23/04/2024 lúc 17:30 (GMT+7)
Breaking News

Nhiều xã tại tỉnh Bắc Ninh đạt Nông thôn mới nâng cao

Với quan điểm xây dựng Nông thôn mới (NTM) có điểm khởi đầu, không có kết thúc, các địa phương trong tỉnh Bắc Ninh tiếp tục thực hiện xây dựng NTM nâng cao, phấn đấu đến năm 2025 có hơn 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 30% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; ít nhất 50 mô hình khu dân cư NTM kiểu mẫu và 2 huyện đạt chuẩn huyện NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Nhiều xã tại tỉnh Bắc Ninh đạt Nông thôn mới nâng cao
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hình thành đáp ứng tiêu chí NTM nâng cao (hình ảnh minh họa)

Huyện Yên Phong là địa phương cuối cùng của tỉnh cán đích huyện NTM vào cuối năm 2020. Ông Nguyễn Văn Hợi, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: “Trong hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, người dân trong huyện hiến tặng hàng trăm nghìn mét vuông đất, đóng góp hơn 30.000 ngày công lao động để làm đường bê tông, sửa chữa, nâng cấp kênh mương nội đồng, xây dựng và sửa chữa trường học, trạm y tế, nhà văn hóa xã, thôn. Tổng số vốn thực hiện chương trình gần 2.000 tỷ đồng (ngân sách tỉnh hơn 850 tỷ đồng; ngân sách huyện gần 197 tỷ đồng; ngân sách xã hơn 905 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp hỗ trợ và nguồn vốn khác hơn 45 tỷ đồng). Kinh tế-xã hội của huyện ngày càng phát triển, hạ tầng nông thôn được tăng cường, đáp ứng các tiêu chí sáng- xanh-sạch-đẹp hơn; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Ngay sau khi về đích huyện NTM, Yên Phong tiếp tục chỉ đạo các địa phương nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao. Hiện tại, 2 xã: Tam Giang, Yên Trung cơ bản đạt 19/19 tiêu chí, đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao”.

Sau khi cán đích huyện NTM, huyện Quế Võ tập trung vào xây dựng NTM nâng cao. Ông Nguyễn Bá Quân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện cho biết: “Kết quả rà soát thời điểm đầu năm 2022, so với Bộ tiêu chí NTM nâng cao, trung bình các xã đạt 14,9 tiêu chí. Để đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM nâng cao, huyện ưu tiên thực hiện các dự án về hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh như: giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, trường học. Tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc về môi trường nông thôn trong quá trình phát triển sản xuất và công nghiệp hóa như: xây dựng các điểm tập kết, khu xử lý rác thải, từng bước hoàn thiện mạng lưới thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải ở khu vực nông thôn. Đến nay xã Phượng Mao được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao”.

Các địa phương trong tỉnh xác định xây dựng NTM nâng cao là nhiệm vụ chính trị quan trọng, từ đó nỗ lực triển khai bằng nhiều giải pháp, trong đó tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; khắc phục các tồn tại trong xử lý, vệ sinh môi trường nông thôn. Tìm hiểu tại xã Song Hồ (Thuận Thành) chúng tôi được ông Nguyễn Xuân Định, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Thực hiện kế hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, ngay từ đầu năm 2021, xã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM nâng cao, đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân hiểu mục đích, ý nghĩa từ đó tự nguyện và chủ động tham gia chương trình. Để nâng cao thu nhập cho người dân, cùng với hình thành vùng liên kết sản xuất cá- lúa với diện tích gần 100 ha, xã quan tâm, tạo điều kiện cho người dân phát triển ngành nghề phụ (sản xuất hàng mã) thu hút khoảng 80% số hộ với doanh thu hàng trăm tỷ đồng/năm. Hiện tại, thu nhập bình quân trên đầu người của xã đạt xấp xỉ 65 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,55%”.

Theo ông Đặng Công Hưởng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: kết quả nổi bật trong quá trình xây dựng NTM nâng cao là hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được cải thiện rõ rệt, tạo thuận lợi cho các hoạt động phát triển sản xuất, kết nối thị trường, đời sống người dân được nâng lên, kết quả lấy ý kiến người dân đối với việc công nhận xã, đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM đều đạt trên 90%. Cùng với quá trình tham gia các hoạt động xây dựng NTM, người dân ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình. Tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước giảm rõ rệt. Kinh tế nông nghiệp của tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định; cơ cấu lại ngành Nông nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực cả về quy mô và trình độ sản xuất, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực. Hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Kinh tế hộ nông thôn chuyển dịch theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, liên kết sản xuất theo chuỗi từng bước được phát triển; trình độ khoa học công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp được nâng cao; công tác đào tạo nghề cho nông dân được đẩy mạnh.

Với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, đến nay, toàn tỉnh có 9 xã: Tân Chi, Phật Tích (Tiên Du), Phượng Mao (Quế Võ), Nhân Thắng (Gia Bình), An Thịnh (Lương Tài), Đình Tổ, Song Hồ, Trí Quả, Xuân Lâm (Thuận Thành) đạt chuẩn NTM nâng cao. Một số địa phương đạt 19/19 tiêu chí, đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận. Thời gian tới, tỉnh tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM. Lựa chọn nội dung nhiệm vụ ưu tiên, tập trung chỉ đạo và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của chương trình giai đoạn 2021-2025.

Ngọc Anh