12/01/2025 lúc 16:26 (GMT+7)
Breaking News

Nhiều giải pháp đột phá để phát triển Bảo hiểm Xã hội tự nguyện

VNHN - Phát triển, mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện là mục tiêu quan trọng hướng tới BHXH toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người. Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan; nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: tích cực tham gia đề xuất hoàn thiện chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn; tìm kiếm các giải pháp, đổi mới phương thức quản lý; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin tạo thuận lợi cho người tham

VNHN - Phát triển, mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện là mục tiêu quan trọng hướng tới BHXH toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người. Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan; nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: tích cực tham gia đề xuất hoàn thiện chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn; tìm kiếm các giải pháp, đổi mới phương thức quản lý; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin tạo thuận lợi cho người tham gia…

Nhằm đẩy mạnh công tác này, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn tháng 5 hằng năm là Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân. Nhìn lại Tháng cao điểm đầu tiên, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu về việc phát triển BHXH tự nguyện trong tình hình hiện nay.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu

PV: Năm 2020 được coi là năm bản lề để BHXH tự nguyện tăng tốc, hoàn thành các mục tiêu theo tinh thần của các Nghị quyết Trung ương đã đề ra. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đã và đang gây ra những tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân. Điều này có ảnh hưởng như thế nào đến việc phát triển BHXH tự nguyện, thưa Phó Tổng Giám đốc?          

- Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu:

Ngày 23/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH - ghi dấu mốc quan trọng trong thực hiện chính sách này ở nước ta. Với quyết tâm đưa Nghị quyết 28-NQ/TW vào cuộc sống, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã nỗ lực, triển khai nhiều giải pháp, đạt được những kết quả tích cực.

Về số người tham gia BHXH tự nguyện, từ khi có Nghị quyết 28-NQ/TW đã phát triển nhanh chóng. Cụ thể, năm 2018, toàn quốc đã có trên 277.000 người tham gia, tăng hơn 52.900 người, tương ứng tăng 23,6% so với năm 2017. Năm 2019, con số này đã tăng lên gần 574.000 người, tăng 296.700 người, tương ứng tăng 107,1% so với năm 2018, chiếm 1,17% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động. Đặc biệt, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng mới trong năm 2019 đã bằng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện phát triển được của cả 11 năm trước cộng lại.

Đây là kết quả rất tích cực cho thấy những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đã đi vào cuộc sống; công tác truyền thông phát huy hiệu quả, làm thay đổi nhận thức người dân; việc tổ chức, thực hiện chính sách BHXH tự nguyện ngày càng thuận tiện, tạo được niềm tin trong Nhân dân.

Tuy nhiên, bước sang năm 2020, việc phát triển BHXH tự nguyện đã phải đối mặt với một thách thức lớn khi dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới và tác động trực tiếp tới Việt Nam gây thiệt hại nặng nề về kinh tế - xã hội. Thu nhập của người dân giảm sút, nhiều người lâm vào khó khăn nên không thể tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.

Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thông, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện cũng phải tạm hoãn để thực hiện giãn cách xã hội… dẫn đến số người tham gia có sự sụt giảm. Cụ thể: Trong 4 tháng đầu năm 2020, cả nước có 557.000 người tham gia BHXH tự nguyện (giảm 16.000 người so với năm 2019)…

PV: Có thể thấy, công tác phát triển BHXH tự nguyện còn nhiều khó khăn, thách thức, cần có những giải pháp đột phá trong thực hiện. Được biết, Lễ ra quân toàn quốc phát triển BHXH tự nguyện vừa qua đã mang lại kết quả rất tích cực, Phó Tổng Giám đốc có thể cho biết cụ thể hơn và đánh giá thế nào về giải pháp này?

- Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu:

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong điều kiện bình thường, tốc độ phát triển BHXH năm sau sẽ tăng thêm khoảng 5 - 6% so với năm trước liền kề. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, nỗ lực phát triển BHXH tự nguyện đang gặp nhiều khó khăn. Đây là một thách thức lớn, tuy nhiên, tôi cho rằng khó khăn này chỉ là ngắn hạn. Cùng với việc từng bước kiểm soát được dịch bệnh ở trong nước và trên thế giới, những nỗ lực của Chính phủ trong khôi phục lại nền kinh tế và quyết tâm của các bộ ngành liên quan trong thực hiện chính sách thì việc phát triển BHXH sẽ dần trở lại quỹ đạo. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh, thay đổi về sinh hoạt xã hội cũng đặt ra yêu cầu, là cơ hội để BHXH Việt Nam tiếp tục cải cách trong tổ chức, thực hiện chính sách; đổi mới về công tác truyền thông.

Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan; nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: tích cực tham gia đề xuất hoàn thiện chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn; tìm kiếm các giải pháp, đổi mới phương thức quản lý; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin tạo thuận lợi cho người tham gia, thụ hưởng trong dịch bệnh…

Về công tác truyền thông, BHXH Việt Nam đã thực hiện nhiều đổi mới, tăng cường truyền thông trên môi trường internet như: Google, facebook… Khuyến khích mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành BHXH là một tuyên truyền viên (truyền thông trực tiếp, sử dụng trang mạng xã hội cá nhân) để giới thiệu, vận động người dân tham gia.

Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 1676/QÐ-TTg ngày 21/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ khi chọn Tháng 5 hằng năm là Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân, ngày 23/5 vừa qua, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức Lễ ra quân trực tuyến toàn quốc hưởng ứng “Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân - Tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện”. Chương trình được thực hiện trực tuyến với các điểm cầu ở Trung ương và 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố, vừa bảo đảm giãn cách xã hội mà vẫn thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân các địa phương.

Kết quả, chỉ tính riêng ngày ra quân, toàn quốc đã trực tiếp vận động được 27.478 người tham gia BHXH tự nguyện. Trong đó, có 17 tỉnh phát triển được trên 500 người tham gia. Đáng chú ý, nhiều địa phương cũng đã phát triển được hàng nghìn người tham gia BHYT hộ gia đình nhân dịp này. Bên cạnh đó, có 18 tỉnh, thành phố ra quân tiếp trong ngày 24/5 và phát triển thêm được 2.539 người tham gia BHXH tự nguyện. Tổng cả đợt ra quân, toàn quốc đã phát triển được thêm 30.017 người tham gia BHXH tự nguyện.

Kết quả này cho thấy, những phương thức mới, ứng dụng công nghệ thông tin dễ dàng được người dân đón nhận, tạo được sự cộng hưởng, tác động mạnh mẽ hơn trong cộng đồng. Đây là động lực để BHXH Việt Nam tiếp tục đổi mới công tác truyền thông về BHXH, triển khai nhiều hơn nữa các hình thức truyền thông trực tuyến, theo chiến dịch thời gian tới.

PV: Từ kết quả, khí thế của Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân, theo Phó Tổng Giám đốc, BHXH Việt Nam cần tiếp tục triển khai những giải pháp gì để phát triển BHXH tự nguyện có sự “bứt phá” hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao?

- Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu:

Phải nói rằng, công tác phát triển BHXH luôn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ngoài những khó khăn mang tính “ngắn hạn” kể trên thì chính sách BHXH cũng có tính đặc thù, đó là hướng tới bảo đảm an sinh xã hội trong dài hạn. Thực tiễn cho thấy, thường phải mất một quá trình dài người dân mới có thể hiểu, cảm nhận được lợi ích thiết thực của chính sách BHXH. Và để “rút ngắn” quá trình này, thay đổi nhận thức của người dân thì sự đổi mới, đột phá trong công tác truyền thông giữ vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, bên cạnh “đòn bẩy” từ công tác truyên thông thì việc hoàn thiện, đổi mới chính sách BHXH sao cho hấp dẫn, thuận lợi trong đóng, hưởng lại giữ vai trò quyết định cho sự lựa chọn, tham gia lâu dài của người dân.

 

Cần "đột phá" về truyền thông, đổi mới trong chính sách để tăng diện bao phủ BHXH tự nguyện (Ảnh minh họa)

Vì vậy, để phát triển BHXH tự nguyện bền vững, hướng tới BHXH toàn dân, năm 2020, BHXH Việt Nam xác định tiếp tục song hành nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung vào 3 nhóm giải pháp chính gồm: tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan truyền thông, cơ quan thông tấn, báo chí, cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác truyền thông với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hiện đại. Qua đó, giúp người dân, người lao động hiểu rõ quyền, lợi ích của việc tham gia BHXH trên cơ sở nhận thức đúng, đầy đủ và sâu sắc chủ trương, quan điểm của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, từ đó tạo sự đồng thuận, chủ động tham gia.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam tiếp tục đề xuất, kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH để tăng tính hấp dẫn, thuận lợi hơn nữa cho người tham gia. Trong đó sẽ đề xuất, kiến nghị: sửa đổi quy định về điều kiện, về thời gian đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu, kết hợp với điều chỉnh cách tính hưởng lương hưu; Quy định điều chỉnh tăng và linh hoạt hơn về sự hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện nhất là đối tượng người nông dân, người lao động phi chính thức không thuộc người thuộc hộ nghèo, cận nghèo để tăng mức độ hấp dẫn, khuyến khích tăng số người tham gia BHXH tự nguyện; Quy định điều kiện về tuổi để được hưởng lương hưu giữa nam và nữ cho phù hợp để khuyến khích người nông dân, người lao động khu vực phi chính thức là nam giới tham gia BHXH tự nguyện.

Cuối cùng là nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện công tác phát triển người tham gia BHXH của cơ quan BHXH thông qua việc tăng cường phối hợp chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hỗ trợ nghiệp vụ, cải cách thủ tục hành chính; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, quản lý và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ đối với tổ chức, bộ máy làm công tác thu, đại lý thu chấn chỉnh kịp thời sai phạm, nhũng nhiễu làm hạn chế kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác phát triển đối tượng…

PV: Trân trọng cảm ơn Phó Tổng Giám đốc!