23/01/2025 lúc 00:02 (GMT+7)
Breaking News

Ðơn giản hóa thủ tục hộ tịch khi bỏ sổ hộ khẩu

Bỏ sổ hộ khẩu (SHK) là quy định có hiệu lực từ ngày 1-1-2023 và được người dân đồng tình, thống nhất cao. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số người lo lắng khi bỏ SHK thì các hồ sơ thủ tục về hộ tịch có bị thay đổi, thủ tục sẽ đơn giải hay phức tạp hơn...

Tại khoản 1, Ðiều 2, Nghị định 123/2015/NÐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch, quy định về xuất trình, nộp giấy tờ khi đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch, nêu rõ: Người yêu cầu đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân (CCCD) hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân. Trong giai đoạn chuyển tiếp, người yêu cầu đăng ký hộ tịch phải xuất trình giấy tờ chứng minh nơi cư trú. Người yêu cầu đăng ký khai sinh phải nộp bản chính giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay giấy chứng sinh theo quy định tại khoản 1, Ðiều 16, Luật Hộ tịch; đăng ký khai tử phải nộp bản chính giấy báo tử hoặc giấy tờ thay giấy báo tử theo quy định tại khoản 1, Ðiều 34, Luật Hộ tịch. Tại khoản 2, Ðiều 4, Nghị định 123/2015/NÐ-CP cũng quy định đăng ký kết hôn phải nộp bản chính giấy xác nhận tình trạng hôn nhân theo quy định.

Ảnh minh họa - Internet

Tuy nhiên, tại khoản 2, Ðiều 13, Nghị định 104/2022/NÐ-CP quy định, bãi bỏ, thay thế một số cụm từ quy định tại các nghị định, bãi bỏ cụm từ “trong giai đoạn chuyển tiếp, người yêu cầu đăng ký hộ tịch phải xuất trình giấy tờ chứng minh nơi cư trú” tại khoản 1, Ðiều 2, Nghị định số 123/2015/NÐ-CP.

Nghị định 104/2022/NÐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-1-2023. Theo đó, các thủ tục về hộ tịch như đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn... sẽ được đơn giản hóa hồ sơ, người dân không cần phải xuất trình SHK. Theo Luật Cư trú 2020 thì SHK chính thức bỏ vào ngày 1-1-2023. Tuy nhiên, việc bỏ SHK không ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết các thủ tục đăng ký hộ tịch (đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử...) quy định trong Luật Hộ tịch 2014.

Cách thức nộp và tiếp nhận hồ sơ đăng ký hộ tịch: người yêu cầu đăng ký kết hôn, nhận cha, mẹ, con, đăng ký lại kết hôn trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch; người yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch khác có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch, gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc gửi hồ sơ theo hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến. Ngày 14-11-2022, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 2228/QÐ-BTP công bố thủ tục hành chính mới ban hành; thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực hộ tịch thực hiện tại cơ quan đăng ký hộ tịch thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp, theo đó, khi đăng ký hộ tịch, người yêu cầu không phải xuất trình SHK, sổ tạm trú giấy.

Ông Trần Hữu Trí, công chức Tư pháp, UBND phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, cho biết: “Hiện, SHK đã bị bãi bỏ và người dân không gặp khó khăn gì khi thực hiện các thủ tục liên quan đến hộ tịch. Chỉ cần CCCD gắn chip là đủ. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp, đối với người qua nhiều nơi cư trú thì chắc chắn phải cung cấp được quá trình cư trú. Việc không thể hiện quá trình cư trú cũng như là không khai thác được nguồn dữ liệu này, công chức Tư pháp sẽ gặp không ít khó khăn khi xác định quá trình cư trú của người đó. Theo tôi, tình trạng này sẽ được giải quyết dứt điểm khi dữ liệu hộ tịch được hoàn thiện”.

Ðể triển khai thống nhất, đồng bộ quy định của Luật Cư trú về việc không sử dụng SHK, sổ tạm trú, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an đã có hướng dẫn 7 phương thức sử dụng thông tin công dân thay cho việc xuất trình SHK, sổ tạm trú khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, gồm: sử dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú; sử dụng thiết bị đọc mã QR trên thẻ CCCD có gắn chip; sử dụng thiết bị đọc chip trên thẻ CCCD; người dân tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; sử dụng ứng dụng VNeID hiển thị các thông tin trên các thiết bị điện tử; sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú; sử dụng thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Mới đây, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đã ký ban hành công văn yêu cầu các đơn vị, địa phương tuyên truyền để người dân sử dụng tài khoản VNeID thực hiện dịch vụ công trực tuyến và các tiện ích khác; rà soát từng dịch vụ công, thực hiện cắt giảm các thành phần hồ sơ đã sử dụng dữ liệu dân cư. Yêu cầu toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức không yêu cầu công dân xuất trình các giấy tờ khác chứng nhận thông tin đã có trên thẻ CCCD gắn chip khi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính...