VNHN - “Mùng 5 tháng 5 thì tụi em có được về đảo không anh?”, các ngư dân đồng loạt hỏi tôi. Đó là 16 ngư dân đi trên tàu QNg 86416 TS vừa bị tàu tuần tra Trung Quốc đâm gần chìm ở khu vực đảo Linh Côn, quần đảo Hoàng Sa. Khi vừa trở về, các ngư dân bị đưa vào khu cách ly tại Bệnh viện dã chiến Dung Quất, thuộc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đối với người ở đảo Lý Sơn, ngày tết Đoan Ngọ có khi còn quan trọng hơn cả ngày Tết Nguyên Đán.
Nhiều ngư dân đã từng bị lính Trung Quốc rượt đuổi trên đảo Hoàng Sa
Giây phút nóng
Thuyền trưởng Nguyễn Lộc kể: Lúc ấy tôi kéo ga lên mức 1900, chiếc thuyền vỏ gỗ lao đi với tốc độ 10 hải lý/giờ. Màn hình chiếc định vị Hayang hiển thị tốc độ và hướng di chuyển của con thuyền là 240 độ. Sát hông và bên trái của thuyền là một chiếc tàu Trung Quốc mang số hiệu 4006 bám đuổi. Còn bên phải là một chiếc xuồng cao tốc chở theo 8 tên lính. Chiếc tàu Trung Quốc mở tung bạt và chĩa thẳng 2 nòng súng vào ca bin, Nhưng ông Lộc vẫn lặng thinh cho thuyền chạy và sóng lớn cuộn sau đuôi thuyền, khiến chiếc ca nô cao tốc cứ bám dính rồi lại bật ra.
Sau vài lần đổi chiến thuật đuổi bắt, chiếc tàu Trung Quốc tăng tốc độ tương đương và bám dính theo ở phía sau. Ngư dân Nguyễn Đó nhớ lại là mình đã hét to lên “nó sắp dính vô mình rồi”. Mũi tàu sắt và đuôi thuyền đánh cá gần cách nhau gần 1 mét thì tàu Trung Quốc giật ga cho con tàu sắt chồm hẳn lên lưng chiếc thuyền đánh cá. Chiếc thuyền bị bật phần đuôi lên trời nên mũi thuyền lún xuống biển, khiến nước tràn vô ca bin ngập ngang thắt lưng thuyền trưởng. Toàn bộ 13 ngư dân văng xuống nước và chỉ còn 3 người trên thuyền đánh cá trong âm thanh loạn xạ.
Đó là những giây phút kinh hoàng xảy ra ở khu vực đảo Linh Côn, quần đảo Hoàng Sa vào sáng ngày 10 tháng 6. Tại phòng cách ly Bệnh viện dã chiến Dung Quất vào sáng ngày 12-6, các ngư dân đã tường thuật chi tiết vụ việc với lực lượng trinh sát của Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi. Trung tá Mai Đình Sơn trực tiếp ghi lai lời khai, bên cạnh là thượng tá Lê Văn Nam, Đội trưởng Đội trinh sát cơ động Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi.
Chiếc thuyền khi bị đâm va đã chìm một phần, nhưng sau đó ngư dân đã tát nước, khắc phục được máy và chạy về Việt Nam. Ngư dân Lê Hàn nói giọng lạnh băng rằng, “trên chiếc thuyền này thì phần lớn anh em đã nhiều lần bị bắt rồi, nếu lên đảo Hoàng Sa thì chồng hồ sơ cá nhân em phải dày cả gang, Trung Quốc dọa nạt ai chứ đối với ngư dân từng bị họ bắt nhốt mấy lần rồi thì chuyện rượt đuổi không làm cho ai sợ hãi cả”.
Ngư dân Lê Hàn từng bị Trung Quốc bắt giam giữ trên đảo Phú Lâm
Ký ức tù đày
Thuyền trưởng Lộc cho biết, sắm chiếc thuyền nhỏ, chiều dài chỉ 16,8 mét để đi Hoàng Sa. Do thuyền quá nhỏ nên suốt 16 năm đi khơi, con thuyền này chỉ quanh quẩn ở các đảo Linh Côn, Đá Tháp, bãi Bình Sơn, đảo Phú Lâm (Hoàng Sa). Nếu thuyền đi Trường Sa, đường đi quá dài thì 5.000 lít dầu và 500 cây đá không đủ để bám biển dài ngày. Suốt 16 năm trên, chuyện Trung Quốc rượt đuổi thì như cơm bữa, vào năm 2014 bị tàu tuần tra Trung Quốc đâm bay mái, sạt lườn, còn lần này thì khủng bố ác hơn. Trong những ngày mưu sinh trên biển, các ngư dân không nhắc nhiều đến những ngày trở thành tù nhân của nhà tù trên đảo Phú Lâm, Hải Nam. Nhưng khi bị hành hung, quá khứ cũ lại ùa về như mới ngày hôm qua. Ngư dân Lê Hàn cho biết, ngày 3 tháng 3 năm 2012, anh đi bạn trên tàu cá QNg 66010 TS của ông Lê Vinh ở huyện đảo Lý Sơn. Ra đánh cá được vài ngày ở các đảo Đá Lồi, bãi Bình Sơn, Chim Yến…thì bị Trung Quốc bắt giữ, lôi về đảo Phú Lâm và đòi tiền chuộc.
Các ngư dân điện về quê thông báo với gia đình. Nhưng lúc đó báo chí lên tiếng phản đối. Vậy là lính trên đảo Phú Lâm tuyên bố cho ngồi tù, không phạt nữa. Một tuần lễ đầu tiên, các ngư dân được ăn 2 bữa/ngày. Nhưng từ khi lính Trung Quốc tuyên bố cho ngư dân ngồi tù thì toàn bộ gần 30 ngư dân trên tàu cá của Trần Hiền và Lê Vinh bị cắt cơm, mỗi ngày chỉ còn 1 bát/người. Thức ăn thì mấy người một con cá kho lúc mặn lúc ngọt.
Anh Hàn nhớ lại, anh em sống đói khát 48 ngày. Khi nhìn ra cửa sổ thấy cây chuối gần đó thì cố thò cây ra móc lá để ăn. Cây chuối nằm cạnh toa lét cũng bị cả đoàn ngư dân móc ruột, ăn cả thân lẫn ngọn. Ngư dân Đặng Văn Tươi nói về đám lính Trung Quốc ở Hoàng Sa bằng giọng khinh khỉnh. Anh cho biết, bị rượt đuổi hoài, bị bắt nhốt ở đảo Phú Lâm một tháng rưỡi rồi. Hồi đó nó bắt lên và cứ hỏi “có ai là du kích không, cho xem ngón tay trỏ để thử có dấu vết cò súng không…?”. Cứ hỏi cung rồi đánh, nhưng khi ngư dân trở về đất liền thì lại ra đảo.
Ngư dân Đỗ Minh Thành thì kể câu chuyện khá ly kỳ, đó là khi đi biển phát hiện có chiếc tàu sắt bị chìm ở đảo Bạch Quy. Các ngư dân về Lý Sơn bàn bạc “đảo Hoàng Sa của ông bà xưa, hồi trước ra thu lượm hải vật về cúng kính cho vua thì bây giờ có tàu chìm thì bà con ra vớt”. Vậy là các ngư dân lên tàu của ông Nguyễn Minh Vương ra đảo để đục lấy sắt phế liệu. Tàu tuần tra Trung Quốc ập tới bắt đưa ngư dân về giam giữ hơn 1 tháng ở đảo Hải Nam, sau đó thả ngư dân về qua cửa khẩu Lạng Sơn.
Giây phút ngộp nước
Hiện nay, phần lớn thuyền đánh cá đã phát triển lớn, chiều dài thân vỏ 19 đến 21 mét. Nhưng tại sao các ngư dân Lý Sơn mạo hiểm băng ra Hoàng Sa với chiếc thuyền chỉ dài 16,8 mét? Đó là khi đi mưu sinh, các ngư dân phải chấp nhận đi trên những chiếc thuyền nhỏ, bề ngoài có vẻ ọp ẹp thì sẽ tránh được sự khủng bố của tàu tuần tra Trung Quốc. Suốt 16 năm, chiếc thuyền này thoát nạn nhiều lần. Nhưng mưu sinh bằng thuyền quá nhỏ ở ngoài khơi xa, các ngư dân sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro khi có thiên tai, lốc xoáy, khi bị tàu Trung Quốc tấn công.
Ngư dân Võ Văn Bình kể lại, khi tàu Trung Quốc thực hiện cú đâm thứ nhất chỉ sượt qua mũi thuyền, các ngư dân đã nhận định, nó quyết đâm chìm nên đều chuẩn bị. Chiếc tàu Trung Quốc đâm phát thứ 2 thì anh Bình văng xuống nước chìm ở độ sâu 4 mét. Anh Bình kể lại, mọi thứ diễn ra chỉ trong khoảng thời gian ngắn, nhưng dài đến vô tận. Nhìn lên mặt nước thấy một màu đen ngòm. Dòng nước xoáy khiến cho anh Bình đạp chân mãi nhưng vẫn không lên được mặt nước. Khi nhô lên mặt nước thì lo sợ chân vịt trên thuyền còn quay thì sẽ chém đứt ngang người.
Khi vừa lên tới mặt nước, anh Bình ngất xỉu vì uống no nước biển. Lính Trung Quốc khiêng anh lên tàu cấp cứu cùng với 2 ngư dân khác. Dù trải qua những giây phút kinh hoàng đó, anh vẫn khẳng định “biển Hoàng Sa của Việt Nam mình, em vẫn ra đó, không có gì phải sợ Trung Quốc, ai cũng một lần từng bị đuổi, bị bắt, bị tù, biết hết mùi vị rồi”.