19/04/2024 lúc 18:56 (GMT+7)
Breaking News

Nhìn lại nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng: Trên đà hoàn thiện hệ thống pháp luật

Hoàn thiện hệ thống pháp luật là một nội dung trọng tâm của nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bởi vậy, trước yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, "cần tập trung ưu tiên ban hành đồng bộ và có chất lượng cao hơn nữa hệ thống pháp luật, các quy định, quy chế, quy trình công tác để thực hiện nghiêm túc, thống nhất trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị", như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong phát biểu tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Không ngừng hoàn chỉnh hệ thống pháp luật

Trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn quan tâm công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển đất nước.

Ngày 24/5/2005, Bộ Chính trị Khóa X đã ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Đây là văn kiện đầu tiên của Đảng chuyên sâu về công tác pháp luật, hướng tới một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch với mục tiêu là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tại Đại hội XII, Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của pháp luật trong việc tổ chức và hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cũng như trong đời sống xã hội.

Trong nửa nhiệm kỳ khóa XIII, với 8 kỳ họp, trong đó có 4 kỳ họp bất thường, Quốc hội đã thảo luận, xem xét thông qua 16 dự án luật, 84 nghị quyết. Chính phủ và chính quyền các cấp tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ, chính quyền điện tử.

Ngay tại Kỳ họp thứ Nhất diễn ra từ ngày 20-31/7/2021, Quốc hội khóa XV đã xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội đã xem xét, thông qua 2 dự án luật và cho ý kiến 5 dự án luật khác.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất từ ngày 4-11/1/2022, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 1 dự án luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự.

Tại Kỳ họp thứ ba diễn ra từ ngày 23/5-16/6/2022, Quốc hội đã xem xét, biểu quyết thông qua 5 dự án luật; cho ý kiến về 6 dự án luật. Tại Kỳ họp thứ tư diễn ra từ ngày 20/10-15/11/2022, Quốc hội thông qua 6 dự án luật; cho ý kiến vào 8 dự án luật. Tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai diễn ra từ ngày 5-9/1/2023, Quốc hội đã xem xét và thông qua 1 dự án luật là Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 5 dự án luật, 3 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến đối với 6 dự án luật.

Trong gần 37 năm đổi mới, đặc biệt là sau Đại hội XIII của Đảng, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đã có nhiều tiến bộ rõ rệt. Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã đạt được sự đồng bộ và phát triển đáng ghi nhận.

Các lĩnh vực của đời sống xã hội về cơ bản đều có văn bản quy phạm pháp luật ở tầm luật điều chỉnh. Pháp luật đã thể chế hoá kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, chủ động hội nhập quốc tế.

Hệ thống pháp luật cơ bản bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ. Các văn bản quy phạm pháp luật đều được đánh giá về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ trước khi ban hành. Tính công khai, minh bạch, cụ thể, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật được nâng lên rõ rệt.

Pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị nói chung, của Chính phủ và hệ thống cơ quan hành chính nhà nước nói riêng được xây dựng đầy đủ và không ngừng hoàn thiện.

Công tác tổ chức thi hành pháp luật được chú trọng. Việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã kịp thời hơn. Công tác giám sát, kiểm tra, xử lý văn bản pháp luật bước đầu có chuyển biến tích cực.

Pháp luật về dân sự, kinh tế với trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng phát triển và phù hợp hơn với luật pháp, thông lệ quốc tế. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được hình thành, đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Còn chồng chéo, tính dự báo chưa cao

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Bộ Tư pháp, hệ thống pháp luật còn nhiều tầng, nấc, do nhiều cơ quan ban hành với số lượng lớn văn bản dưới luật, nhất là văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ. Trong khi đó, còn có những lĩnh vực chưa có luật điều chỉnh, nhất là các quy định pháp luật điều chỉnh, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hệ thống pháp luật ở nước ta mới đạt được sự đồng bộ bước đầu, tính thống nhất chưa cao, còn cồng kềnh, một số nội dung còn chồng chéo, mâu thuẫn. Tính dự báo, khả thi của hệ thống pháp luật chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, nhiều dự án luật có vòng đời ngắn, việc nghiên cứu, đề xuất chính sách chưa được khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu về tính chiến lược và tầm nhìn dài hạn.

Quy trình xây dựng pháp luật còn thiếu tính liên kết, kiểm soát chặt chẽ giữa các giai đoạn dẫn đến phản ứng chính sách chưa bảo đảm tính linh hoạt khi phải đối phó với những vấn đề phát sinh cần có sự phản ứng nhanh nhạy. Cơ chế phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật chưa hiệu quả, thực chất, nhất là giữa cơ quan hành pháp với cơ quan lập pháp và tư pháp; thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, chưa hợp lý, thiếu linh hoạt.

Chính vì vậy, một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong Chương trình hành động của Chính phủ về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới là tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Để nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật

Theo quy trình xây dựng luật, thông thường một dự án luật trước khi được Quốc hội thông qua phải được cho ý kiến tại 2 kỳ họp - kỳ họp lần đầu là để cho ý kiến 2 lần (tại tổ và tại hội trường), kỳ họp tiếp theo là để tiếp tục xem xét và thông qua.

Yếu tố góp phần quyết định chất lượng lập pháp tại các kỳ họp của Quốc hội là chất lượng cho ý kiến của các đại biểu về dự án luật trong lần đầu xem xét. Tuy nhiên, quan niệm, tư duy, thói quen cũ đã ảnh hưởng đến chất lượng lập pháp. Trước đây, các đại biểu thường tập trung đầu tư nghiên cứu, góp ý trong lần hai xem xét dự án luật. Thói quen, tâm lý xem dự án luật được trình để lấy ý kiến lần đầu chỉ là giai đoạn tiếp cận để làm quen, còn nhiệm vụ thẩm tra, phản biện cho ý kiến sâu hơn sẽ thuộc về trách nhiệm của các ủy ban của Quốc hội, những cơ quan chuyên trách có trách nhiệm “gác cửa” cho hoạt động lập pháp của Quốc hội.

Các chuyên gia phân tích, nếu các đại biểu tập trung trí tuệ, tâm sức cho các dự án luật ở giai đoạn trình Quốc hội lần đầu thì khoảng thời gian dài giữa hai kỳ họp đủ để cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra hoàn thiện dự án luật để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần sau.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội và cử tri cũng đề xuất nhiều ý kiến thiết thực nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật ở nước ta.

Trước hết, cần có quy định rõ hơn về quy trình xây dựng chính sách, phân định rõ quy trình lập pháp và quy trình xây dựng văn bản dưới luật. Tính năng động, sáng tạo, tích cực, vai trò, trách nhiệm của các chủ thể, đặc biệt là Chính phủ, trong quy trình lập pháp, cần được phát huy.

Một điều nữa rất quan trọng là phải hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, giải trình và tiếp thu ý kiến của nhân dân đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; cần nhìn nhận đúng mức việc lấy ý kiến, tổng hợp, xử lý và giải trình đầy đủ ý kiến của nhân dân - đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách mới.

Thực tiễn cuộc sống đòi hỏi phải có thuốc chữa đối với “căn bệnh kinh niên” là việc chuẩn bị và gửi hồ sơ dự án luật đến các ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội còn chậm. Tình trạng này khiến cho các đại biểu Quốc hội không có thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng và chất lượng tham gia thẩm tra các dự án luật chưa cao như mong muốn.

Yêu cầu “cá thể hóa trách nhiệm” trong công tác xây dựng pháp luật cũng được nêu ra ngay tại kỳ họp thứ năm của Quốc hội khóa XV. Điều này có nghĩa là đề cao trách nhiệm cá nhân trong việc khởi xướng chính sách và kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung các dự án luật. Người nào, tổ chức nào khởi xướng chính sách, đề xuất các dự án luật thì phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, trước Nhà nước về tính hiệu quả, tính khả thi./.

Trần Quang Vinh (TTXVN)

...