02/12/2024 lúc 19:53 (GMT+7)
Breaking News

Nhìn lại các sự kiện Thế giới trong năm vừa qua

VNHN - Mặc dù còn nhiều việc phải làm, nhưng các bên đã tạo lập được quyết tâm, ràng buộc về trách nhiệm và cam kết tăng cường hợp tác, gắn kết mạnh mẽ hơn nữa nhằm tìm giải pháp cho nhiều vấn đề lớn. Tuần qua, Hội nghị hòa bình Libya; Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 2020... đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực như vậy.

VNHN - Mặc dù còn nhiều việc phải làm, nhưng các bên đã tạo lập được quyết tâm, ràng buộc về trách nhiệm và cam kết tăng cường hợp tác, gắn kết mạnh mẽ hơn nữa nhằm tìm giải pháp cho nhiều vấn đề lớn. Tuần qua, Hội nghị hòa bình Libya; Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 2020... đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực như vậy.

1. Hội nghị hòa bình Libya.

Các bên nhất trí về một giải pháp chính trị toàn diện Ngày 19-1, Hội nghị quốc tế về Libya được tổ chức tại thủ đô Berlin – CHLB Đức. Hội nghị đã ra tuyên bố dài 8 trang, với 55 điểm, nổi bật là cam kết chấm dứt vận chuyển vũ khí tới Libya, ngừng can thiệp của nước ngoài cùng những điểm cụ thể hướng tới một lệnh ngừng bắn lâu dài ở quốc gia Bắc Phi. Tuyên bố kết thúc hội nghị sẽ được chuyển lên Hội đồng Bảo an LHQ để thông qua và sẽ có hiệu lực.

Trường hợp một bên vi phạm sẽ chịu những chế tài nghiêm ngặt của LHQ. Bên cạnh đó, các bên tham gia hội nghị ở Berlin cũng muốn tái lập sự thống nhất về chính trị và kinh tế ở Libya thông qua tiến trình hòa giải quốc gia, theo đó ngành công nghiệp dầu mỏ, các quỹ nhà nước và lực lượng an ninh Libya sẽ nằm dưới một sự quản lý thống nhất. Libya rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi. Hiện ở nước này tồn tại hai chính quyền với lực lượng vũ trang riêng. Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) ở Tripoli được LHQ công nhận và được Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar ủng hộ, trong khi Tướng Haftar đứng đầu quân đội miền Đông được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ đồng thời nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp. Dù đây mới chỉ là khởi đầu cho tiến trình chính trị lâu dài, nhưng kết quả của Hội nghị Berlin đã làm sống lại hy vọng chấm dứt cuộc nội chiến dai dẳng lâu nay mà nhiều người còn gọi là một "cuộc chiến ủy nhiệm" ở Libya.

2. Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2020

đề cao "Tinh thần Davos" Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 50 (WEF 2020) nhằm tìm cách giải quyết các vấn đề cấp bách nhất trong chương trình nghị sự toàn cầu với sự hợp tác của tất cả các bên liên quan đã khai mạc ngày 21-1 tại thành phố Davos, Thụy Sĩ. Hội nghị Davos 2020 có sự tham gia của gần 3.000 đại biểu từ 117 quốc gia, trong đó có 53 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, chủ tịch và giám đốc điều hành của 1.000 công ty đối tác và thành viên nhằm hỗ trợ các chính phủ và các tổ chức quốc tế trong việc theo dõi tiến trình thực hiện Hiệp định Paris, các Mục tiêu phát triển bền vững và tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận về công nghệ và quản trị thương mại. Với hàng trăm phiên họp, thảo luận và đối thoại, chương trình hội nghị năm nay sẽ tập trung vào việc đạt được hiệu quả hợp tác công tư trên 6 lĩnh vực hoạt động chính: sinh thái học, kinh tế, xã hội, công nghiệp, công nghệ và địa chính trị. Hơn 160 sáng kiến riêng lẻ được đưa ra tại Hội nghị WEF lần thứ 50, trong đó có mục tiêu trồng 1.000 tỷ cây xanh trong thập niên tới và trang bị cho 1 tỷ người những kỹ năng cần thiết trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các doanh nghiệp sử dụng khả năng và nguồn lực để hợp tác với chính phủ và xã hội dân sự nhằm giải quyết các vấn đề chính của thập niên này. Diễn ra sau một năm môi trường kinh doanh toàn cầu chịu tác động của nhiều yếu tố rủi ro về kinh tế vĩ mô và căng thẳng địa-chính trị, các chương trình hội nghị năm nay hướng tới những cơ hội và ý tưởng táo bạo để có được những tác động toàn cầu cần thiết nhằm cải thiện tình trạng của thế giới.

3. Nhiều nước ủng hộ sứ mệnh hải quân quốc tế tại Eo biển Hormuz

Ngày 20-1, Chính phủ Pháp đã thông báo sứ mệnh hàng hải do châu Âu đứng đầu tại Eo biển Hormuz - một tuyến hàng hải quan trọng của thế giới đang bị ảnh hưởng căng thẳng tại Trung Đông. Tuyên bố chung nêu rõ chiến dịch này đã nhận được sự ủng hộ chính trị của 8 nước gồm Đức, Bỉ, Đan Mạch, Hy Lạp, Italy, Hà Lan và Bồ Đào Nha. Chính phủ các nước đều chia sẻ nhận định rằng tình hình hiện nay tại vùng Vịnh và Eo biển Hormuz vẫn bất ổn, ảnh hưởng đến ổn định toàn cầu, đồng thời nhất trí ủng hộ cách tiếp cận giảm leo thang trong việc giải quyết vấn đề an ninh khu vực. Theo tuyên bố chung, sứ mệnh mang tên "Nhận thức về hàng hải của châu Âu tại eo biển Hormuz" (EMASOH) nhằm mục đích đảm bảo an toàn hàng hải và giảm căng thẳng hiện nay tại khu vực.

EMASOH sẽ cung cấp cụ thể tình hình hàng hải và thúc đẩy công tác giám sát thông qua việc triển khai thêm các khí tài hàng hải tại vùng Vịnh và biển Arab, theo đúng luật quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Các chính phủ tin rằng EMASOH là một công cụ hữu hiệu giúp đảm bảo tự do hàng hải thông qua cơ chế phối hợp và chia sẻ thông tin với tất cả các đối tác hoạt động tại khu vực. Chính phủ Pháp đã thúc đẩy sáng kiến an ninh của châu Âu tại eo biển Hormuz sau khi loại trừ khả năng tham gia liên minh do Mỹ đứng đầu nhằm bảo vệ các tàu hàng qua vùng Vịnh khỏi mối đe dọa mà chính quyền Washington cho rằng xuất phát từ Iran. Về phần mình, chính quyền Iran phản đối các động thái của cả châu Âu và Mỹ, cho rằng việc bảo đảm an toàn hàng hải tại vùng Vịnh là nhiệm vụ của Iran cũng như các nước trong khu vực.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu và thảo luận tại phiên toàn thể của WEF về "Triển vọng Chiến lược ASEAN".

4. Dịch bệnh viêm phổi do virus corona tại Trung Quốc diễn biến phức tạp

Ngày 24-1, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo đã có 830 trường hợp được xác định bị viêm phổi do nhiễm virus corona mới (2019-nCoV) tại 29 khu vực cấp tỉnh tại Trung Quốc. Theo NHC, tổng cộng có 1,072 trường hợp nghi nhiễm virus corona mới được ghi nhận tại 20 khu vực cấp tỉnh. Hiện đã có 26 người thiệt mạng do nhiễm loại virus trên, trong đó có 24 trường hợp ở tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc. Chủng virus corona mới, có tên gọi khoa học là 2019-nCoV, lần đầu tiên được phát hiện vào cuối tháng 12-2019 tại thành phố Vũ Hán sau khi bùng phát dịch viêm phổi lạ ở thành phố này với hàng chục người nhiễm dịch.

Ngoài Vũ Hán, các thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, Trùng Khánh đã xác nhận có ca nhiễm virus gây bệnh phổi lạ. Lo ngại chủng virus mới này lây lan, tiếp sau Vũ Hán và Hoàng Cương, bốn thành phố khác là Hàm Ninh, Hiếu Cảm, Ân Thi và Chi Giang đã ban hành lệnh cấm đi lại, đưa tổng số người bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm này lên 41 triệu người. Các dịch vụ giao thông công cộng, bao gồm các ga tàu hỏa, đều phải đóng cửa. Một số thành phố cũng thông báo đóng cửa các nơi vui chơi giải trí. Thủ đô Bắc Kinh nâng mức cảnh báo lên cao nhất Các nước như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc và Mỹ cũng đã xác nhận các ca nhiễm bệnh. Bệnh được cho là có thể lây truyền từ người qua người. Hiện giới chuyên gia quốc tế đang lo ngại về nguy cơ bùng phát của dịch bệnh, tương tự như đại dịch SARS (Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp) khiến gần 650 người tử vong hồi năm 2002-2003.

5. Bắt đầu luận tội Tổng thống Mỹ tại Thượng viện

Ngày 23-1, các nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ đã bắt đầu trình bày những lập luận bảo vệ bản luận tội Tổng thống Donald Trump được Hạ viện gửi lên trước đó tại phiên luận tội lịch sử tại Thượng viện. Ông Adam Schiff, Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ, cho rằng Tổng thống Trump nên bị bãi nhiệm vì lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội. Ông Schiff lập luận: "Tổng thống Trump chèo kéo sự can dự của nước ngoài vào các cuộc bầu cử dân chủ của chúng ta, lạm dụng quyền lực để tìm kiếm sự hỗ trợ từ nước ngoài nhằm nâng cao triển vọng được tái đắc cử".

Ông nêu rõ, để thực hiện kế hoạch xấu xa này, Tổng thống Trump đã gây sức ép buộc tổng thống Ukraine phải công khai tuyên bố tiến hành các cuộc điều tra nhằm vào những cáo buộc gây mất uy tín mà theo đó sẽ có lợi cho chiến dịch vận động tranh cử năm 2020 của ông Trump. Theo ông Schiff, khi bị phát hiện, Tổng thống Trump đã lạm dụng quyền lực để cản trở cuộc điều tra nhằm vào những hành vi sai trái của mình. Hạ viện Mỹ, hiện do phe Dân chủ kiểm soát, đã tiến hành luận tội tổng thống hồi tháng trước. Trong khi Thượng viện, do đảng Cộng hòa của tổng thống kiểm soát, sẽ quyết định việc liệu ông Trump có bị kết tội không và có bị miễn nhiệm không. Để luận tội thành công, cần phải có 2/3, tức là 67 trong số 100 ghế ở Thượng viện, đồng ý. Giới phân tích dự đoán khả năng Tổng thống Trump bị Thượng viện buộc tội và miễn nhiệm gần như là bằng 0 vì đảng Cộng hòa có tới 53 ghế, còn đảng Dân chủ đảng Dân chủ chỉ có 45 ghế, rất khó có thể hội đủ số phiếu để đánh bại ông Trump.

6. Tấn công đẫm máu nhằm vào trại huấn luyện quân sự ở Yemen

Vụ tấn công xảy ra vào đêm 18-1 nhằm vào một đền thờ Hồi giáo nằm trong trại huấn luyện quân sự al-Estiqbal ở thành phố Marib, hiện nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ được LHQ công nhận của Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi. Vào thời điểm vụ việc xảy ra, người dân đang tập trung tại đây để cầu nguyện. Kênh truyền hình nhà nước Al Ekhbariya của Saudi Arabia dẫn các nguồn tin cho biết phiến quân Houthi đã tiến hành vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái, khiến 79 người thiệt mạng và 81 người bị thương.

Đại sứ Liên hợp quốc (LHQ) tại Yemen Martin Griffiths đã lên án vụ tấn công trên và các vụ không kích cùng các cuộc tấn công khác trên khắp đất nước Yemen. LHQ cảnh báo cuộc tấn công có thể đe dọa tới tiến trình chính trị vốn mong manh nhằm hạ nhiệt cuộc nội chiến kéo dài gần 5 năm qua. Yemen rơi vào cuộc nội chiến kể từ cuối năm 2014 sau khi phiến quân Houthi nắm quyền kiểm soát thủ đô Sanaa và buộc chính phủ được LHQ công nhận của Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi phải lưu vong. Từ năm 2015, Saudi Arabia đã thành lập và lãnh đạo liên minh quân sự Arab chống phiến quân Houthi, hỗ trợ chính phủ của Tổng thống Hadi. Xung đột đã khiến hơn 100.000 người thiệt mạng cũng như đẩy hàng triệu người vào cảnh mất nhà ở, thiếu lương thực và thuốc men.