13/01/2025 lúc 16:29 (GMT+7)
Breaking News

OCOP Đức Thọ (Hà Tĩnh): Những tiếp nối thành công

VNHN - Trong năm 2021, bên cạnh việc tập trung cao phòng, chống dịch Covid-19, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Hà Tĩnh nói chung và của huyện Đức Thọ nói riêng tiếp tục được địa phương quan tâm và nỗ lực tổ chức triển khai đạt kết quả khá.

VNHN - Trong năm 2021, bên cạnh việc tập trung cao phòng, chống dịch Covid-19, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Hà Tĩnh nói chung và của huyện Đức Thọ nói riêng tiếp tục được địa phương quan tâm và nỗ lực tổ chức triển khai đạt kết quả khá.

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Đức Thọ

Xác định được tầm quan trọng của chương trình OCOP, ngay từ cuối năm 2020 UBND huyện, BCĐ chương trình MTQGXDNTM, Chương trình mỗi xã một sản phẩm huyện đã giao chỉ tiêu kế hoạch nhà nước cho các xã thị trấn để đăng ký các ý tưởng tham gia chương trình. Cụ thể năm 2021 có 35 ý tưởng sản phẩm đăng ký và có 19 ý tưởng được tỉnh chấp thuận tham gia Chương trình OCOP. Đơn vị tư vấn đã phối hợp với các chủ thể để thống nhất thiết kế bộ nhận diện thương hiệu cho các sản phẩm, một số sản phẩm đã gửi mẫu kiểm nghiệm đánh giá các chỉ tiêu chất lượng, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các nội dung để tổ chức đánh giá phân hạng sản phẩm cấp huyện và tỉnh. Ngoài chính sách theo Nghị quyết 123 HĐND tỉnh, huyện Đức Thọ đã xây dựng cơ chế chính sách thưởng các sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh gồm: 3 sao - 30 triệu,  4 sao - 40 triệu, 5 sao - 50 triệu; hỗ trợ 100 triệu/điểm (kế hoạch 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cấp huyện).

Cùng với đó, Gian hàng trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại xã Lâm Trung Thủy đã đi vào hoạt động; hoàn thiện hồ sơ hưởng chính sách theo NQ 123 của HĐND tỉnh theo hướng dẫn rà soát lại của UBND tỉnh. Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện đã tổ chức đánh giá phân hạng sản phẩm tham gia chương trình OCOP đợt 1 năm 2021, kết quả có 1 sản phẩm (Dưa lưới Gia Bảo - HTX Yên Hồ) đạt 3 sao cấp cấp tỉnh.

Để tiếp tục phát triển chương trình, Huyện đã chỉ đạo các xã Yên Hồ, Bùi La Nhân, Quang Vĩnh rà soát lại các nội dung theo dự án gạo hữu cơ trên ruộng rươi cáy đã được phê duyệt, tập trung hoàn thiện các nội dung và giải ngân theo đúng quy định. Đồng thời xây dựng điểm trưng bày giới thiệu và bán hàng OCOP cấp huyện tại xã Lâm Trung Thủy, nhằm thúc đẩy nhanh hơn sự lan tỏa của các sản phẩm OCOP không chỉ trên địa bàn huyện, tỉnh.

Đến nay toàn huyện Đức Thọ đã có 12 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao trở lên (trong đó có 1 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao); một số mô hình sản xuất đã có gia tăng về quy mô và chất lượng sản phẩm, như: Bánh gai Đức Yên, Gạo Thế Cường, Dầu lạc Thống Tuấn, Cu đơ Quang Tâm, Bộ dụng cụ nhà bếp bằng gỗ... Các sản phẩm sau khi tham gia Chương trình đã phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương, mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư nhà xưởng, máy móc trang thiết bị tiên tiến hiện đại... Chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao giải quyết được công ăn việc làm nâng cao thu nhập cho lao động địa phương.

Những sản phẩm đạt chuẩn OCOP của huyện Đức Thọ đã và đang thực sự có cơ hội phát triển và bứt phá, lan tỏa, tạo được doanh số và thương hiệu ngày một cao hơn. Trong số đó, có những sản phẩm vốn gắn với đời sống hàng ngày ở miền quê bình dị này bấy lâu nay, nhưng khi đã đạt chuẩn OCOP thì sản phẩm ấy đã đến được mọi miền đất nước với sự ưa thích, ưa dùng của người tiêu dùng.

Sức hút món quà quê truyền thống

Sản phẩm bánh gai Đức Yên

Bánh Gai làng Khóng xã Đức Yên, huyện Đức Thọ là một trong những sản phẩm đạt chuẩn OCOP, được người tiêu dùng khắp nơi ưa chuộng, mặc dù đó là một loại bánh hết sức bình dị, dân giã. Ở miền quê Đức Yên, đã nhiều thế hệ người dân sinh ra và lớn lên gắn liền với nghề truyền thống của cha ông mình với những buổi ngồi nhào bột, sống trong mùi thơm đặc trưng của lá gai, mùi béo ngậy của nếp quyện với đậu xanh… để cho ra những chiếc bánh gai thơm ngon nổi tiếng.

Để có được sản phẩm Bánh Gai chất lượng, làm hài lòng những người tiêu dùng khó tính nhất, thật sự không đơn giản và dễ dàng. Người Đức Yên vừa phải giữ gìn và phát huy kinh nghiệm truyền thống của cha ông, vừa không ngừng cải tiến kỹ thuật để đáp ứng những yêu cầu cao hơn của đời sống hôm nay. Nếu có thể gọi là bí quyết của nghề thì bí quyết ấy cũng nằm trong tổng thể chung đó.

Nguyên liệu đầu vào đầu tiên là lá Gai, luôn được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiếp đến là bột gạo nếp trộn cùng lá gai để tạo nên vỏ bánh gai ngon. Đặc biệt, nếp được lựa chọn là loại trồng trên đất ruộng rươi, cáy - chất lượng, thơm ngon hơn các loại gạo nếp khác. Nhưng, “cầu kỳ” nhất vẫn là việc “chế biến” lá Gai cùng với các loại nguyên liệu khác.

Lá gai hái về, bỏ hết gân lá rồi đem phơi khô cho tới khi mặt lá chuyển sang màu đen thẫm. Sau đó đem luộc lá gai cho thật nhừ, vắt kĩ nước rồi đem xay nhuyễn. Bột lá gai nhuyễn mềm được trộn với mật mía, bột gạo nếp, tiếp tục xay cho tới khi bột sánh mịn rồi trộn thêm vừng vào, quấy đều để làm vỏ bánh. Để chiếc bánh hấp dẫn và ngon miệng hơn thì phải chuẩn bị thật kỹ nhân bánh. Nhân bánh được làm từ đậu xanh, dầu chuối, đường mật mía, dừa. Đậu xanh đãi vỏ thật sạch, nấu chín, cho vào cối giã cùng với đường rồi cho dừa được nạo sợi vào trộn đều. Nắn bột, dàn mỏng đều, cho nhân vào chính giữa, gói lại thật kín thành hình vuông, rải ít hạt mè lên trên vỏ bánh sau đó dùng lá chuối khô gói chiếc bánh lại, buộc lạt bên ngoài. Cuối cùng là phần hấp bánh. Người làm bánh giỏi muốn biết bánh chín hay chưa chỉ cần kiểm tra bằng mắt và ngửi mùi thơm là đủ. Bánh chín được vớt ra để nguội, ráo nước rồi đem ra thị trường…

Chính sự chăm chút tỷ mẩn, cẩn thận của người làm bánh đã làm nên một sản phẩm tưởng như rất giản đơn nhưng thực sự lại rất cầu kỳ, gói ghém trong đó rất nhiều năng lượng, tinh túy của món ăn truyền thống quê hương. Chất lượng đã làm nên thượng hiệu Bánh Gai Đức Yên- Đức Thọ, để ai đã dùng sản phẩm Bánh Gai Đức Yên thì không thể nào quên, ăn một lần là nhớ mãi…

Thương hiệu lớn của một sản phẩm thông thường

Sản phẩm nước uống đóng chai nhãn hiệu Trường Sơn

Một sản phẩm bình thường, nhưng cũng rất phổ biến là nước uống. Nhưng Nước uống đóng chai nhãn hiệu Trường Sơn của huyện Đức Thọ đã trở thành sản phẩm OCOP nhờ chất lượng và uy tín lâu nay.

Xã Trường Sơn là một miền qthanh bình, nơi có ngọn núi Ba Cụp, là một nhánh của dãy núi Thiên Nhẫn. Núi có rất nhiều mạch nước ngầm với chất lượng nước rất tốt. Từ thời Pháp thuộc người ta đã sử dụng nguồn nước này để cung cấp cho bộ máy cai trị tại Đức Thọ… Trước khi tổ chức sản xuất sản phẩm nước uống đóng chai, nguồn nước lấy tại ngọn núi Ba Cụp đã được kiểm nghiệm và kết quả cho thấy đây là một nguồn nước sạch có các chỉ số đạt các chỉ tiêu theo Quy chuẩn QCVN 01-2009/BYT của Bộ Y Tế về chất lượng nước sạch.

Nhờ “Chất lượng sản phẩm luôn đặt lên hàng đầu” nên các bước trong quy trình sản xuất nước uống đóng chai được cơ sở kiểm soát chặt chẽ, ứng dụng vận hành máy móc hiện đại vào sản xuất, kho xưởng được định kỳ vệ sinh sạch sẽ nên yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm Nước uống đóng chai Trường Sơn luôn được đảm bảo. Và cũng nhờ vậy, sản phẩm đã thực sự chinh phục được người tiêu dùng bởi cả chất lượng, mẫu mã đẹp và dịch vụ không ngừng hoàn thiện; đã có mặt ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh.v.v…

Nét độc đáo của một Làng nghề

Công nhân làm việc và bộ dụng cụ nhà bếp thương hiệu MTY

  Nghề mộc Thái Yên (xã Thanh Bình Thịnh, Đức Thọ - Hà Tĩnh) có lịch sử lâu đời (khoảng 400 năm) và nổi tiếng trong nước với các sản phẩm mộc dân dụng và mỹ nghệ. Năm 2014 Thái Yên vinh dự được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận là làng nghề truyền thống; năm 2019 Thái Yên được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Nhãn hiệu tập thể Mộc Thái Yên. Hiện nay, làng nghề không chỉ phát triển mạnh với hơn 1000 hộ sản xuất kinh doanh mà đặc biệt, tại đây còn lưu giữ những di sản, nét giá trị truyền thống đáng tự hào.

Trong số những sản phẩm mới của nghề mộc Thái Yên nói chung và của Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ Thái Yên nói riêng, đáng quan tâm là các sản phẩm đồ dùng gia đình, trong đó có Bộ dụng cụ nhà bếp bằng gỗ với thương hiệu MTY Houseware, với các tính năng đầy đủ trong nấu nướng, chế biến thức ăn và sử dụng trên bàn ăn, là trợ thủ đắc lực của các bà nội trợ, món quà sức khỏe của mọi gia đình. Đặc biệt, sản phẩm được làm 100% từ gỗ tự nhiên, không sử dụng hóa chất độc hại, gia công tỷ mỉ nên sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao với các tính năng nổi bật như: An toàn cho sức khỏe, thân thiện với môi trường, chống dính, chống xước nồi, chịu được nhiệt độ cao, bền chắc… Không những vậy, công ty còn lựa chọn hướng đi “Sản xuất các sản phẩm từ gỗ rừng trồng, nhằm bảo vệ môi trường” các sản phẩm đồ gia dụng, đồ dùng nhà bếp MTY Houseware sử dụng các nguồn nguyên liệu chính từ gỗ Keo, gỗ Nhãn, gỗ Xà Cừ. Đây là nguồn nguyên liệu có trữ lượng lớn tại Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận với chi phí hợp lý, đáp ứng được nhu cầu về nguyên vật liệu cho sự phát triển bền vững của đơn vị.

Hệ thống sản xuất của công ty được đầu tư khép kín, với máy móc thiết bị mới, đồng bộ và hiện đại, đồng thời xây dựng quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ từ sơ chế gỗ đầu vào cho đến gia công hoàn thiện đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Đến với đồ dùng nhà bếp bằng gỗ MTY Houseware, khách hàng không những thỏa sức lựa chọn những sản phẩm với mẫu mã đa dạng, tiện dụng mà còn hoàn toàn yên tâm về chất lượng, an toàn. Sử dụng các sản phẩm dụng cụ nhà bếp bằng gỗ để chung tay bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe mọi người.

Từ góc độ người tiêu dùng, đến với những sản phẩm OCOP của Hà Tĩnh nói chung và của Đức Thọ nói riêng, không chỉ là đến với sự phong phú, đa dạng của các loại sản phẩm hàng hóa; mà còn là đến với những tiêu chí về chất lượng, vẻ đẹp, về sự tiện dụng và lợi ích về sức khỏe, với giá thành hợp lý. Từ góc độ người sản xuất, sản phẩm đạt chuẩn OCOP mang lại lợi thế rất lớn, mở ra điều kiện mới cho sự phát triển trên cơ sở nâng cao thương hiệu và mở rộng thị trường; được đông đảo người tiêu dùng đón nhận.