Không phải chỉ tốc độ nghiên cứu hay tiến trình sản xuất. Ðối với phần lớn quốc gia phát triển trên thế giới, thành công của việc xây dựng nguồn cung vaccine nhằm phục vụ cho những chương trình tiêm chủng quốc gia quy mô lớn, để đạt tới ngưỡng miễn dịch cộng đồng, còn phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ tư duy cùng khả năng hoạch định lộ trình, càng sớm càng tốt.
Các công viên tại Mỹ mở cửa trở lại.
1 Trên thế giới, đã có ít nhất một quốc gia bắt đầu phải tính đến chuyện… tiêu hủy vaccine ngừa Covid-19 quá hạn, do dư thừa về số lượng. Ðúng vậy, bạn không nhầm đâu, và cũng chẳng có gì bất ngờ khi đó chính là nước Mỹ.
Mất hơn một năm để nước Mỹ có thể “dư dả” như vậy. Có điều, dường như sẽ là thiếu sót và bất công, nếu không ghi nhận những nỗ lực từ rất sớm nhằm tạo nguồn cung vaccine của chính quyền Donald Trump tiền nhiệm. Vị cựu tổng thống Mỹ có thể có những phát biểu “văng mạng”, có thể tỏ ra cố chấp hay bảo thủ theo như nhận định của một số người, nhưng lại đã rất nhạy bén trong vấn đề vaccine.
Từ giữa năm 2020, Mỹ đã chi tới 10 tỷ USD cho một loạt các công ty dược phẩm danh tiếng, từ Johnson & Johnson hay Moderna và Pfizer của chính nước Mỹ đến BioNTech của Ðức và Sanofi của Pháp, với phương châm “không bỏ hết trứng vào một giỏ”. Nếu tập đoàn này thất bại, Chính phủ Mỹ vẫn sẽ còn hy vọng ở hãng dược phẩm khác. Ðổi lại cho những khoản tài trợ rộng rãi, những công ty xuyên quốc gia đó sẽ phải cam kết ưu tiên bán vaccine cho Chính phủ Mỹ trước tiên.
Quyết định sớm sủa đã mở toang những cánh cửa, và tiền tạo thêm động lực. Ðến hiện tại, nhiều bang ở Mỹ đã tuyên bố bãi bỏ lệnh bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng. 44% dân số Mỹ đã tiêm đủ hai liều vaccine với tỷ lệ tái nhiễm chưa đến 0,01%. Khoảng 50% dân số Mỹ tin vaccine thật sự có hiệu quả và sẵn sàng tiêm ngừa. Và trở lại với câu chuyện ban đầu, một trong những lý do quan trọng để bất chấp sự phản đối của các hãng dược phẩm, Mỹ vẫn ủng hộ kế hoạch hỗ trợ vaccine cho các nước nghèo bên cạnh các ý đồ ngoại giao, là vì: Nếu không sử dụng hết, thì số vaccine dư thừa cũng chỉ còn cách mang đi tiêu hủy.
2 Ðây cũng là con đường mà hầu hết các quốc gia phát triển và giàu có lựa chọn, tiêu biểu như Anh, hoặc Nga. Nghĩa là, đẩy mạnh nghiên cứu và sản xuất để tự chủ nguồn cung vaccine. Nước Anh “phóng tay” đầu tư cho cả những công ty nước ngoài, thí dụ như Hãng Valneva của Pháp. Tuy nhiên, cuối cùng, họ lại lựa chọn vaccine AstraZeneca do Ðại học Oxford sản xuất. Hiệu quả: Tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 ở Anh giờ còn cao hơn Mỹ, với 62% dân số đã tiêm ít nhất một liều và 45% tiêm cả hai liều. Không chỉ đủ vaccine tiêm chủng cho toàn dân, Anh cũng đã có thể tính đến chuyện xuất khẩu.
Tương tự Anh, Nga âm thầm nghiên cứu và phát triển vaccine. Chính họ mới là quốc gia đầu tiên trên thế giới tiến hành tiêm chủng cho người dân. Hiện tại Nga đã có bốn loại vaccine, tiêm cho khoảng 20% dân số.
Tuy vậy, trong hàng ngũ những nước phát triển, Pháp và Ðức tụt lại. Hai quốc gia đầu tàu của châu Âu đã tự hạn chế nguồn cung của mình, khi các hãng dược phẩm danh tiếng nhất của họ đều nghiên cứu bằng tiền của người khác, và cam kết bán vaccine cho nước khác trước.
Phía sau nhóm này, còn không ít những quốc gia cũng ráo riết đẩy nhanh tốc độ tự nghiên cứu và phát triển vaccine. Ta có thể kể tới Ấn Ðộ, Trung Quốc, Cuba hay chính Việt Nam.
3 Tuy nhiên, từ những thí dụ vừa nêu, không thể phủ nhận: Bên cạnh việc tìm kiếm và xây dựng nguồn cung vaccine, ngân sách để thực hiện những tiến trình mua vaccine cũng như thực hiện các chiến dịch tiêm chủng quốc gia nhằm đẩy nhanh tốc độ tiến tới miễn dịch cộng đồng cũng chính là một yếu tố quyết định.
Ở tất cả mọi nước “giàu”, hai khoản chi này đều được lấy từ ngân sách. Thí dụ, với nước Nga, thủ đô Moscow đã phân bổ 10 tỷ rúp ngân sách để tiêm chủng cho người dân trong năm 2021. Trước đó, theo một số nguồn tin, các loại vaccine Sputnik V, Kovivac hay Epivakkorona đều được đặt hàng sản xuất bằng ngân sách dự trữ của chính phủ liên bang.
Những nước không đủ điều kiện tài chính cho cả việc đầu tư nghiên cứu lẫn đặt mua vaccine hầu như chỉ còn cách trông chờ vào các kênh phân bổ của những tổ chức nhân đạo quốc tế, thí dụ như các chương trình của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kết hợp cùng Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), mà tiêu biểu là chương trình COVAX Facility - với mục tiêu cung cấp hai tỷ liều vaccine trong năm 2021, bảo đảm tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vaccine Covid-19 cho tất cả các quốc gia. Hoặc là, họ có thể vay ưu đãi hoặc xin tài trợ từ Ngân hàng Thế giới (WB), hay những thiết chế tài chính đa phương khác, nếu nguồn thu thuế nội địa và bảo hiểm trong nước không đủ sức đáp ứng đòi hỏi về tài chính.
Nghĩa là, có thể nói, bằng việc huy động nội lực nhằm tạo nên một “thế trận toàn dân chống dịch” thông qua Quỹ Vaccine phòng chống Covid-19, để thật sự tạo nên ngân sách chủ động cho cả nghiên cứu phát triển, tìm kiếm nguồn cung vaccine và tiến hành chiến dịch tiêm chủng quy mô quốc gia, Việt Nam thật sự đang đi trên một con đường riêng - tương tự như con đường riêng “truy vết, khoanh vùng, dập dịch” thần tốc để tạo nên kỳ tích hồi năm ngoái.