11/01/2025 lúc 08:06 (GMT+7)
Breaking News

Nghịch lý giá lợn hơi, giá thành phẩm và câu hỏi vì sao?

Giá lợn hơi giảm sâu trong thời gian qua khiến người chăn nuôi lao đao, thế nhưng, giá thành phẩm đến tay người tiêu dùng lại giảm không đáng kể, khiến họ vẫn phải chi một khoản lớn cho thực phẩm này.

VNHN - Giá lợn hơi giảm sâu trong thời gian qua khiến người chăn nuôi lao đao, thế nhưng, giá thành phẩm đến tay người tiêu dùng lại giảm không đáng kể, khiến họ vẫn phải chi một khoản lớn cho thực phẩm này.

Ảnh minh họa - Internet

Giá lợn hơi lao dốc

Tính đến cuối tháng 9 đầu tháng 10/2021, tổng đàn lợn cả nước ước đạt trên 28 triệu con (đứng thứ 6 thế giới), tăng 5%. Sản lượng thịt lợn hơi 9 tháng đạt khoảng 2,9 triệu tấn.

Trong bối cảnh thị trường đang ở giai đoạn sản lượng thịt lợn dư thừa thì thu nhập của người chăn nuôi lại lao đao do giá xuống.

Theo báo cáo của các bộ, ngành chức năng, từ đầu năm đến nay, giá lợn hơi liên tục giảm, đặc biệt từ tháng 9 đến nay, giá lợn hơi giảm mạnh (tháng 3, 4 giá 70.000-75.000 đồng/kg; tháng 8, 9/2021 giá còn 42.000-50.000 đồng; đến thời điểm hiện tại, dao động 35.000-45.000 đồng/kg, đặc biệt có một số địa phương giá xuống dưới 35.000 đồng/kg, 2-3 ngày vừa qua giá có tăng 2-3.000 đồng/kg).

Trong khi đó, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng tới 8 lần, có loại tăng tới 9 lần, trung bình mỗi lần tăng từ 3-5% (khoảng 30-35%).

“Đã thế, người chăn nuôi còn thêm gánh nặng khi giá thuốc thú y, giá thức ăn chăn nuôi đều tăng mạnh, làm giá thành lợn hơi lên tới 50.000-55.000 đồng/kg tuỳ quy mô chăn nuôi khiến người nuôi lỗ nặng”, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, nhận định.

Theo ông Dương, giá lợn hơi giảm mạnh dịp này không phải do cung vượt cầu, mà chủ yếu là bởi đứt gãy chuỗi cung ứng vì dịch Covid-19. Các tỉnh giãn cách xã hội, nhiều chợ phải tạm đóng cửa, một số khu giết mổ phải dừng hoạt động do có F0, cộng với thu nhập của người dân giảm nên chi tiêu tiết kiệm... Từ đó, kéo giá thịt lợn giảm sâu, lợn khó xuất chuồng hơn trước.

Còn theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, do dịch COVID-19, nhiều tỉnh thành trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các trường học, bếp ăn tập thể cơ bản là ngưng hoạt động; các nhà hàng, quán ăn, khách sạn, chợ đầu mối, chợ dân sinh không hoạt động; ... dẫn đến nhu cầu sử dụng thực phẩm giảm rõ rệt từ 30-50%.

Đến nay, mặc dù các địa phương đã trở lại trạng thái bình thường, tuy nhiên lượng nhân công lao động ở các địa phương vẫn chưa quay lại các thành phố lớn để làm việc, các trường học vẫn đóng cửa, các quán ăn mở đón khách với số lượng hạn chế, do vậy mức tiêu dùng thực phẩm vẫn còn hạn chế.

Trong khi đó, chu kỳ sản xuất, tăng trưởng, tái đàn vẫn diễn ra bình thường. Từ đó dẫn đến ứ đọng trong tiêu thụ sản phẩm. Người tiêu dùng vẫn phải trả giá cao

So với thời điểm tháng 3, 4 giá lợn hơi đã giảm tới 50%, có thời điểm xuống tới 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay là giá thịt lợn thành phẩm chưa giảm tương xứng do với giá lợn hơi.

Theo Vietnambiz, giá thịt lợn hôm nay (25/10) đồng loạt tăng tại Công ty Thực phẩm bán lẻ. Giá thịt heo tại Công ty Thực phẩm Tươi sống Hà Hiền tăng 3.000 đồng/kg trong phiên sáng đầu tuần. Hiện mức giá đang bán trong khoảng 58.000 - 143.000 đồng/kg. Trong đó, giá thịt ba rọi là 113.000 đồng/kg, sườn non 143.000 đồng/kg, sườn già 93.000 đồng/kg, thịt nạc vai 135.000 đồng/kg.

Giá thịt lợn của CP, Vissan, Sagrifood... tại các siêu thị hiện đang niêm yết như sau: thịt vai 123.000 đồng/kg, thịt cốt lết 119.000 đồng/kg, chân giò 105.000 đồng/kg; thịt nách 105.000 đồng/kg; thịt nạc vai, đùi 148.000 đồng/kg; xương đuôi heo 80.000 đồng/kg; xương bộ heo 50.000 đồng/kg; thịt đùi heo của CP là 104.000 đồng/kg.

Lý giải về nguyên nhân khiến giá lợn hơi rẻ nhưng giá thịt thành phẩm vẫn cao, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai khẳng định, chi phí cho việc vận chuyển, phân phối thịt đang qua nhiều khâu trung gian nên giá bị đẩy lên cao.

Trả lời cho câu hỏi giá thịt lợn ở chợ đã giảm mà giá ở siêu thị vẫn cao, ông Đoán cho rằng, đa phần siêu thị đều lấy thịt từ các chuỗi, đơn vị chăn nuôi lớn mà ở đây "không có can thiệp trực tiếp của ngành công thương về việc phân phối, lưu thông sao cho hợp lý" nên mới xảy ra tình trạng trên.

Đồng quan điểm, chuyên gia Vũ Vinh Phú chỉ ra, nếu trừ đi 10% VAT, giá thịt lợn ở một số siêu thị ở Hà Nội đang cao hơn 30% so với giá ở chợ. Với mức giá này, các siêu thị đang "móc đậm" tiền của người tiêu dùng.

"Thịt lợn đến tay người tiêu dùng phải qua quá nhiều khâu trung gian khiến giá bị đội lên. Hơn nữa, với mức chiết khấu cao ở siêu thị cũng là nguyên nhân tác động đến giá thịt lợn", vị chuyên gia này phân tích.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp đánh giá thực trạng chăn nuôi, tiêu thụ thịt lợn và giải pháp tăng cường quản lý, bình ổn thị trường nhằm bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi, người tiêu dùng, ổn định sản xuất, chiều 22/10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, mức chênh lệch giữa giá xuất chuồng và giá thành phẩm đến tay người tiêu dùng là bất hợp lý, “việc tìm ra nguyên nhân và tập trung chỉ đạo để giải quyết vấn đề này là rất cần thiết” bởi ảnh hưởng đến hàng chục triệu người dân./.