VNHN - Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao nhóm 20 nền kinh tế lớn thế giới (G20) vừa kết thúc sau 2 ngày họp tại Nagoya, tỉnh Aichi (Nhật Bản) với những chuyển động tích cực liên quan tới thúc đẩy thương mại tự do, hiện thực hóa Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Hội nghị cũng đã chứng kiến nỗ lực hàn gắn giữa Hàn Quốc và Nhật Bản sau hàng loạt những căng thẳng vừa qua.
Các ngoại trưởng G20 đã bàn thảo nhiều nội dung quan trọng trong hội nghị kéo dài 2 ngày tại Nhật Bản.
Một trong những dấu ấn của hội nghị lần này là sự đồng thuận của các nước G20 trong việc kêu gọi chống chủ nghĩa đơn phương, ủng hộ củng cố hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, trong đó Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là trung tâm; đề nghị tiếp tục cải cách các thể chế đa phương theo hướng minh bạch, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường tiếng nói và vai trò của các nước đang phát triển.
Liên quan đến Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), các bộ trưởng G20 nhất trí tăng cường huy động nguồn lực, hợp tác toàn cầu và khu vực trong việc thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, trong đó quan tâm hỗ trợ các nước đang phát triển hoàn thành SDGs đúng thời hạn, nhất là các mục tiêu chống đói nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường... Một số nền kinh tế phát triển trong G20 cam kết duy trì cung cấp hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho các nước đang phát triển nhằm đạt được SDGs.
Đáng chú ý, trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang đứng trước nhiều rủi ro xuất phát từ những căng thẳng và bất đồng giữa các nền kinh tế lớn, việc các thành viên G20 nhất trí thúc đẩy thể chế thương mại tự do, công bằng và không phân biệt có thể coi là một điểm nhấn quan trọng, định hướng cho hoạt động giao thương toàn cầu trong tương lai.
Ngoài ra, dựa trên bản Tuyên bố chung Hội nghị cấp cao Osaka đã được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Osaka (Nhật Bản) hồi tháng 6 vừa qua, Hội nghị Ngoại trưởng G20 đã tập trung thảo luận về cải cách WTO.
Theo các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nhiều nước thành viên đang cảm thấy không hài lòng với cả 3 chức năng chính của WTO. Đầu tiên, cơ chế phân loại chưa rõ ràng của WTO dẫn đến việc nhiều nước có nền kinh tế mạnh, thậm chí có mặt trong nhóm G20, nhưng vẫn tuyên bố tình trạng quốc gia đang phát triển để được hưởng lợi ích và miễn trừ các nghĩa vụ.
Thứ hai, chức năng đàm phán của WTO tỏ ra thiếu hiệu quả do các nước thành viên gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự đồng thuận hoàn toàn để đạt được các hiệp định mới, thay đổi luật hay trừng phạt các quốc gia không tuân thủ nghĩa vụ. Đối với chức năng phân xử tranh chấp thương mại, một số quốc gia, đặc biệt là Mỹ đang ngày càng tỏ ra không hài lòng với hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO. Để giải quyết tình trạng trên, nhiều thành viên WTO nhất trí thúc đẩy cải cách WTO để tạo “các thị trường mở và một sân chơi công bằng cho mọi quốc gia”.
Nội dung xây dựng quy tắc quốc tế về kinh tế số cũng thu hút sự chú ý của dư luận thế giới. Bởi số hóa đang làm thay đổi mọi khía cạnh của các nền kinh tế và xã hội, và việc sử dụng hiệu quả số hóa sẽ đóng góp cho sự thịnh vượng ở tất cả các nước. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa những lợi ích mà kinh tế số mang lại, rất cần xây dựng các quy tắc toàn cầu trong lĩnh vực này.
Nhìn chung, bên cạnh một số bất đồng khó có thể tránh khỏi như căng thẳng Mỹ - Trung Quốc liên quan tới vấn đề thương mại và tình hình bất ổn tại Hồng Kông, những tín hiệu tích cực phát đi từ Hội nghị Ngoại trưởng G20 cho thấy, định chế này đang ngày càng tăng cường vai trò trong thúc đẩy hợp tác quốc tế để xử lý các vấn đề và thách thức mang tính toàn cầu.