Khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự là một trong những nội dung quan trọng thể hiện quyền cơ bản của công dân, có quan hệ mật thiết với Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các quy định về khiếu nại, tố cáo trong các lĩnh vực khác.
Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, trong đó việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp được quy định cụ thể, rõ ràng hơn so với Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003.
Khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự được quy định tại Chương XXXIII gồm có 15 điều. Trong đó có nhiều điểm mới như tại Điều 470 có quy định cụ thể về các Quyết định, hành vi tố tụng có thể bị khiếu nại; thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại liên quan đến khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam theo Điều 474; thẩm quyền giải quyết các Quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực theo Điều 475
Trong bài viết này, tác giả muốn chú trọng nhấn mạnh so sánh điểm mới về thẩm quyền giải quyết giữa Điều 329 Bộ Luật TTHS năm 2003 và Điều 475 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015.Theo đó, Điều 329 Bộ luật TTHS năm 2003 về Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại đối với Điều tra viên, Phó Thủ trưởng và Thủ trưởng Cơ quan điều tra, quy định:“Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Điều tra viên, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra do Thủ trưởng Cơ quan điều tra xem xét, giải quyết trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện kiểm sát cùng cấp phải xem xét, giải quyết. Viện kiểm sát cùng cấp có thẩm quyền giải quyết cuối cùng”.
Tuy nhiên, Điều 475 Bộ luật TTHS năm 2015 về Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại đối với Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Phó Thủ trưởng và Thủ trưởng Cơ quan điều tra, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, quy định:
Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra trừ khiếu nại về việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam do Thủ trưởng Cơ quan điều tra xem xét, giải quyết trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của Thủ trưởng Cơ quan điều tra thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phải xem xét, giải quyết. Quyết định giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp là quyết định có hiệu lực pháp luật.
Nhận thấy việc quy định tại Điều 475 Bộ luật TTHS năm 2015 mở rộng và cụ thể hơn Điều 329 Bộ luật TTHS năm 2003. Theo đó tại Điều 329 quy định nếu người khiếu nại không đồng ý với Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng Cơ quan điều tra thì có quyền khiếu nại đến Viện kiểm sát cùng cấp. Quyết định giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp là quyết định giải quyết cuối cùng. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1, Điều 475 Bộ luật TTHS năm 2015 thì Quyết định giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp là quyết định có hiệu lực pháp luật. Quy định này đã bỏ đi thẩm quyền giải quyết cuối cùng của Viện kiểm sát cùng cấp, đồng thời mở rộng hơn về thẩm quyền để Viện kiểm sát cấp trên có thể xem xét lại Quyết định giải quyết khiếu nại của cấp dưới theo Quy chế số 51 ngày 02/02/2016 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Nguyễn Đức Khanh - Thanh tra Bộ Công an