Chăm lo phát triển giáo dục, đào tạo là hướng tới phát triển con người toàn diện, làm chủ thể sáng tạo và nguồn lực quyết định sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Năm học 2019 - 2020, công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn xã Nguyệt Ấn (Ngọc Lặc, Thanh Hóa) tiếp tục có những chuyển biến tích cực trong đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy học. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được các trường trong xã hết sức quan tâm, xem đây là giải pháp tổng thể, căn bản nhất để nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 NQ/TW của BCH TW Đảng và Chỉ thị số 08-CT-HU của Ban thường vụ huyện ủy Ngọc Lặc về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện Ngọc Lặc đến năm 2020.
Công sở UBND xã Nguyệt Ấn (Ngọc Lặc, Thanh Hóa)
Công tác phòng chống dịch Covid 19 được tiến hành song song với việc thực hiện “mục tiêu kép”: An toàn cho học sinh, giáo viên và thực hiện tốt kế hoạch năm học. Trong tình hình khó khăn, bằng sự nỗ lực, quyết tâm với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, công tác giáo dục của xã luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo phòng giáo dục huyện Ngọc Lặc, cùng với sự chỉ đạo sát sao của đảng ủy, UBND xã, các tổ chức đoàn thể, sự chung sức của nhân dân nên đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm học.
Xã luôn quan tâm đầu tư kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị, từng bước chuẩn hóa cơ sở vật chất; đẩy mạnh và thực hiện đồng bộ các giải pháp xã hội hóa giáo dục nhằm huy động các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục. Về quy mô trường lớp, học sinh, cán bộ giáo viên, nhân viên: Trên địa bàn xã có 4 trường trong đó 02 trường mầm non, 02 trường tiểu học và 01 trường THCS; có tổng số 2071 học sinh, tăng 53 học sinh so với năm học trước; cán bộ quản lý 13, giáo viên 106; nhân viên 06.
Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia luôn được đảng bộ, chính quyền xã quan tâm, hiện nay trong xã đã có 02/5 trường (Trường tiểu học Nguyệt Ấn 1 và trường mầm non Sông Âm) được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 đạt 40%. Năm học 2019 -2020, 100% các trường đã được phòng giáo dục huyện kiểm định chất lượng giáo dục. Để nâng cao chất lượng giáo dục đại trà ở cả 03 bậc học, các trường tập trung đổi mới phương pháp, trong đó bậc mầm non luôn được đặc biệt quan tâm về tổ chức hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, tạo cơ hội cho trẻ vui chơi, trải nghiệm theo hướng lấy trẻ làm trung tâm; chất lượng nuôi dưỡng đạt 95,6% tăng 4%. Bậc tiểu học thực hiện nghiêm thông tư 22/2016/TT-BGD ĐT, về kết quả học tập đã hoàn thành kế hoạch đề ra. Bậc Trung học cơ sở nhà trường đã chủ động triển khai đổi mới hoạt động dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực người học. Nhờ tăng cường cơ sở vật chất và đổi mới phương pháp dạy học, cho nên học lực tiến bộ rõ nét, trong năm học có 64/607 học sinh đạt loại giỏi, tăng 0,4%; khá 278/607 đạt 45,7% tăng 6,2%; học sinh trung bình 205/607 bằng 33,7% tăng 0,8%. Thứ hạng các trường của xã cũng tăng lên, Trường mầm non Sông Âm xếp thứ nhất toàn huyện; Trường tiểu học Nguyệt Ấn 1 xếp thứ 4; Trường THCS xếp thứ 6. Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học từng bước được tăng cường, môi trường sư phạm ngày một đổi mới.
Hệ thống giao thông được đầu tư nâng cấp đồng bộ – Con đường đến trường của các em học sinh trở nên dễ dàng hơn
Chất lượng mũi nhọn của 03 bậc học là nhiệm vụ quan trọng của các trường; khối Mầm non có 15 giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) xếp loại cấp huyện, trong đó có 05 giáo viên đạt giải SKKN cấp tỉnh (Trường Mần non Sông Âm); Bậc tiểu học có 21 giáo viên viết SKKN trong đó có 3 giáo viên xếp loại cấp huyện, 01 giáo viên xếp loại cấp tỉnh; đối với học sinh đạt 03 giải nhất; 01 giải nhì về môn năng khiếu thể thao. Bậc THCS có 01 giáo viên đoạt giải nhất cấp tỉnh; có 15 giáo viên viết SKKN trong đó giải cấp huyện 03; giải nhì 07; giải ba 05 SK; về học sinh giỏi văn hóa cấp huyện có 18 học sinh (01 giải nhất; 04 giải 3; 13 giải khuyến khích), giải năng khiếu cấp 15 có 15 học sinh (04 giải nhất; 07 giải nhì; 04 giải ba).
Phát huy những kết quả đạt được trong năm học qua, trong những năm học tiếp theo, công tác giáo dục và đào tạo được lãnh đạo xã tập trung phấn đấu để đạt những thành tích cao hơn, huy động tốt mọi nguồn lực nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện. Trong đó, tiếp tục phát huy truyền thống, nỗ lực vượt khó, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, nêu cao tinh thần tự học, tự sáng tạo, đẩy mạnh phong trào thi đua Dạy tốt - Học tốt, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của nhân dân, góp phần xây dựng xã Nguyệt Ấn ngày càng văn minh, giàu đẹp./.