Nhờ nỗ lực của ngành nông nghiệp Thủ đô trong thay đổi phương thức canh tác, bảo vệ hệ sinh thái, tạo ra nhiều sản phẩm an toàn, ngoại thành Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều vùng sản xuất an toàn, những ‘vùng xanh’ nông nghiệp, nói không với thuốc bảo vệ thực vật.
Nói đến “vùng xanh” trong nông nghiệp an toàn, không thể không nhắc đến xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, nơi được coi là điển hình của mô hình Cánh đồng không đốt rơm rạ. Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phương Đình cho biết, trong thời gian qua, xã đã tập huấn cho bà con áp dụng chế phẩm hữu cơ để ủ các chất thải, rơm rạ, giúp cho đất tơi xốp, tạo ra sản phẩm an toàn. Xã cũng đã tổ chức hội nghị, mời bà con xã viên tham dự và ký bản cam kết không đốt rơm rạ sau mùa vụ.
“Các hộ nông dân được phát chế phẩm sinh học để thực hiện áp dụng xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ ngay tại đồng ruộng. Kết quả là sau vụ mùa, bà con không còn đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường nữa. Cùng với đó là việc giảm thiểu chi phí mua phân bón hóa học, cải thiện môi trường đất, giảm thiểu tác động khói bụi đến không khí, bảo đảm sức khỏe cho chính bà con nông dân”, ông Thành cho biết.
Đối với phương pháp hữu cơ trong chăn nuôi, nhằm bảo vệ sức khỏe cho nông dân theo Nghị quyết số 20 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân huyện Đan Phượng thường xuyên tập huấn, hướng dẫn cho nông dân các mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học. Ban đầu, Hội đã làm điểm tại xã Hồng Hà, sau nhân rộng tại các xã trên địa bàn và vận động nông dân đưa chăn nuôi xa khu dân cư theo quy hoạch của UBND huyện Đan Phượng để tránh ô nhiễm môi trường. Hiện nay đã có 2 Hợp tác xã chăn nuôi xa khu dân cư thực hiện mô hình tại xã Trung Châu và Phương Đình.
Vùng trồng rau xanh hữu cơ an toàn ngoại thành Hà Nội.
Cùng với đó, Đan Phượng đã có những mô hình nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao như hoa lan Đan Hoài, bưởi tôm vàng Đan Phượng, rau hữu cơ Cuối Quý, nấm Minh Nghĩa...; đang phối hợp các ngành xây dựng thương hiệu tập thể sản phẩm thịt lợn an toàn sinh học Trung Châu, hoa Đan Phượng, chăn nuôi Phương Đình, nấm Đan Phượng; các sản phẩm làng nghề truyền thống như Rượu Long Trường Tửu Hồng Hà, kẹo lạc Song Phượng, nem Phùng Thái Cam...
Ngoài Đan Phượng, đầu năm 2020, Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm (xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây) đã chuyển 5 ha ruộng vốn chỉ trồng ngô, trồng sắn hiệu quả thấp sang trồng cây sâm Bố Chính canh tác theo phương thức hữu cơ.
Bà Uông Tuyết Nhung, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm cho biết, quy trình sản xuất hữu cơ nên hợp tác xã sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có thành phần tự nhiên. Mặc dù chi phí sản xuất nông nghiệp hữu cơ cao nhưng bù lại, sản phẩm rất an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng.
Hiện mỗi ngày hợp tác xã thu hái khoảng 200-300 kg hoa sâm Bố Chính tươi để làm trà hoa sâm. Ngoài ra, cành, lá sâm được cắt tỉa để làm mỹ phẩm dưỡng da... Cây sâm Bố Chính trồng sau 1 năm sẽ thu củ. Ước tính cả thu hoa, lá, cành và củ, mỗi héc ta trồng sâm cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm.
Tương tự, tại huyện Phú Xuyên, nông dân đã bỏ thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi sâu bệnh chưa tới ngưỡng gây hại trên cây trồng. Theo anh Lương Văn Hoan, Trạm trưởng Trạm trồng trọt bảo vệ thực vật huyện Phú Xuyên, huyện có 27 xã, thị trấn với 6.800 ha lúa, hơn 300 ha rau, nhưng mấy năm nay, nông dân hầu như không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Trung bình lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng của toàn huyện Phú Xuyên năm 2020 chỉ là 0,26 kg/ha/năm.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh đáp ứng yêu cầu cao về vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần giải quyết vấn nạn thực phẩm không an toàn. Sản xuất hữu cơ góp phần bảo vệ môi trường bền vững bởi không sử dụng hóa chất. Cũng nhờ sản xuất hữu cơ, nông dân có sức khỏe tốt hơn và thu nhập cao hơn nếu ứng dụng được khoa học kỹ thuật vào sản xuất./.