29/12/2024 lúc 19:14 (GMT+7)
Breaking News

Tổng Bí thư Đỗ Mười và những dấu ấn trên lĩnh vực đối ngoại

VNHNO-Chia sẻ của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm về những ấn tượng sâu sắc trong quá trình làm việc với Tổng Bí thư Đỗ Mười.

VNHNO-Chia sẻ của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm về những ấn tượng sâu sắc trong quá trình làm việc với Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân hội đàm với Tổng Bí thư Đỗ Mười, sáng 6/11/1991 tại Bắc Kinh, trong chuyến thămTrung Quốc. Tại chuyến thăm này, hai nước tuyên bố "khép lại quá khứ, mở ra tương lai", thực hiện bình thường hóa quan hệ giữa hai Đảng và hai Nhà nước. (Ảnh: TTXVN)

"...Về dấu ấn của đồng chí Đỗ Mười trên lĩnh vực đối ngoại, tôi không thể kể hết được, nhưng không thể không nói đến ý kiến quyết định của đồng chí đối với việc Việt Nam gia nhập ASEAN, bước mở đầu quá trình đưa Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới... Điều tôi ấn tượng là trong cuộc sống đồng chí Đỗ Mười rất giản dị, bao giờ cũng chỉ mặc bộ đại cán bạc màu; trong tiếp xúc luôn sôi nổi nhưng chân tình, thân mật..". Đó là chia sẻ của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm về những ấn tượng sâu sắc trong quá trình làm việc với Tổng Bí thư Đỗ Mười.

... Trước năm 1986, thời kỳ tôi làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, tôi mới có dịp tiếp xúc với đồng chí Mười qua những cuộc họp do đồng chí triệu tập. Cuộc họp nào đồng chí chủ trì cũng rất sôi nổi. Đồng chí vừa nghe vừa trao đổi ý kiến, ý nào không rõ là đồng chí hỏi lại ngay buộc người phát biểu phải trình bày rõ ý kiến của mình.

Đồng chí thường xoáy vào những vấn đề có ý kiến khác nhau, buộc mọi người tham dự cuộc họp phải nói rõ chính kiến của mình để tìm ra lẽ phải. Ngay những trường hợp đồng chí nêu trước suy nghĩ của mình, đồng chí vẫn lắng nghe những ý kiến trái với ý kiến của mình và không ngần ngại tiếp thu khi cảm thấy ít nhiều có lý. Điều tôi ấn tượng là trong cuộc sống đồng chí rất giản dị, bao giờ cũng chỉ mặc bộ đại cán bạc màu; trong tiếp xúc luôn sôi nổi nhưng chân tình, thân mật.

Sau Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986), tôi được cử làm Đại sứ tại Liên Xô. Tháng 4/1987, tôi sang Moskva nhận nhiệm vụ.

Tháng 5/1987, Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta do đồng chí Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư và đồng chí Đỗ Mười, Phó Chủ tịch Hội động Bộ trưởng dẫn Đoàn sang thăm và làm việc với lãnh đạo Liên Xô. Lúc này, đất nước ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội nghiêm trọng. Ta phải dựa vào sự giúp đỡ của các nước anh em trong phe Xã hội chủ nghĩa, chủ yếu là Liên Xô để khắc phục khó khăn.

Qua đàm phán, lãnh đạo Liên Xô quyết định dành cho ta khoản viện trợ 1,2 tỷ ruble chuyển nhượng (1 ruble chuyển nhượng có giá trị gần bằng 1 đôla rưỡi) mỗi năm, trong đó một phần là viện trợ không hoàn lại, phần lớn là cho vay ưu đãi, lãi rất thấp, thời gian cho vay kéo dài.

Với số tiền đó, tùy yêu cầu của ta phân bổ bao nhiêu cho thiết bị toàn bộ (tức các nhà máy hoàn chỉnh), bao nhiêu cho vật tư và bao nhiêu cho hàng hóa tiêu dùng... là tùy ta, miễn là số lượng ta đề ra bạn chấp nhận được. Thường những công trình cụ thể, những vật tư quý hiếm các cơ quan có trách nhiệm của ta phải bàn với lãnh đạo các ngành có liên quan của bạn.

Tại hội đàm, đồng chí Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng bạn chỉ thỏa thuận về nguyên tắc, còn số lượng cụ thể, các Bộ trưởng của bạn dự hội đàm nếu nắm chắc tình hình, tán thành đề nghị của ta, hai bên thông qua luôn, còn các đồng chí Bộ trưởng sẽ gặp Bộ trưởng liên quan của ta bàn cụ thể sau.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười hội đàm với Thủ tướng Liên Xô Valentin Pavlov,

ngày 7/5/1991 tại điện Kremlin ở thủ đô Moskva. (Ảnh: TTXVN)

Đối với những vấn đề quan trọng, để tranh thủ thời gian, đồng chí Đỗ Mười thỏa thuận với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng bạn để đồng chí cùng với Bộ trưởng ta làm việc trực tiếp với Bộ trưởng bạn. Cách làm đó đạt kết quả cao. Một phần do đồng chí trình bày có sức thuyết phục, một phần do các Bộ trưởng bạn kính nể đồng chí.

Sau khi Đoàn về nước, các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm theo dõi và đôn đốc bạn giao hàng đáp ứng yêu cầu của ta. Song, việc giao hàng thường không tránh được sự chậm trễ. Với tư cách người đứng đầu Chính phủ, đồng chí Đỗ Mười nắm rất vững yêu cầu của ta và theo dõi rất sát tiến độ giao hàng của bạn, nhất là đối với thiết bị, vật tư thiết yếu và hàng hóa quan trọng.

Hằng ngày, sau giao ban buổi sáng, thấy mặt hàng nào cần đốc thúc bạn chuyển sang gấp, đồng chí gọi điện thoại sang yêu cầu tôi làm việc ngay với bạn. Nhưng múi giờ ta sớm hơn múi giờ Moskva 3 tiếng, vào mùa hè và 4 tiếng vào mùa đông. Khi ở trong nước, các cơ quan bắt đầu làm việc, ở Moskva mới 2, 3 giờ sáng.

Đồng chí thường gọi luôn, mỗi tuần 3, 4 lần nên có hôm tôi mạnh dạn trình bày: "Anh ơi, anh gọi lúc này ở Moskva mới 2, 3 giờ sáng, chúng tôi vừa mới đi ngủ anh ạ". "Thế à, tớ chủ quan cứ nghĩ như ở nhà, tớ xin lỗi nhé, lần sau rút kinh nghiệm tớ gọi chậm hơn".

Bẵng đi khoảng năm hôm, đồng chí không gọi vào giờ đó nữa. Nhưng sau đó, đồng chí quên đi và lại tiếp tục gọi. Tôi tự nhủ: "Đồng chí đã đích thân đôn đốc những việc mà đáng lẽ ra đồng chí không phải lo đến, mình không có quyền vì giờ giấc mà để lỡ việc, trong khi đồng chí còn bao nhiêu công việc phải xử lý".

Chính nhờ sự đốc thúc của đồng chí Đỗ Mười mà tôi được đồng chí Guxép, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, Chủ nhiệm Phân ban hợp tác với Việt Nam nhận xét: "Nhờ sự nhắc nhở kịp thời của Đại sứ Việt Nam mà Phân ban của tôi thực biện tốt các cam kết với Việt Nam, nhất là trong tình hình các đồng chí đang gặp rất nhiều khó khăn". Thực tình phải nói, đó là nhờ sự quan tâm của đồng chí Đỗ Mười.

Đầu tháng 8/1991, tôi kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ tại Liên Xô về nước nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Sau khi được Quốc hội bầu thay đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, tháng 9/1992 nhận lời mời của Ủy viên Quốc vụ Viện kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tiền Kỳ Tham, tôi sang thăm Trung Quốc trao đổi về quan hệ giữa hai nước và chuẩn bị cho cuộc tới thăm chính thức của Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta.

Vào đầu tháng 11/1992, nhận lời mời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam do Tổng Bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt dẫn đầu sang thăm Trung Quốc. Một cuộc đi thăm có ý nghĩa lịch sử trọng đại, đánh dấu việc bình thường hóa quan hệ chấm dứt hơn 10 năm quan hệ căng thẳng, mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử quan hệ giữa hai Đảng và hai Nhà nước Việt Nam-Trung Quốc.

Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta được lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc đón tiếp trọng thị và thân tình.

Tôi còn nhớ, ngoài cuộc hội đàm chung giữa hai Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ hai nước còn có nhiều cuộc gặp riêng giữa đồng chí Giang Trạch Dân, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và đồng chí Lý Bằng, Thủ tướng Quốc vụ viện với đồng chí Đỗ Mười và đồng chí Võ Văn Kiệt. Chính các cuộc gặp riêng này mới cụ thể hóa những nguyên tắc và phương hướng khôi phục và phát triển quan hệ được thỏa thuận trong hội đàm chung.

Hai bên trao đổi ý kiến về những biện pháp, những việc làm cụ thể để cho quan hệ nhanh chóng trở lại bình thường. Cụ thể là tiến tới ký kết hiệp định về biên giới trên bộ trước năm 2000 để xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị giữa hai nước khi bước vào thế kỷ XXI; thực hiện việc phân định vịnh Bắc Bộ một cách công bằng hợp lý chậm lắm là vào năm 2000.

Đối với những vấn đề ít nhiều phức tạp do lịch sử để lại khó có thể giải quyết một sớm một chiều, Lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai Chính phủ thỏa thuận giải quyết từng bước trên tinh thần đồng chí, láng giềng hữu nghị vì lợi ích của hai Đảng, hai nước và vì lợi ích của hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực.

Sau khi ký thông cáo chung về chuyến thăm, đoàn rời Bắc Kinh đi thăm thành phố Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông); đặc khu kinh tế Thâm Quyến - khu kinh tế tiêu biểu cho thành công của công cuộc cải cách mở cửa ở Trung Quốc với những thành quả vượt bậc và thành phố Nam Ninh (Thủ phủ Khu tự trị dân tộc Choang-Quảng Tây).

Khi gặp lãnh đạo các địa phương này, đồng chí Đỗ Mười đặt rất nhiều câu hỏi từ chủ trương cải cách mở cửa, những biện pháp tiến hành, những chủ trương cụ thể đến kết quả đạt được so sánh với tình hình trước khi tiến hành cải cách.

Đến đâu, đồng chí cũng yêu cầu được đi xem một số cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đồng chí đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển công nghiệp và cải thiện đời sống nhân dân. Lúc này, chúng ta đã tiến hành công cuộc đổi mới được 5 năm. Tôi hiểu đồng chí muốn tìm hiểu kinh nghiệm của các địa phương bạn đối chiếu với cách làm của ta nhằm rút ra những bài học thiết thực cho quá trình tiếp tục công cuộc đổi mới về sau. Một số cuộc trao đổi ý kiến hay đi thăm cơ sở đồng chí chia sẻ ngay với chúng tôi những điều tâm đắc, những điều ta nên học tập.

Về dấu ấn của đồng chí Đỗ Mười trên lĩnh vực đối ngoại, tôi không thể kể hết được, nhưng không thể không nói đến ý kiến quyết định của đồng chí đối với việc Việt Nam gia nhập ASEAN, bước mở đầu quá trình đưa Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới.

Cuối năm 1991 đầu 1992, sau khi vấn đề Campuchia được giải quyết, các văn kiện về lập lại hòa bình ở Campuchia được ký kết, đồng chí Võ Văn Kiệt với tư cách Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng dẫn đầu Đoàn đại biểu Chính phủ ta đã thăm các nước ASEAN nhằm cải thiện và thúc đẩy quan hệ với các nước ASEAN trên cơ sở đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ rộng mở đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, được thông qua tại Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Đảng, tháng 6 năm 1991.

Trong dịp này, một số nhà lãnh đạo ASEAN gợi ý Việt Nam xem xét vấn đề gia nhập ASEAN. Đồng chí Võ Văn Kiệt trao đổi với chúng tôi, các thành viên trong Đoàn để thống nhất ý kiến về báo cáo với Bộ Chính trị. Khi về nước, đồng chí giao cho tôi đến báo cáo với đồng chí Tổng Bí thư.

Nghe tôi trình bày xong, đồng chí Đỗ Mười nói ngay: "Tình hình đã thay đổi, căn cứ kết quả chuyến đi thăm của anh Kiệt với thái độ của các nước ASEAN đã thay đổi so với mấy năm trước khi còn vấn đề Campuchia. Họ lại chủ động hợp tác để đưa khu vực phát triển. Lúc này, ta gia nhập ASEAN là thích đáng. Gia nhập ASEAN sẽ làm tăng thêm sức mạnh của ta, tăng thêm vị thế của ta". Vấn đề sau đó được đưa ra xin ý kiến Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đã nhất trí thông qua.

Khi làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cũng như khi làm Tổng Bí thư, đồng chí rất quan tâm đến công tác ngoại giao, vì đây là một trong ba lĩnh vực đặt dưới sự lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị. Đồng chí rất chú ý những hội nghị quốc tế ta tham dự như: Đại hội đồng Liên hợp quốc, Hội nghị phong trào không liên kết, các hội nghị ASEAN.... Do vậy, mỗi lần tôi đi họp về, đồng chí thường chủ động yêu cầu tôi báo cáo diễn biến, kết quả hội nghị và trao đổi ý kiến với tôi về những vấn đề cần báo cáo Bộ Chính trị.

Với tư cách Bộ trưởng Ngoại giao, Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách đối ngoại, tôi thường tháp tùng đồng chí trong các chuyến thăm chính thức các nước. Mỗi chuyến đi để lại cho tôi một số kỷ niệm nhất định. Song có một chuyến thăm để lại cho tôi ấn tượng khó quên, đó là chuyến thăm Hàn Quốc.

Tổng thống Hàn Quốc Kim Young-sam hội đàm với Tổng Bí thư Đỗ Mười

tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc (4/1995). (Ảnh: TTXVN)

Trong hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc có một việc đồng chí không hề đề cập, không nói ra nhưng phía Hàn Quốc lại rất chú ý. Sau hội đàm, trong một cuộc gặp riêng với đồng chí, Tổng thống Hàn Quốc thẳng thắn và chân thành nêu: "Tôi rất cảm phục sự tế nhị của người Việt Nam. Có một việc do lịch sử để lại, tuy trong hội đàm, ngài Tổng Bí thư không đề cập đến vì tế nhị nhưng chúng tôi vẫn canh cánh trong lòng. Đó là việc quân đội Hàn Quốc tham gia chiến tranh Việt Nam và đã gây nhiều thiệt hại cả về người và của cho nhân dân Việt Nam. Đó là món nợ mà chúng tôi phải trả. Tôi hứa với ngài Tổng Bí thư sẽ yêu cầu các bộ, ngành, các Tập đoàn và công ty Hàn Quốc hợp tác tốt với Việt Nam để trả món nợ này. Mong ngài Tổng Bí thư thông cảm".

Chúng tôi được biết ngay sau chuyến thăm của đồng chí Đỗ Mười, Tổng thống Hàn Quốc đã triệu tập đại diện các bộ, ngành và tập đoàn, công ty Hàn Quốc giao trách nhiệm. Điều trăn trở này cũng đã được Tổng thống Hàn Quốc nêu với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, lúc Thủ tướng sang thăm Hàn Quốc.

Trên thực tế, đúng như Tổng thống Hàn Quốc đã hứa, chỉ một thời gian ngắn sau ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, Hàn Quốc đã đưa quan hệ với Việt Nam phát triển. Có thể nói, với tốc độ kỷ lục nhanh chóng, Hàn Quốc trở thành một nước đầu tư trực tiếp hàng đầu vào Việt Nam, quan hệ thương mại nhanh chóng được mở rộng.

Đồng chí Đỗ Mười, một người học trò tốt của Bác Hồ, luôn tiếp thu và làm theo đạo đức của Bác; một người lãnh đạo cần, kiệm, liêm chính. Đồng chí Mười rất ham học, ham đọc, đọc rất nhiều loại sách, đặc biệt là các sách về lý luận Mác-Lênin, các tác phẩm của Bác Hồ.

Khi đến thăm đồng chí, nhiều người được nghe đồng chí nói về những vấn đề mình đang bức xúc đang suy nghĩ, hoặc những đoạn sách đồng chí vừa mới đọc đang thích thú.

Đồng chí thường đối chiếu những điểm lý luận ghi nhận được từ các tác phẩm về chủ nghĩa Mác-Lênin, đặc biệt từ bài nói, bài viết của Bác với những việc ta đang làm, những chủ trương ta đang thực hiện và không ngần ngại chia sẻ ý kiến của mình về đánh giá, nhận xét với người đối thoại. Tác phong đó, nếp nghĩ đó gắn bó chặt chẽ với cuộc đời đồng chí từ những ngày đương chức cũng như sau này. Chính qua những cuộc tiếp xúc, trao đổi đó, người đối thoại với đồng chí được bồi dưỡng thêm kiến thức. Tôi là một trong những người có may mắn đó./.

(TTXVN)