19/12/2024 lúc 17:39 (GMT+7)
Breaking News

Những thông điệp nâng tầm Ngoại giao đa phương Việt Nam

VNHNO-“Việt Nam mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa vào việc xây dựng các thể chế đa phương và thực hiện những trách nhiệm chung của cộng đồng quốc tế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Phiên thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 73 ngày 29/9 tại New York, Mỹ.

VNHNO-“Việt Nam mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa vào việc xây dựng các thể chế đa phương và thực hiện những trách nhiệm chung của cộng đồng quốc tế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Phiên thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 73 ngày 29/9 tại New York, Mỹ.

Trả lời phỏng vấn về kết quả Đoàn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Phiên thảo luận Cấp cao khóa 73 ĐHĐ LHQ, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phương Nga cho rằng, chuyến công tác lần này của Thủ tướng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tuy ít thời gian nhưng rất hiệu quả, chương trình làm việc hết sức khẩn trương và thu được kết quả rất tốt đẹp. Chuyến công tác khẳng định Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của LHQ và chính sách nhất quán của Việt Nam coi trọng các cơ chế đa phương với LHQ đóng vai trò trung tâm trong quan hệ quốc tế.

Sẵn sàng cho trọng trách

Thứ trưởng Phương Nga chia sẻ, Việt Nam đến với khóa họp lần này với tâm thế là ứng cử viên duy nhất được Nhóm châu Á - Thái Bình Dương gồm 54 quốc gia thành viên nhất trí giới thiệu vào vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an (HĐBA) LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Tham gia khoá họp là dịp để Việt Nam thể hiện trách nhiệm của nước ứng cử và vận động các nước ủng hộ Việt Nam tại cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng 6/2019.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres.

Do đó, trong khuôn khổ chuyến công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tái khẳng định Việt Nam tự tin sẽ đảm đương và hoàn thành tốt vai trò ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021. “Tôi trân trọng đề nghị và mong muốn nhận được sự ủng hộ của tất cả các quốc gia thành viên. Việt Nam cam kết sẽ luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và Liên Hợp Quốc”, Thủ tướng phát biểu trước Đại hội đồng.

Không những vậy, bên lề Phiên thảo luận chung, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có nhiều cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với Tổng Thư ký LHQ, Chủ tịch ĐHĐ LHQ, Nguyên thủ của các nước Cuba, Bulgaria, Croatia và Thủ tướng các nước Fiji, Saint Lucia. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã có các cuộc gặp song phương với Tổng thống Palau, Bộ trưởng Ngoại giao các nước Australia, Ukraine, Slovakia, Slovenia, Uganda, Ecuador, Malta, Marocco, Albania, El Salvador, Canada, tiếp Phó Ngoại trưởng Mỹ và chủ trì cuộc gặp gỡ với hơn 100 lãnh đạo cấp cao, Bộ trưởng và nhiều Đại sứ Trưởng phái đoàn đại diện các nước tại LHQ để vận động ủng hộ Việt Nam làm ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Lãnh đạo LHQ và các nước đều khẳng định mong muốn tăng cường mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác với Việt Nam, bày tỏ tin tưởng và ủng hộ Việt Nam có vai trò lớn hơn tại LHQ và ở khu vực.

Theo Thứ trưởng Phương Nga, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã mang đến khóa họp thông điệp mạnh mẽ là Việt Nam cam kết làm hết sức mình để đóng góp hiệu quả hơn nữa vào công việc chung của cộng đồng quốc tế, thực hiện các mục tiêu chung của LHQ, vì một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển, một trật tự chính trị và kinh tế quốc tế công bằng, dân chủ, dựa trên luật lệ, phù hợp với vị thế của đất nước và sự trông đợi của các nước thành viên LHQ.

Hành động để chống tụt hậu

Thứ trưởng Phương Nga cho biết, bên lề khóa họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên trong đoàn đã dự Toạ đàm về đầu tư tại Việt Nam trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN4.0).

“Vấn đề không chỉ là vốn. Thực tế điều quan trọng nhất trong kỷ nguyên CMCN4.0 là ý tưởng và sáng kiến. Trong số các bạn, ai có ý tưởng gì đột phá giúp Việt Nam phát triển, không quan trọng trong lĩnh vực gì, quan trọng là có người sẵn lòng. Nếu các bạn muốn đầu tư vào Việt Nam, các bạn muốn chúng tôi hỗ trợ điều gì? Hãy chia sẻ với chúng tôi những gì các bạn nghĩ chính phủ Việt Nam có thể làm để CMCN4.0 thật sự tạo ra bước phát triển đột phá cho Việt Nam, hay làm gì trước nguy cơ bị tụt hậu về phía sau và việc làm bị cướp mất”, Thủ tướng phát biểu trước hơn 40 doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp hàng đầu trong Top 500 Fortune của Mỹ như Walmart, GE, Metlife, Medtronic… 

Thứ trưởng Nguyễn Phương Nga chia sẻ, tại Tọa đàm, các doanh nghiệp đánh giá Việt Nam là thị trường năng động với nhiều tiềm năng, cảm ơn sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua và trao đổi thẳng thắn về những cơ hội và thách thức trong đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Thủ tướng đã trực tiếp giải đáp các quan tâm, ghi nhận các đề xuất của doanh nghiệp cũng như của đại diện kiều bào và sinh viên Việt Nam tại Mỹ, giao các Bộ trưởng làm đầu mối kết nối, tháo gỡ vướng mắc, nghiên cứu áp dụng ý tưởng, sáng kiến, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, cũng như cho người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho quê hương đất nước.

“Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thành công tốt đẹp, cả trên bình diện song phương và đa phương, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với LHQ và các nước thành viên phát triển sâu rộng hơn, gia tăng sự tin cậy của bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam và nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế” Thứ trưởng Phương Nga nhấn mạnh trong bài trả lời phỏng vấn.

Phương Hà/TG&VN