu kiến thức và kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh và quản trị doanh nghiệp.

Tại Mỹ, những người khởi nghiệp thường có kinh nghiệm làm việc tại các doanh nghiệp lớn để có cơ hội va chạm thực tế và tích lũy kinh nghiệm. Ở Việt Nam, các startup trẻ thường bắt đầu với suy nghĩ quá ảo tưởng với kinh nghiệm thực tế về thị trường cũng như năng quản lý doanh nghiệp hầu như không có. 

Để thành công trong khởi nghiệp, chỉ có ý tưởng hay sản phẩm thì khả năng thất bại của bạn sẽ rất cao, vì đó chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ nằm ở việc cụ thể hóa ý tưởng bằng việc xây dựng tầm nhìn, lộ trình phát triển và chiến lược kinh doanh, quản trị doanh nghiệp hiệu quả. Bền vững phải luôn là định hướng của sự phát triển. 

Ông sẽ đầu tư như thế nào nếu tìm thấy một dự án hấp dẫn thông qua chương trình bình chọn Startup Việt 2018?

Nếu có dự án hấp dẫn chắc chắn tôi sẽ đầu tư. Một trong những sự mong đợi của tôi là ít ra sẽ giới thiệu một số dự án cho các doanh nghiệp Việt Nam chứ không phải chỉ là quỹ đầu tư. 

Các startup hiện nay chỉ cần người đầu tư đóng góp về tài chính nên thường nghĩ đến các quỹ nhiều hơn. Tuy nhiên, tôi cho rằng nhu cầu thực tế của hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam là không phải tất cả đều có phòng nghiên cứu và phát triển.

Cá nhân tôi đang đi tìm một cơ hội để xem ngoài kết nối còn có thể hỗ trợ được những phần các bạn đang thiếu, nhất là về việc quản lý, quản trị. Theo tôi, tài chính không phải là phức tạp bởi khi tính khả thi cao thì rất nhiều người muốn bỏ tiền vào đầu tư. Quan trọng nhất là làm sao cho khả thi và khả thi xong phải bền vững. 

Với những kinh nghiệm về mặt quản trị, tôi có thể giúp các bạn quản lý, qua đó tránh thất bại vì thiếu hiểu biết về thị trường, hệ thống phân phối bởi các bạn chỉ đi vào đổi mới sáng tạo trong khi đó chỉ là công cụ để phục vụ việc kinh doanh.

Ông nhận xét như thế nào về hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay?

Hệ sinh thái của chúng ta đang đi đúng theo xu thế chung nhưng chính sách và phong trào thì quá nhiều. Đầu tiên tôi muốn các bạn nên thiết thực và lưu ý về một thị trường lớn là mấy trăm nghìn doanh nghiệp đã lập nghiệp. Đây chính là cơ hội cho startup khi đi tìm sự sáng tạo giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững. 

Còn khởi nghiệp cũng phải hiểu là các bạn dựa vào các doanh nghiệp này để giúp mình tồn tại, phát triển. Ngược lại, các công ty Việt Nam phải thấy rằng đây chính là cơ hội để bù đắp mảng R&D hoặc quản trị sự thay đổi khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang xảy ra.

Mặc dù nguồn vốn vào các thương vụ khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam đã có sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm ngoái nhưng chỉ chiếm chưa đến 5% so với tổng vốn đầu tư ở khởi nghiệp tại khu vực Đông Nam Á là 7,86 tỷ USD vào 2017 theo TechinAsia. Tỷ lệ thất bại của các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn ở tỷ lệ cực cao là 90%.

Hiện nay nước ta có nhiều vườn ươm khởi nghiệp hay quỹ hỗ trợ khởi nghiệp nhưng vẫn chưa thực sự tạo ra sự liên kết giữa các thành phần trong hệ sinh thái. 

Điều cần nhất hiện nay là phát triển được một không gian chung về khởi nghiệp như cầu nối giúp liên kết các startup không chỉ với nhà đầu tư mà còn với các mentor, doanh nghiệp và cả Chính phủ, các cơ quan Chính phủ. 

Việc xây dựng không gian liên kết chung có thể giải quyết được những hạn chế và rào cản trong hành trình khởi nghiệp của các startup cũng như góp phần xây dựng những giá trị chung để phát triển bền vững.

Ông kỳ vọng ra sao về định hướng "quốc gia khởi nghiệp" với tất cả nguồn lực và những gì chúng ta đang có hiện nay?

Tôi nghĩ mình không bỏ sự mong đợi đó bởi phong trào đã được kích lên số lượng rất tốt, có nghĩa phong trào làm tăng ý thức của các bạn trẻ về khởi nghiệp thì quốc gia càng giàu, trong đó có bản thân các bạn. 

Đó là điểm tích cực mà không phải quốc gia nào cũng có. Nếu đi đúng theo sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam cho đến năm 2020 theo Chính phủ là có một triệu doanh nghiệp và Quốc hội cho là khó vì nhiều doanh nghiệp đóng cửa, thì khởi nghiệp sẽ đóng vai trò rất đột phá. 

Nếu đi được, gắn với sự phát triển với trục số doanh nghiệp này thì startup sẽ đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của nền kinh tế. Vì vậy quốc gia khởi nghiệp vẫn là cái đau đáu trong lòng của những người mong muốn nó phát triển bằng chính doanh nghiệp tư nhân của mình bởi đóng góp về sự thay đổi đến nhiều từ startup.

Ví dụ 30 tập đoàn có lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng có phòng nghiên cứu và phát triển nhưng tới giờ người ta vẫn chưa đầu tư vào khởi nghiệp. Đó là tình trạng chung của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Ngược lại các công ty càng phát triển thì càng cần đi tìm sự đột phá. 

Nếu hệ sinh thái quốc gia hướng theo con đường đó thì với số lượng và tinh thần khởi nghiệp sẵn có thì chúng ta sẽ trở thành quốc gia khởi nghiệp bởi đó chính là những thành tố cụ thể đóng góp vào GDP và tương lai nền kinh tế của đất nước. 

Ông kỳ vọng ra sao vào một thế hệ mới có khát vọng khởi nghiệp lớn như hiện nay tại Việt Nam?

Thế hệ của tôi đã đi qua bằng cách làm tốt những cái người ta đã làm rồi. Còn bây giờ khi hội nhập đầy đủ, chúng ta không còn có khoảng cách với thế giới thì thế hệ lập nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp không thể đi ngược lại xu thế hội nhập. 

Các bạn chỉ có con đường duy nhất để phát triển bền vững là phải khởi nghiệp hoặc lập nghiệp với điều kiện phát triển của cả nền kinh tế thế giới và cuộc cách mạng mới nhất, cụ thể là 4.0. Về bản chất thì khác nhau nhưng thực tế không thể có lựa chọn nào khác ngoài sự khác biệt. 

Nếu các bạn trẻ bây giờ chọn khởi nghiệp như cách ngày xưa thì sẽ thất bại ngay. Do đó, đây là thông điệp dành cho tất cả các doanh nghiệp đã thành công ở thế hệ vừa qua phải suy nghĩ, có trách nhiệm và thậm chí là thay đổi chính mình, quản trị sự thay đổi đó để có nhiều sáng tạo và tiếp nhận những gì đổi mới.

Klaus Schwab - Nhà sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới nói câu chuyện bây giờ không phải cá lớn nuốt cá bé mà là thời đại của cá đi nhanh, còn cá đi chậm thì bị nuốt. Khởi nghiệp hiện nay phải đi nhanh, đột phá và khác biệt theo sự phát triển của thế giới. Khi hội nhập, sự cạnh tranh cũng dựa vào chuỗi giá trị toàn cầu chứ không phải trong nước. Tôi nghĩ đó là điều tất yếu./.

Theo Vnexpress.net