Ngày 13/1/2022, NHCSXH tỉnh Đắk Nông đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022. Ông Đào Thái Hòa, Giám đốc NHCSXH tỉnh Chủ trì hội nghị, về dự còn có lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn, nghiệp vụ.
Trong năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid_19 tiếp tục diễn biến phức tạp; gây nhiều tác động đến sản xuất kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh, giá cả một số mặt hàng nông sản thiếu tính ổn định nên ảnh hưởng đến đời sống của người dân nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ chính sách. Trước những khó khăn trên, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã chủ động và tham mưu cho UBND tỉnh, Ban đại diện Hội đồng quản trị (BĐD HĐQT) NHCSXH tỉnh, NHCSXH Trung ương về các mặt hoạt động từ công tác bổ sung nguồn vốn, triển khai giải ngân vốn vay đến công tác nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận kịp thời nguồn vốn để giảm bớt khó khăn, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, phục vụ phát triển kinh tế theo hướng bền vững của tỉnh.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Đắk Nông Đào Thái Hòa Chủ trì hội nghị.
Đến 31.12.2021, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của Chi nhánh đạt 3.168 tỷ đồng, tăng 281 tỷ đồng so với năm 2020; trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương là 202 tỷ đồng, tăng 40 tỷ đồng so với năm 2020. Với mạng lưới hoạt động phủ khắp các xã phường, hoạt động giao dịch xã tiếp tục được duy trì ổn định, hiệu quả, an toàn, NHCSXH đã giải ngân trên 1.000 tỷ đồng với 26.338 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách vay vốn. Tổng dư nợ đến 31/12/2021 ước đạt 3.168 tỷ đồng, với 68.022 hộ vay còn dư nợ, dư nợ tăng so với năm 2020 là 281 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 9,7%. Hoàn thành 99,8% kế hoạch tăng trưởng và hoàn thành 100% kế hoạch dư nợ Trung ương giao.
Đến 31/12/2021, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh ước đạt 3.168 tỷ đồng với 68.022 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó có 12.765 hộ nghèo; 7.955 hộ cận nghèo; 10.016 hộ mới thoát nghèo đang còn dư nợ tại NHCSXH; có 1.273 hộ nghèo đang còn dư nợ nguồn vốn hỗ trợ làm nhà theo quyết định 167 và quyết định 33/2015/QĐ-TTg. Đối với hộ đồng bào DTTS được tiếp cận với vốn tín dụng tăng rõ rệt, được vay vốn ngày càng nhiều, việc quản lý, sử dụng tiền vay có hiệu quả, sử dụng đúng mục đích, trả nợ đúng hạn theo cam kết. Đến nay có trên 23 ngàn hộ vay vốn thuộc hộ đồng bào DTTS còn dư nợ, chiếm 33% số hộ còn dư nợ, với dư nợ 1.024 tỷ đồng, chiếm 32% so với tổng dư nợ 3.144 tỷ đồng. Trong quý Chi nhánh đã tổ chức giải ngân cho vay được 10 cơ sở vay vốn trả lương ngừng việc cho 243 lượt lao động với số tiền là 834 triệu đồng theo Nghị quyết 126 và Quyết định 33/2021/QĐ-TTg.
Toàn cảnh Hội nghị.
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, Giám đốc Chi nhánh yêu cầu các đơn vị NHCSXH các huyện, thành phố tiếp tục Tập trung chỉ đạo, quyết liệt thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch Covid_19; đồng thời xây dựng các kịch bản phù hợp theo diễn biến dịch để có giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo công tác hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn vừa hoàn thành tốt công tác phòng chống dịch vừa thực hiện công tác giao dịch xã phường an toàn tuyệt đối cả con người và tài sản. Tham mưu kịp thời Kế hoạch kiểm giám sát Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp tỉnh và huyện của năm 2022; đồng thời tổ chức thực hiện với phương châm " Thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" theo Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ.
Phối hợp với các Sở ngành tham mưu UBND tỉnh, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh để hoàn thành các chương trình, chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ năm 2022, đồng thời thực hiện tốt công tác hỗ trợ cho vay theo Nghị quyết số 126/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021, Quyết định 33/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng trong toàn chi nhánh; quan tâm đến công tác xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan; theo dõi, nắm bắt tình hình thiên tai xảy ra ở các địa phương, những thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để kịp thời hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh.