05/11/2024 lúc 15:27 (GMT+7)
Breaking News

Ninh Thuận quyết tâm cao chuyển đổi số, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội

Được biết, Ninh Thuận thực hiện chuyển đổi số trên ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, nhằm đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền số, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân trên môi trường số.

Theo ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận “Để chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh thật sự phát triển nhanh, hiệu quả thì cần sự vào cuộc và quyết tâm cao của toàn bộ hệ thống chính trị, nhân dân, có cách làm, hướng đi phù hợp”

Chuyển đổi số - Ảnh minh họa.

Theo thông tin từ Ban điều hành chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận, trong 6 tháng đầu năm 2022, thực hiện kế hoạch chuyển đổi số, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã phối hợp chặt chẽ, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là đối với nội dung rà soát, bổ sung, điều chỉnh hoàn thiện đề án, nghị quyết, hiện trạng về các chuyên đề chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; hỗ trợ triển khai sàn giao dịch thương mại điện tử và triển khai xây dựng kho dữ liệu dùng chung.

Đến nay, đã đồng bộ hóa việc ứng dụng ICT trong toàn tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành của hệ thống chính trị. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và truyền thông từng bước hiện đại hóa. 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện và 90% cán bộ cấp xã đã được trang bị máy tính có kết nối mạng. Các cơ quan khối Đảng và cơ quan Nhà nước đã kết nối mạng diện rộng (WAN) của tỉnh.

Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được liên thông 4 cấp từ Trung ương, tỉnh, huyện, xã. Trung tâm giám sát an toàn, an ninh mạng (SOC) và điều hành đô thị thông minh (IOC) hoạt động ổn định, đảm bảo yêu cầu về bảo mật và an toàn thông tin.

Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban điều hành chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận cho biết, chuyển đổi số là vấn đề lớn, mới và khó, cần nhiều nguồn lực đầu tư cả kinh phí và nhân lực. Để chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh thật sự phát triển nhanh, hiệu quả thì cần sự vào cuộc và quyết tâm cao của toàn bộ hệ thống chính trị, nhân dân, có cách làm, hướng đi phù hợp.

Trong 6 tháng cuối năm 2022, các sở, ban, ngành, địa phương cần quyết liệt thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số. Tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại kế hoạch chuyển đổi số năm 2022 của Ban điều hành chuyển đổi số. Triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; xây dựng chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến như giảm thời gian xử lý hồ sơ, giảm lệ phí.

Cùng với đó, triển khai có hiệu quả đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử. Triển khai thành lập và tập huấn chuyển đổi số cho cán bộ ở các tổ công nghệ số cộng đồng để tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi số, trong đó có hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; đưa hoạt động của người dân lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam như phục vụ đi lại, giao thông, mua sắm, du lịch, học tập, thanh toán số…

Đồng thời, triển khai nhanh, hiệu quả ứng dụng Nền tảng địa chỉ số cho 100% các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh. Xây dựng chính sách hỗ trợ cán bộ làm công tác công nghệ thông tin của tỉnh; chính sách thu hút doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phát triển chuyển đổi số; hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025.

Ngoài ra, xây dựng hệ thống các cơ sở dữ liệu; hỗ trợ doanh nghiệp đưa các sản phẩm đặc thù lên sàn thương mại điện tử; triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, khám chữa bệnh từ xa; phát triển hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt. Phấn đấu mục tiêu năm 2022 về phát triển hạ tầng số, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số của tỉnh cao hơn mục tiêu chung của cả nước.

Võ Hà