27/01/2025 lúc 12:45 (GMT+7)
Breaking News

Những chuyến bay "không điểm đến" thời Covid-19

VNHN - Nếu như trước đây, cất cánh và hạ cánh ở cùng một sân bay là một câu chuyện không tưởng, thì gần đây những chuyến bay như vậy đã trở thành một xu hướng mới. Khi du lịch quốc tế vẫn còn bị đình trệ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều hãng hàng không đã sáng tạo ra mô hình chuyến bay "không điểm đến” và nhận được phản hồi ngoài sức tưởng tượng từ công chúng.

VNHN - Nếu như trước đây, cất cánh và hạ cánh ở cùng một sân bay là một câu chuyện không tưởng, thì gần đây những chuyến bay như vậy đã trở thành một xu hướng mới. Khi du lịch quốc tế vẫn còn bị đình trệ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều hãng hàng không đã sáng tạo ra mô hình chuyến bay "không điểm đến” và nhận được phản hồi ngoài sức tưởng tượng từ công chúng.

Đón Tết Trung thu theo cách đặc biệt
Năm nay, hãng hàng không Starlux Airlines của Đài Loan đã hưởng ứng Tết Trung thu theo một cách rất đặc biệt. Thay vì tăng cường các chuyến bay đưa mọi người về nhà ăn Tết đoàn viên như mọi năm, hãng này tổ chức chiến dịch “Fly to the moon” (tạm dịch: “Bay tới mặt trăng”) bao gồm 7 chuyến bay tới Nhật Bản, nhưng lại cất và hạ cánh đều ở sân bay Đào Viên. 

Hình ảnh quảng cáo cho chiến dịch “Fly to the moon” của hãng Starlux Airlines

Hành trình của những chuyến bay này cũng rất kì lạ. Máy bay sẽ bay vòng quanh Đài Loan hai lần: một lần xuôi chiều kim đồng hồ, một lần ngược chiều kim đồng hồ và sau đó đưa hành khách tới ngắm hòn đảo Miyakojima của Nhật Bản. Nhưng thay vì hạ cánh để tận mắt thưởng ngoạn vẻ đẹp của xứ sở hoa anh đào, hành khách trên chuyến bay đặc biệt này chỉ có thể ngắm cảnh qua cửa sổ máy bay. Trước đó, vào dịp lễ Tình nhân năm 2020, hãng này cũng đã tổ chức một chuyến bay ngắm cảnh quanh đảo Pratas của Đài Loan.
Xu hướng mới nổi ở châu Á và châu Úc

Starlux Airways không phải là hãng hàng không duy nhất tổ chức những chuyến bay “không điểm đến”. Khi du lịch bằng đường hàng không giảm xuống mức thấp kỉ lục trong năm 2020 do đại dịch COVID-19, các hãng hàng không phải tự sáng tạo ra cách để cứu lấy mình. Hãng hàng không Thai Airways chọn cách mang các món ăn trên các chuyến bay xuống mặt đất để phục vụ thực khách trong một nhà hàng mô phỏng không gian bên trong một chiếc máy bay thương mại. 


Bên trong nhà hàng dưới mặt đất của hãng hàng không Thai Airways

Còn nhiều hãng hàng không khác thì bán vé cho các chuyến bay “không điểm đến” - những chuyến bay cất cánh chở hành khách đi ngắm cảnh rồi quay lại hạ cánh ở điểm xuất phát. Hãng hàng không Qantas của Úc đã cung cấp một chuyến bay ngắm cảnh kéo dài 7 giờ đồng hồ, bay qua rặng san hô nổi tiếng Great Barrier Reef, Uluru và các vùng xa xôi của nước Úc rồi trở lại Sydney. Giá vé của mỗi chỗ ngồi lên tới 2675 đô la Mỹ - một con số không hề nhỏ, nhưng vé đã được bán hết chỉ trong vòng 10 phút. Hãng Tigerair cũng đã mở bán vé một chuyến bay tới đảo Jeju của Hàn Quốc sau đó trở lại Đài Bắc, và tình trạng cháy vé cũng xảy ra chỉ sau 5 phút. 

Chuyến bay “không điểm đến” của hãng hàng không Qantas - Úc

Trên thực tế, mô hình những chuyến bay ngắm cảnh này không hề mới. Trong suốt 26 năm qua, hãng Antarctica Flights đã tổ chức các chuyến bay từ Úc tới tham quan châu Nam Cực trong vòng một ngày. Mỗi năm có khoảng 6-10 chuyến bay được hãng tổ chức vào quãng thời gian mùa hè của Nam Cực, khi mặt trời chiếu sáng cả 24 tiếng trong ngày. Đại diện của Antarctica Flights cho biết, nhu cầu đang tăng mạnh hơn bao giờ hết. Chuyến bay từ Perth đến Nam Cực vào ngày 26/1 năm sau, là Ngày nước Úc, đã bán hết vé.

Tầm nhìn từ trên chuyến bay ngắm cảnh Nam Cực của Antarctica Flights

“Giải mã” nguyên nhân phía sau xu hướng
Trong điều kiện bình thường, những chuyến bay ngắm cảnh thường được coi là thú vui của giới nhà giàu. Nhưng trong đại dịch, khi phần lớn các quốc gia vẫn đang ban hành các lệnh hạn chế di chuyển, những chuyến bay thế này đã giúp rất nhiều “con nghiện du lịch” thoát khỏi “cơn thèm” sân bay. 

Các sân bay vắng khách trong mùa dịch

Benjamin Iaquinto, một giáo sư chuyên ngành du lịch tại Đại học Hồng Kông khẳng định: việc di chuyển bằng máy bay thường xuyên đã trở thành thói quen với rất nhiều người. Vậy nên ngay cả khi không bay đến đâu cả, thì sân bay vẫn là một địa điểm quyến rũ bởi nó hứa hẹn những điều tươi mới hơn so với cuộc sống thường ngày. Thêm vào đó, Sebastien Filep, một giáo sư tại Đại học Bách khoa Hồng Kông chỉ ra rằng: đối với nhiều người yêu du lịch, điểm đến đôi khi không quan trọng bằng trải nghiệm. Đó chính là lí do những chuyến bay ngắm cảnh được đón nhận nồng nhiệt, tuy không thực sự đưa hành khách tới một nơi nào cả.

Những tác động về môi trường
Tuy nhiên, những chuyến bay “không điểm đến” trong mùa dịch vấp phải sự phản ứng dữ dội từ những nhà vận động bảo vệ môi trường. Vào tháng 9 vừa qua, hãng hàng không Singapore Airlines đã đề xuất mở một số chuyến bay ngắm cảnh Singapore trong vòng 3 giờ, nhưng mới đây hãng đã tuyên bố hủy kế hoạch này do lo ngại sự phản đối của các tổ chức bảo vệ môi trường. SG Climate Rally - một trong các tổ chức nêu trên - cho biết: “Chúng tôi không đồng ý với sáng kiến “chuyến bay không điểm đến” bởi hai lí do: thứ nhất, các chuyến bay thải một lượng lớn carbon không cần thiết ra môi trường và thứ hai, sáng kiến này đi ngược lại những nỗ lực giảm thiểu hậu quả của thay đổi khí hậu trong những năm vừa qua”. 

Singapore Airlines đã từng cân nhắc khai thác mô hình “chuyến bay không điểm đến”

Sau khi hủy bỏ các chuyến bay “không điểm đến”, hãng hàng không Singapore Airlines đã cho ra mắt một số trải nghiệm khác để “chiều lòng” hội những người “thèm du lịch” tại quốc gia này. Chương trình “Khám phá Singapore Airlines của bạn” sẽ cho phép hành khách được thưởng thức bữa tối trên một chiếc máy bay Airbus A380 cũ được chuyển mục đích sử dụng thành một nhà hàng. Thậm chí hãng còn hỗ trợ dịch vụ giao các suất ăn hạng nhất và hạng thương gia kèm rượu sâm panh tới tận nhà cho những thực khách có nhu cầu.

Thực khách dùng bữa tại “nhà hàng Airbus A380” của hãng Singapore Airlines

 Chuyến bay "không điểm đến” không những là một giải pháp sáng tạo giúp các hãng hàng không vượt qua tình hình tài chính khó khăn mùa đại dịch, mà còn đóng vai trò giải tỏa tâm lí cho những người yêu du lịch nhưng buộc phải ở nhà do các lệnh cấm. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, còn về lâu dài, các hãng hàng không nên tìm ra những sáng kiến phục hồi kinh doanh bền vững hơn và thân thiện hơn với môi trường. 

Thanh Ngân