19/01/2025 lúc 01:54 (GMT+7)
Breaking News

Ngoại giao Việt Nam: Chủ động, sáng tạo, hiệu quả thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XII

VNHNO -

VNHNO - Nhân dịp Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 13-17/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài viết về những nhiệm vụ của ngành ngoại giao Việt Nam để thực hiện hiệu quả, thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020; củng cố, kiến tạo môi trường thuận lợi cho phát triển của đất nước. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu bài viết của Phó Thủ tướng.

Trong dòng chảy lịch sử đó, 30 kỳ Hội nghị ngoại giao từ năm 1957 đến nay đã trở thành một truyền thống tốt đẹp. Những ngày hội phát huy cao độ trí tuệ của toàn ngành đó đều với một mục tiêu duy nhất: thúc đẩy và bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc. Hội nghị ngoại giao là hoạt động sinh hoạt chính trị rất quan trọng của toàn ngành ngoại giao, quán triệt và quyết tâm hành động nhằm triển khai thắng lợi chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng.

Hội nghị ngoại giao lần thứ 30, diễn ra từ ngày 13 - 17/8/2018 vào thời điểm mang tính bản lề, là dịp toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Đất nước ta đang bước vào giai đoạn quan trọng, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát huy mọi nguồn lực để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Do đó, ngành ngoại giao phải tập trung và phát huy tối đa mọi khả năng phục vụ tốt nhất lợi ích quốc gia, dân tộc. Trọng tâm là thực hiện hiệu quả, thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020; củng cố, kiến tạo môi trường thuận lợi cho phát triển của đất nước.

MỘT THẾ GIỚI ĐẦY BIẾN ĐỘNG

Hơn hai năm qua, bên cạnh những thuận lợi, bối cảnh quốc tế và khu vực đang chuyển biến nhanh, phức tạp và rất khó lường, tạo nhiều thách thức đối với môi trường chiến lược của đất nước, tác động trực tiếp tới các lợi ích an ninh và phát triển.

10 năm sau khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu 2008 - 2009, kinh tế thế giới đang hồi phục và bước vào chu kỳ phát triển mới. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2017 đạt 3,6% và có thể tiếp tục tăng trong năm 2018; thương mại toàn cầu tăng 4,6%, cao nhất từ năm 2011 đến nay. Tuy nhiên, các rủi ro tài chính, chủ nghĩa bảo hộ và bóng ma chiến tranh thương mại tác động không thuận đến đà phát triển của kinh tế thế giới và Việt Nam.

Cách mạng công nghiệp 4.0 và khoa học công nghệ đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp giữ vai trò động lực quan trọng trong nền kinh tế tri thức với nhiều hình thái mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn... Đây là cơ hội để Việt Nam bứt phá, rút ngắn khoảng cách phát triển. Mặt khác, các xu hướng phát triển công nghệ, hình thái kinh tế mới đặt ra nhiều thách thức chưa từng có và nếu không bắt kịp thì nguy cơ tụt hậu là hiện hữu.

Tình hình chính trị - an ninh thế giới đang có nhiều biến động. Điều chỉnh chính sách của các nước, chủ nghĩa dân túy, thực dụng tăng cao khiến cục diện an ninh khu vực ngày càng bấp bênh hơn. Khác biệt lợi ích giữa các thành viên tại G7, G20, EU và vai trò của các cơ chế đa phương đang bị ảnh hưởng. Tại Châu Á-Thái Bình Dương, bán đảo Triều Tiên sau rất nhiều căng thẳng, nay đã tạm hòa dịu nhưng còn tiềm ẩn nhiều bất trắc. Những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, đặc biệt là việc tôn tạo quy mô lớn và quân sự hóa trên các cấu trúc đang đe dọa hòa bình an ninh và ổn định ở khu vực cũng như quyền và lợi ích chính đáng của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

CỦNG CỐ VÀ TẠO LẬP MÔI TRƯỜNG HÒA BÌNH, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN

Bám sát đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII, ngành ngoại giao đã kiên trì về nguyên tắc; kiên định về mục tiêu; chủ động, linh hoạt trong triển khai nhiệm vụ và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định phục vụ phát triển, hội nhập và nâng cao vị thế đất nước.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế đầy biến động, việc tham mưu chính sách, cụ thể hóa đường lối của Đại hội XII, xây dựng thể chế được đặc biệt chú trọng. Hơn hai năm qua, ngành ngoại giao đã trình Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ nhiều đề án lớn về đối ngoại, trong đó có chủ trương về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và nâng tầm đối ngoại đa phương. Đây là những chủ trương quan trọng bảo đảm cho việc triển khai đồng bộ Nghị quyết Đại hội XII.

Ta đã chủ động đẩy mạnh và đưa quan hệ vào chiều sâu với các nước láng giềng, ASEAN, các nước lớn, đối tác chiến lược, toàn diện và bạn bè truyền thống. Trong đó, hoạt động đối ngoại cấp cao đóng vai trò nòng cốt với trọng tâm là xây dựng và củng cố lòng tin, làm sâu sắc và tạo đột phá trong quan hệ với các nước. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 188 nước, với mạng lưới 27 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, trong đó có tất cả 5 nước thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Cục diện quan hệ rộng lớn này không chỉ góp phần nâng cao vị thế Việt Nam mà còn là cơ sở quan trọng, đóng góp trực tiếp vào bảo vệ và phát triển đất nước.

Trên cơ sở tạo dựng nền tảng tin cậy chính trị, ngành ngoại giao đã làm tốt vai trò tạo kết nối, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng thị trường, gia tăng đan xen lợi ích, phục vụ phát triển. Việt Nam hiện xây dựng khuôn khổ thương mại tự do với gần 60 nước (chiếm 59% dân số, 61% GDP và 68% thương mại thế giới) thông qua 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm các FTA thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CP-TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Ở cấp địa phương, từ 2016 tới nay, với sự đồng hành của Bộ Ngoại giao, các địa phương đã rất chủ động triển khai hội nhập quốc tế, ký 420 các thỏa thuận quốc tế trong tất cả các lĩnh vực, phát huy thế mạnh từng vùng miền, từng ngành hàng. Đây là những tiền đề quan trọng tạo thêm xung lực mới để đất nước bước vào giai đoạn tăng trưởng mới bền vững hơn, thực chất hơn.

Chúng ta đã phát huy tốt các cơ chế đa phương để bảo vệ các quyền và lợi ích của Việt Nam cũng như tham gia giải quyết những thách thức chung của cộng đồng quốc tế. Hoạt động đối ngoại đa phương đã chuyển mạnh từ “tham gia tích cực” lên “chủ động đóng góp, xây dựng định hình các thể chế đa phương”. Với vai trò chủ nhà của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế  châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2017, xuất phát từ lợi ích của chính người dân, doanh nghiệp, ta đã lựa chọn chủ đề và các ưu tiên phù hợp với quan tâm chung, điều hòa khác biệt, tạo đồng thuận chung, từ đó đóng góp tích cực cho việc định hướng cho giai đoạn phát triển mới ở khu vực với “Tầm nhìn APEC sau 2020”. Trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy và bảo hộ nổi lên mạnh mẽ, APEC 2017 không chỉ giữ được đà mà còn thúc đẩy liên kết, kết nối và thương mại tự do trong khu vực. Cũng ngay trong tuần lễ cấp cao, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp của ta đã ký 121 thỏa thuận hợp tác trị giá hơn 20 tỷ USD với các đối tác. Thành công của năm APEC 2017 cho thấy, dù không phải là một nước lớn, nhưng Việt Nam có vị thế và uy tín để nghĩ lớn và hành động lớn, nhất là khi để đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc.

Bên cạnh đó, ta đã thể hiện vai trò “thành viên có trách nhiệm” tại ASEAN, Liên Hợp Quốc, Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế - xã hội (ECOSOC), Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc(UNESCO), các cơ chế Mê Công…

Đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ luôn là nhiệm vụ hàng đầu và xuyên suốt của ngành ngoại giao. Trong những năm qua, ngành ngoại giao luôn phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương của ta và cùng các nước liên quan nỗ lực xây dựng một đường biên giới hòa bình, hữu nghị và ổn định hợp tác để phát triển. 

Trong vấn đề Biển Đông, mặc dù vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp mới, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, được dư luận quốc tế hết sức quan tâm, ta đã kiên quyết, kiên trì và triển khai nhiều biện pháp đấu tranh hiệu quả với các vi phạm, giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển, thềm lục địa và các hải đảo phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển năm 1982. Chúng ta cùng ASEAN và Trung Quốc đang thúc đẩy đàm phán một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông(COC) hiệu quả, có giá trị pháp lý ràng buộc và thực chất. Đồng thời, ta cũng tích cực mở rộng hợp tác biển với các nước trong và ngoài khu vực; trao đổi, đàm phán thu hẹp khác biệt, tăng cường xây dựng lòng tin. 

Bảo vệ lợi ích của công dân, kiều bào luôn là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong tổng thể công tác đối ngoại. Từ 2016 tới nay, ngành ngoại giao tiến hành bảo hộ cho hơn 16.000 lượt công dân ở nước ngoài và hơn 5.000 ngư dân. Các chủ trương, chính sách hỗ trợ kiều bào ta ở nước ngoài được triển khai đồng bộ góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, khơi thêm nguồn lực cho đất nước từ 4,5 triệu kiều bào.

Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc luôn được coi trọng trong quá trình hội nhập quốc tế toàn diện, nâng cao vị thế và gia tăng sức mạnh mềm của đất nước. Ngoại giao văn hóa được triển khai hiệu quả với trọng tâm là "Đề án tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất ở nước ngoài”. Từ 2016 tới nay, có thêm 8 di sản được UNESCO công nhận nâng tổng số lên 38 danh hiệu. Các danh hiệu này đóng góp tích cực cho việc quảng bá hình ảnh, thu hút du lịch, củng cố cơ sở cho phát triển bền vững của nhiều địa phương. Thông tin đối ngoại đã tạo hiệu ứng tuyên truyền tích cực về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thành tựu phát triển của đất nước.

HƯỚNG TỚI MỘT NỀN NGOẠI GIAO HIỆN ĐẠI, CHỦ ĐỘNG, SÁNG TẠO, HIỆU QUẢ

Những thành tựu trên đã đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và cũng là hành trang quan trọng để bước vào giai đoạn phát triển mới, mang tính then chốt. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng vẫn còn có những cơ hội chúng ta chưa tận dụng hết để đóng góp hiệu quả hơn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Hội nhập quốc tế và phát triển của khoa học công nghệ mang lại cho chúng ta rất nhiều cơ hội để bứt phá nhưng cùng với đó là rất nhiều thách thức cần được hóa giải.

Tình hình trên đòi hỏi ngành ngoại giao nói riêng phải tiếp tục nỗ lực, chủ động, sáng tạo trong tư duy, hiện đại trong cách làm, chú trọng tính hiệu quả để triển khai thắng lợi các chủ trương, Nghị quyết của Đảng. Do đó, Hội nghị Ngoại giao 30 với chủ đề “Ngoại giao Việt Nam: Chủ động, sáng tạo, hiệu quả thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII” sẽ tập trung các trọng tâm chính sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và đánh giá việc thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng XII về công tác đối ngoại trong thời gian qua và đề ra các biện pháp, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và các lực lượng làm công tác đối ngoại để phát huy mạnh tổng hợp trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII.

Thứ hai, dự báo và đánh giá sát tình hình thế giới và khu vực trong 3 - 5 năm tới với tầm nhìn 10 - 15 năm để nhận diện đúng và kịp thời các cơ hội/thách thức đối với đất nước; từng bước nghiên cứu một số nội hàm mang tính chiến lược mới về đối ngoại hướng tới Đại hội Đảng lần thứ XIII cho phù hợp với tầm vóc, thế và lực của đất nước.

Thứ ba, tiếp tục trao đổi về tổng thể các biện pháp, cách thức triển khai nhằm nâng cao hiệu quả tiến trình hội nhập sâu rộng của đất nước, đặc biệt là nâng tầm các hoạt động ngoại giao đa phương trong thời gian tới; đồng thời với việc tiếp tục đưa quan hệ với các nước đi vào chiều sâu, củng cố môi trường hòa bình, ổn định phục vụ thiết thực phát triển đất nước.

Thứ tư, kiện toàn bộ máy tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao theo hướng từng bước hiện đại, hoạt động hiệu quả, hiệu lực, ngang tầm nhiệm vụ theo tinh thần Hội nghị Trung ương 6 và 7 Khóa XII.

Với tinh thần tận tâm đối với nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, Hội nghị Ngoại giao 30 sẽ thể hiện rõ tính chủ động, sáng tạo và hiệu quả để đóng góp tốt hơn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Phạm Bình Minh

Ủy viên Bộ Chính trị

Theo baochinhphu.vn