11/01/2025 lúc 07:48 (GMT+7)
Breaking News

Ngoại giao kinh tế phát huy vai trò là động lực quan trọng cho phát triển đất nước nhanh và bền vững

Thời gian qua, công tác ngoại giao kinh tế được triển khai một cách bài bản và hiệu quả, đóng góp thực chất vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngoại giao kinh tế đã tích cực hỗ trợ kết nối, xúc tiến, quảng bá, tháo gỡ rào cản thương mại, thúc đẩy các hướng đi mới, qua đó mở rộng thị trường cho các ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp…

Từ sau Đại hội XIII của Đảng cho đến nay, tình hình thế giới trải qua nhiều biến động, bên cạnh những thuận lợi, cũng xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn trước, đặt ra những nhiệm vụ mới nặng nề và phức tạp cho công tác đối ngoại cũng như ngành ngoại giao. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, ngành Ngoại giao đã phát huy mạnh mẽ bản sắc ngoại giao cây tre Việt Nam, triển khai đồng bộ, sáng tạo trên cả 4 trụ cột thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao, trong đó có cả ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, ngoại giao văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân.

Đóng góp quan trọng của Ngoại giao kinh tế

Ngoại giao kinh tế có những đóng góp quan trọng, được thể hiện trên 3 nội dung: (1) Đóng góp duy trì cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước và đẩy mạnh thu hút nguồn lực phục vụ các động lực tăng trưởng; (2) Góp phần củng cố động lực tăng trưởng thông qua rà soát triển khai các thỏa thuận tự do hóa thương mại vừa ký kết, nâng cấp thỏa thuận đã có và chủ động đàm phán thỏa thuận mới; (3) Tích cực hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp, quyết liệt tháo gỡ vướng mắc trong các dự án với tinh thần lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Mới đây, phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo, được tổ chức tại Hà Nội ngày 18/7/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, việc Thủ tướng tổ chức Hội nghị với các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là với mục đích kết nối nền kinh tế Việt Nam với kinh tế thế giới, hỗ trợ doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, thúc đẩy tham gia vào chuỗi cung ứng, liên kết trên toàn cầu, góp phần thực hiện Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về ngoại giao kinh tế, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024 và cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Thủ tướng chỉ rõ, điều kiện hiện nay vẫn khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, vì vậy chúng ta không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác dù những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm rất đáng trân trọng, hoan nghênh. Theo Thủ tướng, kinh nghiệm rất quan trọng là càng khó khăn, áp lực thì càng phải nỗ lực hơn, phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, phân công công việc "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả"; khi tổ chức thực hiện phải kiểm tra, đánh giá, đôn đốc, rút kinh nghiệm…

Trong 36 hoạt động đối ngoại cấp cao từ đầu năm 2024 đến nay, nội dung kinh tế tiếp tục trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất, ký kết được nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác với các đối tác. Công tác rà soát tình hình thực hiện các cam kết, thỏa thuận quốc tế được triển khai quyết liệt với cơ chế họp định kỳ hàng tháng, với gần 400 thỏa thuận của các bộ, ngành và các địa phương được rà soát, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai và tháo gỡ vướng mắc...

Công tác ngoại giao kinh tế thời gian qua đã có sự chuyển biến mạnh mẽ từ tư duy, nhận thức đến hành động trong các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, thực sự trở thành nhiệm vụ trung tâm của toàn ngành Ngoại giao và đạt nhiều kết quả tích cực; thể hiện ở những mặt sau:

1. Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các bộ, ngành tổ chức hiệu quả các hoạt động đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại cấp cao, góp phần làm sâu sắc quan hệ kinh tế với các đối tác, tranh thủ tối đa các nguồn lực và duy trì cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước.

2. Ngành ngoại giao đóng góp tích cực vào đẩy mạnh hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế; tích cực vận động, thu hút các nguồn lực phục vụ các động lực tăng trưởng mới, các nguồn tài chính xanh, đầu tư phục vụ chuyển đổi năng lượng, công nghệ cao...

3. Ngành Ngoại giao tích cực đồng hành, hỗ trợ các ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp. Mới đây, Bộ Ngoại giao cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký và triển khai Kế hoạch hành động triển khai công tác Ngoại giao kinh tế đóng góp thúc đẩy phát triển ngành Nông nghiệp giai đoạn 2023-2026; thúc đẩy các hướng hợp tác mới, mang tính đột phá như phát triển ngành Halal, hợp tác nông nghiệp ba bên...

Ngoại giao kinh tế tiếp tục phát huy vai trò là động lực quan trọng cho phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp đưa ngoại giao kinh tế lên tầm cao mới

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngoại giao kinh tế có lúc chưa thực sự nhạy bén, sáng tạo; hợp tác kinh tế với một số địa bàn chiến lược còn chưa tương xứng với khuôn khổ quan hệ, khâu xử lý và tháo gỡ vướng mắc trong một số dự án chưa thực sự quyết liệt, rốt ráo; nỗ lực khai thác thị trường tiềm năng chưa có nhiều kết quả cụ thể mang tính đột phá; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đôi lúc còn chưa đồng bộ, có độ trễ…

Để ngoại giao kinh tế đạt những thành quả lớn và bền vững:

1. Công tác ngoại giao kinh tế thời gian tới cần tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, các giải pháp, nhiệm vụ nêu trong văn kiện Đại hội Đảng XIII như Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030, đặc biệt trong đó là phương châm “Xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân Việt Nam trong các tranh chấp kinh tế, thương mại và đầu tư quốc tế”. Chỉ thị 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư là định hướng quan trọng cho công tác ngoại giao kinh tế trong giai đoạn phát triển chiến lược mới của đất nước.

2. Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả, thực chất các hoạt động đối ngoại cấp cao, lồng ghép nội hàm kinh tế và công nghệ vào chương trình nghị sự; rà soát định kỳ, đôn đốc tiến độ triển khai các cam kết, thỏa thuận; thúc đẩy các động lực tăng trưởng, đặc biệt là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao hàm lượng dự báo trong nghiên cứu, tham mưu phục vụ Chính phủ điều hành kinh tế-xã hội, tập trung vào các xu thế phát triển mới trên thế giới và trong khu vực; tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp; cung cấp cho doanh nghiệp nhiều thông tin hơn về nhu cầu, tiềm năng hợp tác, các chính sách pháp luật liên quan kinh tế của các nước… nhằm thúc đẩy hoạt động ngoại giao kinh tế thiết thực, hiệu quả hơn.

3. Các địa phương, doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn sự kết nối với các cơ quan đại diện ở nước ngoài, tập trung phát triển, nâng cao chất lượng, xuất khẩu những sản phẩm thế mạnh, có khả năng cạnh tranh, những mặt hàng mà thế giới có nhu cầu, các sản phẩm, mặt hàng đặc sản, đáp ứng yêu cầu phát triển, yêu cầu chuyển đổi xanh của các nước, giải quyết bài toán trước mắt và cả lâu dài. Các bộ ngành làm tốt chức năng quản lý nhà nước, định hướng sự phát triển, công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch vùng nguyên liệu phù hợp xu thế phát triển của thế giới. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phải bám sát yêu cầu phát triển đất nước và nhu cầu của các doanh nghiệp, địa phương trong nước, làm tốt việc kết nối kinh tế thế giới với nền kinh tế Việt Nam, kết nối doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam, kết nối các địa phương của các nước với các địa phương Việt Nam. Các cơ quan đại diện cần thúc đẩy quan hệ chính trị-ngoại giao, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; mở rộng thị trường, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, giao lưu nhân dân, du lịch./.

Ths. Phạm Quang Lam

...