22/01/2025 lúc 17:05 (GMT+7)
Breaking News

Nhận thức về vai trò của kinh tế nhà nước đối với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế ở Việt Nam

Kinh tế nhà nước là thành phần kinh tế đại diện cho quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nhận thức về kinh tế nhà nước của Đảng ta dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tổng kết thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới.

1. Sự phát triển nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về kinh tế nhà nước

Kinh tế nhà nước là thành phần kinh tế đại diện cho quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nhận thức về kinh tế nhà nước của Đảng ta dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tổng kết thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới.

Dựa trên quan điểm của C.Mác: “Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia, V.I.Lênin cho rằng, trong kinh tế quá độ lên chủ nghĩa xã hội có sự tồn tại và hoạt động của những thành phần, những bộ phận, những mảnh, đặc trưng của cả hai kết cấu kinh tế xã hội: chủ nghĩa tư bản lẫn chủ nghĩa xã hội[1]. Từ đó, “Những hình thức cơ bản … của nền kinh tế xã hội là: chủ nghĩa tư bản, tiểu sản xuất hàng hóa, chủ nghĩa cộng sản”[2]. Vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của nước Nga sau Cách mạng tháng Mười năm 1917, V.I.Lênin xác định, ở nước Nga 05 thành phần kinh tế, bao gồm: “1) kinh tế nông dân kiểu gia trưởng, nghĩa là một phần lớn có tính chất tự nhiên (tự cung tự cấp TG); 2) sản xuất hàng hóa nhỏ (trong đó bao gồm đại đa số nông dân bán lúa mì); 3) chủ nghĩa tư bản tư nhân; 4) chủ nghĩa tư bản nhà nước; 5) chủ nghĩa xã hội”[3].

Kế thừa và vận dụng quan điểm của V.I.Lênin về thành phần kinh tế, Hồ Chí Minh cho rằng, trong nền kinh tế ở vùng tự do của Việt Nam trước năm 1954, có những thành phần: Kinh tế địa chủ phong kiến bóc lột địa tô; Kinh tế quốc doanh; Các hợp tác xã tiêu thụ và hợp tác xã cung cấp; Kinh tế cá nhân của nông dân và của thủ công nghệ; Kinh tế tư bản của tư nhân; Kinh tế tư bản quốc gia[4]. Trong đó, “Kinh tế quốc doanh, có tính chất chủ nghĩa xã hội”[5]. Còn trong “chế độ dân chủ mới, có năm loại kinh tế khác nhau: A- Kinh tế quốc doanh (thuộc chủ nghĩa xã hội, vì nó là của chung của nhân dân). B- Các hợp tác xã (nó là nửa chủ nghĩa xã hội, và sẽ tiến đến chủ nghĩa xã hội). C- Kinh tế của cá nhân, nông dân và thủ công nghệ (có thể tiến dần vào hợp tác xã, tức là nửa chủ nghĩa xã hội). D- Tư bản của tư nhân. E- Tư bản của Nhà nước (như Nhà nước hùn vốn với tư bản tư nhân để kinh doanh). Trong năm loại ấy, loại A là kinh tế lãnh đạo và phát triển mau hơn cả. Cho nên kinh tế ta sẽ phát triển theo hướng chủ nghĩa xã hội chứ không theo hướng chủ nghĩa tư bản”[6]. Thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa được thành lập ngay trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và được củng cố, phát triển, đóng vai trò lãnh đạo trong nền kinh tế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa[7].

Mặc dù, trong các tác phẩm của C.Mác, V.I.Lênin, Hồ Chí Minh chưa sử dụng thuật ngữ kinh tế nhà nước. Tuy nhiên, những quan điểm về tính chất quá độ của nền kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, về tính tất yếu của sự tồn tại nền kinh tế nhiều thành phần, về sự hình thành, vận động, phát triển và đóng vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế quá độ đã tạo cơ sở lý luận cho sự hình thành khái niệm kinh tế nhà nước với tư cách là biểu hiện cụ thể của thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Khái niệm kinh tế nhà nước được Đảng ta sử dụng từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Tại hội nghị cán bộ Trung ương (Từ 3-4 đến 6-4-1947), Đảng đã chủ trương thành lập kinh tế nhà nước và coi đó là một trong ba hình thức kinh tế chính cùng với kinh tế cá nhân, kinh tế hợp tác xã[8].  Kinh tế nhà nước được Đảng xác định là “thành phần xã hội hoá…  gồm những xí nghiệp (nhà băng, nhà máy, mỏ, đồn điền, cơ quan vận tải) đã hay sẽ sung công của thực dân và bọn phản quốc. Những xí nghiệp này do chính quyền nhân dân quản lý”[9]. Với vai trò là thành phần kinh tế đại diện cho xã hội mới, kinh tế nhà nước được Đảng ta chú trọng phát triển. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng khẳng định kinh tế nhà nước là kinh tế có tính chất xã hội chủ nghĩa[10], gồm những xí nghiệp do Nhà nước kinh doanh, từ đó chủ trương “phát triển bộ phận kinh tế Nhà nước và nâng cao địa vị lãnh đạo của nó trong nền kinh tế”[11].

Kể từ Hội nghị Trung ương lần thứ 3 khóa II (1952), Đảng đã sử dụng thuật ngữ “kinh tế quốc doanh”[12] thay thế cho “kinh tế nhà nước”. Khái niệm kinh tế nhà nước được sử dụng trở lại từ Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng giữa nhiệm kỳ khoá VII[13] (1994), nhưng được coi là khái niệm, phạm trù mới cùng với các phạm trù như “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”…[14]

Tổng hợp các quan điểm của Đảng dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh có thể hiểu kinh tế nhà nước là thành phần kinh tế đại diện cho quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nói riêng cũng như trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam nói chung. So với các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế nhà nước có đặc thù là dựa trên hình thức sở hữu nhà nước, được tổ chức quản lý theo kế hoạch của nhà nước, thực hiện chế độ phân phối thu nhập chủ yếu theo lao động và hiệu quả kinh tế.

Trong thời kỳ đầu của xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, kinh tế nhà nước được hình thành thông qua quá trình quốc hữu hóa các xí nghiệp đế quốc và tay sai, cải tạo các xí nghiệp tư nhân và xây dựng các xí nghiệp mới bằng nguồn lực của nhà nước, do đó được hiểu đồng nhất với hệ thống các doanh nghiệp của nhà nước. Với sự hình thành và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phạm vi kinh tế nhà nước ngày càng được mở rộng không những bao hàm các doanh nghiệp nhà nước mà cả những bộ phận khác phi doanh nghiệp thuộc sở hữu toàn dân, sở hữu nhà nước. Ngay nay ở Việt Nam, “Kinh tế nhà nước bao gồm các doanh nghiệp nhà nước và các sở hữu của Nhà nước như đất, ngân sách, lực lượng dự trữ, và kể cả một phần vốn của Nhà nước đưa vào các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân, hợp tác xã”[15], trong đó “kinh tế nhà nước hiện đang nắm giữ các doanh nghiệp nhà nước trong các ngành sản xuất quan trọng nhất như năng lượng, nhiên liệu, xi măng, thép, hoá chất, vận tải đường sắt, đường biển, đường không, ngoại thương, một phần nội thương, ngân hàng, tài chính, dự trữ quốc gia và nhiều tài nguyên của đất nước”[16].

Kinh tế nhà nước được Đảng ta xác định là thành phần kinh tế đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện trên các phương diện: “là lực lượng nắm các yết hầu kinh tế, giữ vị trí chi phối của nền kinh tế, bảo đảm cho sự phát triển ổn định của nền kinh tế; là lực lượng tạo điều kiện, giúp đỡ và liên kết các thành phần kinh tế cùng phát triển; có khả năng can thiệp, điều tiết, hướng dẫn sự phát triển của các thành phần kinh tế, của toàn bộ nền kinh tế quốc dân; làm tấm gương của các thành phần kinh tế về năng suất, hiệu quả”[17]; “Làm nòng cốt trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Mở đường, hỗ trợ các thành phần kinh tế khác phát triển có hiệu quả, thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh và lâu bền của toàn bộ nền kinh tế. Cung ứng những hàng hoá - dịch vụ công cộng cần thiết, nhất là trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng vật chất (giao thông, thuỷ lợi, điện, nước, thông tin liên lạc...) và xã hội (giáo dục, y tế...), quốc phòng, an ninh, một số ngành sản xuất, kinh doanh trọng yếu khác. Là một công cụ có sức mạnh vật chất để nhà nước điều tiết và hướng dẫn nền kinh tế phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng khắc phục những khuyết tật của cơ chế thị trường, thực hiện một số chính sách xã hội”[18]; “ “làm đòn bẩy đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế và giải quyết những vấn đề xã hội; mở đường, hướng dẫn, hỗ trợ các thành phần khác cùng phát triển; làm lực lượng vật chất để Nhà nước thực hiện chức năng điều tiết và quản lý vĩ mô; tạo nền tảng cho chế độ xã hội mới”[19].

Đại hội XIII nhấn mạnh: “Kinh tế nhà nước là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước giữ ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường. Các nguồn lực kinh tế của Nhà nước được sử dụng phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đất nước và cơ bản được phân bổ theo cơ chế thị trường. Doanh nghiệp nhà nước tập trung vào lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng, quốc phòng, an ninh; hoạt động theo cơ chế thị trường, quản trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế; lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế”[20].

Tổng kết sự phát triển nhận thức của Đảng trong thời kỳ đổi mới cho thấy, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trước hết thể hiện yêu cầu tạo nền tảng kinh tế và định hướng phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể phải ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trước hết phải được thực hiện thông qua lực lượng nòng cốt là các doanh nghiệp nhà nước với việc nắm giữ những vị trí then chốt, chi phối trong nền kinh tế, làm nòng cốt trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; đảm bảo cung ứng những hàng hoá - dịch vụ công cộng cần thiết, nhất là trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng vật chất, quốc phòng, an ninh, một số ngành sản xuất, kinh doanh trọng yếu khác; làm đòn bẩy đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của toàn bộ nền kinh tế; là lực lượng đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nêu gương về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế - xã hội và chấp hành pháp luật; có vai trò mở đường, hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện, giúp đỡ và liên kết các thành phần kinh tế cùng phát triển; là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước giữ ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường.

2. Vai trò đặc thù của của kinh tế nhà nước đối với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng ở Việt Nam

Phát triển kinh tế trong điều kiện toàn cầu hóa và cách mạng khoa học, công nghệ diễn ra mạnh mẽ đòi hỏi mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam phải chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu, rộng, hiệu quả. Trong thời kỳ đổi mới, “Hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, làm tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia; thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tranh thủ được khối lượng lớn vốn đầu tư, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm quản lý và các nguồn lực quan trọng khác; tạo thêm nhiều việc làm; nâng cao dân trí và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân”[21]. Tuy nhiên, bối cảnh mới của thế giới với những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường… đang đòi hỏi Việt Nam phải nắm vững và giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế.

Đại hội XIII của Đảng đã xác định “Xây dựng nền kinh tế tự chủ phải trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế. Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng chống chịu hiệu quả trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài. Phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại. Không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế, phát triển lực lượng doanh nghiệp của người Việt Nam ngày càng vững mạnh và huy động sức mạnh tổng hợp của đất nước, nâng cao hiệu quả và lợi ích do hội nhập quốc tế mang lại”[22].

Để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng trong những năm tới, bên cạnh việc “Kiên trì, kiên định đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; nâng cao khả năng thích ứng năng động và linh hoạt xử lý hài hòa lợi ích quốc gia với quan tâm chung, tùy theo đối tượng, vấn đề, thời điểm, phù hợp với luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử tại khu vực, trên tinh thần lợi ích quốc gia - dân tộc là trên hết”[23], cần phải “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển quốc gia, các vùng, các ngành, lĩnh vực phù hợp với thực tiễn đất nước nhằm nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế… Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh. Phát triển công nghiệp kết hợp hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó chú trọng phát triển theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp…Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế như công nghiệp năng lượng, cơ khí chế tạo, luyện kim, hóa chất, phân bón, vật liệu...”[24]. Đồng thời phải “Nâng cao mức độ và chất lượng hội nhập quốc tế để mở rộng thị trường, tranh thủ nguồn vốn, công nghệ, kiến thức và kỹ năng quản lý; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sản phẩm; thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trong nước, xác lập vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu; đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thu hẹp khoảng cách phát triển so với các nước phát triển hơn trong khu vực và thế giới”[25].

Chủ thể trực tiếp xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng là các thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam trong mối quan hệ liên kết chặt chẽ cùng nhau lớn mạnh, góp phần tạo lập nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, có khả năng thích ứng và sức chống chịu cao trong những điều kiện bất ổn của thị trường khu vực, quốc tế. Trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế, doanh nghiệp nhà nước với vị trí, vai trò là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước phải phát huy tốt vai trò chủ đạo, dẫn dắt, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Để doanh nghiệp nhà nước có thể phát huy tốt vai trò chủ đạo trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế thời gian tới cần thực hiện các định hướng giải pháp sau đây:

Một là, nền kinh tế độc lập, tự chủ trong hội nhập quốc tế phải dựa trên nền công nghiệp phát triển, trong đó, theo quan điểm của của nghĩa Mác – Lênin, phải có nền sản xuất tư liệu sản xuất để sản xuất tư liệu sản xuất[26] đủ sức trang bị công nghệ hiện đại cho nền kinh tế. Trong bối cảnh mới, phát triển nền công nghiệp quốc gia ở Việt Nam cần thực hiện theo hướng có trọng tâm, trọng điểm nhằm tận dụng tối đa cơ hội, phát huy lợi thế so sánh của đất nước, trước hết trong phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng để từng bước đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế. Các ngành công nghiệp nền tảng ngày nay là những ngành công nghiệp có vai trò tạo tiền đề về công nghệ, đảm bảo cung ứng đủ nguồn năng lượng và các điều kiện vật chất cho nền kinh tế độc lập tự chủ trong hội nhập quốc tế, do đó ở nước ta hiện nay công nghiệp nền tảng bao gồm các ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp năng lượng. Xuất phát từ năng lực, vai trò của mình doanh nghiệp nhà nước phải tập trung vào phát triển các vị trí trọng yếu trước hết trong các ngành năng lượng để đảm bảo nhu cầu về năng lượng cho phát triển nền kinh tế độc lập tự chủ, đồng thời tập trung vào những công nghệ lõi của ngành các ngành chế biến, chế tạo theo hướng trở thành trung tâm của chuỗi giá trị những ngành hàng chiến lược để tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ với sự đảm nhận của các doanh nghiệp Việt Nam thuộc các thành phần kinh tế khác, khắc phục tình trạng phụ thuộc vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Hai là, để doanh nghiệp nhà nước thực sự có thể trở thành nhân tố dẫn dắt các doanh nghiệp Việt Nam trong xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh đảm bảo tính độc lập tự chủ của nền kinh tế trong hội nhập quốc tế sâu, rộng, hiệu quả, cần tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp công nghiệp nhà nước, đẩy nhanh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thực hiện quản trị theo chuẩn mực quốc tế; củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, tập trung vào những lĩnh vực công nghiệp then chốt của nền kinh tế mà kinh tế tư nhân chưa làm được, đồng thời tăng cường sự lên kết trong phát triển doanh nghiệp nhà nước với phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng.

PGS.TS Đoàn Xuân Thủy,

Hội đồng Lý luận Trung ương

[1] Xem: V.I.Lê-nin, Toàn tập, Nxb CTQG-ST, H., 2006, t.36, tr.309, 362-363.

[2] V.I.Lê-nin, Toàn tập, Nxb CTQG-ST, H., 2006, t.36, tr.310

[3] V.I.Lê-nin, Toàn tập, Nxb CTQG-ST, H., 2006, t.36, tr.362-363; 2005, t.43, tr.248.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG-ST, H., 2011, t.8, tr.266.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG-ST, H., 2011, t.8, tr.266.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG-ST, H., 2011, t.8, tr.293-294

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG-ST, H., 2011, t.11, tr.180

[8] ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG-ST, H., 2000, t.8, tr.181.

[9] ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG-ST, H., 2000, t. 9, tr.202.

[10] ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG-ST, H., 2001, t.12, tr.89

[11] ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG-ST, H., 2001, t.12, tr.88

[12] ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG-ST, H., 2001, t.13, tr.85.

[13] ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG-ST, H., 2007, t.53, tr.184, 246, 470, 567, 574-575.

[14] ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG-ST, H., 2018, tr.65, tr.59

[15] ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG-ST, H., 2007, t.54, tr.446

[16] ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG-ST, H., 2007, t.53, tr.246

[17] ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG-ST, H., 2007, t.53, tr.246

[18] ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG-ST, H., 2007, t.54, tr.275

[19] ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG-ST, H., 2015, t.55,tr.377

[20] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.129

[21] Nghị quyết hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

[22] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.216.

[23] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.282

[24] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2021, tập 1, tr. 234-235, 243-244.

[25] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.283

[26] Xem: C. Mác và Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 1994, Tập 24, tr. 514-766; V. I. Lênin, Toàn tập, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2005, Tập 1, tr. 90-101.

...