VNHN - Tokyo đã chọn cách dấn thân vào một cuộc chiến với Seoul, nhưng bản thân lại chưa sẵn sàng đương đầu với những tác động khó dự đoán từ cuộc chiến này.
Ảnh minh họa - Internet
Tạp chí Foreign Policy đã bình luận như vậy về mối quan hệ đang bên miệng hố chiến tranh thương mại Nhật – Hàn. Theo đó, xung đột kinh tế giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang không ngừng leo thang tiềm ẩn những thách thức làm chao đảo sự phát triển của kinh tế thế giới và cho thấy Nhật Bản đang ngày càng thể hiện rõ một chính sách đối ngoại đang thay đổi.
Tokyo đã thay đổi
Trong suốt thời kỳ sau chiến tranh, Nhật Bản luôn được coi là một quốc gia dễ bị tác động bởi địa chính trị, với 2 chiến lược chính là luôn cố gắng xoa dịu các cuộc tranh luận bằng cách thỏa hiệp và đặt lợi ích kinh tế và thương mại lên trên hết. Thủ tướng Abe Shinzo ban đầu đã rất nỗ lực thực thi chiến lược này, tuy nhiên, ông ấy dường như đang sẵn sàng với một chiến lược mới.
Bề ngoài, cuộc xung đột này liên quan đến hai quyết định của Nhật Bản về lĩnh vực công nghệ. Cụ thể, ngày 1/7, Nhật Bản tuyên bố sẽ yêu cầu mỗi doanh nghiệp xuất khẩu của nước này phải có giấy phép xuất khẩu 3 loại hóa chất dùng trong sản xuất thiết bị bán dẫn mà Nhật hiện là nước cung cấp chính cho các “ông lớn” công nghệ của Hàn Quốc như Samsung và SK Hynix.
Mặc dù ngay sau đó, Hàn Quốc đã lên tiếng phản đối, cho rằng động thái này sẽ gây nguy cơ chấn động chuỗi cung ứng các sản phẩm điện tử, nhưng phía Nhật Bản ngày 2/8 đã thực hiện tiếp một bước đi mạnh mẽ hơn, khi loại Hàn Quốc khỏi “ danh sách trắng” gồm 27 quốc gia được nới lỏng kiểm soát các mặt hàng nhạy cảm được sử dụng trong quân sự.
Tokyo liên tục khẳng định, họ có bằng chứng cho thấy Hàn Quốc đã lơ là trong việc kiểm soát xuất khẩu các mặt hàng này sang nước thứ ba. Mặc dù giới truyền thông cho rằng, phát ngôn này của Nhật Bản ám chỉ đến Triều Tiên, nhưng một số nguồn tin khác lại cho rằng, nước thứ ba ở đây chính là các quốc gia Trung Đông. Nhật Bản cũng đã tỏ ra rất tức giận vì họ đã luôn cố gắng thúc đẩy Hàn Quốc cùng thảo luận về vấn đề này nhưng đều bị khước từ.
Ở phía bên kia, Seoul đã phản đối phát ngôn này của Nhật Bản và lên án mạnh mẽ các động thái của Tokyo. Hàn Quốc muốn đưa vấn đề này ra Liên Hợp Quốc - cơ quan giám sát các biện pháp trừng phạt Triều Tiên và nước này cũng đã vận động WTO công nhận động thái này là một hành vi vi phạm luật thương mại quốc tế.
Không chỉ đấu tranh về pháp lý quốc tế, mà người dân Hàn Quốc đã sớm đồng tình với Chính phủ, hưởng ứng phong trào tẩy chay các nhãn hàng Nhật Bản và cương quyết huỷ bỏ các chuyến du lịch sang Nhật.
Khi thương mại được chọn làm “vũ khí”
Sau tất cả, rõ ràng Nhật Bản mong muốn gây áp lực lên Seoul về tranh chấp kéo dài liên quan đến vấn đề lao động thời chiến.
Nhật Bản đã không hài lòng khi Hàn Quốc cho phép những lao động trước kia kiện Tokyo vì những tổn thất của họ từ thời chiến tranh. Trong khi Tokyo cho rằng, hành động dân sự này đã được giải quyết bởi Hiệp định bình thường hoá quan hệ giữa hai nước được ký kết năm 1965 và Nhật Bản nói họ đã bồi thường 500 triệu USD cho những tổn thất đó. Thì Hàn Quốc lại không đồng ý đàm phán về những gì mà Nhật đã đề cập đến trong Hiệp định 1965 trong việc giải quyết các tranh chấp này.
Theo một nguồn tin thân cận với Chính phủ, Thủ tướng Abe đã rất phẫn nộ trước tình hình này và ông ấy đã tìm thấy một thứ vũ khí để đối phó với tình trạng đó.
Cuối cùng, xuất khẩu đã được chọn làm “vũ khí”, một vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Thương mại, đồng thời cũng là vấn đề đang được toàn thế giới quan tâm.
Và rồi, Văn phòng Nội các Nhật Bản đầy quyền lực đã tiếp quản sự việc. Nhưng đến nay, kết quả dường như không được như ý. Nhiều người đã đem so sánh giữa hành động của Thủ tướng Nhật Bản Abe và Tổng thống Mỹ Trump, khi cả hai đều chọn thương mại là thứ vũ khí vô cùng lợi hại. Thậm chí người ta còn cho rằng, nhiều tuyên bố vừa qua của Thủ tướng Abe có chút hơi hướng giống phong cách phát ngôn và cả những thay đổi về chiến lược kiểu Tổng thống Trump.
Theo lý thuyết về quan hệ công chúng, các đòn “phát ngôn” thường đi kèm với tối thiểu một vài bằng chứng xác đáng, hoặc để chắc chắn hơn thì còn cần dùng đến các công cụ truyền thông chuyên biệt, như việc sử dụng các đại diện ngoại giao để triển khai mục tiêu đặt ra và quan trọng nhất là phải có một dòng sự kiện rõ ràng và nhất quán.
Tất cả các thông tin đưa đến công chúng cũng cần phải được phát ngôn bởi một cơ quan duy nhất, nhằm đảm bảo sự nhất quán và cũng chỉ nên có một người duy nhất bình luận về các thông tin này trước công chúng. Cuối cùng, những kế hoạch ứng phó phải luôn sẵn sàng để giải quyết những diễn biến bất ngờ xảy ra, chẳng hạn như việc tẩy chay tất cả các nhãn hiệu Nhật Bản tại Hàn Quốc.
Nhưng trên thực tế, thay vì một lịch trình bài bản như trên, thế giới lại đang chứng kiến một loạt các tuyên bố mâu thuẫn nhau và các lời nói bóng gió, đầy ẩn ý từ phía Tokyo.
Ai thắng ai?
Theo phân tích của Foreign Policy, nguyên nhân cơ bản của những hành động này khá đơn giản. Nhật Bản có thể nói rằng, dựa trên quyền của nước xuất khẩu, họ có thể yêu cầu các nhà cung cấp của nước mình phải có giấy phép cho mỗi lô hàng xuất khẩu vật liệu đó. Các nhà chức trách có thể đưa dẫn chứng giống như Mỹ, rằng Nhật Bản đã áp dụng một hệ thống tương tự với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của mình, mà không gây ra một tác động xấu nào. Thậm chí, cả Trung Quốc và nhà sản xuất chip Đài Loan (Trung Quốc) đều không nằm trong danh sách trắng của Nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản cũng nên sẵn sàng đón nhận những tác động từ cuộc chiến thương mại này. Samsung hiện chiếm tới 15% GDP của Hàn Quốc, vậy nên bất cứ chính phủ nào cũng sẽ phải kháng cự khi doanh nghiệp chủ chốt của họ bị đe doạ. Đối mặt với phản ứng của Seoul, chính phủ Nhật Bản đã tỏ ra lưỡng lự. Trong khi Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Hiroshige Seko nhấn mạnh đến các vấn đề về công nghệ khi đề cập đến các mối đe doạ an ninh quốc gia, các cấp có trách nhiệm khác có vẻ như không hài lòng với một động thái để xoa dịu căng thẳng.
Người phát ngôn của Chính phủ, Chánh văn phòng Nội các Yoshi DA Suga trong lúc vừa khẳng định các biện pháp kiểm soát xuất khẩu là vì lý do an ninh quốc gia, cũng đã đưa ra quan điểm rằng, Hàn Quốc đã không đưa ra một giải pháp thỏa đáng về vấn đề cũ từ thời chiến tranh. “Chúng tôi không thể không nói rằng, mối quan hệ tin cậy đã bị tổn hại nghiêm trọng”, ông Yoshi DA Suga nói.
Cả hai lý do, an ninh quốc gia và các vấn đề còn tồn tại từ thời chiến tranh đều được đẩy lên. “Hàn Quốc, với việc xử lý các vấn đề từ thời chiến đã cho thấy là một quốc gia không giữ lời hứa. Đương nhiên, chúng ta cũng có thể nói rằng, họ cũng sẽ thất bại trong việc giữ lời hứa về kiểm soát xuất khẩu”, ông Yoshi DA Suga đã kết luận như vậy trên một chương trình truyền hình.
Trên thực tế, doanh số của chuỗi cửa hàng Uniqlo, Nhật Bản, mà Hàn Quốc là thị trường quan trọng với hơn 180 cửa hàng đã giảm gần 30%. Các nhà sản xuất bia lớn như Asahi cũng chịu sự sụt giảm tương tự khi bị nhiều cửa hàng Hàn Quốc từ chối. Các đại lý du lịch Hàn Quốc – nơi mang đến một nguồn thu quan trọng cho Nhật Bản đã giảm khoảng 50% trong những tuần gần đây.
Thặng dư thương mại của Nhật Bản với Hàn Quốc vào năm ngoái đạt khoảng 20 tỷ USD, chỉ đứng sau Mỹ. Có thể như vậy mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kết luận trong một cuộc họp được truyền hình toàn quốc, vào cuối tuần trước rằng: “Một lần nữa, chúng tôi đã thắng Nhật Bản”.