VNHN - Cuộc chiến chống “tin giả” đang được tiến hành song song với nỗ lực chống dịch virus corona chủng mới trên toàn cầu.
Thế giới những tuần qua đang “nóng” với cuộc chiến chống lại dịch bệnh viêm phổi do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra. Cùng với cuộc chiến này, thế giới cũng đang phải đau đầu đối phó với sự lan nhanh đến chóng mặt, thậm chí sức lây lan nhanh hơn cả virus, của những kiểu thông tin giả (fake news), đang tràn ngập các mạng xã hội. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện đang có 2 cuộc chiến song hành. Ngay từ những ngày đầu bùng phát dịch bệnh viêm phổi do chủng mới của virus corona gây ra, những thông tin “giả, sai sự thật” đã được phát tán nhiều ở Trung Quốc và một số quốc gia châu Á, nhằm gây ra sự hoang mang lớn cho cộng đồng.
Nhiều trường hợp đăng thông tin sai, có ý đồ xấu, đã nhanh chóng bị lực lượng chức năng các nước xử lý mạnh như ở Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Việt Nam. Mới nhất, ngày hôm qua, cảnh sát Hungary tuyên bố đã triệt phá mạng lưới các website tung tin giả về số trường hợp tử vong vì virus corona chủng mới tại Hungary dù nước này chưa không ghi nhận bất kỳ ca nhiễm bệnh nào. Một người đàn ông và một phụ nữ bị tình nghi là đã “điều hành mạng lưới hàng chục website và trang Facebook” để tung ra những tin giả có chung 1 nội dung về corona.
Ảnh minh họa về virus corna chủng mới.
Theo cảnh sát Hungari, các website đăng tải hàng loạt bài viết với tiêu đề giật gân như “Một phụ nữ Hungary 37 tuổi đã ngã gục và chết ở Budapest vì corona”,… vốn chỉ nhằm mục đích tăng lượng truy cập cho các website và thu về doanh thu quảng cáo. Tại Iran, cảnh sát nước này cũng vừa bắt giữ một người do đã đăng trên mạng xã hội 1 đoạn băng hình (video) giả mạo, thông báo một bệnh nhân nhiễm virus corona nhập viện ở vùng Kurdistan, miền tây Iran. Theo điều tra sơ bộ. việc đăng tải này nhằm mục đích giải trí của cá nhân, song đã gây hoang mang cho dư luận tại Iran. Bởi nó được đưa ra trong bối cảnh 57 sinh viên Iran đã được đưa trở về nước từ thành phố Vũ Hán – tâm điểm của dịch bệnh.
Tuy nhiên sự thật mà Bộ Y tế Iran cho biết, các sinh viên này đều có sức khỏe tốt và đang được cách ly 2 tuần để theo dõi. Cũng mang tính chất giải trí tương tự, một nhạc sĩ người Canada, có tên là James Potok, đang có nguy cơ đối mặt với án phạt tù khi tự nhận mình từ Vũ Hán trở về và đang không được khỏe ngay trên 1 chuyến bay chở 243 người. Những hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay này đã phát hoảng trước tuyên bố của anh này, đến mức cơ trưởng đã phải cho máy bay quay đầu hạ cánh khẩn cấp.
Nhạc sĩ này sau đó đã được nhân viên sân bay kiểm tra y tế và xác nhận không hề bị nhiễm bệnh. James Potok thừa nhận, anh chỉ nghĩ câu nói đó của mình chỉ là trò đùa, chứ không ý thức được rằng hành vi này là phạm pháp. Đây chỉ là một số ví dụ điển hình cho những thông tin giả mạo, đang tràn làn trên các mạng xã hội, gây nhiễu loạn thông tin về tình hình dịch bệnh viêm phổi do nCoV, gây hoang mang dư luận nhằm trục lợi cá nhân hay đơn giản chỉ là trò đùa “vô duyên” thời dịch bệnh.
Không những thế, nó còn có thể làm cho cuộc chiến chống lại dịch bệnh của những nhân viên y tế “anh hùng” trở nên “khó khăn hơn” – theo như tuyên bố ngày 8/2 của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, Tedros Adhanom Ghebreyesus: “Tôi muốn nói ngắn gọn về tầm quan trọng của sự thật, không phải nỗi sợ về sự bùng phát của virus corona chủng mới. Mọi người phải có quyền được biết về những thông tin chính xác để bảo vệ bản thân và những người khác.
Trong khi virus lây lan, những thông tin sai lệch làm cho công việc của các nhân viên y tế anh hùng của chúng ta thậm chí khó hơn. Nó làm chuyển hướng sự chú ý của những người ra quyết định; gây nhầm lẫn và gieo rắc nỗi sợ hãi cho công chúng. Tại WHO, chúng tôi không chỉ chiến đấu với virus, chúng tôi còn chiến đấu với các thông tin sai sự thật, làm suy yếu các nỗ lực phản ứng trước dịch bệnh”. Đúng như tờ Bảo vệ (The Guardian) hôm 8/2 có bài viết với tiêu đề “thông tin sai lệch về virus corona có thể là điều khiến tình hình dịch bệnh dễ lan rộng nhất”.