VNHN - Phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có vai trò tích cực trong việc thúc đẩy Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) theo kế hoạch đề ra. Vì vậy, ngay từ khi bắt tay vào triển khai thực hiện Chương trình OCOP, lãnh đạo huyện đã tập trung chỉ đạo các ban, ngành liên quan tham mưu trong việc xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ để phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ và du lịch có lợi thế tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Ngày 6/8/2021, UBND huyện Nghi Xuân tổ chức thẩm định, đánh giá sản phẩm tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2021
Trên tinh thần đó vận động các chủ thể sản xuất tích cực tham gia OCOP thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực, như: Hướng dẫn các địa phương, cá nhân, tổ chức kinh tế lựa chọn ý tưởng, phát triển các sản phẩm OCOP trên cơ sở tiêu chuẩn hóa các sản phẩm hiện có; ưu tiên hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất; hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện về tổ chức bộ máy của các tổ chức kinh tế; đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; hướng dẫn quy trình, thủ tục và hồ sơ đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP… nhằm phát triển sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu OCOP.
Trong 3 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP (2018-2020), huyện Nghi Xuân đã chú trọng tổ chức tuyên truyền đẩy mạnh thực hiện Chương trình. Đặc biệt, huyện đã tổ chức tốt ghameshow OCOP là gì, được nhân dân đánh giá cao, tỷ lệ tham gia thi trên internet đạt kết quả khá... Công tác đào tạo, tập huấn được coi trọng: Năm 2018, tổ chức tập huấn cấp huyện cho 120 người, cấp xã cho 320 người; Năm 2019, tổ chức tập huấn cấp huyện cho 300 người, cấp xã cho 850 người; Năm 2020, tập huấn cấp huyện cho 80 người, cấp xã cho 280 người…Đội ngũ được tập huấn, đào tạo trở thành lực lượng nòng cốt trong quá trình triển khai thực hiện chương trình.
Tính đến tháng 9 năm 2021, toàn huyện đã có 55 ý tưởng sản phẩm đăng ký tham gia; trong đó có 39 ý tưởng được cấp huyện xét chọn trình cấp tỉnh thẩm định (Trong đó riêng năm 2021, huyện Nghi Xuân có 19 ý tưởng xây dựng sản phẩm OCOP đăng ký thực hiện và được tỉnh chấp thuận 10 ý tưởng). Tổng số sản phẩm được UBND tỉnh chứng nhận đạt chuẩn OCOP là 15 sản phẩm (14 sản phẩm 3 sao, 1 sản phẩm 4 sao). Điều quan trọng nữa là, các cơ sở có sản phẩm đạt chuẩn từng bước nâng cao năng lực điều hành sản xuất, kinh doanh, thực hiện tốt quy trình sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản lượng, doanh thu ngày càng tăng...
Cũng trong năm 2021, huyện đã hoàn thành hồ sơ hỗ trợ chính sách năm 2020 cho các cơ sở và ban hành quyết định phê duyệt chính sách năm 2020. Đồng thời, HĐND huyện đã ban hành nghị quyết 135/NQ-HĐND và xây dựng kế hoạch hỗ trợ chính sách năm 2021... Các đơn vị tư vấn OCOP đều đảm bảo tiến độ thực hiện đề ra, chất lượng tư vấn đạt kết quả tốt.
Hiện nay các cơ sở trong huyện đang tập trung xây dựng phương án sản xuất kinh doanh đối với ý tưởng đăng ký tham gia Chương trình năm 2021 và xây dựng các hạng mục cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị nâng cao năng suất trong sản xuất kinh doanh.
Nghi Xuân xem OCOP là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị có lợi thế của địa phương. Trên cơ sở đó tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần bổ trợ cho lộ trình xây dựng huyện NTM kiểu mẫu điển hình về văn hóa găn với phát triển du lịch. Đối với các sản phẩm đã được công nhận OCOP, huyện sẽ tiếp tục đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng để được nâng hạng sao; duy trì, nhân rộng điểm giới thiệu và bán sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.
Giờ đây, du khách mọi miền đến với Nghi Xuân, dù là đi công tác hay du lịch, đều không quên mua sắm cho mình những sản phẩm đặc trưng của miền quê giàu truyền thống văn hóa này; Đặc biệt là những sản phẩm OCOP. Hai trong số rất nhiều sản phẩm đó là Nước mắm Lạch Kèn và Sản phẩm của Hoa Linh Chi.
Nước mắm Lạch Kèn - Khởi sắc nhờ tham gia OCOP
Năm 2015, Hợp tác xã (HTX) Thiên Phú (Cương Gián, Nghi Xuân) được thành lập với ngành nghề thu mua, chế biến và phân phối thủy hải sản. Sau quá trình xây dựng hạ tầng với kinh phí 3,5 tỷ đồng, năm 2017, HTX ra mắt thị trường sản phẩm đầu tiên.
Nước mắm Lạch Kèn
Phát huy tiềm năng lợi thế của các xã vùng ven biển và sự tự tin về truyền thống sản xuất nước mắm quê hương, HTX Thiên Phú đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các mô hình chế biến nước mắm, tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) để đưa sản phẩm vươn xa và nâng cao giá trị sản xuất… Và, Nước mắm Lạch Kèn của HTX là một sản phẩm OCOP được người tiêu dùng ưa chuộng.
Anh Ngô Trung Trực - Giám đốc HTX Thiên Phú chia sẻ: “Nước mắm truyền thống là linh hồn trong các món ăn, huyện Nghi Xuân lại là nơi có điều kiện tuyệt vời để làm ra các sản phẩm như mắm tôm, mắm tép, nước mắm. Nhiều đời nay, bà con mới chỉ dừng lại ở những sản phẩm bình dân. Để nâng tầm giá trị, phải tìm cách đưa nước mắm đến gần hơn với người tiêu dùng qua thương hiệu của sản phẩm. Và, chương trình OCOP góp phần tích cực vào sự phát triển đó”. Theo đó, tháng 3/2018, khi Nước mắm Lạch Kèn được tỉnh chọn là 1 trong 6 sản phẩm đại diện cho Hà Tĩnh tham gia chương trình OCOP thì tình hình sản xuất, kinh doanh của HTX khởi sắc hẳn. Nếu như trước đây, nước mắm Lạch Kèn chỉ dừng lại ở sự “nổi tiếng” trong phạm vi xã, huyện và chỉ tiêu thụ ở mức độ khiêm tốn, thì nay nước mắm Lạch Kèn đã vươn xa ra thị trường với hơn 50 cơ sở, đại lý trong và ngoài tỉnh. Tiêu thụ hơn 50.000 lít nước mắm mỗi năm, trở thành sản phẩm tiêu biểu “3 sao” của sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh.
Nhưng để nước mắm Lạch Kèn có được hương vị thơm ngon, có được lòng tin của người tiêu dùng, quá trình sản xuất, chế biến đã được HTX đầu tư kỹ càng, từ khâu chọn lựa nguyên liệu đến kỹ thuật chế biến… Nhất là về nguyên liệu: Cá cơm làm nguyên liệu phải được lựa chọn rất kỹ, không lựa chọn những con cá không tươi hay quá nhỏ, bởi đây là yếu tố chính quyết định đến chất lượng và sản lượng nước mắm. Sau đó, cá sẽ được tiến hành ướp theo công thức “3 cá - 1 muối”.
Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường, HTX Thiên Phú đã áp dụng công nghệ muối nước mắm bằng năng lượng mặt trời. Khi chín, nước mắm sẽ được “làm sạch” bằng hệ thống thanh trùng hiện đại và đóng gói đúng quy trình. Nhờ vậy, vừa tiết kiệm được thời gian ủ, vừa tăng năng suất cho sản phẩm.
Không chỉ có thương hiệu, Nước mắm Lạch Kèn còn có mẫu mã đẹp nên được nhiều khách hàng lựa chọn sử dụng và thích hợp làm quà biếu. Đặc biệt, chỉ cần quét mã vạch, người tiêu dùng sẽ nắm đầy đủ thông tin về sản phẩm nên càng an tâm, tin tưởng.
Sản phẩm Hoa Linh chi - Hành trình của người tâm huyết
Hơn 30 năm kinh doanh hàng thủy hải sản ở địa phương, đại lý của chị Phạm Thị Hoa là điểm nhập hàng sau đánh bắt của ngư dân vùng bãi ngang ven biển Nghi Xuân. Để phục vụ cho việc làm hải sản khô, chị Hoa chỉ mua những sản phẩm bảo đảm chất lượng nên các sản phẩm như: mực khô, cá khô, tôm khô của cơ sở được thị trường khá ưa chuộng.
Đặc biệt, với ưu thế là “làng Hàn Quốc”, nơi có nhiều người dân trong xã đi xuất khẩu lao động nên các sản phẩm của chị Hoa trở thành là “hàng xách tay” của người lao động sang làm quà ở các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Tuy nhiên, để phát triển, không thể làm ăn nhỏ lẻ mãi được. Từ suy nghĩ đó và để có thể vươn ra cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trong và ngoài nước, tháng 5/2020, chị Hoa đầu tư gần 300 triệu đồng mua sắm các loại máy móc như: lò hấp, máy hút chân không, máy dập nắp, thuê nhân công và các điều kiện khác để thành lập tổ hợp tác kinh doanh và chế biến hải sản Hoa Linh Chi với 2 dòng sản phẩm chính là tôm nõn và cá ngần (cá cơm loại nhỏ) sấy khô.
Cơ sở Hoa Linh Chi đóng gói sản phẩm Cá ngần khô
Sản phẩm Tôm nõn được cơ sở Hoa Linh Chi đầu tư sản xuất, chế bến với nhiều công đoạn và sự cẩn thận cao nhất. Trong đó,yếu tố tiên quyết là phải chọn tôm thật tươi. Sau khi làm sạch, tôm được luộc chín trong khoảng thời gian 5-7 phút. Đây là công đoạn rất quan trọng bởi luộc kỹ quá tôm sẽ bị nát, luộc chưa chín tới lại rất khó bóc vỏ. Tôm sau khi bóc vỏ được sấy trong khoảng thời gian 3 tiếng và đóng gói thành phẩm với trọng lượng khác nhau.
Với sản phẩm Cá ngần khô, nguyên liệu cũng phải là loại cá thật tươi. Cá được rửa sạch, rải đều trên khay nhựa rồi phơi nắng 10 - 24 tiếng hoặc phơi trong nhà màng trong khoảng 5-6 tiếng. Sau đó, cá được cho vào lò sấy khoảng 10 phút và đóng gói, hút chân không.
Hai sản phẩm: Tôm nõn khô và Cá ngần của tổ hợp tác Hoa Linh Chi “ghi điểm” bởi màu sắc bắt mắt, hương vị thơm ngon, ngọt; đặc biệt không có chất bảo quản nên sản phẩm sản xuất được bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu.
Tích cực sản xuất, hoạt động, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng sản phẩm OCOP, sau 5 tháng (ngày 14/10/2020), sản phẩm Tôm nõn khô của tổ hợp tác được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao; tiếp đó 2 tháng sau, sản phẩm Cá ngần khô cũng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Đặc biệt, với nổ lực không ngừng nghỉ THT chế biến và kinh doanh hải sản Hoa Linh Chi đã phát triển thành HTX và có thêm sản phẩm Mực khô Hoa Linh Chi đạt 3 sao.
Từ khi được công nhận OCOP cho 3 dòng sản phẩm Tôm nõn, Cá ngần và Mực khô Hoa Linh Chi, thị trường của HTX đã được mở rộng hơn. Đây là những sản phẩm góp phần đưa Cương Gián xây dựng chuỗi sản phẩm hàng hóa thủy sản ngày càng phong phú và chất lượng.