12/01/2025 lúc 17:41 (GMT+7)
Breaking News

Ninh Bình: Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, khẩn trương di dân khỏi khu vực nguy hiểm

Ngày 12/6 Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh Ninh Bình đã có Công điện số 02 về Ứng phó với Áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có thể mạnh lên thành bão.

Ngày 12/6 Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh Ninh Bình đã có Công điện số 02 về Ứng phó với Áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có thể mạnh lên thành bão.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của ATNĐ có thể mạnh lên thành bão và mưa lũ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Ninh Bình yêu cầu các thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN các huyện, thành phố; các sở, ban, ngành khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện Công điện số 01/CĐ-BCH ngày 11/6/2021 của Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Ninh Bình.

Thứ hai, nghiêm cấm không cho tầu thuyền ra khơi, thông báo cho các chủ phương tiện tầu, thuyền đang hoạt động ngoài khơi tìm nơi trú tránh; tổ chức sắp xếp tàu thuyền ở nơi neo đậu xong trước 19h00' ngày 12/6/2021, tổng hợp thông tin về số lượng, phương tiện, ngư dân đã vào nơi trú ẩn báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh.

Thứ ba, tổ chức cắt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố biển hiệu, nhà ở, các công trình công cộng; sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực chịu ảnh hưởng.

Thứ tư, chỉ đạo các biện pháp bảo vệ sản xuất, thu hoạch diện tích lúa và hoa màu để giảm thiểu thiệt hại.

Vị trí và đường đi của bão số 2. (Nguồn: nchmf.gov.vn)

Thứ năm, yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình mưa lũ, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản.

Huyện Kim Sơn triển khai phương án di dân khu vực ngoài đê Bình Minh III đến Cồn Nổi xong trước 19h00' ngày 12/6/2021 và đảm bảo các quy định về phòng chống dịch COVID-19 trong quá trình triển khai di dân.

Thông báo cho các Chủ đầu tư, các đơn vị thi công công trình xây dựng khu vực ven biển (từ Bình Minh III đến Cồn Nổi) dừng thi công, di chuyển người và phương tiện đến nơi an toàn xong trước 19h00' ngày 12/6/2021; tạm dừng thi công Âu  Kim Đài và các cống đang thi công dở dang trên tuyến đê hữu Đáy; chủ đầu tư các công trình và đơn vị thi công có phương án đảm bảo an toàn trong phòng chống bão, lũ.

Phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình Thủy lợi sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Thứ sáu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi phối hợp với UBND các huyện, thành phố kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập và công trình thi công dở dang. Chuẩn bị phương án tiêu nước khi có mưa lớn.

Thứ bảy, các Thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình lập tức xuống địa bàn để thực hiện nhiệm vụ được phân công.

Thứ tám, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình, Báo Ninh Bình, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Bình thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão, tăng cường thông tin, truyền thông về diễn biến của ATNĐ và công tác chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả.

Thứ chín, tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Ninh Bình.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ huy tại các Công điện trên và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh về công tác chỉ đạo, ứng phó với ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão.

Trước đó, ngày 11/6/2021 Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình đã ban hành có Công điện số 01/CĐ-BCH về ứng phó với vùng áp thấp trên Biển Đông yêu cầu các huyện, thành phố, sở ban ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp; thông báo cho chủ phương tiện và thuyền trưởng tàu, thuyền biết diễn biến của vùng áp thấp và gió mùa Tây Nam để chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người và phương tiện cũng như có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra./.