18/09/2024 lúc 16:18 (GMT+7)
Breaking News

Ninh Bình: Giữ vững ổn định kinh tế, duy trì đà tăng trưởng trong tháng 8/2024

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, UBND tỉnh Ninh Bình cùng nỗ lực của các cấp, ngành, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 8 tháng đầu năm 2024 đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Kinh tế tiếp tục đà phục hồi

Trong tháng, các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, sản xuất nông nghiệp tiếp tục ổn định, diện tích gieo trồng vụ Mùa vượt kế hoạch đề ra. Các địa phương trong tỉnh thực hiện chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; chủ động ứng phó với mưa, lũ để bảo vệ sản xuất; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng. Chăm sóc, phòng bệnh cho thủy sản nuôi trồng và thực hiện thả giống thủy sản vụ 2.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) là gì?

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn tỉnh tháng Tám ước tính tăng 1,22% so với tháng trước.

Tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng Tám và 8 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn tỉnh tháng Tám ước tính tăng 1,22% so với tháng trước. So với cùng tháng năm trước (tháng 8/2023), chỉ số IIP toàn tỉnh tăng 12,23%. Tính chung lại 8 tháng đầu năm 2024 chỉ số IIP toàn tỉnh tăng 11,48% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, một số ngành công nghiệp cấp II có chỉ số sản xuất tăng cao, góp phần vào tốc độ tăng chung của toàn ngành công nghiệp. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu ước thực hiện tháng Tám năm 2024 tăng khá so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2024, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ là đá, giày dép, phân, thép,...

Hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn ra sôi động, các ngành du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng trưởng cao, hoạt động xuất, nhập khẩu phục hồi tích cực, hoạt động vận tải tăng khá, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa trong tháng Tám ước đạt trên 6.352,9 tỷ đồng. Ước tính doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống trong tháng Tám năm nay đạt gần 808,0 tỷ đồng.

Tổng quan về tỉnh Ninh Bình

Tính chung 8 tháng đầu năm nay, số lượt khách đến các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ước đạt gần 6.895,3 nghìn lượt khách, tăng 32,7% so với 8 tháng năm 2023.

Trong tháng, Ngành Du lịch Ninh Bình đã cử cán bộ chuyên môn phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát, lập kế hoạch chi tiết nhằm thực hiện tốt các khâu đón tiếp, phân luồng, bố trí phương tiện tham quan để chuẩn bị đón đoàn khách của Tập đoàn dược Ấn Độ dự kiến đến thăm quan tại Khu du lịch sinh thái Tràng An từ ngày 28/8/2024; các hướng dẫn viên thông thạo ngoại ngữ được bố trí để hướng dẫn du khách; công tác an ninh trật tự, y tế cũng được bổ sung thêm nhân lực để kịp thời xử lý các sự cố phát sinh nếu có. Ước tính số lượt khách đến các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh trong tháng Tám đạt gần 377,2 nghìn lượt khách, tăng 17,0% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng đầu năm nay, số lượt khách đến các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 6.895,3 nghìn lượt khách, tăng 32,7% so với 8 tháng năm 2023.

Chú trọng đầu tư xây dựng cơ bản

Một trong những yếu tố quyết định tạo sự tăng trưởng là nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước vào xây dựng cơ bản. Cùng với tăng trưởng kinh tế, công tác đầu tư xây dựng cơ bản cũng được tỉnh Ninh Bình đặc biệt quan tâm. Trong tháng, một số dự án, công trình đã được khởi công mới như: Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư mới phía Bắc đường Đông – Tây giai đoạn I thuộc xã Quang Sơn, thành phố Tam Điệp với tổng mức đầu tư 201 tỷ đồng; dự án hệ thống giao thông kết hợp chống ngập thị trấn Nho Quan với tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến đường nối Khu công nghiệp Tam Điệp giai đoạn 2 với tuyến đường Đông - Tây tỉnh Ninh Bình với tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng; dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất các lô đất có ký hiệu 4,5,6,7 trong điều chỉnh cục bộ khu vực xã Khánh Phú với tổng mức đầu tư 56 tỷ đồng;…

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Ninh Bình, tổng số vốn đầu tư thực hiện tháng Tám năm 2024 toàn tỉnh ước đạt trên 2.852,8 tỷ đồng, tăng 0,3% so với cùng tháng năm trước. Trong đó: Vốn Nhà nước đạt 532,2 tỷ đồng, giảm 8,4%; vốn ngoài Nhà nước đạt 2.140,3 tỷ đồng, tăng 2,6%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 180,3 tỷ đồng, tăng 2,3%. Tính chung lại, tổng vốn đầu tư thực hiện 8 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh ước đạt gần 20.958,3 tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: Vốn Nhà nước đạt 4.175,2 tỷ đồng, tăng 5,9%; vốn ngoài Nhà nước đạt 15.385,9 tỷ đồng, giảm 2,1%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1.397,2 tỷ đồng, tăng 46,5%.

Ninh Bình: Gấp rút hoàn thiện tuyến đường giao thông lớn nhất từ trước đến nay

Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư mới phía Bắc đường Đông – Tây giai đoạn I thuộc xã Quang Sơn, thành phố Tam Điệp với tổng mức đầu tư 201 tỷ đồng. (Ảnh: Báo Ninh Bình)

Đối với khu vực đầu tư công, một số dự án, công trình có khối lượng vốn đầu tư thực hiện lớn trong tháng 8/2024 như: Dự án xây dựng tuyến đường ĐT.482 kết nối quốc lộ 1A với quốc lộ 10 và kết nối quốc lộ 10 với quốc lộ 12B ước đạt 30 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến đường Đông - Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn 1) ước đạt gần 29,5 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng cầu vượt sông Vân và đường dẫn phía Tây sông Vân, tỉnh Ninh Bình ước đạt 25 tỷ đồng; dự án xây dựng CSHT khu du lịch sinh thái Tràng An và các dự án thành phần ước đạt trên 20,6 tỷ đồng; dự án xây dựng Trường Đại học Hoa Lư (giai đoạn 2) ước đạt 15 tỷ đồng; dự án xây dựng cầu vượt sông Bôi phục vụ ứng cứu di dân và phát triển kinh tế vùng phân lũ chậm lũ Nho Quan - Gia Viễn ước đạt 11,9 tỷ đồng; dự án xây dựng quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế ước đạt 8,6 tỷ đồng…

Khu vực sử dụng vốn ODA: Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho 04 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ - Tiểu dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình ước đạt 19,8 tỷ đồng.

Một điểm sáng nữa trong bức tranh kinh tế 8 tháng năm 2024 là về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo đó, một số công trình nổi bật như: Dự án xây dựng nhà xưởng sản xuất, mua sắm tài sản, lắp đặt máy móc thiết bị phục vụ sản xuất camera module của Công ty TNHH MCNEX Vina ước đạt 81,2 tỷ đồng; dự án xây dựng nhà xưởng sản xuất giày của Công ty TNHH Giầy Athena Việt Nam ước đạt 18,8 tỷ đồng; dự án xây dựng nhà máy sản xuất các công cụ, dụng cụ cao cấp CIBON Ninh Bình của Công ty TNHH Công nghiệp CIBON Việt Nam ước đạt 17,5 tỷ đồng; dự án mua sắm máy móc thiết bị sản xuất hàng may mặc của Công ty TNHH Great Global International 12,5 tỷ đồng; dự án xây dựng nhà xưởng sản xuất giày của Công ty TNHH Ever great Internation 9,1 tỷ đồng;…

Trần Hiếu - Thanh Nhàn