20/01/2025 lúc 06:12 (GMT+7)
Breaking News

Người lao động ly tán, nỗi lo lan tỏa dịch?

VNHN - Những chỉ đạo quyết liệt từ chính phủ và các bộ ngành, các địa phương về chống dịch trong tuần cao điểm hiện nay đang vấp phải một hệ lụy đáng lo. Đó là một lượng lớn những người lao động tại các thành phố lớn sẽ đổ xô về các vùng quê, kéo theo nhiều nguy cơ nguồn dịch bệnh lan tỏa.

VNHN - Những chỉ đạo quyết liệt từ chính phủ và các bộ ngành, các địa phương về chống dịch trong tuần cao điểm hiện nay đang vấp phải một hệ lụy đáng lo. Đó là một lượng lớn những người lao động tại các thành phố lớn sẽ đổ xô về các vùng quê, kéo theo nhiều nguy cơ nguồn dịch bệnh lan tỏa.

Dòng người lao động từ đô thị chảy về vùng quê đang mang theo nhiều nguy cơ dịch bệnh lây lan?

Đây là vấn đề đã được không ít người cảnh báo thời gian qua, trước tốc độ lây lan của dịch bệnh. Dù không ghi nhận thêm dấu hiệu nguy hiểm nào, nhưng dịch bệnh đến nay đã hiện hữu những ổ dịch tại các đô thị lớn; đơn cử bệnh viện Bạch Mai đang là tâm điểm phát tán dịch đáng lo ở Hà Nội. Sự đáng lo nằm ở chỗ, xung quanh bệnh viện này là hàng ngàn lao động ở các khu nhà trọ, những người liên quan đến dịch bệnh cũng là những người lao động tham gia các dịch vụ của bệnh viện. Vậy nên, khi những người này rời chỗ ở, tỏa về các làng quê xung quanh Hà Nội, hệ lụy sẽ ra sao?

Không thể ở lại đô thành!

Sáng nay 30/3/2020, mức độ ngăn ngừa, báo động dịch bệnh đã được nâng cao lên một nấc nữa. Các tuyến xe đi lại từ Hà Nội, TP.HCM đều dừng. Đà Nẵng cũng yêu cầu mọi công dân khi đi ra đường, đến nơi công cộng phải đeo khẩu trang. Nước sát khuẩn phát tại mọi lối đi ở Huế, Hội An… Ngay ở thành phố cao nguyên Buôn Ma Thuột, các cửa hàng, quán ăn cũng đóng kín, chỉ he hé một lối giao dịch cho khách hàng mua đem về.

Cũng trong sáng nay, người viết nhận điện thoại của cậu sinh viên người Nha Trang bảo sẽ cùng bạn về miền Tây tá túc. Những ngày trước, gia đình hối cậu về để tránh dịch ở TP.HCM, nhưng cậu thấy không cần thiết. Đến nay, khi xung quanh hàng quán đều đóng, mọi người trong xóm trọ đều rời đi, cậu nghĩ không lưu lại được. Đường về thì xa mà không tiện tàu xe nữa, cậu quyết định sẽ cùng bạn trọ chạy xe máy về nhà bạn. “Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo”, gia đình người bạn nồng hậu nhắc như vậy. “Nhưng từ vùng dịch về quê, liệu có an toàn cho người ở quê?”, câu hỏi này cậu sinh viên không trả lời được.

Bến xe Đà Nẵng tăng cường công tác phòng dịch trên mọi chuyện xe khách, cách ly người từ vùng có dịch về.

Rất nhiều lao động, bạn trẻ đang theo dòng chảy về quê như cậu sinh viên cũng không trả lời được câu hỏi đó. Đơn giản bởi họ không có đủ điều kiện và dữ liệu để tự tin nói rằng, bản thân mình là an toàn. Nhưng nếu buộc họ ở lại các đô thị lớn vào những ngày này, thì lại là điều bất khả thi. Mọi dịch vụ đều bị đình trệ, và đa số người lao động đều không có tích lũy tài chính đủ dư cho việc cầm cự dài ngày. Họ buộc phải về quê vì không có cách nào ở lại đô thành cả!

iểm họa đang gia tăng?

Ở bến xe Đà Nẵng, Huế, Tam Kỳ, Quảng Ngãi…, các lực lượng chức năng đã tiến hành rà soát đối tượng, đo thân nhiệt cho mọi hành khách đi lại suốt những ngày qua. Chỉ thị của chính quyền địa phương cũng xác định, từ sau ngày 28/3, bất kỳ ai về địa phương từ các vùng có liên quan đến dịch như Hà Nội, TP.HCM, đều phải cách ly. Sự quyết liệt này thật sự cần thiết, để bảo đảm sự an toàn cho mọi người.

Nhưng việc rà soát nghiêm khắc ấy, chỉ áp dụng với những người sử dụng các dịch vụ giao thông công cộng như máy bay, tàu hỏa, xe bus, xe khách liên tỉnh… Còn đối với các phương tiện cá nhân, như xe du lịch 4 chỗ, xe máy… thì hoàn toàn vô hiệu. Dòng xe máy chạy miệt mài từ TP.HCM về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, từ Hà Nội lan ra các tỉnh khác, đang là một hiển hiện rõ ràng. Không lực lượng chức năng nào đủ sức chốt chặn và kiểm soát hết lưu lượng đó. Không có nguồn phương tiện, thiết bị y tế nào đo đếm, kiểm tra hết con số hàng vạn người đang hối hả chạy về quê.

Điều đáng lo là trong dòng người đó, có bao nhiêu người đã tự khai báo y tế về sức khỏe cá nhân, đã được các cơ sở y tế hỗ trợ đo đạc, kiểm tra hiện trạng cơ thể, đã có đủ cơ sở xác tín thời gian đi lại, các đối tượng tiếp xúc trong những ngày qua là an toàn?

Các đô thị đều tăng cường tối đa công tác kiểm soát phòng dịch.

Vậy phải chăng công tác dự phòng, cảnh báo của các địa phương, vẫn còn một lỗ hổng rất lớn. Đó là trước khi có chủ trương tạm dừng mọi hoạt động giao dịch, giao tiếp cộng đồng, hạn chế tụ tập đông người, tiếp xúc gần…, các bộ ngành, địa phương chưa tính đến hệ lụy tình trạng di tản tự do của người dân khỏi các đô thị lớn?

Một chuyên gia y tế cho rằng, lẽ ra trước khi có chủ trương dừng mọi dịch vụ, hoạt động công cộng ở đô thị, thì tối thiểu là 1 tuần, tích cực hơn là 1 tháng, nên có yêu cầu kê khai, thực hiện khai báo và kiểm tra sức khỏe của mỗi người dân ở khu đô thị, nếu trù tính sẽ về quê trong thời gian đến. Việc này sẽ giúp chính những người lao động tự tin hơn trong lựa chọn về quê, bởi họ cũng đâu muốn mình trở thành nỗi e ngại, sợ hãi của thân nhân.

Chỉ cần được thăm khám, xác định thông tin, với những tin nhắn, giấy xác nhận rõ ràng, họ sẽ yên tâm về quê với các phương tiện có thể. Các lực lượng chức năng, các đơn vị vận tải cũng bớt đi áp lực đôi co, tranh cãi, khi chỉ cần xem xét giấy xác nhận y tế tự giác của người dân, kiểm tra thực tế qua thiết bị hiện hữu như đo thân nhiệt…

Sự chuẩn bị, sự vào cuộc tích cực của chúng ta trước nguy cơ dịch bệnh là rất tích cực, cả thế giới phải công nhận điều đó. Nhưng để hiệu quả ấy là sự thật và thật sự tích cực, phải chăng chúng ta cần phải kiên quyết hơn nữa và có các biện pháp hữu hiệu hơn nữa, trong những ngày cao điểm này?

Dòng người đô thị đang lan tỏa về các vùng quê mà thiếu sự kiểm soát, không cho phép bất kỳ ai lơ đễnh với những nguy cơ tiếp nối!