26/11/2024 lúc 11:03 (GMT+7)
Breaking News

Ninh Thuận: Thúc đẩy vai trò đô thị là động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội

Phát triển đô thị gắn kết với quá trình công nghiệp hoá (CNH), hiện đại hoá (HĐH) là một trong những yếu tố then chốt quyết định thành công của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất và phát triển kinh tế - xã hội.

Có thể thấy Khu vực đô thị không chỉ tạo tăng trưởng GDP mà còn góp phần tích cực vào chuyển dịch mô hình và cơ cấu tăng trưởng trong dài hạn, khẳng định vai trò trung tâm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; từng bước tạo nên sự phát triển hài hòa giữa các vùng, miền, góp phần giải quyết các vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong giai đoạn 2015 - 2020, để chỉ đạo công tác phát triển đô thị hướng tới mục tiêu CNH, HĐH của đất nước, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra nhiệm vụ “Từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, xanh, thân thiện với môi trường, nhất là các đô thị lớn. Nâng cao chất lượng và quản lý tốt quy hoạch đô thị, bảo đảm phát triển bền vững…”.

Có thể thấy Khu vực đô thị không chỉ tạo tăng trưởng GDP mà còn góp phần tích cực vào chuyển dịch mô hình và cơ cấu tăng trưởng trong dài hạn.

Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của BCH Trung ương Đảng khóa XII đề ra chủ trương “Thực hiện có hiệu quả quá trình đô thị hóa trong tiến trình CNH, HĐH; kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị, hoàn thiện mô hình phát triển kinh tế đô thị, tổ chức bộ máy chức năng nhiệm vụ và phương thức quản lý của chính quyền đô thị”. Trên cơ sở đó, Ninh Thuận đã thể chế hóa, từng bước hoàn chỉnh luật pháp, cơ chế chính sách điều chỉnh vấn đề phát triển đô thị. Nghị quyết số 64/NQ-CP ngày 22/7/2016 của Chính phủ, xác định nhiệm vụ trọng tâm: “Phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường, ứng phó với BĐKH; nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của các đô thị”. Đồng thời chỉ đạo rà soát, nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các Chỉ thị về công tác tăng cường quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, phát triển đô thị, phát triển hệ thống dịch vụ đô thị (Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 27/7/2015, Chỉ thị số 05/CT-TTg 01/3/2019 và Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Theo đó Đảng ủy - HĐND - UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch hành động Xây dựng, đô thị nhằm thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về đẩy mạnh công tác quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch, để đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao chất lượng đô thị hóa.

Có thể thấy tại thời điểm tái lập tỉnh năm 1992, Ninh Thuận là một tỉnh còn nhiều khó khăn, điều kiện phát triển rất hạn chế, hạ tầng lạc hậu. Nhưng với tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của toàn Đảng bộ tỉnh, trong đó có sự phấn đấu của ngành Xây dựng, vùng đất nắng và gió đã hoàn toàn "thay da đổi thịt", với những khu đô thị hiện đại, những vùng quê đáng sống. Với nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong 30 năm qua đã góp phần thay đổi diện mạo Ninh Thuận trở thành điểm sáng kinh tế của cả nước, là một trong những tâm điểm thu hút các nhà đầu tư. Với những quyết sách đúng đắn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong hoạch định và thực thi chiến lược phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng sẵn có của địa phương, trong thời gian tới, Ninh Thuận kỳ vọng sẽ có sự bứt phá đi lên.

Đến nay, tỉnh đã kêu gọi đầu tư 7 dự án khu đô thị, khu dân cư diện tích 161,6 ha với tổng mức đầu tư 2.250,8 tỷ đồng.

Đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 1 đô thị loại II và 3 đô thị loại V; tổng diện tích toàn đô thị khoảng 12,9 ngàn ha, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh tính hiện đạt khoảng 36,01%. Để đảm bảo mục tiêu, lộ trình phát triển đô thị của tỉnh, theo Chương trình phát triển đô thị tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, các địa phương như Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn), thị trấn Phước Dân (Ninh Phước), xã Phước Đại (Bác Ái) và xã Lợi Hải (Thuận Bắc) đang tiếp tục huy động nguồn lực để phát triển đô thị theo Chương trình được phê duyệt.

Về công tác quy hoạch, đã hoàn thành quy hoạch vùng tỉnh, quy hoạch 6 vùng huyện, quy hoạch chung Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, quy hoạch chung các đô thị và các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết nhằm triển khai quy hoạch chung được duyệt, kịp thời đáp ứng cho yêu cầu quản lý không gian kiến trúc cảnh quan và kêu gọi đầu tư xây dựng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trên cơ sở các đồ án Quy hoạch được duyệt, tỉnh đã kêu gọi đầu tư thực hiện các dự án, đảm bảo việc hình thành khu đô thị đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, kết nối với các khu vực hiện hữu, góp phần giải quyết nhu cầu đất ở cho người dân cũng như đầu tư hạ tầng kỹ thuật bằng nguồn lực kinh tế ngoài ngân sách.

Đến nay, tỉnh đã kêu gọi đầu tư 7 dự án khu đô thị, khu dân cư diện tích 161,6 ha với tổng mức đầu tư 2.250,8 tỷ đồng. Công tác đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, công nghiệp đã đạt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra giải quyết dứt điểm trình trạng thiếu nước sinh hoạt đô thị, chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng cho sự phát triển các khu, cụm công nghiệp, từng bước xử lý và tiến tới chấm dứt trình trạng mất vệ sinh môi trường trong các đô thị thông qua công tác đầu tư hạ tầng thoát nước, thu gom xử lý rác thải và đầu tư xây dựng các nghĩa trang.

Trong thời gian qua, với sự hỗ trợ tạo điều kiện phát triển năng lực sản xuất mới, các doanh nghiệp hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ về chất lẫn lượng đủ năng lực để đảm đương các công trình có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, góp phần nâng cao sản phẩm trong hoạt động xây dựng của tỉnh nhà, tạo nhiều việc làm lao động tại địa phương góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế của tỉnh. Kết tinh của thành quả lao động, những công trình ấn tượng như quần thể Quảng trường - Tượng đài và Bảo tàng tỉnh, Công viên biển Bình Sơn là những công trình văn hóa, kiến trúc nhằm phục vụ và giáo dục truyền thống tốt đẹp của địa phương, nơi tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh, tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí cho người dân. Cầu An Đông là "điểm nhấn" kết nối các đô thị; các trục đường 16 Tháng 4, đường Yên Ninh trở thành những trục đường huyết mạch của Tp. Phan Rang – Tháp Chàm; bệnh viện, trường học đạt chuẩn quốc gia vừa là công trình phục vụ dân sinh vừa là kiến trúc cảnh quan đô thị; những tổ hợp điện gió-điện mặt trời là đặc thù kinh tế ít nơi có được và những tổ hợp kiến trúc đặc biệt đang dần được hình thành như: SunBay Park, Ecopark, Bình Tiên, Sailing Bay… góp phần tôn tạo vẻ đẹp hấp dẫn của dải ven biển Ninh Thuận.

Cầu An Đông là "điểm nhấn" kết nối các đô thị; các trục đường 16 Tháng 4.

Trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, việc phát huy hơn nữa vai trò của khu vực đô thị và kinh tế đô thị đối với tỉnh Ninh Thuận là hết sức cần thiết để tận dụng tối đa giá trị lợi thế và tiềm năng cũng như tạo cơ hội chuyển dịch chất lượng cuộc sống cho người dân và gia tăng năng lực đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế của tỉnh nhà.

Theo đó Nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 và chủ trương quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị, tỉnh đã tập trung một số giải pháp để thúc đẩy sự phát triển kinh tế đô thị trên địa bàn tỉnh theo hướng đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hóa và kinh tế đô thị, kết cấu hạ tầng của đô thị; phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển kinh tế đô thị theo hướng hiện đại, rút ngắn khoảng cách với các đô thị lớn trong vùng và cả nước; bảo đảm môi trường, tăng trưởng xanh và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng cường giải pháp khai thác nguồn thu từ quỹ đất thông qua việc kêu gọi đầu tư các dự án phát triển khu dân cư, khu đô thị.

Song có thể thấy hệ thống đô thị phát triển chưa hài hòa, đồng bộ giữa tăng số lượng với chất lượng, chưa đảm bảo tính liên kết phát triển, chưa giải quyết tốt chênh lệch về trình độ phát triển; hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, giải quyết ùn tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường…, tăng chi phí vận tải, logistic và tăng phát thải. Nguồn lực phát triển đô thị còn thiếu, sử dụng đất đô thị còn chưa hiệu quả; quản lý đầu tư còn nhỏ lẻ chưa theo quy hoạch, kế hoạch; năng lực và tư duy quản lý đô thị chưa theo kịp tốc độ phát triển đô thị; năng lực cạnh tranh đô thị còn thấp.

Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, chưa điều chỉnh hiệu quả thực tiễn phát triển. Lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị chưa đáp ứng các nguyên tắc phát triển của nền kinh tế thị trường, chưa đồng bộ, gắn kết phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng và đất đai. Hệ thống tài chính đô thị cần đổi mới, việc quản lý, sử dụng, phân bổ nguồn lực hợp lý. Mô hình, năng lực chính quyền đô thị và tổ chức bộ máy đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển đô thị.

Để thúc đẩy vai trò đô thị là động lực phát triển kinh tế của quốc gia, góp phần xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 tầm nhìn đến 2030 của Ninh Thuận về phát triển hệ thống đô thị cần được đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của cả nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Việc đẩy mạnh nghiên cứu, rà soát, tổng kết tình hình thực tiễn, trọng tâm.

Để đẩy nhanh tiến độ đô thị hóa Ninh Thuận cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật quản lý phát triển đô thị; cơ chế, chính sách liên kết vùng, liên kết phát triển đô thị và nông thôn; cơ chế chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế, tài chính đô thị; Đổi mới mô hình phát triển đô thị hướng phát triển bền vững, thông minh; tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu; Tạo động lực tăng trưởng, năng lực cạnh tranh và thương hiệu của đô thị; Nâng cao chất lượng đô thị, phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng; xử lý ách tắc, ngập úng; quản lý môi trường, chất thải, nước thải bằng các giải pháp công nghệ thông minh; Nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch đô thị. Đổi mới phương pháp lập quy hoạch theo hướng tích hợp, đa ngành; chương trình phát triển đô thị xác lập khung hợp tác công và tư; Đổi mới mô hình chính quyền đô thị gắn quản trị đô thị với Chính phủ điện tử; minh bạch thông tin, dữ liệu, nâng cao năng lực cán bộ quản lý đô thị./. 

Nguyễn Hương