Với thành tựu mà Vinamilk đạt đươc, Tổng Giám đốc Mai Kiều Liên, người phụ nữ đầu tiên được Fober Việt Nam vinh danh "Thành tựu trọn đời", đã ghi dấu đậm nét suốt 45 năm hình thành, phát triển của công ty. Đặc biệt, tính quyết đoán, tầm nhìn sâu rộng của bà đã đưa tên Vinamilk lên 54 điểm trên bản đồ thế giới.
Không chỉ giữ vị trí số 1 tại Việt Nam, thương hiệu sữa Vinamilk của Việt Nam đã lan tỏa đến hơn 54 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ảnh: VGP/Thanh Thủy
Đưa Vinamilk vào tốp 50 công ty sữa lớn nhất thế giới và đưa Việt Nam từ một quốc gia không có ngành sữa trở thành nước xuất khẩu sữa là thành công đáng nể nhưng khi tiếp xúc với bà, ta sẽ thấy bên cạnh vai trò của người dẫn dắt Vinamilk là dáng dấp của một người phụ nữ Việt Nam bình dị, chân thành.
Sinh năm 1953 tại Pháp, bà Mai Kiều Liên tốt nghiệp đại học tại Moscow (Nga) chuyên ngành chế biến sữa và thịt; có chứng chỉ quản lý kinh tế của Đại học Kỹ sư kinh tế Leningrad (Nga). Được bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Vinamilk vào năm 1992, bà quyết tâm cổ phần hóa doanh nghiệp nhằm tạo động lực làm việc mới, khuyến khích cán bộ công nhân viên sáng tạo, đổi mới.
Có thể nói để có được một Vinamilk như hôm nay, được Forbes Việt Nam định giá hơn 2,4 tỷ USD, chiếm hơn 20% tổng giá trị của tốp 50 thương hiệu dẫn đầu Việt Nam năm 2020, chiếm hơn 50% thị phần sữa Việt Nam thì tầm nhìn của bà Mai Kiều Liên là yếu tố then chốt quyết định đến thành công của doanh nghiệp sữa với vốn hóa gần 220.000 tỷ, tương đương 9,5 tỷ USD.
Từ những viên gạch ban đầu đến “triệu phú sữa tươi” của Việt Nam
Để đưa tên doanh nghiệp sữa Việt Nam vào top 50 công ty sữa lớn trên thế giới qua 4 thập kỷ hoạt động, một trong những quyết định sáng suốt nhất của CEO Mai Kiếu Liên chính là tư duy tập trung đầu tư vào việc phát triển vùng nguyên liệu chăn nuôi bò sữa từ rất sớm, ngay từ đầu thập niên 90 thế kỷ XX.
Tổng Giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên từng chia sẻ: "Chúng ta có hệ thống chăn nuôi bò sữa, đó là quan trọng nhất. Điều này sẽ giúp tự chủ nguyên liệu và tự chủ mọi thứ, tự chủ về giá thành. Nói không quá thì nếu không có vùng nguyên liệu, có lẽ sẽ không có Vinamilk ngày nay".
Năm 1991, Vinamilk đã cụ thể hóa mục tiêu này khi chủ động nguyên liệu sản xuất bằng giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu nội địa và "cuộc cách mạng sữa", còn gọi là cuộc "cách mạng trắng" đã ra đời.
Nhiều năm sau đó, đàn bò sữa của Vinamilk không ngừng phát triển. Đến nay Vinamilk đang sở hữu 12 trang trại quy mô, đạt chuẩn quốc tế, tổng đàn bò quản lý và khai thác sữa đạt gần 150.000 con, giúp cung ứng cho thị trường trên 1 triệu lít sữa tươi nguyên liệu/ngày. Nhờ mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện năng suất và chất lượng sữa của đàn bò sữa Vinamilk đều tăng trưởng tốt, công nghệ chăn nuôi đã tiệm cận với các nước phát triển trên thế giới.
Một số dự án trang trại “khủng” của Vinamilk có thể kể đến như Resort bò sữa tại Tây Ninh với vốn đầu tư ban đầu hơn 1.200 tỷ đồng (tương đương 50 triệu USD), ứng dụng công nghệ 4.0 trong tất cả các khâu quản lý và chăn nuôi bò sữa. Một mô hình nổi bật khác là trang trại bò sữa (TTBS) Vinamilk Organic Đà Lạt, đây cũng là TTBS Organic chuẩn châu Âu đầu tiên của Việt Nam tại thời điểm khánh thành vào năm 2017.
Vinamilk hiện đang triển khai hàng loạt các dự án lớn như TTBS Quảng Ngãi với tổng diện tích rộng hơn 90 ha, quy mô 4.000 con bò, sẽ sớm được đưa vào hoạt động. Dự án này có đầu tư ban đầu lên đến 700 tỷ đồng, được ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi và quản lý, dự kiến sẽ cung ứng khoảng 20 triệu lít sữa tươi nguyên liệu mỗi năm cho thị trường.
Cũng theo lộ trình đã vạch ra, Vinamilk sẽ tiếp tục hoàn thành giai đoạn 1 của Tổ hợp resort bò sữa Organic trên cao nguyên Xiangkhouang (Lào), với tổng số đàn bò là 24.000 con và nâng quy mô đàn bò lên 100.000 con vào giai đoạn 2.
Với những kế hoạch này, dự kiến đến năm 2022-2023, đàn bò tại các trang trại của Vinamilk sẽ tăng thêm 20.000 con, gia tăng nguồn cung cấp sữa tươi nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Năm 2018, Tổng Giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên được Forbes Việt Nam vinh danh giải thưởng “Thành tựu trọn đời”. Ảnh: VGP/Thanh Thủy
Khẳng định giá trị thương hiệu Việt trên thị trường thế giới
Ngược thời gian về thời điểm hơn 20 năm trước, vào năm 1997, khi lần đầu tiên, Vinamilk xuất khẩu được lô sản phẩm sữa bột trẻ em sang thị trường Trung Đông. Ít ai ngờ rằng, chỉ sau một thời gian ngắn, sản phẩm mang thương hiệu Vinamilk Dielac đã nhận được sự tin tưởng lớn từ người tiêu dùng tại đây và trở nên phổ biến. Cho đến nay, nhiều người vẫn quen dùng tên "Dielac" để gọi các sản phẩm sữa bột, bột dinh dưỡng cho trẻ em nói chung.
Nói về lô sữa xuất khẩu sữa Việt đầu tiên vươn ra thị trường thế giới, bà Mai Kiều Liên nhớ lại: “Tại thời điểm đó, không ai nghĩ Việt Nam có thể xuất khẩu sữa bột trẻ em do trước đó hoàn toàn phải nhập khẩu loại sữa này. Vinamilk đã vượt qua vòng kiểm tra chất lượng khắt khe của nước bạn, thậm chí một số tiêu chí còn khó hơn chuẩn quốc tế. Sau khi chứng minh được về chất lượng và khả năng giao hàng đúng theo yêu cầu, Vinamilk đã ký các hợp đồng xuất khẩu lớn vào thị trường này”.
Định hướng đúng đắn đó đã giúp Công ty tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân 24%/năm. Trong vòng 17 năm, tổng kim ngạch xuất khẩu của Vinamilk đạt 1,9 tỷ USD và sản phẩm của Vinamilk đã có mặt tại 54 quốc gia trên thế giới.
Năm 2016, lần đầu tiên Forbes Việt Nam công bố danh sách định giá thương hiệu doanh nghiệp, khi đó, giá trị thương hiệu của Vinamilk đạt hơn 1,5 tỷ USD. Từ đó đến nay, cùng với sự tăng trưởng về quy mô, giá trị thương hiệu của Vinamilk cũng liên tiếp tăng qua các năm và đều nằm ở những vị trí dẫn đầu của tốp thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam. Năm 2020, dù đối mặt với những biến động lớn của nền kinh tế do đại dịch COVID-19, thương hiệu Vinamilk vẫn được định giá tăng thêm 200 triệu USD so với năm 2019, đạt mốc hơn 2,4 tỷ USD.
Bà Mai Kiều Liên chia sẻ phương châm hoạt động của bà mấy chục năm nay là bao giờ cũng phải “đi bằng hai chân”. Chân ở nội địa vững chắc, đáp ứng nhu cầu cho nguời dân, sau đó mới tính đến chuyện xuất khẩu vươn ra nước ngoài. Chính vì vậy, ngoài việc liên tục đầu tư, cải tiến, đem lại nhiều sản phẩm chất lượng quốc tế cho người tiêu dùng trong nước thì mảng xuất khẩu, kinh doanh quốc tế luôn được Vinamilk chú trọng đẩy mạnh. Trong năm 2020 vừa qua, hoạt động xuất khẩu trực tiếp đã đóng góp 5.561 tỷ đông vào tổng doanh thu của Vinamilk, tăng trưởng 7,4% so với 2019, tạo ra nhiều dấu ấn trong bối cảnh khó khăn chung và đóng góp tích cực cho ngành sữa cả nước.
Sự quyết đoán cũng như tầm nhìn chiến lược đã giúp bà hướng Vinamilk vượt qua những “sóng gió” trong suốt 45 năm qua để đến nay, không chỉ là số 1 tại Việt Nam mà thương hiệu sữa Việt đã được Vinamilk đưa đến hơn 54 quốc gia và vùng lãnh thổ trong một hành trình nhiều khó khăn nhưng cũng đầy tự hào.
Thành tựu trọn đời
Với tầm nhìn chiến lược, sự cống hiến và tâm huyết dành cho Vinamilk cũng như sự phát triển của ngành sữa Việt Nam, năm 2018, bà Mai Kiều Liên là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được Forbes Việt Nam vinh danh giải thưởng “Thành tựu trọn đời” với dấu ấn “tư tưởng đổi mới sáng tạo, khả năng hoạch định chiến lược đúng đắn, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, gắn kết người lao động để cống hiến vì mục tiêu chung đưa công ty phát triển”.
Trước đó, bà Mai Kiều Liên là nữ doanh nhân duy nhất của Việt Nam có mặt liên tiếp từ năm 2012-2015 trong danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á do Forbes bình chọn và được tặng giải thưởng Nikkei Asia Prize của Nikkei Inc. Bên cạnh đó, bà Mai Kiều Liên cũng là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam do Forbes Việt Nam bình chọn.
12 năm liền là thương hiệu quốc gia, liên tục thuộc nhóm 1.000 thương hiệu mạnh nhất châu Á, Vinamilk cũng là thương hiệu tại Việt Nam duy nhất được định giá “tỷ đô” ngay trong lần đầu tiên được Forbes Việt Nam công bố năm 2016 và đến nay 2,4 tỷ USD là giá trị mà thương hiệu này đạt tới. Điều đó đã minh chứng không chỉ sự lớn mạnh của Vinamilk mà còn cho thấy giá trị của thương hiệu doanh nghiệp này không ngừng nuôi dưỡng và vai trò của “nữ tướng” Mai Kiều Liên, người phụ nữ tạo dựng, truyền cảm hứng để xây dựng giá trị của thương hiệu Vinamilk là không thể phủ nhận.
Tổng Giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên còn là một phụ nữ bình dị, chu toàn. Ảnh: VGP/Thanh Thủy
Người phụ nữ bình dị, chu toàn
Được truyền thông đặt cho những cái tên ‘Nữ tướng”, “Thuyền trưởng”, “Nữ hoàng ngành sữa”... nhưng bà cũng được biết đến nhiều với hình ảnh một người phụ nữ Việt Nam giản dị, khiêm tốn nhưng rất chân tình.
Trong một chia sẻ, bà khẳng định vai trò của phụ nữ ngày càng được đề cao trong thời đại hiện nay, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh. Người phụ nữ đang tạo ra ngày càng nhiều những giá trị mới, không chỉ góp phần nâng cao vai trò của chính phụ nữ, cho mà còn là đóng góp xã hội, đất nước và thâm chí là thế giới.
Ở lĩnh vực kinh doanh, bà Mai Kiều Liên ghi dấu ấn bởi phong cách lãnh đạo truyền cảm hứng, tư tưởng sáng tạo và lan tỏa tác động tích cực ra cộng đồng. Phong cách này của bà Mai Kiều Liên thể hiện rõ ngay cả khi bà đang ngồi ở những vị trí như chủ tọa các cuộc họp quan trọng, các hội thảo quốc tế và trong nước. Giọng nói rõ ràng và thu hút, bà xử trí và trả lời từng câu hỏi một cách ngắn gọn, dễ hiểu và đi thẳng vào vấn đề với bản lĩnh của một doanh nhân có tầm. Nhưng những thông điệp từ bà cũng đầy tính nhân văn và hoàn toàn chinh phục được người khác với chính sự chân tình của mình.
Trong bức thư gửi cho những người lao động của Vinamilk vào thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bà viết: “Chỉ có sự đồng lòng, tương thân tương ái mới giúp cộng đồng có được sức mạnh đoàn kết - đây chính là chiếc "lá chắn" mạnh mẽ nhất giúp chúng ta chiến thắng dịch bệnh.” Và bà cũng nói, năm vừa qua, thành công lớn nhất của Vinamilk với bà chính là không có bất cứ một nhân viên nào bị nhiễm COVID-19, bị mất việc làm hay bị giảm chế độ đãi ngộ do ảnh hưởng của đại dịch.
Có lẽ, bên cạnh phong cách lãnh đạo trong công việc, thì tinh thần này thực sự là một dấu ấn mà bà Mai Kiều Liên đã truyền đến cho nhiều thế hệ Vinamilk, hình thành một văn hóa đẹp và đáng quý của doanh nghiệp lớn nhất ngành sữa cả nước.