08/12/2024 lúc 00:14 (GMT+7)
Breaking News

NHNN cần bám sát, nắm chắc tình hình, dự báo chính sách, đưa chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả

Ngày 15/7, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị đã được nghe báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và nhiều ý kiến đóng góp rất tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn của lãnh đạo một số ngân hàng thương mại lớn, Hiệp hội Ngân hàng và chi nhánh NHNN tại TPHCM.

Cơ bản thống nhất nội dung báo cáo của NHNN và các ý kiến phát biểu, Thủ tướng giao NHNN tổng hợp, rà soát và chủ động, kịp thời có chính sách, giải pháp phù hợp; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, đồng hành, sát  cánh cùng NHNN trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đươc giao.

Nêu một số nội dung quan trọng có tính gợi mở, định hướng để thống nhất nhận thức và tiếp tục hành động quyết liệt, hiệu quả hơn trong thời gian tới, trước hết, Thủ tướng nhấn mạnh sứ mệnh, nhiệm vụ hết sức quan trọng của NHNN và ngành ngân hàng đối với đất nước, được thể hiện rõ trong Luật NHNN Việt Nam, nhất là trên 3 phương diện chính: (i) Bảo đảm giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; (ii) Bảo đảm cung cấp nguồn vốn tín dụng và hệ thống thanh toán cho nền kinh tế; (iii) Bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp (DN).

Trong 6 tháng đầu năm và thời gian qua, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và nhiều khó khăn, nhất là 6 "cơn gió ngược" ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu và Việt Nam; nền kinh tế nước ta chịu "tác động kép" từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm, bộc lộ rõ hơn trong khó khăn; tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng nhìn chung tiếp tục xu hướng tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau hiệu quả hơn quý trước.

Đánh giá chung, chúng ta đạt được mục tiêu tổng quát theo Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ: Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế, an sinh xã hội, đời sống nhân dân được bảo đảm; chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; giữ gìn được môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển đất nước và góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Thủ tướng nêu rõ, trong kết quả chung đó, có sự đóng góp quan trọng của NHNN và toàn ngành ngân hàng. Ngành đã tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế về tiền tệ, ngân hàng; đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ (như nghiệp vụ thị trường mở, lãi suất, tăng trưởng tín dụng); giảm liên tục 4 lần lãi suất điều hành; lãi suất tiền gửi bình quân còn 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022), lãi suất cho vay bình quân còn 8,9%/năm (giảm 1%). Điều hành tỉ giá linh hoạt, phù hợp; bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, tỉ giá, ngoại hối, trong khi nhiều nước tiếp tục thắt chặt tiền tệ và nâng lãi suất điều hành.

Nỗ lực triển khai nhiều giải pháp về tín dụng, đa dạng hóa các sản phẩm, hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng. Chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Nghị quyết số 50 và 95 của Chính phủ (đến cuối tháng 5/2023, cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 11,2 nghìn khách hàng với dư nợ trên 24,8 nghìn tỷ đồng).

Bổ sung quy định tạo điều kiện thuận lợi, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, DN. Tích cực tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng–DN để đối thoại trực tiếp, giải quyết khó khăn, vướng mắc về tiếp cận vốn tín dụng. Đến cuối quý I/2023, đã tổ chức 214 buổi gặp gỡ, đối thoại trên toàn quốc, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã kết nối, hỗ trợ cho trên 80.000 DN với dư nợ được hỗ trợ là 1,3 triệu tỷ đồng.

Chuyển đổi số trong ngành ngân hàng tiếp tục được đẩy mạnh. Năng lực tài chính, quản trị điều hành của các TCTD ngày càng được nâng lên; đặc biệt là tăng vốn điều lệ cho ngân hàng thương mại Nhà nước và các TCTD khác. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng đạt được nhiều kết quả tích cực.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm cao và những kết quả bước đầu, đáng khích lệ của NHNN và ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2023, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của cả nước.

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của ngành ngân hàng còn những hạn chế, bất cập. Mặt bằng lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay vẫn còn cao. Dư nợ tín dụng tăng thấp, nhiều DN vẫn khó tiếp cận tín dụng mới. Nợ xấu tiếp tục được xử lý nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tiến độ xử lý các TCTD yếu kém còn chậm. Công tác nắm bắt, dự báo tình hình chưa sát; việc giải quyết khó khăn, vướng mắc của người dân, DN có lúc, có nơi còn chậm, chưa kịp thời…

Thủ tướng chỉ ra một số bài học, theo đó, NHNN cần bám sát, nắm chắc tình hình, dự báo chính sách, đưa chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả, tăng cường giám sát kiểm tra; các TCTD cần đồng hành, chia sẻ, cảm thông với khách hàng, người dân và DN; DN và người dân cần nắm chắc pháp lý, hợp tác chặt chẽ, tin cậy với hệ thống ngân hàng; các bên hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro, đặt mình vào địa vị của người khác trong lúc khó khăn, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể.

Thủ tướng đề nghị NHNN cần bám sát, nắm chắc tình hình, dự báo chính sách, đưa chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả 

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng nặng nề trên nhiều lĩnh vực. Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi; sức ép đối với công tác chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn rất lớn.

Tại phiên họp tháng 6/2023 vừa qua, Chính phủ đã thống nhất quan điểm chỉ đạo điều hành: Ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là phải ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm đời sống nhân dân, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng).

Trong chỉ đạo điều hành, cần đặc biệt lưu ý việc bảo đảm cân bằng hài hoà, hợp lý giữa: (1) Lãi suất và tỉ giá; (2) Tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu; (3) Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; (4) Theo dõi sát và nắm chắc tình hình bên trong và bên ngoài.

Về định hướng chính sách, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát. Thủ tướng lưu ý, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn cần có trọng tâm, trọng điểm và có kiểm soát.

Thủ tướng nêu thêm, chia sẻ một số vấn đề quan trọng để NHNN và ngành ngân hàng lưu ý. Trước hết, ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, mạch máu có lưu thông tốt hay không chính là do hiệu quả hoạt động của ngành ngân hàng và vai trò điều tiết của NHNN. Do đó, điều tiết phải nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả.

Bản thân các ngân hàng thương mại cũng là DN, các nhà lãnh đạo, quản trị ngân hàng đã quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực rồi thì nỗ lực lớn hơn nữa, hành động rồi thì hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa, phát huy "tâm, tài, trí, tín" để "vượt sóng, vượt gió" đi lên. Cần phải đặt lợi ích chung, lợi ích của nhân dân lên trên hết.

Mặt khác, ngân hàng và DN có mối quan hệ "cộng sinh", "nhân quả", nên phải đặt mình vào địa vị của người khác để lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn. Nguồn vốn là vấn đề "sống còn" của DN, cho vay là hoạt động "sống còn" của ngân hàng, trong khi khách hàng chủ yếu của ngân hàng là DN. Đây là mối quan hệ "cộng sinh" cùng có lợi, nên cần phải được thực hiện theo cơ chế thị trường trên cơ sở nguyên tắc bảo đảm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". DN, người dân là hệ sinh thái không thể thiếu được của ngân hàng.

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2023 và thời gian tới, cơ bản đồng ý báo cáo của NHNN, ý kiến của các đại biểu về các nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2023, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm.

Một là, về công tác chỉ đạo điều hành và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về tiền tệ, tín dụng.  Thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Lưu ý phải nắm chắc tình hình để lựa chọn ưu tiên phù hợp, sử dụng đồng bộ, linh hoạt 4 công cụ có thể sử dụng gồm dự trữ bắt buộc, tái cấp vốn, thị trường liên ngân hàng, thị trường mở.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thế chế, cơ chế, chính sách về tiền tệ, ngân hàng; trong đó hoàn thiện dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023); nghiên cứu, rà soát việc sửa đổi Luật NHNN, Luật Bảo hiểm tiền gửi; hoàn thiện pháp luật về an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng điện tử. Trong đó, Luật phải sát thực tiễn, có tính dự báo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo môi trường phát triển thuận lợi. Chú trọng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính. Nhanh chóng ban hành các nghị định, thông tư đối với những vấn đề Thông tư 02 chưa quy định cho trái phiếu DN.

Hai là, về hoạt động tín dụng, Thủ tướng yêu cầu NHNN tập trung điều hành tăng trưởng dư nợ tín dụng với cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế; hướng nguồn vốn tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay. Xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn.

Chỉ đạo rà soát các điều kiện, tiêu chí cho vay để điều chỉnh phù hợp, thuận lợi hơn, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, DN, nhất là DN nhỏ và vừa. Đẩy mạnh triển khai thực hiện gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất và 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.

Đối với các TCTD, cần triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí, cắt giảm các loại phí để giảm lãi suất cho vay; rà soát, điều chỉnh điều kiện, tiêu chí cho vay, cắt giảm, đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục cho vay để tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho DN, người dân. Tăng cường chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng, bảo đảm lành mạnh, bình đẳng, cơ chế thông thoáng. Tăng cường phối hợp, trao đổi, chia sẻ, tư vấn, hỗ trợ cho DN vượt qua khó khăn.

Cùng với đó, tiếp tục điều hành tỉ giá chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình trong nước, quốc tế, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ; can thiệp linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ. Tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định 689 của Thủ tướng Chính phủ và công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội. Đồng thời, tập trung, khẩn trương xử lý, cơ cấu lại các NHTM yếu kém, bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống. Khẩn trương cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) tiếp tục xử lý nợ, bảo đảm kịp thời, hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, giám sát, đảm bảo phải thực sự chủ động, sớm phát hiện và đề xuất xử lý những vấn đề tồn tại, sai phạm quan công tác giám sát. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động ngân hàng, tiếp tục dẫn đầu trong chuyển đổi số, phát triển hạ tầng thanh toán số quốc gia theo hướng đồng bộ, thống nhất, kết nối, liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Đồng thời, tham gia phát triển thị trường trái phiếu DN lành mạnh, hiệu quả, bền vững; tích cực tham gia tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, góp phần phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành ngân hàng phải rất chú trọng công tác truyền thông, nhất là thông điệp, cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN luôn đồng hành cùng DN và bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN vượt qua thách thức; bảo vệ người dân, DN làm đúng, xử lý người làm sai, không hình sự hoá các quan hệ kinh tế-dân sự. Bảo đảm hài hoà lợi ích của người dân, DN và Nhà nước với tinh thần "Lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ". Tạo điều kiện cho DN tập trung khắc phục khó khăn, có thời gian phục hồi, xây dựng kế hoạch kinh doanh lâu dài.

Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng tiếp tục chú trọng hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Cùng với NHNN và ngành ngân hàng, Thủ tướng kêu gọi và đề nghị cộng đồng DN phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa, tăng cường tiết kiệm chi phí, đổi mới quản trị DN, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển sản phẩm có chất lượng theo hướng sản xuất xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện môi trường, đáp ứng yêu cầu mở rộng thị trường trong nước, quốc tế.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đồng hành, phối hợp chặt chẽ cùng NHNN, các TCTD trên địa bàn và cộng đồng DN để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tiếp giảm chi phí cho người dân, DN./.

Phạm Thủy