Ngoại giao năng lượng và cách tiếp cận của một số quốc gia
Hiện nay, mặc dù ngoại giao năng lượng đã trở thành một nội dung chủ yếu trong hoạt động ngoại giao, nhưng thực tế vẫn chưa có một định nghĩa đầy đủ về vấn đề này. Đây là khái niệm còn khá mới trong ngành ngoại giao nói chung. Không chỉ vậy, các nhân tố của ngoại giao năng lượng cũng liên tục biến đổi, dẫn đến một số cách hiểu khác nhau về ngoại giao năng lượng. Có quan niệm cho rằng, ngoại giao năng lượng đề cập đến các hoạt động ngoại giao để tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn năng lượng và thị trường. Đó là một hệ thống tác động đến các chính sách, nghị quyết và hành vi của các chính phủ nước ngoài và các yếu tố quốc tế khác thông qua đối thoại ngoại giao, đàm phán, vận động hành lang, vận động chính sách và các biện pháp hòa bình khác(1). Ở cách tiếp cận khác, ngoại giao năng lượng được hiểu là nhằm thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế và thương mại của một quốc gia với các quốc gia và tổ chức khác, nhằm bảo vệ an ninh năng lượng thông qua tính sẵn có, độ tin cậy và khả năng chi trả(2). Ngoại giao năng lượng song phương được thực hiện nhằm bảo đảm an ninh năng lượng dài hạn và phúc lợi kinh tế của một quốc gia, bằng cách thúc đẩy quan hệ với các nhà cung cấp và khách hàng năng lượng ở nước ngoài(3). Ngoại giao năng lượng còn được hiểu là lĩnh vực liên quan đến các hoạt động đối ngoại nhằm bảo đảm an ninh năng lượng của một quốc gia, đồng thời thúc đẩy các cơ hội kinh doanh liên quan đến ngành năng lượng, cũng như thúc đẩy các cơ hội hợp tác song phương và đa phương nói chung(4).
Từ những hàm ý trên, có thể hiểu ngoại giao năng lượng là việc các quốc gia sử dụng năng lượng để đạt được các mục đích, cũng như bảo vệ quyền, lợi ích của mình; là việc dùng các biện pháp ngoại giao để đạt được các mục đích về năng lượng. Theo đó, thực tiễn cho thấy cả ngoại giao và năng lượng đều có vai trò quan trọng đối với mỗi quốc gia. Tuy nhiên, đối với mỗi quốc gia, việc triển khai ngoại giao năng lượng như thế nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
Trường hợp của Mỹ
Thứ nhất, chiến lược về ngoại giao năng lượng của các chính quyền Mỹ đều gắn với với chiến lược về an ninh năng lượng. Việc Mỹ phát động cuộc chiến tranh I-rắc, thúc đẩy mạnh mẽ các cuộc “cách mạng màu” tại vùng Trung Á - Cáp-ca-dơ trước đây được cho là đều có những tính toán liên quan đến năng lượng. Cụ thể, tại khu vực Cáp-ca-dơ, A-déc-bai-gian là quốc gia nắm giữ vị trí địa - chiến lược và nguồn dầu khí quan trọng. Nhận thức rõ điều này, từ năm 1992, Mỹ đã thiết lập quan hệ ngoại giao với A-déc-bai-gian(5), ủng hộ nước này phát triển và xuất khẩu năng lượng. Nhiều doanh nghiệp Mỹ đã tham gia các dự án dầu mỏ của A-déc-bai-gian. Khi cuộc xung đột ở U-crai-na xảy ra, A-déc-bai-gian càng trở nên quan trọng và trở thành sự lựa chọn của Mỹ nhằm thay thế nguồn cung năng lượng từ Nga. Hiện nay, Mỹ và các nước phương Tây đang áp lệnh trừng phạt đối với Nga. Những động thái này đều được cho là nhằm bảo đảm an ninh năng lượng của Mỹ, giúp Mỹ vừa duy trì được nguồn dự trữ năng lượng, vừa tiêu thụ được các sản phẩm năng lượng với giá thành rất cao. Mỹ đang tìm cách thay thế Nga để cung cấp khí đốt cho Liên minh châu Âu (EU), mặc dù giá khí đốt của Mỹ hiện nay đắt gấp 10 lần so với Nga(6).
Thứ hai, nhanh chóng có những điều chỉnh chiến lược về ngoại giao năng lượng, căn cứ vào những diễn biến trên thực tế. Để giữ vai trò thống trị trong thị trường năng lượng thế giới, nhất là trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - U-crai-na, Mỹ đã thực hiện nhiều biện pháp ngoại giao năng lượng. Điều này đã tạo ra một chiến lược ngoại giao giữa Mỹ với một số quốc gia sản xuất dầu mỏ, bao gồm Ca-ta, A-rập Xê-út, I-ran. Mỹ tuyên bố sẽ cùng 30 quốc gia khác xuất 60 triệu thùng dầu từ các kho dự trữ chiến lược để “bảo đảm một nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu đáng tin cậy”(7).
Thứ ba, có chính sách tiêu thụ và nhập khẩu dầu lớn trên thế giới, ngoài việc khai thác từ thị trường thế giới, thị trường nội địa. Trước đây, Mỹ từng hạn chế khai thác dầu mỏ trong nước, nhưng từ năm 2010, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu, Mỹ đã nới lỏng lệnh cấm khai thác dầu ở ven biển. Đây là một trong những thay đổi quan trọng trong chiến lược ngoại giao năng lượng của Mỹ. Mặt khác, việc Mỹ áp dụng những công nghệ mới trong khai thác dầu cũng góp phần tăng cường hơn nữa vai trò của thị trường nội địa.
Thứ tư, gắn vấn đề ngoại giao năng lượng với các xu hướng lớn của thế giới. Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn đã đưa vấn đề khí hậu trở thành ưu tiên về an ninh và lợi ích quốc gia, tạo nên sự liên kết giữa kinh tế, năng lượng, khí hậu; xây dựng chính sách năng lượng hợp lý; gắn chính sách mới về năng lượng và biến đổi khí hậu với chính sách phục hồi; đưa ngoại giao năng lượng, ngoại giao khí hậu trở thành trụ cột.
Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế về ngoại giao năng lượng. Mặc dù Mỹ và Nga mâu thuẫn, cạnh tranh chiến lược với nhau, song về ngoại giao năng lượng, hai nước có những gắn kết nhất định. Mỹ đã điều chỉnh quan hệ với Nga để hợp tác đôi bên cùng có lợi về an ninh năng lượng. Nga cũng mời các doanh nghiệp Mỹ tham gia nghiên cứu, khai thác những nguồn năng lượng của Nga.
Quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng được chú ý trong lĩnh vực năng lượng. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Mỹ ngày 4-8-2021, Mỹ đề xuất tăng cường hợp tác về năng lượng để đóng góp vào phục hồi kinh tế đồng đều, bền vững của khu vực. Theo đó, ngày 18-3-2023, Mỹ và In-đô-nê-xi-a công bố nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược nhằm giúp In-đô-nê-xi-a phát triển chương trình năng lượng hạt nhân sạch. Cơ quan Thương mại và Phát triển Mỹ (USTDA) giúp In-đô-nê-xi-a xây dựng nhà máy điện hạt nhân(8).
Trường hợp của Nga
Một là, chủ động khai thác thế mạnh về năng lượng. Nga sở hữu nguồn năng lượng lớn, chiếm 20% lượng khí đốt xuất khẩu và hơn 20% dầu mỏ của thế giới(9). Khai thác ưu thế này, từ năm 2000 đến năm 2008, tranh thủ giá dầu tăng cao, Nga đẩy mạnh chiến lược ngoại giao năng lượng nhằm thu lợi nhuận cao. Năm 2009, Nga thông qua “Chiến lược năng lượng trước năm 2030” để khai thác tối đa tài nguyên năng lượng, tăng cường vị thế trên thị trường năng lượng. Nga thúc đẩy ngoại giao năng lượng kết hợp với chính sách đối ngoại và chính sách năng lượng để gây ảnh hưởng ở những mức độ khác nhau. Nguồn năng lượng của Nga là một công cụ hiệu quả để thực hiện chính sách đối nội và đối ngoại. Hiện nay, trước những biện pháp trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây, Nga tuyên bố nước này vẫn là “nhà cung cấp đáng tin cậy, là bên bảo đảm an ninh năng lượng tầm cỡ quốc tế... và sẵn sàng cho cuộc đối đầu khắc nghiệt trong an ninh năng lượng nếu cần thiết”(10).
Hai là, triển khai những biện pháp thích ứng với hoàn cảnh. Để đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, Nga chuyển hướng ngoại giao năng lượng sang châu Á thông qua những kế hoạch “nâng công suất phát điện, xây dựng nhà máy điện hạt nhân và giới thiệu công nghệ kỹ thuật số” được Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin đề xuất tại Hội nghị thượng đỉnh Nga - Trung Á ngày 14-10-2022(11). Cụ thể, Nga ủng hộ và tài trợ xây dựng các đường ống dẫn khí đốt khắp châu Á theo các tuyến Đông - Tây, Bắc - Nam và châu Âu - Tây Trung Quốc. Đồng thời, Nga đề xuất Thổ Nhĩ Kỳ trở thành trung tâm xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu. Nga còn thúc đẩy hợp tác năng lượng với A-déc-bai-gian và Ca-ta để mở rộng ảnh hưởng với các nước có thể cung cấp khí đốt cho châu Âu. Đối với ASEAN, dự đoán nhu cầu năng lượng của khối này có thể tăng gấp ba vào năm 2050 và có thể phải nhập khẩu ròng khí đốt và than, nhất là khi Nga - bên đáp ứng nhu cầu năng lượng và nguyên liệu, đặc biệt là năng lượng giá rẻ cho ASEAN, đang tích cực thúc đẩy quan hệ kinh tế với ASEAN nhằm phát triển thị trường tiêu thụ năng lượng của Nga. Ngoài ra, Nga còn tăng cường cung cấp dầu mỏ cho khu vực Mỹ La-tinh. Từ tháng 1 đến tháng 4-2023, Nga xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn dầu diesel sang khu vực này. Như vậy, mặc dù chịu sức ép trừng phạt nặng nề về kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, song việc chuyển hướng của Nga khiến các biện pháp của Mỹ và phương Tây trở nên kém hiệu quả, thậm chí thất bại. Nga vẫn hưởng lợi từ giá năng lượng cao; kho dự trữ ngoại hối và đồng rúp của Nga vẫn ổn định.
Ba là, đặt vấn đề năng lượng trong tổng thể quan hệ với các ngành, lĩnh vực khác. Mặc dù là quốc gia giàu năng lượng, nhưng Nga cho rằng khi giải quyết vấn đề này không chỉ xem xét từ phía tiêu thụ, mà còn phải xem xét từ phía sản xuất. Nếu giá năng lượng cao thì tất cả các nước đều phải cùng có trách nhiệm và chịu rủi ro. Vì vậy, mặc dù dầu mỏ có vai trò quan trọng, đóng góp lớn cho GDP của đất nước, nhưng Nga vẫn tiếp tục đa dạng hóa ngành, nghề. Điều này được thể hiện rõ trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - U-crai-na hiện nay. Do vậy, dù Nga đứng trước nhiều thách thức, khó khăn khi bị Mỹ và phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt, song đến nay nền kinh tế Nga vẫn trụ vững.
Bốn là, coi trọng ngoại giao năng lượng với các đối tác quan trọng. Trung Á là khu vực nắm giữ nhiều dầu lửa và khí đốt, vì vậy Nga rất coi trọng khu vực này, hy vọng đây có thể trở thành “câu lạc bộ” các nước cung cấp năng lượng, phát huy vai trò của đường ống dẫn dầu. Đồng thời, Nga chú trọng đến nguồn năng lượng ở Bắc Cực. Khai thác năng lượng ở đây sẽ bảo đảm an ninh năng lượng của Nga. Ngoài Trung Á, Nga tích cực hợp tác năng lượng với Trung Đông và Bắc Phi. Tháng 5-2010, Tổng thống Nga V. Pu-tin đã đến Xy-ri và Thổ Nhĩ Kỳ, ký kết hiệp định hợp tác năng lượng với hai nước này. Tháng 10-2010, Nga và An-giê-ri ký kết hiệp định về năng lượng. Ngày 19-7-2022, Nga và I-ran ký biên bản về dầu mỏ, khí đốt trị giá 40 tỷ USD(12). Tháng 12-2022, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), Nga ủng hộ việc thành lập cơ cấu điều phối năng lượng trong EAEU(13).
Bên cạnh đó, Nga quan tâm hợp tác với Trung Quốc về dầu khí, hạt nhân, năng lượng mặt trời. Đầu tháng 2-2022, Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga đã ký hợp đồng dài hạn để xuất khẩu khí đốt cho Công ty Dầu khí quốc gia Trung Quốc. Năm 2022, Nga xuất khẩu 15,5 tỷ m3 khí đốt cho Trung Quốc. Tháng 1-2023, hai bên tiếp tục ký thỏa thuận để đưa khí đốt từ Nga sang Trung Quốc. Để nâng cao hiệu quả hợp tác năng lượng, Nga nhấn mạnh đến quan hệ giữa Đảng Nước Nga thống nhất và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Như vậy, năng lượng không chỉ thuần túy là lĩnh vực liên quan tới kinh tế, mà còn trở thành vấn đề mang tính chính trị. Mặc dù Mỹ là đối thủ, nhưng về năng lượng, Nga vẫn duy trì sự hợp tác với Mỹ như đã phân tích ở trên.
Năm là, tăng cường cơ sở vật chất để thực hiện ngoại giao năng lượng. Nga xây dựng hệ thống đường ống dẫn dầu và khí đốt sang châu Âu với bốn tuyến đường, có chiều dài hàng nghìn ki-lô-mét, chi phí hàng chục tỷ USD, mỗi năm vận chuyển hàng chục tỷ mét khối khí đốt sang châu Âu. Năm 2019, Nga hoàn thành đường ống khí đốt dài hơn 2.250km qua Trung Quốc nhằm cung cấp nhiều năng lượng cho các đối tác, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa tăng cường sự ràng buộc, phụ thuộc của các nước vào nguồn năng lượng của Nga.
Trường hợp của Trung Quốc
Thứ nhất, mở rộng quan hệ với các nước có nhiều năng lượng, nhất là về dầu mỏ. Từ năm 2008, Trung Quốc là nước nhập khẩu năng lượng lớn thứ ba thế giới, với mức tiêu thụ 43% lượng than đá, 19% thủy điện và 10% dầu mỏ của thế giới. Dự đoán năm 2030, Trung Quốc sẽ là nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới. Thực tế cho thấy, Trung Quốc chú trọng đến ngoại giao năng lượng và đã rất thành công trong việc nâng tầm quan hệ với khu vực Trung Đông, trở thành đối tác của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Khi OPEC gặp khó khăn vì phải giao dịch bằng đồng USD, Trung Quốc đã cùng Nga, I-ran, một số nước Trung Á xây dựng liên minh tài chính, hoán đổi tiền tệ. Trung Quốc đã đầu tư hàng trăm tỷ USD vào I-ran, Ca-ta, A-rập Xê-út để bảo đảm an ninh năng lượng. Thậm chí, Trung Quốc còn tiếp cận cả với các nước sản xuất dầu không ổn định ở Bắc và Tây Phi; hợp tác với Nga để khai thác năng lượng tại Xi-bê-ri. Hợp tác năng lượng là một trong những nhân tố gắn kết quan hệ Nga - Trung Quốc.
Thứ hai, chú trọng lấy hợp tác khu vực làm nền tảng với mục tiêu chiến lược xây dựng “Cộng đồng năng lượng Đông Bắc Á”. Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, Trung Quốc tăng cường ngoại giao năng lượng với ASEAN, hợp tác khai thác dầu khí với hầu hết các nước trong khu vực, như In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, Cam-pu-chia và Mi-an-ma. Chiến lược ngoại giao năng lượng của Trung Quốc không chỉ đơn thuần là vấn đề năng lượng, mà còn nằm trong tổng thể chiến lược nước lớn nhằm gây ảnh hưởng đối với khu vực và thế giới. Chiến lược ngoại giao năng lượng này của Trung Quốc ảnh hưởng đến hầu hết khu vực trên thế giới đồng thời với hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế - chính trị - văn hóa. Ngoại giao năng lượng của Trung Quốc còn được coi là “ngoại giao vết dầu loang” vì vừa phục vụ cho mục tiêu an ninh năng lượng, vừa đạt được những mục tiêu chiến lược cao hơn.
Thứ ba, tranh thủ cơ hội thuận lợi để mở rộng ngoại giao năng lượng, qua đó tăng cường an ninh năng lượng. Trong cuộc xung đột Nga - U-crai-na, Trung Quốc tìm kiếm được nhiều lợi ích về năng lượng. Năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 88 tỷ USD dầu thô, dầu nhiên liệu từ Nga, tăng 52% so với năm 2021. Thậm chí, Trung Quốc còn bán khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) mua từ Nga cho châu Âu(14). Chỉ riêng trong tháng 1-2023, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,66 triệu thùng dầu/ngày từ Nga, cao hơn mức kỷ lục vào tháng 4-2020. Đáng chú ý là phần lớn giao dịch này được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ. Hai nước còn thiết lập các hệ thống nhằm thay thế Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT)(15).
Một số hàm ý đối với Việt Nam
Trong giai đoạn 2001 - 2020, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khá cao và liên tục, vì thế nhu cầu năng lượng cũng tăng từ 8,1% - 8,7%, thuộc nhóm những nước tiêu thụ năng lượng tương đối lớn so với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, cán cân cung - cầu năng lượng của Việt Nam có dấu hiệu mất cân đối, việc chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng theo hướng tiết kiệm, tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo, năng lượng mới ở Việt Nam vẫn còn chậm, chưa hiệu quả. Vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với Việt Nam là tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo, bảo đảm an ninh năng lượng, cung cấp đủ, ổn định năng lượng cho nền kinh tế và sinh hoạt xã hội. Trong bối cảnh đó, từ kinh nghiệm quốc tế đã phân tích ở trên, có thể rút ra một số vấn đề tham khảo.
Một là, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ngoại giao năng lượng.
Trước đây, khi đề cập tới vấn đề năng lượng ở Việt Nam, phần lớn chỉ nói về an ninh năng lượng. Gần đây đã có những quan tâm về ngoại giao năng lượng, nhưng cũng có quan điểm cho rằng, Việt Nam có nguồn năng lượng dồi dào, thậm chí xuất khẩu than đá, dầu mỏ nên không cần đến ngoại giao năng lượng. Thực tế, tuy Việt Nam là quốc gia xuất khẩu năng lượng, nhưng cũng là nước nhập khẩu lớn về dầu, thậm chí cả than đá.. Việc giá xăng dầu trong nước thay đổi trong thời gian gần đây cho thấy, cần coi trọng không chỉ an ninh năng lượng, mà còn cả ngoại giao năng lượng, bởi an ninh năng lượng có mối quan hệ chặt chẽ với ngoại giao năng lượng. Không chỉ vậy, an ninh năng lượng không phải là vấn đề riêng lẻ của quốc gia nào, vì vậy muốn bảo đảm an ninh năng lượng cần có ngoại giao năng lượng. Việc tiến hành ngoại giao năng lượng hiện nay không chỉ đáp ứng năng lượng cho phát triển, mà còn phải bảo đảm năng lượng sạch, hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu. Vì thế, Việt Nam cần đẩy mạnh hội nhập quốc tế về năng lượng, xây dựng trụ cột ngoại giao năng lượng trong chính sách đối ngoại.
Hai là, ngoại giao năng lượng luôn gắn với chính trị.
Trong lịch sử thế giới, năng lượng là tâm điểm của các chính sách đối ngoại. Các nguồn năng lượng là một trong những vấn đề địa - chính trị quan trọng nhất vào đầu thế kỷ XXI. Hiện nay, cuộc đua chiếm hữu những nguồn năng lượng diễn ra cả trong ngoại giao, kinh tế và các cuộc xung đột vũ trang. Đơn cử như tại Hội nghị An ninh Munich lần thứ 59 tổ chức tại thành phố Mu-ních (Đức, tháng 2-2023), năng lượng tiếp tục là chủ đề nóng. Từ thực tế trên, với vị trí địa - chiến lược và nhu cầu năng lượng ngày càng cao, việc Việt Nam ngày càng quan tâm đến ngoại giao năng lượng đồng nghĩa với việc phải quan tâm đến những vấn đề chính trị gắn liền với năng lượng. Nếu tách riêng vấn đề năng lượng thì nhiều khi không thể đi đến kết quả, thậm chí còn khó khăn hơn.
Ba là, gắn công tác ngoại giao năng lượng với công tác ngoại giao kinh tế.
Đối với Việt Nam, cả ngoại giao kinh tế và ngoại giao năng lượng đều là những lĩnh vực mới. Tuy nhiên, trong thời gian qua, ngoại giao kinh tế đã có những đóng góp hết sức quan trọng, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp tháo gỡ nhiều rào cản, thúc đẩy nhiều dự án hợp tác trọng điểm với các đối tác quan trọng, đồng thời nỗ lực khai thác nhiều thị trường tiềm năng, thu hút đầu tư nước ngoài. Trong quá trình hoạt động ngoại giao kinh tế, có những hoạt động cụ thể liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến năng lượng. Ngược lại, ngoại giao năng lượng cũng liên quan chặt chẽ đến các hoạt động kinh tế. Vì thế, gắn hai lĩnh vực này với nhau là cần thiết, thực hiện hiệu quả phương hướng, nhiệm vụ của ngành ngoại giao trong triển khai toàn diện và gắn kết chặt chẽ các trụ cột, binh chủng ngoại giao, đưa đối ngoại và ngoại giao trở thành một động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Bốn là, tăng cường hợp tác quốc tế về vấn đề năng lượng.
Trên thực tế, hợp tác quốc tế về năng lượng đã có từ lâu, là một nội dung quan trọng của nhiều quốc gia. Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thì từ khai thác đến sử dụng năng lượng của mỗi quốc gia đều liên quan đến quốc tế. Hợp tác quốc tế về năng lượng là cơ hội để Việt Nam tiếp thu kinh nghiệm các nước trong phát hiện các nguồn năng lượng mới, sử dụng hiệu quả năng lượng, đặc biệt là học hỏi công nghệ lưu trữ năng lượng, giảm thiểu mức hao phí trong truyền tải năng lượng, kinh nghiệm trong quản lý, xây dựng, đào tạo nhân lực phục vụ sản xuất năng lượng mới. Việc hợp tác cũng sẽ giúp hình thành mạng lưới các thị trường tiêu thụ, ổn định nguồn cung, chia sẻ thông tin để bảo đảm tính minh bạch của các dự án năng lượng mới. Để nâng cao hiệu quả hợp tác, Việt Nam tích cực hiện thực hóa các cam kết đã tham gia. Việt Nam cũng cần chủ động đưa ra các cơ chế hợp tác, chia sẻ nguồn dự trữ năng lượng với các đối tác.
Năm là, nâng cao hiệu quả quản lý năng lượng.
Mặc dù năng lượng là vấn đề quan trọng, liên quan chặt chẽ đến nhiều lĩnh vực, nhưng việc sử dụng năng lượng ở Việt Nam chưa thật sự hiệu quả. Vì thế, cần nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp, cá nhân, nhằm giảm thiểu tình trạng khan hiếm năng lượng, nhất là vào những giai đoạn cao điểm. Mặt khác, Việt Nam cần có những quy hoạch chất lượng hơn. Đơn cử như việc phát triển năng lượng điện mặt trời. Mặc dù Việt Nam đã có quy hoạch phát triển điện mặt trời, nhưng việc triển khai còn nhiều bất cập, nên đã làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư và tác động tiêu cực đến việc kết nối các dự án điện mặt trời vào hệ thống điện quốc gia.
Sáu là, chủ động nguồn cung từ thị trường nội địa.
Ngoại giao năng lượng là thiết lập quan hệ hợp tác với các đối tác bên ngoài về năng lượng. Bên cạnh mặt tích cực, mối quan hệ này cũng dễ rơi vào tình trạng phụ thuộc vào thị trường bên ngoài. Trong khi đó, các nguồn năng lượng của Việt Nam còn khá dồi dào, nhất là năng lượng tái tạo. Chẳng hạn về thủy điện, theo tính toán, Việt Nam có tổng công suất khoảng 35.000MW, tuy nhiên đến cuối năm 2020, mới khai thác được 19.500MW(16). Việt Nam cũng có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời là 360.000GW (về lý thuyết), 1.677,5GW (về kỹ thuật)(17). Song thực tế, năm 2020, Việt Nam mới khai thác được 9GW(18). Trong tương lai, giá điện mặt trời sẽ ngày càng giảm, đây là một thuận lợi cần tiếp tục khai thác nhiều hơn nữa. Về năng lượng gió, Việt Nam có tiềm năng công suất ước đạt 513.360MW, tức là bằng hơn 200 lần công suất của thủy điện Sơn La. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, tổng công suất điện gió đã được lắp đặt ở Việt Nam mới đạt 228MW. Ngoài ra, các loại năng lượng tái sinh khác, như địa nhiệt điện, điện sinh khối, điện thủy triều... của Việt Nam cũng còn khá lớn. Việc chủ động từ nguồn cung nội địa sẽ giảm bớt áp lực phụ thuộc thị trường thế giới, đúng như tinh thần của Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11-2-2020, của Bộ Chính trị, “Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, với mục tiêu tổng quát là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Như vậy, ngoại giao năng lượng đang ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - chính trị quốc tế. Chính vì vậy, nắm vững nội dung của ngoại giao năng lượng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để vận dụng vào thực tiễn của Việt Nam là cần thiết. Làm tốt công tác ngoại giao năng lượng không chỉ giúp Việt Nam có đủ nguồn lực để phát triển, mà còn mở rộng quan hệ quốc tế, nâng cao vị thế và sức mạnh của đất nước./.
---------------------------
(1) Marco Giuli: “Getting energy diplomacy right: a challenge starting at home” (Tạm dịch: Thực hiện chính sách ngoại giao năng lượng: Thách thức từ trong nước), Vocal Europe, ngày 27-10-2015, https://www.vocaleurope.eu/getting-energy-diplomacy-right-a-challenge-starting-at-home/
(2) Bovan, Ana.: “Negotiating Energy Diplomacy and its Relationship with Foreign Policy and National Security” (Tạm dịch: Đàm phán ngoại giao và mối quan hệ với chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia), Econjournal, ngày 21-1-2020, https://www.econjournals.com/index.php/ijeep/article/view/8754
(3) Muhammad Rizki Kresnawan. Energy Diplomacy: “A Vital Piece to Boost Renewable Energy Investment” (Tạm dịch: Ngoại giao năng lượng: Mảnh ghép quan trọng để thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái tạo), ASEAN Centre for Energy, ngày 30-7-2021, https://aseanenergy.org/energy-diplomacy-a-vital-piece-to-boost-renewable-energy-investment/
(4) Xem: Vũ Lê Thái Hoàng, Hàn Lam Giang: “An ninh năng lượng và ngoại giao năng lượng: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, số 1 (120), tháng 3-2020
(5) “U.S. Relations With Azerbaijan”, (Tạm dịch: Quan hệ Mỹ - A-déc-bai-gian” U.S Department of State, ngày 27-8-2021, https://www.state.gov/u-s-relations-with-azerbaijan/
(6) Phương Anh: “Giá LNG của Mỹ “trên trời””, VTC News, ngày 12-10-2022, https://vtc.vn/gia-lng-cua-my-tren-troi-chau-au-hut-hoi-truoc-bai-toan-nang-luong-ar706540.html
(7) “Đôn đáo “ngoại giao năng lượng” thế chân Nga, Mỹ gặp nhiều thách thức”, Cổng thông tin điện tử Sở ngoại vụ tỉnh Nghệ An, ngày 15-3-2023, https://ngoaivu.nghean.gov.vn/tin-quoc-te/don-dao-ngoai-giao-nang-luong-the-chan-nga-my-gap-nhieu-thach-thuc-486846
(8) Hữu Chiến: “Mỹ và Indonesia hợp tác phát triển năng lượng hạt nhân”, Trang điện tử Thông tấn xã Việt Nam, ngày 19-3-2023, https://www.vietnamplus.vn/my-va-indonesia-hop-tac-phat-trien-chuong-trinh-nang-luong-hat-nhan/852076.vnp
(9) Ngọc Vân: “Khách hàng tiềm năng của trung tâm khí đốt Nga - Thổ Nhĩ Kỳ”, Trang thông tin báo Lao động, ngày 29-12-2022, https://laodong.vn/tu-lieu/khach-hang-tiem-nang-cua-trung-tam-khi-dot-nga-tho-nhi-ky-1132185.ldo
(10) Huệ Bình: “Nga vững vàng trong vòng xoáy năng lượng?”, Trang thông tin báo Người Lao động, ngày 13-3-2022, https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nga-vung-vang-trong-vong-xoay-nang-luong-20220313093000352.htm
(11) Bảo Huy: “Ngoại giao khí đốt của Nga làm suy yếu trừng phạt của phương Tây”, Trang thông tin Vietnamnet, ngày 29-10-2022, https://vietnamnet.vn/ngoai-giao-khi-dot-cua-nga-dang-lam-suy-yeu-bien-phap-trung-phat-cua-phuong-tay-2074652.html
(12) Nhật Minh: “Hội nghị thượng đỉnh Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ”, Quốc phòng Thủ đô online, ngày 26-7-2022, http://quocphongthudo.vn/quoc-te/su-kien/hoi-nghi-thuong-dinh-nga-iran-tho-nhi-ky.html
(13) Phương Hồ: “Tổng thống Nga ủng hộ thành lập cơ cấu điều phối năng lượng trong EAEU”, Trang điện tử Thông tấn xã Việt Nam, ngày 9-12-2022, https://www.vietnamplus.vn/tong-thong-nga-ung-ho-thanh-lap-co-cau-dieu-phoi-nang-luong-trong-eaeu/834980.vnp
(14) Bảo Huy: “Ngoại giao khí đốt của Nga làm suy yếu trừng phạt của phương Tây”, Trang thông tin Vietnamnet, ngày 29-10-2022, https://vietnamnet.vn/ngoai-giao-khi-dot-cua-nga-dang-lam-suy-yeu-bien-phap-trung-phat-cua-phuong-tay-2074652.html
(15) “Nga - Trung bắt tay phát triển hệ thống thanh toán để loại bỏ SWIFT”, Trung tâm WTO và hội nhập, Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam, ngày 30-11-2022, https://trungtamwto.vn/tin-tuc/22275-nga--trung-bat-tay-phat-trien-he-thong-thanh-toan-de-loai-bo-swift
(16) Bùi Huy Phùng: “Thủy điện Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu”, Trang thông tin của Cơ quan của Hiệp hội năng lượng Việt Nam, ngày 14-7-2021, https://nangluongvietnam.vn/thuy-dien-viet-nam-trong-boi-canh-bien-doi-khi-hau-26864.html
(17) Nguyễn Anh Tuấn: “Tiềm năng điện mặt trời tại Việt Nam”, Báo Điện tử Chính phủ, ngày 2-1-2020, https://baochinhphu.vn/tiem-nang-dien-mat-troi-tai-viet-nam-102277349.htm
(18) Đặng Hoàng Hợp: “Phát triển điện mặt trời tại Việt Nam: Hiện trạng và những rào cản”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam điện tử, ngày 17-11-2021, https://vjst.vn/vn/tin-tuc/5579/phat-trien-dien-mat-troi-tai-viet-nam--hien-trang-va-nhung-rao-can.aspx