Chính vì vậy, cùng với những chủ trương, quyết định trước đây đã ban hành, ngày 21/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 368/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2030, xác định Việt Nam cần xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia.
Ảnh minh họa - ITN
Khái niệm về ổn định tài chính
Ổn định tài chính là yếu tố giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển các công cụ phân tích thích hợp cũng như các chính sách điều hành an toàn vĩ mô. Hiện nay, trên thế giới có nhiều định nghĩa về ổn định tài chính khác nhau, tùy theo quan điểm của từng quốc gia. Nhưng nhìn chung, ổn định tài chính có thể bao gồm các yêu cầu sau: (1) Các yếu tố chính của hệ thống tài chính (thị trường tài chính, các định chế tài chính, hạ tầng tài chính) thực hiện các chức năng của nó một cách “thông suốt” góp phần phân bổ có hiệu quả nguồn lực của nền kinh tế. (2) Rủi ro cấp độ hệ thống cần được đánh giá chính xác và quản lý hiệu quả để tránh khả năng sụp đổ hệ thống tài chính. (3) Việc đảm bảo mục tiêu duy trì ổn định của cả hệ thống tài chính đòi hỏi phải có sự phối hợp của các cơ quan nhà nước trong hệ thống giám sát tài chính quốc gia; theo đó ngân hàng Trung ương (NHTW) là cơ quan có chức năng chủ đạo trong việc thực hiện chức năng ổn định tài chính. Sở dĩ như vậy vì, NHTW là cơ quan có thể thực hiện tốt chức năng duy trì ổn định tài chính. Mặt khác, NHTW có lợi thế trong việc phân tích vĩ mô tổng thể hệ thống tài chính và đó là nền tảng trọng yếu để đảm bảo ổn định tài chính; đồng thời có khả năng duy trì ổn định tài chính thông qua hiệu quả hoạt động của hệ thống thanh toán và thanh toán bù trừ.
Yêu cầu phải ổn định hệ thống tài chính
Một hệ thống tài chính ổn định là hệ thống hoạt động lành mạnh, tin cậy và hiệu quả, ít biến động và có khả năng hấp thụ các cú sốc. Ngược lại, mất ổn định tài chính sẽ làm giảm tính hiệu quả của chính sách tiền tệ; làm suy yếu chức năng trung gian của hệ thống tài chính do phân phối nguồn lực không hợp lý, làm trì trệ sự phát triển của nền kinh tế; làm mất niềm tin của người dân vào hệ thống tài chính; mất nhiều chi phí để giải quyết sự yếu kém của hệ thống tài chính. Ổn định tài chính không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định giá cả mà còn góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững, vì sự ổn định giúp tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho cả nhà đầu tư và người gửi tiền, giúp cải thiện phân phối nguồn lực để phát triển hệ thống tài chính lành mạnh và minh bạch.
Trong điều kiện hiện nay, có rất nhiều thách thức và những tác động không thuận lợi từ bên ngoài, ảnh hưởng tới các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Vì vậy, điều hành chính sách tiền tệ và quản lý thị trường tài chính ổn định càng cần thiết hơn lúc nào hết, nhằm ổn định được giá trị đồng tiền, thị trường tài chính và kinh tế vĩ mô…
Khó khăn đặt ra hiện nay là phải làm sao sử dụng chính sách tài khóa hợp lý để vừa thúc đẩy kinh tế, vừa đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Trong đó, mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát vẫn được ưu tiên hàng đầu. Trong bối cảnh đó, mục tiêu lớn của ngành Tài chính là xây dựng và tổ chức điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội. Trong đó, đặc biệt chú trọng nguồn lực thực hiện nhanh các công trình đầu tư hạ tầng quan trọng, kết nối vùng và liên vùng; chính sách cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội gắn với đẩy mạnh sắp xếp và tinh gọn bộ máy.
Những hạn chế trong thực hiện ổn định tài chính
Cho đến nay, chúng ta vẫn vẫn chưa có một cơ quan, tổ chức chuyên về đánh giá, xác định một cách chính thức các yếu tố tác động đến sự ổn định của hệ thống tài chính. Điều đó cũng hạn chế đến việc có phương án trước về các kịch bản rủi ro để khi xảy ra sẽ chủ động đối phó, khắc phục một cách hiệu quả.
Mặt khác, cũng chưa xây dựng được quy trình phân tích/giám sát rủi ro hệ thống và đánh giá ổn định tài chính chính thức, nên việc thực thi chính sách an toàn vĩ mô đảm bảo ổn định tài chính vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nguồn cơ sở dữ liệu phục vụ công tác phân tích ổn định tài chính cũng vẫn là vấn đề khó khăn đối với cơ quan quản lý do tính chất phức tạp liên quan đến nhiều lĩnh vực, đồng thời sự phối hợp chia sẻ của các cơ quan liên quan chưa hiệu quả…
Giải pháp duy trì ổn định tài chính
Để duy trì sự ổn định tài chính, cần rất nhiều giải pháp, liên quan đến nhiều lĩnh vực. Các giải pháp bao gồm cả giải pháp về tài chính và giải pháp để ổn định tài chính. Sau đây là một số giải pháp được các chuyên gia kinh tế đề cập nhằm ổn định tài chính trong điều kiện hiện nay:
-Các giải pháp về tài chính nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu dùng bao gồm: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách thu ngân sách nhà nước (NSNN); nâng cao hiệu quả và cơ cấu lại chi NSNN theo hướng bền vững. Tiếp đến là đẩy mạnh cơ cấu lại vấn đề chi đầu tư công, tăng nguồn lực đầu tư toàn xã hội; thực hiện đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng và đô thị đồng bộ, hiện đại, xanh và thân thiện với môi trường. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức tín dụng được hỗ trợ các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi để có các khoản tín dụng có thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho ngành, lĩnh vực…
-Về các giải pháp ổn định tài chính:
1. NHNN cần nâng cao hiệu quả thực hiện mục tiêu ưu tiên kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững nền kinh tế; đồng thời giữ vai trò chủ chốt trong việc bảo đảm sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các Tổ chức tín dụng và sự ổn định của hệ thống tài chính; làm đầu mối trong thúc đẩy ổn định tài chính và xây dựng chính sách an toàn vĩ mô chuyên nghiệp, hiệu quả lâu dài.
2. Cùng với việc duy trì sự phối hợp thường xuyên, cần phân định rõ chức năng nhiệm vụ của các cơ quan quản lý để không có sự chồng chéo…
3. Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của chính sách NHNN làm đầu mối trong việc thúc đẩy ổn định tài chính và xây dựng chính sách an toàn vĩ mô, tiến tới luật hóa chức năng ổn định tài chính của NHNN. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, nhằm từng bước hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động giám sát an toàn vĩ mô đối với hệ thống tài chính.
4. Bảo đảm sự phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và ổn định thị trường tài chính; kết hợp xem xét mối quan hệ giữa lạm phát, lãi suất cho vay và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và một số nước trong khu vực có thể nhận thấy việc duy trì được mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý và ổn định sẽ giúp nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt hơn.
5. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng đến mọi đối tượng trong xã hội để định hướng thị trường và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội góp phần đưa cơ chế, chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống./.
Ths. Nguyễn Đăng Quân