11/01/2025 lúc 08:04 (GMT+7)
Breaking News

OCOP nâng chất cho các HTX tỉnh Tuyên Quang (Bài 1): Tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tỉnh Tuyên Quang đã từng bước làm thay đổi tập quán sản xuất của người nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao. Theo đó, từ quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, người dân, HTX đã chuyển sang sản xuất tập trung, chuyên môn hóa. Đặc biệt, chương trình đã góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị nông sản địa phương.

Từ một hộ gia đình sản xuất chè, dưới sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang, năm 2017, anh Nguyễn Công Sử, xã Mỹ Bằng, (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) đã cùng với 6 thành viên khác đứng ra thành lập HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh (HTX Sử Anh), chuyên trồng, chế biến chè.

Sau hơn 4 năm phát triển, HTX đã nâng diện tích sản xuất lên hơn 30 ha chè, tạo việc làm cho 30 lao động, trong đó chủ yếu là người dân tộc Cao Lan, Tày, Sán Dìu, Mông. Cùng với đó, HTX đã xây dựng diện tích 60 ha liên kết với hơn 100 hộ dân tại các huyện Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên và thành phố Tuyên Quang.

Sản xuất sạch bắt đầu từ nhận thức

Theo tính toán của HTX, với tổng diện tích chè lên đến gần 100 ha, tổng sản lượng chè trung bình đạt 125 tấn nguyên liệu/năm, toàn bộ diện tích được áp dụng theo quy chuẩn VietGAP. Tham gia mô hình, các hộ dân đều phải tuân thủ nghiêm nguyên tắc “4 đúng” (Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp). Nhờ vậy, sản phẩm chè của HTX được thị trường đón nhận, thu nhập của thành viên HTX và người lao động luôn ổn định.

Để nhiều người biết về sản phẩm chè của mình, anh Nguyễn Công Sử không ngần ngại vào Nam ra Bắc tham gia các hội chợ quảng bá giới thiệu nông sản đặc sản của mỗi vùng miền. Có nhiều chuyến đi anh lỗ vốn, nhưng anh vẫn chấp nhận. Bởi anh quan niệm, nếu tính vật chất tạm thời tại thời điểm đó là lỗ nhưng qua các hội chợ, các sự kiện nhiều người biết đến sản phẩm của mình, khi mình chào hàng họ sẵn sàng hợp tác thì về lâu dài là lãi gấp nhiều lần.

Được sự đồng hành của các cấp chính quyền, HTX được tiếp cận với các cơ chế, chính sách ưu đãi, kết nối được với một số doanh nghiệp, siêu thị tiêu thụ sản phẩm. HTX cũng đã mạnh dạn đã chuyển đổi giống chè mới có năng suất, chất lượng như chè Ngọc Thúy, chè Bát Tiên, chè LDP1.

Cùng với đó điều kiện thổ nhưỡng tại vùng chè Mỹ Lâm, Mỹ Bằng của HTX khá phù hợp để các giống chè Ngọc Thúy, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên… phát huy được độ đậm đà, vị ngọt hậu nơi đầu lưỡi sau uống và mùi hương thơm dễ chịu. Đây là những nền tảng ban đầu để mỗi sản phẩm nông nghiệp khẳng định giá trị về chất lượng và thương hiệu trên thị trường.

Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX Sử Anh cho biết, doanh thu từ sản xuất chè búp tươi, chế biến chè của HTX Sử Anh bình quân năm 2019- 2020 đạt trên 5,75 tỷ đồng.

Đồng hành với HTX, UBND huyện Yên Sơn đã hỗ trợ nhãn hiệu hàng hóa, tem truy suất nguồn gốc và quy trình sản xuất VietGAP. Nhờ vậy, toàn bộ diện tích được áp dụng theo quy trình nông nghiệp tốt, trong đó có 25 ha đã được công nhận đạt chuẩn VietGAP.

OCOP đưa sản phẩm vươn xa

Sản xuất sạch theo quy chuẩn được ban hành, năm 2020, HTX Sử Anh có 7 sản phẩm được công nhận là OCOP, trong đó có 4 sản phẩm OCOP 4 sao gồm: Chè xanh Ngọc Thúy, chè xanh Ngọc Thúy đinh, chè xanh Ngọc Thúy nõn và trà xanh Ngọc Thúy; 3 sản phẩm OCOP 3 sao gồm: chè xanh Phú Lâm, chè xanh Phú Lâm đinh, chè xanh Phú Lâm nõn.

Đặc biệt, đầu năm 2021, HTX Sử Anh được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT vì có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, giai đoạn 2018-2020. Đây là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong mục tiêu phát triển nông nghiệp sạch và vươn tầm chất lượng chè đặc sản xứ Tuyên của HTX.

 

Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX Sử Anh cho biết, đạt sao OCOP là điểm tựa để mỗi chủ thể nỗ lực hơn trong việc tìm kiếm thị trường và nâng tầm thương hiệu. “Tuy nhiên, OCOP sẽ không phát huy tác dụng nếu bản thân mỗi chủ thể không tự vươn lên, không năng động và làm mới các sản phẩm của mình để phù hợp với nhu cầu thị trường”.

Ông Lê Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, các sản phẩm của HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh đã và đang được thị trường trong và ngoài tỉnh như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Nam Định đón nhận. Nhiều sản phẩm đã đủ tiêu chuẩn để đưa vào hệ thống siêu thị. Sản phẩm chè của HTX chè Sử Anh đã sử dụng tem điện tử mã cốt QR để truy xuất nguồn gốc. HTX chè Sử Anh là điểm sáng trong chương trình OCOP của tỉnh Tuyên Quang. Từ cách làm của HTX sẽ giúp nâng cao ý thức làm nông nghiệp tốt, nông nghiệp có nguồn gốc của người nông dân và các tổ chức, cá nhân. Sản phẩm của HTX chè Sử Anh không chỉ được thị trường ngoài Bắc đón nhận mà đã đặt chân tại thị trường miền Trung, miền Nam và mục tiêu xa hơn là hướng tới xuất khẩu.

“Để đạt được điều ấy, HTX sẽ phải không ngừng mở rộng thị trường, nâng tầm mẫu mã bao bì cho đa dạng, phát triển vùng nguyên liệu và kêu gọi vốn đầu tư”, ông Lê Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang nói.

Phạm Duy

Thanh Bút