Xác định xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống cho người dân, năm 2011, khi bắt tay vào thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Thiệu Giang, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) gặp không ít khó khăn do xuất phát điểm về kinh tế thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, trình độ dân trí còn hạn chế. Từ thực trạng khó khăn, đòi hỏi phải có sự vào cuộc một cách đồng bộ của cả hệ thống chính trị và nhất là sự đồng thuận, chung tay, chung sức của nhân dân thì quá trình xây dựng NTM mới có thể thành công.
Công sở xã Thiệu Giang
Khi bắt đầu triển khai xây dựng NTM, xã Thiệu Giang mới chỉ đạt 6/19 tiêu chí. Để chương trình xây dựng NTM triển khai có hiệu quả, được mọi tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, xã đã triển khai kịp thời, đầy đủ các văn bản chỉ đạo của các cấp tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân để quá trình xây dựng NTM đi vào tư duy của mọi người, coi việc xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị quan trọng hướng vào nông dân, nông nghiệp, nông thôn, trong đó người dân là chủ thể. Căn cứ vào tình hình thực tế, xã đã chỉ đạo rà soát các phần việc, phân công trách nhiệm việc nào xã làm, việc nào thôn làm, lộ trình thời gian, phương pháp và cách làm cụ thể. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được triển khai rộng rãi, thường xuyên, phong phú, đa dạng gắn kết chặt chẽ giữa tuyên truyền với vận động, lồng ghép tuyên truyền qua các hoạt động sinh hoạt tập thể, các hội nghị, các cuộc họp tại khu dân cư, qua hệ thống truyền thanh, qua băng rôn, panô, áp phích, khẩu hiệu, cổ động từ đó làm cho từng người dân, cộng đồng dân cư nhận thức đầy đủ và sâu sắc, xác định rõ trách nhiệm, vai trò chủ thể trực tiếp thực hiện xây dựng NTM với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và hưởng thụ” từ thành quả xây dựng NTM.
Thấu triệt tinh thần của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, trên cơ sở "lấy sức dân để lo cho dân", "nhân dân là chủ thể trong việc xây dựng NTM và nhân dân là người trực tiếp hưởng thụ”. Coi việc phát triển kinh tế là cốt lõi và là đòn bẩy để xây dựng NTM, xã đã xây dựng và ban hành nhiều cơ chế khuyến khích, nhất là phát triển nông nghiệp để nâng cao hiệu quả kinh tế. Hình thành cánh đồng mẫu lớn và các mô hình nông nghiệp hàng hóa áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đưa cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, cây hàng hóa, cây xuất khẩu, phát triển kinh tế trang trại, gia trại; đẩy mạnh cơ giới hóa đồng ruộng, tăng giá trị thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, bên cạnh đó địa phương luôn khuyến khích phát triển thêm mô hình dịch vụ thương mại, ngành tiểu thủ công nghiệp vừa và nhỏ, nhằm tạo thêm công ăn việc làm cho lao động của địa phương.
Công tác đào tạo ngành nghề nông thôn được chú trọng. Trong những năm qua, địa phương đã phối hợp với các công ty, doanh nghiệp tổ chức được 31 lớp tập huấn kiến thức nông nghiệp, hướng dẫn quy trình thâm canh cây lúa lai và cây ngô nếp với tổng số 1.350 lượt người tham gia; mở 2 lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây ớt và cây dâu tằm; tổ chức 7 lớp tư vấn xuất khẩu lao động tại thị trường các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia và các nước Trung Đông; 01 lớp đào tạo xây dựng, bước đầu đã cho thu nhập ổn định, thu nhập bình quân 6 triệu đồng/tháng/người; 04 tổ xây dựng mỗi tổ từ 13-15 lao động có việc làm thường xuyên và cho thu nhập 6-7 triệu đồng/người/tháng. Phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện mở 2 lớp học nghề may, 3 lớp học nghề chăn nuôi và thú y cho 447 học viên, 1 lớp nghề máy phục vụ nông nghiệp cho 50 học viên. Huy động được 104 người đi xuất khẩu lao động, góp phần làm giàu cho gia đình và xã hội.
Hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng đồng bộ
Trong 10 năm qua, xã đã quy hoạch và phát triển được 250 ha vùng lúa năng suất, chất lượng cao, chuyển một số diện tích cây trồng hàng năm kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao. Nhìn chung, các mô hình sản xuất được lựa chọn đã đáp ứng được yêu cầu thực tế, phù hợp với nguyện vọng của người dân, đúng với nội dung của Chương trình xây dựng NTM và chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lấy phát triển sản xuất là gốc và là thế mạnh của địa phương, từ đó góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, xóa bỏ dần các thói quen sản xuất lạc hậu, nhỏ lẻ, manh mún.
Việc nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân là mục tiêu lớn nhất trong chương trình xây dựng NTM. Với hình thức tổ chức sản xuất và cơ cấu kinh tế hợp lý đã đưa tốc độ giá trị sản suất hàng năm tăng 14%, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 40 triệu đồng/người/năm. Trên cơ sở đó, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 2,95%, (2019). Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 46,24 triệu đồng/người/năm, bộ mặt nông thôn ngày một khang trang, đổi mới toàn diện.
Các tiêu chí về nhà ở dân cư, giao thông, quy hoạch, y tế, giáo dục, các cơ sở văn hóa, chợ nông thôn, môi trường, an ninh trật tự đều tăng so với kế hoạch, một số tiêu chí vượt kế hoạch.
Với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, cuối năm 2020 xã Thiệu Giang đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM, được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký Quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM. Để duy trì thành quả NTM, xã tiếp tục có các cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế địa phương, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, không ngừng huy động sức dân gắn với phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng và giữ vững các tiêu chí NTM đã đạt được./.