20/01/2025 lúc 04:43 (GMT+7)
Breaking News

Những thách thức của ngành giáo dục trong năm học mới 2018-2019

VNHNO - Ngày 5/9, học sinh, sinh viên cả nước sẽ khai giảng, chính thức bước vào năm học mới 2018-2019. Năm nay ngành giáo dục phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến hàng loạt sự cố trong năm học vừa qua.

VNHNO - Ngày 5/9, học sinh, sinh viên cả nước sẽ khai giảng, chính thức bước vào năm học mới 2018-2019. Năm nay ngành giáo dục phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến những sự cố trong năm học vừa qua.

Ngăn chặn gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia

Năm 2018, ngành giáo dục vướng phải bê bối lớn nhất trong lịch sử thi cử mấy chục năm qua. Hàng chục cán bộ, giáo viên các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình bị bắt giam, khởi tố hình sự về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Những người này, bằng nhiều thủ đoạn, đã gian lận sửa chữa bài thi, nâng điểm thi THPT quốc gia cho hàng trăm thí sinh.

Chỉ tính Hà Giang đã có 114 em với 330 bài thi được nâng điểm, có em được tăng đến 29,95 tổng điểm. Sự việc khiến dư luận phẫn nộ, lên án ngành giáo dục đã để những kẽ hở cho một số cán bộ tha hóa làm sai ở kỳ thi quan trọng, quyết định tương lai học tập của học sinh. Sự việc khiến dư luận phẫn nộ, lên án, nhất là khi một số cán bộ của ngành giáo dục (cán bộ sở GD&ĐT) liên quan tiêu cực.

Nếu như ở Hà Giang, điểm thi thực tế của thí sinh đã được trả lại, thì ở Hoà Bình và Sơn La, với thủ đoạn sửa điểm tinh vi hơn, Bộ Công an và Bộ GD&ĐT chưa đưa ra kết luận cuối cùng. Điều đó đồng nghĩa thí sinh chưa được trả lại điểm gốc.

Việc trả lại điểm thi thực tế cho thí sinh các tỉnh Sơn La, Hòa Bình và xử lý thích đáng những cá nhân sai phạm, thí sinh có liên quan, cũng là nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục trong năm học mới.

Chuẩn bị chương trình, sách giáo khoa mới

Mục tiêu Bộ GD&ĐT đặt ra là từ năm học 2018-2019 sẽ áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới. Với việc không đảm bảo tiến độ thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, quan trọng hơn là cần thêm thời gian tập huấn giáo viên, cải thiện cơ sở vật chất, đáp ứng chương trình, Bộ Giáo dục đã chủ động xin lùi thời hạn. Đề xuất này được Quốc hội thông qua, cho thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới chậm nhất đến năm học 2020-2021.

Ảnh minh họa: Như Ý.

Đến nay, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới được Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông thông qua. Chương trình các môn học vẫn chưa được hoàn tất để ban hành chính thức. Với hạn chế trên, Bộ Giáo dục xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành năm nay là chuẩn bị tốt nhất điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Giải bài toán thừa, thiếu giáo viên cục bộ

Năm học mới 2018-2019, thống kê chưa đầy đủ từ 43 tỉnh, thành cho thấy, các trường học đang thiếu gần 76.000 giáo viên, trong đó số giáo viên mầm non chiếm gần 60%.

Nói về bậc mầm non, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho hay tính đến ngày 15/8, cả nước có gần 310.000 giáo viên mầm non. Nếu so với định mức mà Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ thống nhất, số giáo viên mầm non còn thiếu khoảng 40.000 người.

Ở bậc tiểu học, số giáo viên còn thiếu gần 19.000 người. Trong khi đó, bậc THCS và THPT xảy ra tình trạng thừa thiếu cục bộ. THCS thiếu 10.000 người nhưng cũng lại thừa 12.000 người, còn bậc THPT thì thiếu trên 3.000 giáo viên.

Trước vấn đề này, Bộ GD&ĐT đã có văn bản đề nghị các địa phương tiếp tục sắp xếp rà soát mạng lưới trường lớp theo hướng giảm điểm lẻ, tăng quy mô các trường để tiết kiệm định mức đầu tư cũng như biên chế.

Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT cũng đang phối hợp yêu cầu các địa phương tổng hợp rà soát về dân số từ 2015-2018, số lượng học sinh, số lượng giáo viên cả biên chế và hợp đồng và trên cơ sở đó, tỉnh cân đối về biên chế và báo cáo về Bộ Nội vụ để bộ này báo cáo Thủ tướng.

Tăng cường cơ sở vật chất

Tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng hoạt động giáo dục và đào tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2018-2019. Ở một số địa phương, tình trạng thiếu trường, lớp học, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học vẫn còn phổ biến.

Tỉnh miền núi phía Bắc Điện Biên là một ví dụ. Năm học mới, tỉnh này có hơn 9.000 lớp học, trong đó, hơn 1/3 là phòng học bán kiên cố và phòng học tạm. Số lượng phòng học này cũng chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu của học sinh.

Ða số trường học thiếu phòng chức năng, nhà đa năng. Một số trường chưa có nhà ban giám hiệu, thiếu nhà nội trú, bếp, nhà ăn, công trình vệ sinh hay nước sạch. Đó là chưa kể những trận lũ quét, sạt lở phá huỷ trường, lớp học ở tỉnh miền núi Sơn La hay Thanh Hoá, Nghệ An mới đây.

Trường THCS dân tộc bán trú Nà Ớt (Mai Sơn, Sơn La) ngập bùn đất sau lũ. Ảnh: Hoàng Thành - Hoàng Thái.

Năm học mới, ngành giáo dục sẽ rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của cơ sở giáo dục để các địa phương xây mới, sửa chữa, cải tạo, đồng thời điều chỉnh, bổ sung và ban hành các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật với cơ sở vật chất trường, lớp học, thiết bị dạy học cho phù hợp chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để đạt được mục tiêu của chương trình. 

Nâng cao chất lượng giáo viên dạy ngoại ngữ

Trước xu thế hội nhập, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo, là nội dung quan trọng trong định hướng năm học 2018-2019.

Tuy nhiên, thống kê của Bộ GD&ĐT hồi tháng một chỉ ra rằng cả nước vẫn thiếu 5.616 giáo viên tiếng Anh. Cùng với đó, chất lượng giáo viên ngoại ngữ chưa cao khi 33% cấp THCS và 26% cấp THPT đạt chuẩn.

Thiếu giáo viên ngoại ngữ, đi kèm trình độ giáo viên chưa đảm bảo, dẫn đến hiệu quả đào tạo môn học này chưa cao. Kết quả thi THPT vừa qua cho thấy tiếng Anh là môn thi có điểm trung bình 3,91, thấp thứ hai sau môn Lịch sử, với gần 80% thí sinh đạt điểm dưới trung bình.

Bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho giáo viên tiếng Anh cũng là một trong những ưu tiên để chuẩn bị áp dụng chương trình phổ thông mới trong năm học 2019-2020.

Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo

Một hạn chế trong công tác tổ chức giáo dục đào tạo năm học 2017-2018 được Bộ Giáo dục thừa nhận là "quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa tốt. Điều này dẫn đến tình trạng khu đô thị, khu công nghiệp thiếu trường, lớp; thiếu đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là các thành phố lớn".

Đặc biệt, với sự gia tăng đột biến của lứa “rồng vàng 2012" vào lớp 1 năm nay, bài toán sĩ số càng trở nên khó giải quyết hơn.

Năm học mới, cả TP.HCM dự kiến đón thêm hơn 67.000 học sinh, tăng 4% so với năm trước. Thành phố xây thêm gần 900 phòng học nhưng chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu của học sinh.

Trong khi đó, theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, tại trường tiểu học và THCS ở Hà Nội, tình trạng các trường phân bố không đồng đều dẫn đến thiếu trường, lớp học trong nội thành.

Nhiều trường nội đô Hà Nội quá tải học sinh. Ảnh: X.H.

Theo số liệu của World Bank, ở Việt Nam, một giáo viên tiểu học phải phụ trách 19 em, trong khi ở Malaysia, một giáo viên chỉ phải đảm nhận 11 em. Việc quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là các trường sư phạm, cũng là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của ngành giáo dục năm nay./.