24/11/2024 lúc 08:08 (GMT+7)
Breaking News

Người cộng sản mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam

VNHNO - Tổng Bí thư Đỗ Mười tên thật là Nguyễn Duy Cống. Các đồng chí hoạt động cùng thời thường gọi thân mật là Anh Ngạn. Đồng chí sinh ngày 2/2/1917, tại làng Đông Phù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội, trong một gia đình trung nông.

VNHNO - Tổng Bí thư Đỗ Mười tên thật là Nguyễn Duy Cống. Các đồng chí hoạt động cùng thời thường gọi thân mật là Anh Ngạn. Đồng chí sinh ngày 2/2/1917, tại làng Đông Phù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội, trong một gia đình trung nông.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười thăm Quảng Trị (1/5/1990). Ảnh: Minh Đạo/TTXVN.

Được giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng khi mới 19 tuổi. Năm 1939, khi đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, chính quyền thực dân ở thuộc địa tiến hành khủng bố những người yêu nước. Năm 1941, đồng chí bị chính quyền thực dân Pháp bắt, kết án 10 năm tù giam ở Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. 

Không chờ địch trả tự do, tháng 3/1945, nhân sự kiện Nhật đảo chính Pháp, đồng chí vượt ngục và tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Đông. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí được cử giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông.

Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), đồng chí được Đảng phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam; Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính tỉnh Nam Định; Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; Khu ủy viên Khu ủy Khu III, phụ trách hai tỉnh Ninh Bình và Hòa Bình; Phó Bí thư Liên Khu ủy III kiêm Phó Chủ tịch ủy Ban Kháng chiến - Hành chính Liên khu III, Chính ủy Tư lệnh Liên khu III; Bí thư Khu Tả ngạn Sông Hồng, kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính và Chính ủy Quân khu Tả ngạn Sông Hồng. 

Dưới sự chỉ huy của Chính ủy Tư lệnh Đỗ Mười, quân và dân Liên Khu III; Quân khu Tả ngạn, có sự phối hợp của lực lượng bộ đội chủ lực như Đại đoàn 320, Đại đoàn 308... đã làm thất bại nhiều chiến dịch càn quét của quân đội viễn chinh Pháp, trong đó có trận tập kích nổi tiếng vào sân bay Cát Bi, Hải Phòng, đốt cháy hàng chục máy bay địch, góp phần vào chiến thắng trên chiến trường Điện Biên Phủ.

Sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, đồng chí Đỗ Mười được phân công đảm trách Bí thư Thành ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban quân quản thành phố Hải Phòng một thời gian. 

Sau đó, đồng chí được giao lãnh đạo, đứng đầu nhiều cơ quan bộ, ngành: Bộ Nội thương, Ủy ban Vật giá Nhà nước, Trưởng phái đoàn Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, Phó Chủ tịch Hội đồng Chi viện tiền tuyến Trung ương, Trưởng Ban chống phong tỏa cảng Hải Phòng, Phó Thủ tướng phụ trách các Bộ: Xây dựng, Công nghiệp, Vật tư... lâu nhất là chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (từ 1965-1986). 

Dù lãnh đạo ở đơn vị, cơ quan nào, đồng chí đều ngày đêm đem hết sức mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Sau chiến thắng mùa Xuân 1975, cả nước thống nhất, chưa kịp hưởng trọn niềm vui chiến thắng, đồng chí Đỗ Mười đã lại phải cùng Ban Chấp hành Trung ương lo chỉ đạo giải quyết những khó khăn do hậu quả chiến tranh để lại. 

Khói súng chưa tan, đất nước lại phải gồng mình đối phó với chiến tranh từ hai đầu đất nước; các thế lực thù địch chống phá, bao vây cấm vận, thêm vào đó là hậu quả của những sai lầm chủ quan trong quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, xã hội, trong chính sách đối ngoại… tác động mạnh đến mọi mặt của đời sống xã hội. 

Sản xuất chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, cơ chế quan liêu bao cấp, nền sản xuất kế hoạch hóa tỏ ra trì trệ, bất lực; Việt Nam là nước sản xuất ra lúa gạo, mà lương thực không đủ tiêu dùng, nạn đói xảy ra ở nhiều nơi, nhiều năm. Lạm phát ngày càng trầm trọng, lên tới ba con số (năm 1986 là 774%). 

Đời sống của nhân dân lao động, nhất là các đối tượng phụ thuộc vào đồng lương và hưởng chính sách xã hội hết sức khó khăn. Nhiều xí nghiệp quốc doanh và hợp tác xã tiểu, thủ công nghiệp đình đốn, thua lỗ, thậm chí phải đóng cửa; hàng chục vạn công nhân thất nghiệp. 

Những hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội như tham nhũng, buôn lậu, mại dâm, cờ bạc, mê tín dị đoan… gia tăng. Dòng người di tản ra nước ngoài vẫn tiếp tục tăng, gây ra nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội, làm xáo động nhân tâm và là cái cớ để các thế lực phản động chống Việt Nam dưới chiêu bài "nhân quyền", "dân chủ", "tự do". Tình hình đất nước lúc này đặt ra thách thức: "Đổi mới hay là chết!".

Trên cương vị Phó Chủ tịch và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (từ tháng 9/1988-6/1991), đồng chí Đỗ Mười đã cùng tập thể Bộ Chính trị đề ra đường lối đổi mới, chèo chống đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bão tố. Đồng chí đã chỉ đạo triển khai chống lạm phát một cách quyết liệt, phương pháp duy nhất là phát huy nội lực, dựa vào dân, động viên nhân dân bằng lợi ích, để tạo ra những tiềm năng mới. 

Về phía Nhà nước, Chính phủ quy định nghiêm ngặt ngân hàng chỉ được nhận tiền mặt và cho vay, tài chính chỉ thu mà chi, không in thêm tiền. Sau một thời gian, các chính sách kinh tế và tiền tệ của Chính phủ đã phát huy hiệu quả, đặc biệt là giảm lạm phát, từ chỗ lạm phát ba con số, xuống dần, đến năm 1992, chỉ còn mấy phần trăm. 

Cùng với chống lạm phát, Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, thực hiện tiết kiệm và dồn trọng tâm chỉ đạo phát triển nông nghiệp; đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế khoán hộ. Kết quả làm cho sản xuất bung ra, giải quyết được căn bản vấn đề lương thực, không chỉ đủ dùng trong nước, mà còn phục vụ xuất khẩu. 

Để giải quyết tận gốc nạn khan hiếm hàng hóa tiêu dùng, ngoài việc vận động nhân dân sản xuất, nhà nước có các chính sách khuyến khích đầu tư, mở rộng sản xuất; để thu hút tiền ở trong dân, do có chính sách khuyến khích tiền gửi, nhân dân yên tâm gửi tiền vào ngân hàng, tạo ra nguồn vốn phục vụ sản xuất. 

Nhờ sự cố gắng, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, đến đầu thập kỷ 90, khủng hoảng kinh tế, xã hội đã bị chặn lại. Quan trọng hơn, là từ bài học thực tiễn, Đảng ta đã đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991); và Chiến lược kinh tế, xã hội 10 năm (1991-2000). 

Cương lĩnh của Đảng khẳng định: "Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng"; và "làm cho thế giới quan Mác – Lê-nin và tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh giữ vị trí chỉ đạo trong đời sống tinh thần xã hội". Đó là những quan điểm, đường lối đúng đắn, thể hiện trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân ta, trong đó sự đóng góp hết sức quan trọng của đồng chí Đỗ Mười.

Tháng 6/1991, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng, đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Tình hình thế giới lúc này vô cùng phức tạp, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân hoang mang, sụt giảm niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. 

Tình hình kinh tế, xã hội của đất nước tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn đầy rẫy những khó khăn. Nền kinh tế vẫn còn mất cân đối về nhiều mặt, phát triển chậm. Ngân sách bội chi lớn; giá cả chưa ổn định. Nhiều tổ chức tín dụng ngoài quốc doanh bị vỡ nợ, gây hậu quả rất xấu; lao động thiếu việc làm, đời sống một bộ phận dân cư còn khó khăn; văn hóa, xã hội nhiều mặt chưa tốt, tệ tham nhũng, tiêu cực, trật tự an toàn xã hội còn phức tạp. 

Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Đỗ Mười đã cùng tập thể Bộ Chính trị lãnh đạo giữ vững ổn định chính trị, kiên định lập trường tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; kiên quyết giữ vững con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

Tiếp tục công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, đồng chí Đỗ Mười chỉ đạo, nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này là phá thế bao vây cấm vận, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ; chủ động gia nhập ASEAN, mở rộng quan hệ với các nước trong cộng đồng quốc tế. 

Thực hiện trọng trách của người đứng đầu, tháng 11-1991, đồng chí Tổng Bí thư dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Chính phủ ta sang thăm chính thức Trung Quốc. Cuộc gặp cấp cao Việt - Trung đánh dấu sự bình thường hoá quan hệ Việt Nam và Trung Quốc; tiếp đến là bình thường hóa quan hệ với Mỹ (tháng 7/1995), tạo ra bước ngoặt trên mặt trận đối ngoại, phá vỡ hoàn toàn thế bị bao vây, cấm vận quốc tế đối với nước ta. 

Đó là thắng lợi hết sức quan trọng trên mặt trận ngoại giao của Nhà nước ta, đặt tiền đề cơ sở cho sự hợp tác toàn diện của đất nước ta với cộng đồng quốc tế, đưa nước ta thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, xã hội, vững bước trên con đường hội nhập, phát triển.

Hơn 70 năm hoạt động, cống hiến không mệt mỏi vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc và lý tưởng cộng sản cao đẹp, đồng chí Đỗ Mười đã có những đóng góp to lớn cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. 

Là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí suốt đời tận tụy với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. 

Dù ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đồng chí là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, năng lực làm việc, tư duy nhạy bén, sáng tạo và kiên định lý tưởng cộng sản, với niềm tin mãnh liệt vào sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội và tương lai tươi sáng của đất nước. 

Luôn luôn đặt lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc lên trên hết, trước hết, suy nghĩ và việc làm của đồng chí luôn thể hiện sự trăn trở của một công dân, của một nhà lãnh đạo, người đứng đầu đầy trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức, nhân cách của người cộng sản chân chính. 

Nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, lấy hiệu quả làm thước đo, tấm gương cống hiến và hy sinh hết mình cho đất nước, cho nhân dân của đồng chí Đỗ Mười mãi mãi được ghi tạc trong tâm khảm các thế hệ người Việt Nam./.

PGS, TS Trần Minh Trưởng
Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo Nhandan.com.vn