19/01/2025 lúc 13:28 (GMT+7)
Breaking News

Người gieo chữ trong bệnh viện

VNHNO- Lớp học không có bục giảng, không có bảng đen phấn trắng mà chỉ có những chai dịch truyền treo lủng lẳng giữa cô trò. Đôi lúc tiếng giảng bài của cô lại bị gián đoạn bởi những cơn đau của học trò. Mỗi con chữ mà các em ráp đúng vần khiến những cô giáo mừng rơi nước mắt. Đó là câu chuyện của những cô giáo ở "lớp học trọc đầu".

VNHNO- Lớp học không có bục giảng, không có bảng đen phấn trắng mà chỉ có những chai dịch truyền treo lủng lẳng giữa cô trò. Đôi lúc tiếng giảng bài của cô lại bị gián đoạn bởi những cơn đau của học trò. Mỗi con chữ mà các em ráp đúng vần khiến những cô giáo mừng rơi nước mắt. Đó là câu chuyện của những cô giáo ở "lớp học trọc đầu".

Học sinh của lớp hầu hết đều trọc đầu sau những lần vô thuốc, xạ trị

Mang con chữ vào dạy ở gầm giường bệnh viện

Tháng 9 năm 2009, qua câu chuyện nghị lực của đóa hướng dương Lê Thanh Thúy vừa điều trị ung thư vừa chăm lo cho các bệnh nhi, các cô giáo trường Tiểu học Đuốc Sống Q.1, TP.Hồ Chí Minh vào bệnh viện Ung Bướu để thăm và tặng quà cho các em. Cơ duyên bắt đầu khi cô giáo Đinh Thị Kim Phấn nghe ước mơ khát khao được đi học của các bệnh nhi ung thư khi các em quanh năm phải gắn mình bên giường bệnh. 'Không biết động lực nào thúc giục mà cô lập tức hứa luôn với các em rằng cô sẽ vào bệnh viện dạy chữ cho các em. Hứa xong cô mới hết hồn vì không biết sẽ phải dạy như thế nào trong bối cảnh bệnh viện chật kín người' cô Phấn- người phụ trách điều phối lớp học nhớ lại.

Sau khi xin phép phía nhà trường và lãnh đạo bệnh viện, vào mỗi chiều thứ 6 các cô giáo lại lỉnh kỉnh hành trang đem con chữ vào bệnh viện với các bệnh nhi. 'Lúc đó đâu có phòng để dạy, cô trò phải ngồi dạy và học bên 2 chiếc bàn gỗ nhỏ được kê dã chiến bên dưới gầm giường bệnh'. Không gian phòng bệnh viện chật chội, ồn ào với hàng trăm thứ âm thanh, 'vậy mà trò thì say mê học, cô thì say sưa dạy đến nỗi chẳng còn nhớ rằng cô trò mình đang ở trong bệnh viện', cô Phấn kể.

Cô giáo Đinh Thị Kim Phấn, người đã mang chữ vào bệnh viện dạy các bệnh nhi

Cô cho con đổi bánh lấy chữ được không?

Sau một thời gian thì số lượng bệnh nhi tham gia học chữ tăng lên, cô Phấn phải rủ thêm một số bạn bè là các cô giáo về hưu cùng vào bệnh viện dạy cho các em. Các em được các cô kèm dạy từ lớp 1 đến lớp 5 với 2 môn chủ đạo là Toán và Tiếng Việt. Sau một thời gian thấy nhu cầu học chữ của các bệnh nhi quá lớn nên Ban giám đốc bệnh viện Ung Bướu đã dành ra một căn phòng nhỏ làm lớp học cũng như làm không gian sinh hoạt chung cho các bệnh nhi. Lớp học ấy không có bục giảng, không có bảng đen phấn trắng mà chỉ có những chai dịch truyền treo lủng lẳng giữa cô trò. Đôi lúc tiếng giảng bài, tiếng đọc ê a lại bị gián đoạn bởi những cơn đau của các em. 'Vậy đó chớ vừa hết đau, chưa kịp khô nước mắt là các em lại nằng nặc đòi quay vào lớp học chữ ngay. Do bệnh tật hành hạ liên tục nên việc tiếp thu của các em cũng chậm so với bạn bè khỏe mạnh, nên khi dạy các em ráp đúng vần một chữ là cô cũng thấy mình mừng muốn rơi nước mắt' cô giáo cười trong xúc động.

Các em dù bệnh tật nhưng rất ham học, các cô giáo khi vào lớp học trong bệnh viện thì mang theo nào bánh, nào kẹo để tặng các em. Lớp học dạy từ 1 buổi chiều thứ sáu sau tăng lên dạy thêm vào sáng thứ 7. Vậy đó mà 'có lần dịp Noel, cô đem bánh kẹo vào vào tặng. Một lúc sau có bệnh nhi cầm số bánh kẹo cô tặng đến và nói: Cô ơi, cô cho con đổi bánh kẹo này để ngày nào cũng được cô vào dạy chữ có được không' cô Phấn nhớ lại và đưa tay lau giọt nước mắt lăn ra tự lúc nào.

Nhiều em vừa phải truyền dịch nhưng vẫn say sưa học chữ

Những quyển sổ yêu thương

Trung bình mỗi buổi dạy có khoảng 20 bệnh nhi tham gia lớp học, tuy nhiên số lượng cũng như đối tượng mỗi buổi như vậy không bao giờ cố định vì phải phụ thuộc vào lịch điều trị của các bệnh nhi. Hầu hết các em đến lớp học đều có chung tình trạng là trọc đầu do phải vô hóa chất cũng như xạ trị nên tóc rụng hết.

Lần giở từng cuốn sổ lưu lại ở không gian lớp học, người giáo viên gần 10 năm trời gắn bó với lớp học trọc đầu này kể vanh vách tên tuổi, tính tình cũng như sở thích từng em, mặc dù 'hàng trăm cuốn sổ này nét chữ còn dang dở thì các em đã ra đi'.

Cô Phấn nhớ lại những ngày đầu đến với lớp học cô gần như bị khủng hoảng tinh thần trầm trọng bởi 'có khi mình vừa mới dạy em ấy xong thì gia đình chạy qua báo tin em ấy mất, nhờ cô qua phòng bệnh vuốt mắt cho em' cô nhớ lại. Thế rồi những niềm vui mới lại đến không cho phép cô buồn lâu vì hễ em này ra đi là lại có học sinh mới vào, cô lại say mê dạy, trò lại say mê học mà khỏa lấp đi nỗi đau mất mát.

Cô nói: 'Không mong gì các em thành tài, chỉ mong mỗi ngày đến lớp là khoảng thời gian cô trò vui vẻ để quên đi hết bệnh tật là được rồi. Và cô muốn mỗi em dù quanh năm điều trị ở bệnh viện này không được đến trường nhưng các em sẽ có thể tự viết tên mình, tự làm toán được. Đó là niềm vui của cuộc đời gieo chữ' cô cười và nhìn về phía xa xăm...

Lớp học chữ bệnh viện Ung Bướu TP. Hồ Chí Minh thành lập từ ngày 4-9-2009, là một trong chuỗi hoạt động của chương trình Ước mơ của Thúy nhằm chăm sóc,giúp đỡ các bệnh nhi đang điều trị ung thư. Lớp học dạy vào mỗi chiều thứ 6 và sáng thứ 7 do các cô giáo về hưu cùng các tình nguyện viên phụ trách. Đến nay lớp học dạy từ lớp 1 đến lớp 9.