23/01/2025 lúc 06:01 (GMT+7)
Breaking News

Chuyển đổi số - Hành động để không tụt hậu

VNHN - Bản chất của cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) và chuyển đổi số (CÐS) là cuộc cách mạng về công nghệ, nhưng theo các chuyên gia, tiền đề phải là một cuộc cách mạng cải cách thể chế. Chúng ta phải xây dựng một nền “thể chế dẫn dắt”, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy quá trình CÐS mang lại hiệu quả.

VNHN - Bản chất của cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) và chuyển đổi số (CÐS) là cuộc cách mạng về công nghệ, nhưng theo các chuyên gia, tiền đề phải là một cuộc cách mạng cải cách thể chế. Chúng ta phải xây dựng một nền “thể chế dẫn dắt”, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy quá trình CÐS mang lại hiệu quả.

Trong đó, sẽ có các cơ chế đột phá cho sự phát triển của nguồn lực mới dựa trên sáng tạo, khoa học - kỹ thuật để giúp nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào cơ chế vận hành của nguồn lực cũ như tài nguyên khoáng sản, nhân công giá rẻ,... vốn hữu hạn và đang kìm hãm sự phát triển.

Ảnh minh họa - Internet 

Ít hành trang là lợi thế?

Những năm 80 ở giai đoạn đầu thời kỳ đổi mới, lãnh đạo ngành bưu điện Việt Nam luôn canh cánh nỗi trăn trở. Ðó là dù đất nước đã mở cửa, nhưng liên lạc với quốc tế chưa thông suốt, người dân vẫn không thể gọi điện ra nước ngoài và do vậy cũng sẽ ít có nhà đầu tư hay khách du lịch nào biết đến Việt Nam. Về kỹ thuật, lúc đó, khoảng 95% mạng viễn thông các nước đều sử dụng công nghệ analog (tín hiệu tương tự). Nhưng một số nghiên cứu cho thấy, xu hướng phát triển viễn thông quốc tế đang bắt đầu công nghệ mới - công nghệ tín hiệu số digital. Tính về lâu dài, công nghệ mới sẽ giúp chúng ta hòa nhập và tiến nhanh hơn cùng thế giới. Công nghệ đang phát triển nhanh, nếu mở rộng đầu tư công nghệ cũ thì việc thay thế sau này chắc chắn rất tốn kém. Sau nhiều cân nhắc, cuối cùng ngành bưu điện quyết tâm “nhảy qua” analog để tiến thẳng vào công nghệ digital. Ðây là bước đi đầy khó khăn nhưng thực tiễn đã chứng minh đó là quyết định đúng đắn.

“Việt Nam lúc đó còn nghèo và công nghệ cũng như hạ tầng về viễn thông rất hạn chế. Nhưng cũng vì chúng ta “nhẹ” nên có thể xoay chuyển nhanh và dễ làm. 10 nghìn đầu số của Hà Nội đã được chuyển đổi thành công chỉ trong một đêm và tiếp đó là hơn 45 nghìn đầu số của TP Hồ Chí Minh trong một đêm khác. Trong thời gian dài sau đó, khi các nước chung quanh còn loay hoay lo chuyển đổi từ analog sang digital thì về viễn thông, Việt Nam đã bắt kịp những nước đi đầu thế giới thời bấy giờ”, TS Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện dẫn chứng câu chuyện trên để khẳng định một lợi thế quan trọng của Việt Nam trong CÐS. Dù là nước đi sau, luôn bị thế giới xếp hạng thấp trong việc chuẩn bị cho cuộc CMCN 4.0, nhưng đây lại là lợi thế bởi Việt Nam không có nhiều “gánh nặng” quá khứ, chi phí chuyển đổi sang nền kinh tế số (KTS) sẽ thấp hơn những nước có quá trình phát triển cao.

CMCN 4.0 với nội dung chủ yếu là CÐS đang diễn ra với tốc độ rất nhanh. Việt Nam có tham gia hay không thì tiến trình này vẫn lan tỏa trên khắp toàn cầu. Tuy nhiên, khác với ba cuộc CMCN trước đây, Việt Nam lần đầu có được cơ hội được đi “cùng chuyến tàu” với tất cả các quốc gia trên thế giới. Không những vậy, chúng ta còn đang sở hữu những lợi thế nhất định. TS Mai Liêm Trực cho biết: Trước hết, lợi thế của Việt Nam là có Ðảng lãnh đạo, có thể đưa ra được những quyết sách lớn một cách nhanh và tập trung, tạo ra sự thống nhất trong toàn xã hội; cộng thêm tầm nhìn đúng đắn và quyết tâm chắc chắn sẽ dẫn dắt được đất nước đi lên. Bên cạnh đó, trong một số lĩnh vực, Việt Nam đã vươn lên tiếp cận những nước thuộc top đầu của thế giới. Ðiển hình nhất là lĩnh vực viễn thông, nền tảng quan trọng cho kết nối của CMCN 4.0, hiện đã được phổ cập rộng rãi và sở hữu công nghệ với trình độ tương đương nhiều nước tiên tiến trên thế giới (4G, 5G). Ngoài ra, người Việt Nam rất linh hoạt, dễ thích nghi với cái mới và thông minh. Trong khi đó, cuộc cách mạng CÐS chủ yếu là của ngành công nghiệp sáng tạo, của trí tuệ chứ không còn thiên về vật chất. Với những lợi thế đó, Việt Nam đang có những cơ hội thật sự với CÐS, nhưng phải tận dụng tốt nếu không thì sẽ thành cản trở.

Tuy nhiên, theo PGS, TS Trần Ðình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Việt Nam đi sau dù là lợi thế nhưng ít hành trang cũng đồng nghĩa với ít năng lực, nhất là năng lực tiếp cận CMCN 4.0. Ðó là công nghệ, tài chính, hạ tầng hay nhân lực số,... những cái ta rất thiếu. Nói cách khác, nếu “nhẹ gánh” thì có thể bước khỏi quá khứ dễ dàng, nhưng tiến vào tương lai lại đầy thách thức. Mặt khác, người Việt Nam có lợi thế về trí tuệ và đã được khẳng định qua nhiều kỳ thi quốc tế, nhưng đáng tiếc năng lực này vẫn chưa có điều kiện, cơ chế để phát huy hiệu quả, thể hiện rõ trong thực tế là năng lực cải tiến của chúng ta tuy có, nhưng năng lực phát minh, sáng tạo còn rất hạn chế. Ðiểm đáng chú ý nữa là còn có thách thức đến từ quá trình hội nhập. Việt Nam đang đứng trong những “đội hình” phát triển nhất thế giới như Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Trong đó, rất nhiều quốc gia đã xác định CÐS là con đường sống còn để phát triển. Chúng ta sẽ vừa là đối tác, nhưng cũng phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ các nền kinh tế này. Nền kinh tế thực đang dần được “số hóa”, nếu không bắt kịp khả năng chúng ta sẽ không chỉ tụt hậu mà thậm chí còn bị loại khỏi “cuộc chơi” vì các nước đều đã chuyển sang KTS. Tuy nhiên, sức ép cũng có thể biến thành động lực nếu chúng ta có đủ quyết tâm. Hội nhập tạo ra áp lực, nhưng đồng thời lại là cơ hội để Việt Nam có điều kiện tiếp cận học hỏi trí tuệ, công nghệ của nhân loại, nhờ đó rút ngắn và tạo hiệu quả cao hơn cho quá trình CÐS trong nước.

Cơ chế đột phá

Dù CMCN 4.0 hay CÐS là cuộc cách mạng thuần túy về công nghệ, nhưng rất nhiều chuyên gia cũng đồng ý rằng, đây còn là cuộc cách mạng về cải cách thể chế. Theo nhiều chuyên gia, những cuộc CMCN trước đều chỉ tạo ra công cụ để giải quyết vấn đề sức lao động cho con người. Nhưng cuộc cách mạng số lần này sẽ tạo ra công nghệ để hỗ trợ cả phần trí tuệ của nhân loại (dữ liệu lớn big data, trí tuệ nhân tạo - AI,...). Từ đó, chắc chắn thách thức về thể chế sẽ hiện hữu. Những cấu trúc hiện đại của nền KTS, xã hội số sẽ đòi hỏi sự điều hành khác, con người khác cũng như bộ máy khác hẳn. Ðộ phức tạp của các thành phần kinh tế, của xã hội cũng sẽ năng động và phức tạp hơn rất nhiều, do đó đòi hỏi những năng lực thể chế khác hẳn. TS Trần Ðình Thiên phân tích: Từ trước đến nay, nhân loại vẫn tồn tại ở các nền kinh tế vật thể, dựa trên những liên hệ vật thể trực tiếp cũng như tạo ra của cải vật thể trực tiếp. Nguồn lực cho nền kinh tế này cũng là nguồn lực vật thể như khoáng sản, sức lao động hay thậm chí cả máy móc, rô-bốt,… vốn hữu hạn nên sản phẩm tạo ra cũng sẽ hữu hạn. Riêng KTS lại phát triển chủ yếu dựa vào những nguồn lực như thông tin, tri thức hoặc năng lực sáng tạo - những nguồn lực mới và dường như là vô hạn. Do đó, cải cách thể chế là cuộc cách mạng giải phóng, tạo ra cơ chế mới đột phá cho sự phát triển của các nguồn lực mới cần thiết cho sự phát triển của KTS.

Kinh tế Việt Nam vẫn đang dựa chủ yếu trên những nguồn lực cũ, trong khi nguồn lực mới cho KTS như nhân lực số, công nghệ số hay hạ tầng số,... còn rất hạn chế. Do đó, để chuyển sang nền KTS hiệu quả, phải thay thế và tạo ra được nhiều nguồn lực mới. Cụ thể, phải có càng nhiều công nghệ càng tốt cũng như kết nối và tạo ra được càng nhiều trí tuệ càng tốt. Ðể làm được, cần tập trung chính sách để xây dựng một hệ thống đổi mới quốc gia, bao gồm hàng loạt các doanh nghiệp hiện đại, các trung tâm đổi mới sáng tạo và các trường đại học. Phải có những cơ chế ưu đãi thực sự vượt trội mới có thể thúc đẩy những đối tượng này thỏa sức sáng tạo ra những sản phẩm, công nghệ vượt trội. Cụ thể, phải dành nguồn lực để ưu tiên cho phát triển khoa học - công nghệ, cho thu hút chất xám từ nước ngoài, kết nối tri thức Việt Nam toàn cầu với chiến lược cụ thể; có cơ chế ưu đãi riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo bằng thuế, bằng giải phóng thủ tục,… Cuộc cách mạng về cải cách thể chế không chỉ là tháo gỡ các cơ chế cũ mà còn phải tạo ra cơ chế mới đột phá hơn. “Chừng nào lợi ích của ngân sách được dựa nhiều vào sản xuất trí tuệ, dựa nhiều vào các sản phẩm do trí tuệ tạo ra thì việc chuyển từ nhà nước vật thể sang nhà nước số sẽ có sự chuyển biến rõ rệt”, TS Trần Ðình Thiên khẳng định.

Trước vận hội lớn của CMCN 4.0 và CÐS, tinh thần tiến công của Việt Nam cũng đã và đang được chuyển hóa thành phương hướng chiến lược hay các chương trình hành động quốc gia. Cụ thể, tháng 5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 16/CT-TTg về “Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0”. Chiến lược về CMCN 4.0 cùng Chương trình hành động về CÐS cũng đang được nghiên cứu, soạn thảo và lồng ghép vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Một loạt chương trình về xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, phát triển du lịch thông minh, đô thị thông minh, khởi nghiệp sáng tạo được nhiều bộ, ngành và địa phương trên cả nước triển khai; từ đó, thu được những kết quả nhất định.

Tuy nhiên, theo TS Mai Liêm Trực, cách thức triển khai cuộc “tiến công” vào CMCN 4.0 của chúng ta còn ít nhiều mang tính “phong trào”. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là sự vào cuộc thiếu mạnh mẽ của nhiều lãnh đạo các cấp, nhất là người đứng đầu một số ngành, địa phương vẫn chưa đủ “đau đáu” trong suy nghĩ và thiếu quyết liệt trong triển khai thực tế. Vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu lúc này cần phải được đề cao hơn bao giờ hết. Ðất nước ta đang sở hữu những tiền đề rất cơ bản, dù chưa đầy đủ và hoàn chỉnh để thực hiện CMCN 4.0, thúc đẩy KTS, tạo đột phá tăng trưởng và phát triển. Trở ngại về thể chế, chính sách, hạ tầng, nguồn nhân lực, hay khiếm khuyết của bản thân doanh nghiệp là không đơn giản, song chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục và giảm được chúng. Trong bối cảnh mới, tự tin, tư duy khoa học, cách tiếp cận thực tiễn là cần, song chưa đủ. Chúng ta còn cần cả tốc độ và do vậy, phải quyết liệt cả trong nhận thức, trong xây dựng chiến lược và nhất là trong hành động.