16/10/2024 lúc 07:17 (GMT+7)
Breaking News

Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

Ba Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) là: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Những kết quả quan trọng

Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được Quốc hội thông qua chủ trương tại Nghị quyết số 25/2021/QH15, có tổng kinh phí tối thiểu là 196.332 tỷ đồng. Ngoài chính sách chung, Chương trình còn có 6 chuyên đề trọng tâm, được thực hiện trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố cả nước. Chương trình xây dựng NTM luôn bám sát mục tiêu: “gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững”. Tổ chức bộ máy thực hiện Chương trình nông thôn mới được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương. Công tác lập kế hoạch, phân bổ vốn đảm bảo nguyên tắc và đúng theo quy định.

Tính đến tháng 4 năm 2024, cả nước có khoảng 78% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 1.860 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 902 xã so với cuối năm 2022) và 340 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (tăng 229 xã so với cuối năm 2022); tiêu chí bình quân cả nước đạt 17,1 tiêu chí/xã. Có 283 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã đươc Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 43,9% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước, trong đó đã có 03 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Có 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 04 tỉnh so với cuối năm 2022). Trong tổng số 15 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và 100% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới, có 05 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Các chương trình chuyên đề trong thực hiện NTM được quan tâm thực hiện, đa số các địa phương đều ban hành các kế hoạch để triển khai. Nhiều chương trình đã được phê duyệt danh mục thực hiện mô hình thí điểm như: Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” có 31 mô hình thí điểm; Chương trình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn có 20 mô hình thí điểm; Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới đã có 08 nhiệm vụ được Văn phòng Điều phối NTM Trung ương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nội dung; Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh có 15 mô hình thí điểm; Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới có 48 mô hình thí điểm; Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025 đã được Bộ Công an đã ban hành các kế hoạch để triển khai thực hiện đồng thời chủ động rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình và nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn tiêu chí về ANTT trong xây dựng NTM, sửa đổi bổ sung các văn bản về xác định xã trọng điểm phức tạp về ANTT phù hợp với tình hình thực tế.

Về Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 24/2021/QH15 của Quốc hội, có tổng vốn tối thiểu là 75.000 tỷ đồng. Chương trình gồm 7 dự án với 11 tiểu dự án, được thực hiện trên địa bàn cả nước. Kết quả triển khai thực hiện Chương trình đã cơ bản bám sát mục tiêu “Thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững”; tuân thủ các nguyên tắc, giải pháp theo Nghị quyết 24. Nhiều địa phương có mô hình hay, cách làm sáng tạo đạt hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện… Từ kết quả thực hiện các mục tiêu và chỉ tiêu của Chương trình, Bộ LĐTB&XH dự kiến năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 ước còn 2,93%, giảm 1,1% so với năm 2022; Tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm từ 5-6%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Quốc hội phê duyệt Chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 120/2020/QH14, có kinh phí tối thiểu làm tròn là 137.664 tỷ đồng, gồm 10 dự án, 14 Tiểu dự án thực hiện trên địa bàn 49 tỉnh. Trong thời gian qua, quá trình triển khai thực hiện đã bám sát mục tiêu tổng quát của Chương trình là “Giảm nghèo nhanh, bền vững, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn, sắp xếp ổn định dân cư, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, thu hẹp dần khoảng cách mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước...”. Chương trình thực hiện đã tích hợp trên 118 văn bản chính sách dân tộc ở giai đoạn trước, do đó bước đầu khắc phục được tình trạng manh mún, dàn trải để tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết những vấn đề cấp thiết về kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng đặc biệt khó khăn. Đến nay, các văn bản sửa đổi, bổ sung cho văn bản quy định cơ chế chính sách khung và hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình MTQG DTTS và MN đã hoàn thành và ban hành.

Theo tổng hợp từ các địa phương có báo cáo, đến ngày 31/5/2023, kết quả giải ngân nguồn vốn được giao giai đoạn 2021-2023 thực hiện Chương trình là hơn 7.800 tỷ đồng, đạt 18,54%.  Một số chỉ tiêu ước đến 31/12/2023 hoàn thành, vượt mục tiêu kế hoạch giao bao gồm: Tỉ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số bình quân đạt 3,40% (đạt so với mức trên 3% mục tiêu kế hoạch giao); tỉ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỉ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề; tỉ lệ học sinh trong độ tuổi học tiểu học, THCS, THPT đến trường, người từ 15 tuổi trở lên đọc thông viết thạo tiếng phổ thông; tỉ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; thôn có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng; tỉ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự hỗ trợ của nhân viên y tế…

Một số bất cập, hạn chế

Bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, 3 Chương trình MTQG cũng còn những hạn chế, tập trung cả trong lĩnh vực cơ chế, chính sách liên quan và cả trong tổ chức thực hiện:

- Khối lượng các văn bản hướng dẫn về cơ chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG là rất lớn. Tuy nhiên, như đánh giá của Chính phủ: Một số văn bản quy định khung và hướng dẫn thực hiện dự án, tiểu dự án đã sớm được ban hành, nhưng còn vướng mắc, bất cập nên các cơ quan tham mưu xây dựng, ban hành đã nỗ lực tiếp thu, sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, nhất là cấp cơ sở để vừa đồng bộ với các quy định hiện hành còn hiệu lực, vừa hướng dẫn cụ thể và phù hợp với điều kiện triển khai của địa phương.

- Mặt khác, các cơ quan bộ, ngành liên quan còn hạn chế trong quản lý và tổ chức thực hiện các Chương trình, nhất là việc chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền quản lý, nội dung chưa rõ ràng , khó thực hiện, có nội dung trích dẫn dẫn đến nhiều văn bản khác. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo chung Chương trình các cấp tuy đã được kiện toàn, thành lập song cơ chế quản lý, chỉ đạo, lãnh đạo vẫn theo tính chất ngành dọc của từng cơ quan; hiệu quả phối hợp liên ngành (theo chiều ngang) chưa thật sự chuyển biến rõ nét.  Vẫn còn có sự chồng lấn về địa bàn, nội dung thực hiện Chương trình (nhất là Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình dân tộc) ở các tỉnh vùng dân tộc thiểu số. Kết quả giảm nghèo chưa đạt được mục tiêu đa chiều, chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao; đời sống của một bộ phận người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai còn nhiều khó khăn; chênh lệch về thu nhập, mức độ giảm nghèo và khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền còn lớn. Nguồn vốn bố trí cũng chưa tương xứng so với mục tiêu, yêu cầu đặt ra; tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương cả 3 Chương trình còn chậm, nhất là vốn sự nghiệp…. 

- Quá trình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia ở nhiều địa phương còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn như: Nguồn vốn giao lớn nhưng hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn các nội dung thực hiện chưa có, như tiểu dự án 1, dự án 9 thuộc Nghị quyết 88/2019/QH14 (Nghị quyết 88) về hỗ trợ nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, hàng năm bố trí vốn lớn song đến nay chưa có quy định, hướng dẫn chi cụ thể. Một số nội dung cần chi theo thực tế nhưng văn bản không quy định. Như: Tiểu dự án 1, dự án về hỗ trợ phát triển lâm nghiệp, hàng năm bố trí vốn lớn (năm 2022 hơn 51 tỷ đồng, năm 2023 hơn 44 tỷ đồng) nhưng thiếu nội dung chi phù hợp với địa phương, dẫn đến "thừa tiền". Thông tư 12/2022/TT-BNNPTNT cho phép chi 6 nội dung, tuy nhiên do điều kiện thực tế địa phương, nhiều khi không áp dụng được đủ các nội dung quy định. Bên cạnh đó, một số dự án được cấp vốn lớn song văn bản quy định về nội dung, định mức chi ban hành muộn, gây áp lực giải ngân cho địa phương.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình MTQG

- Để nâng cao hiệu quả thực hiện các Chương trình MTQG, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan (luật, nghị định, thông tư….) phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời có cơ chế đặc thù vùng miền để việc triển khai thực hiện các dự án phù hợp với đặc điểm từng địa phương.

- Ngày 13/10/2023, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Chính phủ đã đề xuất những giải pháp, bao gồm: Chính phủ đề xuất trình Quốc hội quyết định cho phép HĐND cấp tỉnh được quyết định việc phân cấp cho UBND cùng cấp quyết định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, kế hoạch, mô hình phát triển sản xuất trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đề xuất thứ hai là, Quốc hội giao đại diện cộng đồng người dân tự thực hiện việc mua sắm, chủ trì liên kết, tự quyết định hình thức mua sắm; đồng thời, tài sản hình thành sau hỗ trợ (nếu có) được chuyển giao cho chủ trì liên kết, cộng đồng người dân quản lý, sử dụng trong suốt vòng đời dự án. Đề xuất cho phép các địa phương phân bổ, giao dự kiến tổng nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công trung thực hiện các dự án quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp theo cơ chế đặc thù; chưa bắt buộc giao tên danh mục dự án, quy mô dự án cụ thể. Đề xuất nữa của Chính phủ là quy định cho phép các địa phương được sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách tự cân đối của địa phương ủy thác qua hệ thống ngân hàng chính sách để cho các đối tượng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia vay vốn tín dụng ưu đãi trong thực hiện một số nội dung, hoạt động thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia./.

Ths. Lê Đình Ban

...