12/01/2025 lúc 02:58 (GMT+7)
Breaking News

Ngoại giao kinh tế đóng góp tích cực vào phát triển của đất nước

Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 75 năm thành lập ngành Ngoại giao, ngày 7/12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo về công tác ngoại giao kinh tế. Nhân dịp này, đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao đã có bài viết đánh giá về quá trình hình thành...

Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 75 năm thành lập ngành Ngoại giao, ngày 7/12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo về công tác ngoại giao kinh tế. Nhân dịp này, đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao đã có bài viết đánh giá về quá trình hình thành, phát triển, các thành tựu quan trọng của công tác ngoại giao kinh tế và định hướng triển khai trong thời gian tới.

Ảnh minh họa

Ngoại giao kinh tế đóng góp tích cực vào phát triển của đất nước

Công tác ngoại giao kinh tế đã có một quá trình phát triển gần nửa thế kỷ, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước kể từ khi giành được độc lập. Đảng và Nhà nước ta, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam, đã sớm xác định phát triển kinh tế là một nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách đối ngoại của nước ta. Trong giai đoạn đất nước còn chia cắt, các Hội nghị Ngoại giao lần thứ 9 (năm 1970) và lần thứ 10 (năm 1971) đã đưa ra những nhận định mang tính chiến lược là Bộ Ngoại giao cần nghiên cứu mô hình kinh tế của các nước, thu thập tiến bộ khoa học-kỹ thuật, thúc đẩy hợp tác kinh tế với các nước trên thế giới ngay sau khi chiến tranh kết thúc. Những nhận thức và tầm nhìn nêu trên là tiền đề vững chắc cho quá trình hình thành và phát triển công tác ngoại giao kinh tế với nhiều thành tựu quan trọng sau này.

Từ chỗ tìm kiếm, mày mò, “vừa học, vừa làm”, ngoại giao kinh tế đã dần thống nhất được nhận thức, nội hàm và phương châm thực hiện “đột phá, mở đường, tham mưu, song hành và đôn đốc” và trở thành một trong ba trụ cột quan trọng của nền ngoại giao toàn diện Việt Nam. Chỉ thị số 41-CT/TW của Ban Bí thư ngày 15/4/2010 về tăng cường công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và các chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế vào các năm 2007, 2014, 2017 đã giúp công tác ngoại giao kinh tế có cơ sở, phương hướng triển khai rõ ràng, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng hiệu quả yêu cầu về phát triển kinh tế của từng giai đoạn, thời kỳ cụ thể và đạt nhiều kết quả đáng tự hào.

Thành tựu mà công tác ngoại giao kinh tế có được như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và sự chung tay phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Thành công đó còn phải kể tới những đóng góp quan trọng và quý báu của thế hệ các đồng chí lãnh đạo và cán bộ trực tiếp làm công tác ngoại giao kinh tế qua các thời kỳ, đã say mê nghiên cứu, học hỏi, tìm tòi, sáng tạo và triển khai mạnh mẽ công tác ngoại giao kinh tế ngay từ những bước đi chập chững đầu tiên.

Những thành tựu quan trọng của công tác ngoại giao kinh tế đối với phát triển của đất nước

Nhìn lại chặng đường vẻ vang đã qua, công tác ngoại giao kinh tế đã thực sự có những đóng góp thiết thực và hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Thứ nhất, Ngoại giao tích cực tìm hiểu, nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế, các xu thế phát triển của kinh tế thế giới, từ đó tham mưu cho Đảng và Chính phủ trong công tác hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam. Giai đoạn những năm 80 của thế kỷ trước, Bộ Ngoại giao cũng là một trong những cơ quan đã mạnh dạn đề xuất các ý tưởng đổi mới và mang tính đột phá về kinh tế, góp phần khởi nguồn cho sự nghiệp đổi mới của nước ta. Từ đó đến nay, ngành Ngoại giao đã tiếp tục phát huy tốt vai trò là hệ thống ra-đa thu thập, nắm bắt thông tin thị trường, dự báo về các xu hướng phát triển, hội nhập quốc tế, những diễn biến kinh tế quan trọng để tham mưu, tư vấn đắc lực cho Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Thứ hai, nỗ lực tìm kiếm các nguồn lực cho phát triển kinh tế đất nước. Ngoại giao góp phần thiết lập quan hệ thương mại với hơn 224 quốc gia và vùng lãnh thổ, mở ra những thị trường xuất khẩu tiềm năng, đóng góp vào việc tăng kim ngạch thương mại từ 2,9 tỷ USD vào năm 1986 lên trên 500 tỷ USD vào năm 2019. Ngoại giao cũng tích cực vận động, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các đối tác hàng đầu trên thế giới, góp phần đưa FDI tăng từ 1,6 triệu USD (năm 1986) lên 38 tỷ USD vào năm 2019. Thông qua vận động chính trị-ngoại giao, các đối tác phát triển lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu… cũng đã dành cho Việt Nam nhiều dự án viện trợ phát triển chính thức (ODA) trong các lĩnh vực then chốt như cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục…, góp phần thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Thứ ba, chủ động và tích cực xây dựng, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam năng động, đổi mới, phát triển qua việc tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, văn hóa ở trong và ngoài nước, đa dạng và phong phú về hình thức, chủ đề, quy mô và đối tượng. Các hoạt động xúc tiến quảng bá bên lề các hoạt động cấp cao, các sự kiện xúc tiến tổng hợp như chuỗi Tuần/Ngày Việt Nam ở nước ngoài, các hội nghị, tọa đàm, sự kiện quảng bá về đầu tư, thương mại, du lịch do các Cơ quan đại diện tổ chức, đã phát huy hiệu quả tối đa, góp phần khẳng định với bạn bè thế giới về một Việt Nam phát triển, năng động, giàu bản sắc, giúp mở ra những cơ hội lớn về hợp tác kinh tế cho đất nước.

Thứ tư, thúc đẩy quá trình hội nhập của đất nước qua việc làm sâu sắc quan hệ với các đối tác, tạo đan xen lợi ích, kiến tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế; đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc và tạo lập khuôn khổ quan hệ ổn định với 30 đối tác chiến lược và toàn diện. Ngoại giao chủ động lồng ghép nội dung hợp tác kinh tế vào tiếp xúc cấp cao, đồng thời tích cực hỗ trợ, đôn đốc, thúc đẩy nhằm cụ thể hoá các thoả thuận, cam kết cấp cao. Bộ Ngoại giao cũng tích cực tham gia vận động, đàm phán, ký kết và đưa vào thực thi 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều đối tác then chốt, trong đó có các FTA thế hệ mới và quan trọng như CPTPP, EVFTA, RCEP, mang lại nhiều cơ hội to lớn về thương mại, đầu tư, công nghệ, lao động cho đất nước, góp phần đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong các liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu.

Trong quá trình đó, Ngoại giao đã quan tâm bảo hộ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và người dân Việt Nam trong hợp tác quốc tế; hỗ trợ xử lý các tranh chấp thương mại, bảo vệ lợi ích của lao động Việt Nam ở nước ngoài, qua đó tạo niềm tin và động viên khích lệ đáng kể đối với các doanh nghiệp, người dân tiếp tục yên tâm lao động và mở rộng kinh doanh tại nước ngoài.

Thứ năm, Ngoại giao chủ động, đi đầu trong tham mưu, đề xuất về sự tham gia và đóng góp sáng kiến của Việt Nam tại các tổ chức, cơ chế hợp tác kinh tế đa phương như ASEAN, APEC, WTO, hợp tác tiểu vùng, WEF, ASEM, G7, G20, OECD…, giúp tiếp cận các nguồn lực phát triển và bảo vệ các lợi ích thiết thực của đất nước.

Việc Việt Nam gần đây đảm nhiệm thành công nhiều trọng trách (Chủ tịch ASEAN 2010, 2020; Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc giai đoạn 2008-2009, 2020-2021…) cũng như tổ chức thành công nhiều sự kiện đa phương và quốc tế quan trọng (APEC 2006, 2017, WEF ASEAN 2018, Cấp cao Mỹ-Triều 2019…) đã giúp nâng tầm ngoại giao đa phương, tạo môi trường thuận lợi hơn cho hợp tác và phát triển, đồng thời góp phần xây dựng hình ảnh một Việt Nam tích cực, chủ động, trách nhiệm và uy tín trên trường quốc tế.

Thứ sáu, công tác ngoại giao kinh tế không chỉ là một trụ cột công tác của Bộ Ngoại giao mà là công tác phục vụ phát triển kinh tế của cả nước; vì vậy, công tác phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp được Bộ Ngoại giao coi trọng và quan tâm triển khai thực chất trong thời gian qua.

Theo đó, ngành Ngoại giao đã tích cực hợp tác, hỗ trợ, song hành cùng các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong xúc tiến kinh tế đối ngoại và hội nhập quốc tế, giúp tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất-nhập khẩu, kết nối với các đối tác tiềm năng, thu hút đầu tư, thúc đẩy du lịch và chuyển giao công nghệ… qua đó cùng nhau tạo nên những thành tựu chung và quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước.

Nhiệm vụ của công tác ngoại giao kinh tế trong tình hình mới

Bối cảnh quốc tế và khu vực hiện đang tiếp tục chuyển biến nhanh, phức tạp và khó lường với những biến động mạnh mẽ và chưa có tiền lệ như chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, đại dịch Covid-19, xu hướng chuyển dịch đầu tư và chuỗi sản xuất, cung ứng…, đất nước ta cũng đang bước vào giai đoạn phát triển mới và thời kỳ mới của hội nhập quốc tế. Điều này đặt ra cả những thách thức và cơ hội mới, đồng thời đòi hỏi công tác ngoại giao kinh tế tới đây sẽ phải đổi mới mạnh mẽ về cách làm để đáp ứng được tình hình mới và tiếp tục nâng cao hiệu quả.

Công tác ngoại giao kinh tế thời gian tới cần tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, các giải pháp, nhiệm vụ nêu trong dự thảo các văn kiện dự kiến trình Đại hội Đảng XIII như Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025, đặc biệt trong đó là phương châm “Xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân Việt Nam trong các tranh chấp kinh tế, thương mại và đầu tư quốc tế”.

Về các nhiệm vụ cụ thể, công tác ngoại giao kinh tế trong giai đoạn mới cần tập trung triển khai một số trọng tâm chính sau:

(i) Tiếp tục bám sát tình hình, xu thế phát triển của kinh tế thế giới để nhanh nhạy và kịp thời tham mưu Đảng và Chính phủ những giải pháp, nhiệm vụ phát triển kinh tế phù hợp với bối cảnh khu vực và thế giới và các lợi ích chiến lược của đất nước.

(ii) Tận dụng tốt và phát huy hiệu quả vai trò và vị thế của đất nước hiện nay mà các thế hệ đã dày công gây dựng để huy động và vận dụng tối đa các nguồn lực cho phát triển đất nước.

(iii) Bắt kịp với xu hướng của thời đại, tăng cường sử dụng những công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao hơn nữa hiệu quả triển khai công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ.

(iv) Quan tâm, chú trọng và đầu tư hơn nữa cho công tác đào tạo cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác ngoại giao kinh tế theo hướng bài bản, chuyên nghiệp, hiện đại và tâm huyết với công việc.

Bên cạnh đó, công tác ngoại giao kinh tế không phải là nhiệm vụ riêng của ngành Ngoại giao mà cần có sự phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Ngành Ngoại giao không thể một mình làm thay mà luôn cần gắn kết, hợp tác chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong các hoạt động kinh tế đối ngoại nhằm huy động và tạo sức mạnh tổng thể, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế, thúc đẩy hiệu quả hội nhập quốc tế và không ngừng nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam./.

Đồng chí Bùi Thanh Sơn - Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao