05/01/2025 lúc 14:43 (GMT+7)
Breaking News

Nhà điêu khắc Triệu Tiến Công: Người tạc hồn cho gỗ

Trong nghệ thuật điêu khắc, yếu tố đầu tiên là chất tạo hình có sự chuyển động của cách thức tạo khối mà người nghệ nhân phải “tìm hình, tìm khối” một cách mạch lạc. Đối với anh, trong quá trình sáng tác, hình tượng người phụ nữ là mạch nguồn khơi dậy cảm hứng vô tận để anh thỏa sức sáng tạo. Người phụ nữ trong tác phẩm điêu khắc của anh có cả hình và khối chuyển động với đường cong mềm mại, uyển chuyển mà tạo hóa ban tặng nhưng hết sức tinh tế, cuốn hút và rõ nét đặc trưng văn hóa vùng miền.

Tôi có duyên được biết đến nhà điêu khắc Triệu Tiến Công – Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội viên Chi hội Mỹ thuật Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật - Mỹ thuật Việt Nam... qua những tác phẩm hội họa, gốm sứ mà anh từng triển lãm. Hiện anh đang là ông giáo làng dậy môn mỹ thuật ở một vùng quê đất Tổ (Cẩm Khê, Phú Thọ). Sau giờ lên lớp thì anh dành phần lớn thời gian cho đam mê sáng tạo nghệ thuật, anh chuẩn bị ra mắt công chúng cuộc triển lãm đặc biệt, xác lập kỷ lục Việt Nam với 100 tác phẩm điêu khắc về chủ đề người phụ nữ Việt Nam.

Nhà điêu khắc Triệu Tiến Công với tác phẩm Dáng xuân

Niềm đam mê cũng như tố chất hội họa, điêu khắc được ươm mầm ngay từ khi còn nhỏ. Hồi còn học cấp một anh đã gắn sở thích của mình với các trò chơi dân gian như nặn từng con giống bằng đất bồi phù sa trên lưng trâu, lớn hơn chút thì tạc tượng trên các chất liệu khác nhau như gỗ, đất, nhôm, đồng... thành những bức tượng và những thứ đồ chơi độc đáo...  Cứ thế hình thành những  thói quen, anh đã yêu thích nghệ thuật điêu khắc từ lúc nào không hay.

Anh Công chia sẻ: “Nghề làm giáo dục cao quý nhất đối với môn mỹ thuật không chỉ kiến thức bồi đắp tâm hồn trong đó có tư duy logic, óc sáng tạo thẩm mỹ; không chỉ hội họa mà còn cả điêu khắc. Trong những năm gần đây tôi tập trung cho điêu khắc nhiều hơn.

NĐK Triệu Tiến Công với những tác phẩm dự triển lãm lần này

Trong nghệ thuật điêu khắc, yếu tố đầu tiên là chất tạo hình có sự chuyển động của cách thức tạo khối mà người nghệ nhân phải tìm hình, tìm khối một cách mạch lạc. Đối với anh, trong quá trình sáng tác, hình tượng người phụ nữ là mạch nguồn khơi dậy cảm hứng vô tận để anh thỏa sức sáng tạo. Người phụ nữ trong tác phẩm điêu khắc của anh có cả hình và khối chuyển động với đường cong mềm mại, uyển chuyển mà tạo hóa ban tặng nhưng hết sức tinh tế, cuốn hút và rõ nét đặc trưng văn hóa vùng miền. Nhờ cảm xúc liền mạch và xuyên suốt đã định hướng cho anh lối đi riêng về phong cách và chất tạo hình để có được một tác phẩm hoàn hảo nhất. Nhằm thỏa mãn với đam mê nghệ thuật của mình, anh đã đi nhiều nơi để trải nghiệm thực tế. Anh đến tận nơi dân cư ở vùng cao để hiểu rõ hơn về đất và người, về những nét văn hóa đặc trưng, những trang phục truyền thống của từng người phụ nữ dân tộc thiểu số và tìm cho mình những sắc thái biểu đạt bằng cách ký họa, chụp hình lấy tư liệu, nghiên cứu và khảo cứu đời sống sinh hoạt của họ để từ đó có ý tưởng cho cảm xúc sáng tác nghệ thuật. Mỗi bức tượng anh tạc là một người phụ nữ đại diện cho một dân tộc thiểu số mà không hề bị trùng lặp.

NĐK Triệu Tiến Công đang hoàn thiện tác phẩm: Lời ru nguồn cội

Với triển lãm lần này anh chọn đề tài Phụ nữ trên nền chất liệu gỗ như một thách thức cho chính bản thân mình. Chất liệu gỗ đã khó, kích thước lớn, số lượng nhiều, lại còn tốn kém cả kinh phí, sức khỏe. Ban đầu gia đình anh gặp nhiều khó khăn về mặt kinh tế với đồng lương ít ỏi nhưng anh vẫn quyết tâm làm việc hăng say, nhờ có sự động viên hết mực từ gia đình đã giúp anh có thêm động lực, niềm tin để hoàn thành mục tiêu. Anh tâm sự: “ đam mê nên tôi cứ có tiền là mua gỗ về đục. Nhiều lúc chi tiêu sinh hoạt trong gia đình gặp nhiều khó khăn vì tôi đã dồn hết tiền vào đam mê của bản thân”.

Mục tiêu triển lãm lần này của anh trên 100 tác phẩm, mỗi tác phẩm sẽ mang đậm dấu ấn sắc thái riêng của từng dân tộc, được khai thác bằng cái nhìn đa chiều của ngôn ngữ điêu khắc đậm chất biểu cảm trong tâm tưởng của người nghệ nhân, tôn vinh cho nền văn hóa dân tộc của một quốc gia. Những tác phẩm được tạc theo lối truyền thống, mang tính kế thừa những tinh hoa văn hóa dân tộc mà cụ thể là hình ảnh những người phụ nữ hòa nhập với dòng chảy của thời đại, mang hơi thở mới, sức sống đương đại, nâng tầm tôn vinh giá trị văn hóa và sắc thái dân tộc. Khát vọng của anh là muốn giới thiệu với bạn bè quốc tế về nền văn hóa rất riêng của 54 dân tộc khác nhau. Để có được điều đó đòi hỏi người nghệ nhân phải tư duy sáng tạo hơn, mạch cảm xúc không đứt quãng và luôn liền mạch.

 Anh Công bày tỏ: ‘Tôi thấy mình cần lan tỏa bằng những tác phẩm điêu khắc tôn vinh những giá trị văn hóa Việt dần bị mai một mà ít được nhắc đến. Tôi thiết nghĩ, mình cần phải khơi được mạch nguồn của cảm xúc, khai thác được những giá trị cốt lõi của dân tộc mình, chuyển hóa đưa lên tầm cao mới, hơi thở mới mang sức sống đương đại, tìm kiếm những sắc màu đặc trưng riêng tiêu biểu, nhất là người vùng cao để khai thác cụ thể nhất”.

Tác phẩm Trao duyên của NĐK Triệu Tiến Công

Thông qua triển lãm, anh muốn kể câu chuyện mang tính gắn kết các dân tộc anh em, giúp con người sống chậm lại, tình cảm hơn, gắn bó lắng đọng. Truyền tải thông điệp bằng ngôn ngữ điêu khắc gần gũi nhất có thể, không kén người xem, không đánh đố người xem nhưng vẫn khiến cho người xem phải tò mò... Các tác phẩm có thân phận gần gũi với những người thân và người sống xung quanh chúng ta, vượt lên tất cả sự khắc nghiệt của cuộc sống, của số phận để vươn tới những điều tốt đẹp hơn. Mỗi tác phẩm mang một dấu ấn riêng: Trẻ em thì hình dáng rất hồn nhiên hây hây; người phụ nữ thì mang trên mình những gánh nặng cuộc đời từ khi mang bầugồng gánh cả trách nhiệm với gia đình, xã hội; người già có dáng hình tần tảo, lưng còng, khuôn mặt già nua vì thời gian... Mỗi bức tượng của người phụ nữ dân tộc thiểu số lại có những trang phục riêng, với nhiều họa tiết hoa văn, khuôn mặt khắc khổ mạng dậm dấu ấn của người vùng cao.

Triển lãm lần này của nhà điêu khắc Triệu Tiến Công hứa hẹn sẽ mang đến cho người xem những bữa tiệc thị giác mãn nhãn và giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc.