23/01/2025 lúc 04:58 (GMT+7)
Breaking News

Nhà đầu tư nước ngoài đua nhau gom cổ phiếu ngân hàng giá rẻ

Khi cổ phiếu ngân hàng đồng loạt giảm trong tuần qua (13-17/6) thì khối lượng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài đối với nhóm ngành này tăng mạnh.
Nhà đầu tư nước ngoài đua nhau gom cổ phiếu ngân hàng giá rẻ

Cổ phiếu ngân hàng trải qua một tuần giao dịch diễn biến tiêu cực với sắc đỏ bao trùm. Trong 27 cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch trên sàn chứng khoán thì có tới 24 mã giảm giá trong tuần qua (13-17/6/2022), trong khi 3 mã tăng giá.

3 cổ phiếu ngược dòng tăng giá

VIB giảm mạnh nhất trong ngành, mất 21% trong tuần qua khiến thị giá rơi xuống còn 20.650 đồng/cp, thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Trong 5 phiên giao dịch gần đây thì cổ phiếu này có đến 3 phiên giảm sàn.

Hàng loạt cổ phiếu khác cũng giảm trên 15% tuần qua như LPB (-19,5%), MSB (-18,3%), KLB (-17,6%), PGB (-15,6%), MBB (-15,3%).

Các mã giảm nhẹ nhất là VCB (-2,1%), VAB (-4,9%), HDB (-5%),…

Chiều ngược lại, chỉ có 3 mã tăng giá là SSB, EIB, SGB. Cổ phiếu SSB tăng tới 8,2% trong tuần qua với 3/5 phiên trong sắc xanh, bất chấp toàn ngành lao dốc. Ngày 17/6 vừa qua, SSB đã chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng cổ phiếu.

EIB cũng duy trì được sắc xanh khi tăng 3,1% trong tuần. Nhà băng này vừa thông qua việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức (tỷ lệ 20%) từ nguồn lợi nhuận năm 2017-2021. Theo đó, cổ đông EIB chuẩn bị được nhận cổ tức sau 8 năm chờ đợi.

Sau thời gian liên tục giảm, hiện một cổ phiếu ngân hàng đã rớt xuống dưới mệnh giá là VAB, đóng cửa tuần này còn 9.800 đồng/cp. VBB và ABB cũng về sát mệnh giá, chốt phiên 17/6 ở mức 10.300 đồng/cp và 10.100 đồng/cp.

Khối ngoại mua ròng nhiều mã 

Đáng chú ý, khi cổ phiếu ngân hàng đồng loạt giảm giá trong tuần qua thì khối lượng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài đối với nhóm ngành này tăng mạnh. Cụ thể, khối ngoại đã mua ròng hơn 14,5 triệu cổ phiếu trong 5 phiên vừa qua, gấp khoảng 3 lần so với tuần trước.

Có 11 mã được mua ròng là SHB, HDB, LPB, STB, BID, OCB, VCB, SSB, TCB, VAB, MSB. Trong khi các mã bị bán ròng là MBB, ABB, CTG, NVB, TPB, EIB.

HDB vẫn được khối ngoại miệt mài gom, mua ròng 3,9 triệu cp trong tuần qua, giá trị 96 tỷ đồng, đồng thời đánh dấu chuỗi mua ròng 7 phiên liên tiếp. Trong hơn một tháng qua, đây là cổ phiếu ngân hàng được nhà đầu tư nước ngoài "săn đón" nhất khi toàn bộ đều là mua ròng, chỉ có một phiên duy nhất có khối lượng bán ra nhiều hơn mua vào là hôm 8/6 (bán ròng 496.100 cp).

Tính trong 1 tháng trở lại đây (17/5-17/6), HDB là cổ phiếu ngân hàng hiếm hoi không bị mất giá trong khi toàn thị trường diễn biến kém khả quan. Hiện thị giá của HDB ở mức 24.600 đồng/cp.

Cổ phiếu ngân hàng được khối ngoại gom mạnh tiếp theo là SHB, khối lượng mua ròng tới hơn 5,7 triệu cổ phiếu, giá trị 76 tỷ đồng. LPB và STB cũng có khối lượng mua ròng hơn 2,1 triệu đơn vị.

SHB, MBB có khối lượng giao dịch thỏa thuận "khủng"

Các cổ phiếu dẫn đầu về thanh khoản là STB, VPB, MBB, VPB,…. Tổng giá trị giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn của nhóm ngân hàng tuần qua đạt hơn 10.400 tỷ đồng.

Một số cổ phiếu có giao dịch thỏa thuận lớn trong tuần qua như SHB, MSB, MBB. Trong đó, hơn 40,8 triệu cổ phiếu SHB đã được trao tay giữa các nhà đầu tư theo phương thức này, giá trị hơn 540 tỷ đồng. MSB cũng ghi nhận giao dịch thỏa thuận hơn 7,7 triệu cp trong 5 phiên vừa qua, giá trị 141 tỷ đồng. MBB thì khối lượng giao dịch hơn 15,6 triệu cp, giá trị 423 tỷ đồng.

Cổ phiếu ngân hàng đã về vùng giá hấp dẫn?

Theo nhận định của các công ty chứng khoán, đợt bán tháo vừa qua đã đưa định giá của các ngân hàng về mức rất hấp dẫn.

Theo nhóm phân tích của Agriseco, định giá ngành ngân hàng hiện tại theo P/B (1,6x) đã giảm xuống dưới mức trung bình 5 năm (2,0) và thấp hơn so với VN – Index. Mặc dù định giá hiện nay của các ngân hàng tại Việt Nam cao hơn so với đa số các nước trong khu vực (P/B khoảng 1,3x) nhưng chỉ số ROE (18,6x%) cao hơn hẳn so với mức trung bình các nước trong khu vực (10,x%). Do vậy, Agriseco Research đánh giá ngành ngân hàng hấp dẫn để đầu tư trong 2022.

Trước đó, VnDirect cũng cho rằng thị trường điều chỉnh gần đây đã đưa định giá ngành ngân hàng xuống 1,46 lần P/BV dự phóng năm 2022, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 3 năm là 2 lần. Đợt bán tháo ồ ạt trên thị trường vừa qua đã đưa định giá của các ngân hàng về mức rất hấp dẫn.

 

Châu Hiệp