Là một huyện miền núi thuộc tỉnh Thanh Hoá, có xuất phát điểm thấp, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn còn thiếu và chưa đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo cao, bình quân tiêu chí năm 2010 của huyện mới đạt 5,25 tiêu chí/xã. Sau 10 năm triển khai thực hiện, chương trình MTQG về xây dựng NTM của huyện Như Thanh đã đạt được những kết quả rất quan trọng.
Diện mạo mới trên quê hương Như Thanh
Ngay sau khi tiếp thu nội dung Quyết định số 491/QĐ-TTg, ngày 16/04/2009 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Huyện Như Thanh đã khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM) cấp huyện. Ban chỉ đạo cấp huyện, xã và Ban phát triển thôn được kiện toàn kịp thời theo điều kiện thực tế về công tác cán bộ, đã ban hành quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Nhìn chung, các đồng chí trong Ban chỉ đạo và Ban phát triển thôn đều có tinh thần, trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ xây dựng NTM; bám sát vào mục tiêu, chỉ tiêu và kế hoạch xây dựng NTM hàng năm và giai đoạn để chủ động tham mưu cho Trưởng, phó BCĐ một cách kịp thời, hiệu quả. Đồng thời đã dành nhiều thời gian để chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ở cơ sở.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đã tạo sự chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội khu vực nông thôn huyện Như Thanh.
Sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đã làm thay đổi diện mạo nông thôn cũng như tạo sự chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội khu vực nông thôn huyện Như Thanh. Sản xuất nông nghiệp đã hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung; nhiều giống cây trồng, con vật nuôi mới cho năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất; cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao được áp dụng vào sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh (dự kiến năm 2020 đạt 16,6%), thu nhập bình quân đầu người tăng từ 12,5 triệu (năm 2011) lên 38 triệu đồng/người/năm (năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm trên 5%/năm theo tiêu chí nghèo đa chiều; chất lượng cuộc sống của Nhân dân ngày càng được nâng lên, diện mạo của quê hương ngày càng đổi mới.
Trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn ngày càng được đầu tư đồng bộ, hoàn thiện cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Toàn huyện đã xây mới được 12 công sở xã, 15 Trung tâm Văn hóa xã, 04 sân thể thao xã; bê tông hóa được 646 km đường giao thông các loại; Cải tạo, nâng cấp 73 công trình thủy lợi; xây dựng 92,85 km kênh mương; 10 chợ nông thôn; 08 trạm y tế xã; 162 phòng học; 141 nhà văn hóa thôn, bản; 43 trạm biến áp và nhiều công trình hạ tầng khác; nhân dân hiến đất 55,4ha.
Thôn Đồng Hải, xã Hải Long đạt chuẩn NTM kiểu mẫu
Bên cạnh đó, môi trường sinh thái khu vực nông thôn ngày càng được chú trọng; dân chủ ở cơ sở ngày càng phát huy, ý thức và trách nhiệm làm chủ của người dân được nâng lên rõ rệt; hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được củng cố, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới được Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng, đã trở thành phong trào thi đua sâu rộng trên địa bàn huyện. Đến nay toàn huyện đã đạt bình quân 16,61 tiêu chí/xã, tăng 11,36 tiêu chí/xã so với năm 2011. Tính đến hết năm 2020, sau sáp nhập toàn huyện có 8 xã đạt chuẩn NTM, có 01 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (xã Hải Long) và 67 thôn, bản đạt chuẩn NTM, 05 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (thôn 8, xã Xuân Du; thôn 10, xã Cán Khê; thôn Đồng Hải, xã Hải Long; Thôn Đồng Sình và thôn Phú Phượng 1, xã Phú Nhuận). Tổng giá trị huy động đạt trên 2.400 tỷ đồng, trong đó, giá trị huy động từ Nhân dân chiếm 61,5%.
Mô hình trồng mấm linh chi, bào ngư, mộc nhĩ của gia đình anh Lê Đình Trúc, thôn Hùng Sơn, xã Yên Thọ đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Có được kết quả nêu trên và đặc biệt là được tỉnh Thanh Hoá đánh giá là đơn vị dẫn đầu trong xây dựng NTM của 11 huyện miền núi là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, năng động, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, nhất là vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; sự quan tâm, giúp đỡ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các Sở, ngành cấp tỉnh; sự đồng tình ủng hộ và tích cực góp sức chung tay xây dựng NTM của Nhân dân trên địa bàn huyện.
Kết quả thực hiện bộ tiêu chí xã Nông thôn mới của huyện cụ thể: Tiêu chí số 1 về quy hoạch có 12/13 xã đạt, bằng 92,3%; Tiêu chí số 2 về giao thông có 10/13 xã đạt, bằng 76,9%; Tiêu chí số 3 về thủy lợi có 11/13 xã đạt, bằng 84,6%; Tiêu chí số 4 về điện có 13/13 xã đạt, bằng 100%; Tiêu chí số 5 về trường học có 9/13 xã đạt, bằng 69,2%; Tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa có 12/13 xã đạt, bằng 92,3%; Tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn có 12/13 xã đạt, bằng 92,3 %; Tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông có 13/13 xã đạt, bằng 100%; Tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư có 10/13 xã đạt, bằng 76,9%; Tiêu chí số 10 về thu nhập có 9/13 xã đạt, bằng 69,2%; Tiêu chí số 11 về hộ nghèo có 10/13 xã đạt, bằng 76,9%; Tiêu chí số 12 về lao động có việc làm có 13/13 xã đạt, bằng 100%; Tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất có 13/13 xã đạt, bằng 100%; Tiêu chí số 14 về giáo dục và đào tạo có 12/13 xã đạt, bằng 92,3%; Tiêu chí số 15 về y tế có 13/13 xã đạt, bằng 100%; Tiêu chí số 16 về văn hóa có 13/13 xã đạt, bằng 100%; Tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm có 9/13 xã đạt, bằng 69,2%; Tiêu chí số 18 về hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật có 9/13 xã đạt, bằng 69,2%; Tiêu chí số 19 về quốc phòng - an ninh có 13/13 xã đạt, bằng 100%. Trong các tiêu chí đã được công nhận từ năm 2012 đến nay, có một số tiêu chí như: Quy hoạch, cơ sở vật chất văn hóa, tổ chức sản xuất, y tế và môi trường mới đạt chuẩn ở mức độ thấp hoặc không duy trì được so với khi công nhận.
Trang trại chăn nuôi lợn ngoại tập trung tại xã Xuân Khang (Như Thanh).
Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, hành trình 10 năm (2010 – 2020) xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Như Thanh đã đạt được những kết quả khởi sắc. Nhờ xây dựng NTM mà quê hương ngày càng “thay da đổi thịt”, vươn mình phát triển, hội nhập cùng đất nước./